Cách đồng hành cùng con học tiếng Anh

Phần lớn phụ huynh Việt Nam không biết tiếng Anh của mình. Vậy nên, tiếng Anh thì ai cũng biết là cần thiết & quan trọng nhưng để đồng hành cùng con học tiếng Anh thì vẫn là một bài toán khó với nhiều ba mẹ. Trong bài viết hôm nay, Monkey sẽ giúp ba mẹ tìm lời giải cho bài toán này.

Thực tế, có khá nhiều phụ huynh [thuộc thế hệ 8X 9X đời đầu] không biết tiếng Anh. Một số biết cơ bản, số khác thậm chí còn chưa tiếp xúc. Nhiều ba mẹ cũng được học tiếng Anh nhưng việc học lại không “ra ngô ra khoai” khiến họ tự ti về trình độ của mình. Không chỉ vậy, tâm lý sợ dạy con sai cũng khiến nhiều ba mẹ e ngại khi đồng hành học tiếng Anh cùng con.

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn được đọc những câu chuyện dở khóc dở cười chia sẻ trong các cộng đồng làm cha mẹ, họ than thở rằng cô giáo dặn mẹ về nhà đừng dạy con vì lên lớp cô sửa sai còn mất công hơn…

Chính bởi khả năng ngôn ngữ hạn chế cùng tâm lý sợ dạy con sai nên rất nhiều ba mẹ đợi đến khi con vào lớp 1, nghĩa là khi con 6 tuổi mới bắt đầu cho con học với thầy cô giáo mà không biết rằng mình đã bỏ lỡ “giai đoạn vàng” giúp con học tiếng Anh tốt nhất.

Ba mẹ - người bạn học tốt nhất của con

Giao phó việc học tiếng Anh của con cho thầy cô hay trung tâm có lẽ là cách dễ nhất, nhưng không phải là cách tốt nhất. Đến đây, nhiều ba mẹ sẽ băn khoăn tại sao thầy cô chưa hẳn là người đồng hành tốt nhất của con mà lại là chính mình - người thậm chí không có chuyên môn về tiếng Anh?

Thứ nhất, vì thời điểm con dễ tiếp thu tiếng Anh & hiệu quả cao nhất là khi con từ 0-6 tuổi - khi con thậm chí chưa đi học lớp 1 - trong giai đoạn “thời kì cửa sổ cơ hội” của con.

Theo bà Elaine Schneider - một chuyên gia ngôn ngữ trẻ em nổi tiếng tại Mỹ, trẻ em càng tiếp xúc với tiếng Anh sớm thì khả năng ngôn ngữ càng phát triển tốt. Và điều này đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Não bộ của trẻ từ 0-6 tuổi cũng như một miếng bọt biển, có khả năng tiếp thu lượng kiến thức khổng lồ.

Thứ hai, ba mẹ là người hiểu con, gần gũi & dành thời gian nhiều nhất cho con. Chìa khóa để học ngôn ngữ hay bất cứ thứ gì với trẻ chính là sứ hứng thú. Ba mẹ cũng là người hiểu rõ tâm lý con thích gì và làm sao để khích lệ, tạo động lực cho con tốt nhất. Ba mẹ có thể sẵn sàng cùng con học, cùng con sửa sai, tạo cảm giác con như có bạn đồng hành, học với tâm lý cởi mở, thoải mái không hề có áp lực hay sự ép buộc.

Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, là công cụ giao tiếp phổ biến nhất trên toàn thế giới và mở ra rất nhiều cơ hội cho trẻ. Cần thiết là vậy nhưng có bao giờ ba mẹ đặt ra câu hỏi mục đích thực sự mình cho con học tiếng Anh từ nhỏ là gì? Để con đi du học sau này, để hướng con đến các công việc liên quan đến ngoại ngữ hay chỉ đơn giản là học cho bằng bạn bằng bè, để khỏa lấp nỗi bất an của cha mẹ khi đứa trẻ nào xung quanh con cũng biết tiếng Anh?

Trước khi muốn bắt đầu đồng hành cùng con học, ba mẹ không giỏi tiếng Anh cần xác định rõ định hướng cho con học tiếng Anh. Điều này tác động rất nhiều đến tinh thần cũng như sự phối hợp giữa ba mẹ và con trong quá trình học. Xác định rõ đích đến sẽ giúp ba mẹ tìm được cho con phương pháp học phù hợp và đúng đắn nhất.

Tạo môi trường để con tiếp xúc với tiếng Anh liên tục

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất khi cha mẹ không giỏi tiếng Anh muốn đồng hành cùng con. Theo các chuyên gia ngôn ngữ, nếu phát triển bình thường thì bất kì bé 3 tuổi ở quốc gia nào đều có thể nói được ngôn ngữ ở quốc gia đó. Tại sao vậy? Vì đứa trẻ đã được nghe những người xung quanh nói chuyện và ghi nhận vào não bộ cách sử dụng chúng. Ngôn ngữ trong giai đoạn trẻ tiếp thu từ 0 – 3 tuổi sẽ đi vào tiềm thức, trẻ ghi nhớ tự nhiên và có thể bật ra theo bản năng. Vì thế, ba mẹ đừng nghĩ con phải giỏi tiếng Việt rồi mới có thể học thêm tiếng Anh.

Con hoàn toàn có thể tiếp nhận đồng thời hai ngôn ngữ và nói song ngữ ngay từ nhỏ nếu ba mẹ biết tạo môi trường giao tiếp cho con bằng cách gia tăng tiếp nhận đầu vào [nghe tiếng Anh chuẩn].

Có 2 hình thức nghe tiếng Anh phổ biến nhất là nghe có chủ đích và nghe vô thức.

- Nghe vô thức [“tắm” ngôn ngữ]: Là hình thức nghe tự nhiên, không mang tính ràng buộc mà ba mẹ có con trong độ tuổi 0 – 3 tuổi nên áp dụng. Bất kì lúc nào trong ngày, ba mẹ cũng có thể bật các bài hát tiếng Anh, các file ghi âm như truyện tranh, truyện cổ tích bằng tiếng Anh cho con nghe lúc con chơi, con ăn hay đi tắm…

- Nghe có chủ đích: Khi con bắt đầu bập bẹ biết nói chính là lúc quá trình tiếp nhận ngôn ngữ của con chuyển sang giai đoạn mới [khoảng từ 9 tháng đến 1 tuổi, tùy vào sự phát triển của trẻ]. Lúc này, ba mẹ có thể cho con nghe các bài hát tiếng Anh đơn giản, các chủ đề bộ phận cơ thể, về động vật, màu sắc... Đây là những chủ đề quen thuộc và gần gũi nhất với cuộc sống của trẻ.

Để con “ghim” vào tiềm thức từ tiếng Anh mới tiếp nhận, ba mẹ nên đa dạng các hình thức học cho con. Ví dụ như khi con học từ “Apple” [quả táo], ba mẹ có thể chỉ vào quả táo đang đặt trên bàn, cho con cầm và vẽ quả táo… 

Hãy là người bạn thực sự, truyền động lực và cảm hứng học cho con

Trẻ rất thích bắt chước những gì ba mẹ làm. Nếu ba mẹ hào hứng với việc học tiếng Anh, hay nghe bài hát tiếng Anh, xem video tiếng Anh thì con cũng có xu hướng như vậy. Nếu không thể là thầy dạy cho con, ba mẹ hãy là người bạn học tốt của con.

Để làm tốt vai trò bạn đồng hành, ba mẹ nên chú ý một vài vấn đề:

- Mình có thể sai và sẵn sàng sửa cùng con

Khó khăn lớn nhất với những ba mẹ không biết tiếng Anh muốn đồng hành cùng con là vốn từ vựng hạn hẹp, việc giao tiếp hay sử dụng ngôn ngữ này ngay cả những mẫu câu ngắn đều khá khó. Tuy nhiên, ba mẹ đừng lo lắng! Chính vì là người không biết tiếng Anh, là người mới bắt đầu như con nên ba mẹ cũng chính là người dễ dàng gạt bỏ sự tự ti, ngại ngùng để con bắt đầu làm quen với một ngôn ngữ mới.

Để thuận tiện cho quá trình đồng hành, ba mẹ có thể hỏi trước con muốn học chủ đề gì để chuẩn bị như tra từ điển và học thêm một số mẫu câu giao tiếp cơ bản để nói chuyện cùng con. Khi con nghe, ba mẹ cố gắng luyện tập theo video mẫu để thực hành cùng con.

- Cố gắng tạo hứng thú cho con trước khi bắt đầu vào học

Động lực, sự hào hứng chính là “gia vị” cần thiết để con sẵn sàng vào học với một tâm thế vui vẻ, đảm bảo việc tiếp thu bài một cách tốt nhất. Ba mẹ có thể tạo sự hứng thú học tiếng Anh cho con bằng các phần thưởng nhỏ như được chọn mua món đồ chơi hay truyện tranh con thích, chuyến đi chơi cuối tuần… hay đơn giản là những điều thú vị mà con nhận được sau khi học xong chủ đề ngày hôm nay.

- Hãy để con học theo sở thích của mình

Nếu hôm nay con thích học về chủ đề màu sắc thì ba mẹ đừng ép con học về chủ đề các đồ vật trong nhà. Việc ép buộc sẽ khiến con cảm thấy không vui, dễ khiến con chống đối và không tiếp thu được gì trong quá trình học bài.

Xem thêm: Cho bé học tiếng Anh đúng cách?

Trường hợp con thích học đi học lại một chủ đề, ba mẹ có thể khéo léo gợi ý rằng còn có rất nhiều chủ đề thú vị khác mà chắc chắn con sẽ thích khi tìm hiểu.

- Chỉ học khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày

Độ tuổi còn nhỏ khi mới bắt đầu học tiếng Anh, trẻ thường học theo cảm thích, cảm thấy hào hứng thích thú mới học. Vì vậy, chú ý đến thời lượng buổi học cũng là điều ba mẹ nên để ý khi đồng hành cùng con học mỗi ngày. Hãy dừng bài học trước khi con thấy chán để tạo cảm giác mong đợi, hào hứng cho tiết học tiếp theo của con.

- Khuyến khích con nói Tiếng Anh mọi lúc

Sử dụng tiếng Anh để giao tiếp qua những tình huống thực tế hàng ngày là cách hữu hiệu giúp con tăng phản xạ, giao tiếp tiếng Anh một cách tự nhiên nhất. Có ba mẹ đồng hành, con sẽ có bạn để thực hành tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi.

Đơn giản như sau khi con học về các cách chào hỏi trong tiếng Anh, ba mẹ có thể chào con “Good morning” vào buổi sáng, “Good afternoon” vào buổi chiều hay chúc ngủ ngon “Good night”... trước khi đi ngủ. Nếu hôm nay con đã học bài về chủ đề màu sắc, khi đi qua đường dừng ở ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, mẹ có thể đố con nói tên màu sắc của các biển báo bằng tiếng Anh…

- Chủ động tích lũy vốn tiếng Anh để đồng hành đường dài cùng con

Bước qua độ tuổi tiếp xúc vô thức với tiếng Anh, con sẽ bước vào quá trình học nghiêm túc và với ba mẹ không giỏi tiếng Anh thì đây chính là giai đoạn thử thách – cuộc chiến mà mình phải thực sự nhảy vào.

Để cải thiện trình độ tiếng Anh, ba mẹ hãy cố gắng dành thời gian mỗi ngày cho việc học, tham gia một khóa học tiếng Anh ngắn hạn để có thể giao tiếp cơ bản cùng con.

- Con cần thời gian để học tiếng Anh, hãy kiên nhẫn!

Học tiếng Anh là cả một quá trình. Cha mẹ chớ lo lắng hay thúc ép con mình khi thấy một đứa trẻ khác cũng bằng tuổi như con mà giỏi tiếng Anh hơn. Mỗi đứa trẻ khác nhau có điều kiện sống, cách tiếp nhận ngôn ngữ khác nhau, vì vậy “đầu ra” – kết quả cũng sẽ khác nhau. Áp dụng triệt để phương thức gia tăng tiếp xúc tiếng Anh [input] chắc chắn việc học của con sẽ có kết quả.

Tiếng Anh không đơn thuần là một ngôn ngữ giao tiếp mà nó còn giúp con mở ra một cuộc đời mới, một hành trang tương lai tươi sáng, nhiều sắc màu và trải nghiệm thú vị hơn. Monkey Junior - ứng dụng học tiếng Anh tiên phong áp dụng các phương pháp giáo dục sớm tại Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng ba mẹ giúp con giỏi tiếng Anh lên từng ngày.

Hy vọng, một vài thông tin chia sẻ trên đây của Monkey đã giúp ba mẹ không biết tiếng Anh gỡ rối, tự tin để đồng hành học với con. Ba mẹ đừng quên chia sẻ với Monkey cách học cùng con mà mình đã áp dụng tại phần bình luận dưới bài viết nhé!

Video liên quan

Chủ Đề