Có nên mua vàng thời điểm này

Các nhà đầu tư vàng đang cân não trước câu hỏi có nên mua vào hay không ở thời điểm này.

Rung lắc ở mức “đỉnh”

So với mức giá đỉnh gần 67 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC ngày 27.2 lùi về mức 65,5 - 65,75 triệu đồng mỗi lượng bán ra và mua vào còn 64 - 64,5 triệu đồng/lượng. Thế nhưng tốc độ giảm giá của vàng trong nước không theo kịp nên vẫn đang đắt hơn vàng thế giới tới 13,35 triệu đồng/lượng, tương ứng 25,4%. Độ rủi ro giá vàng trên thị trường trong nước cũng tăng lên khi các đơn vị kinh doanh vàng giãn cách giá mua và bán lên 1,2 - 1,5 triệu đồng mỗi lượng. Dù vậy nhiều người vẫn muốn “trú ẩn” vào vàng khi những thông tin chính trị căng thẳng trên thế giới cũng như lạm phát tăng...

Có nên mua vàng thời điểm này

Giá vàng SJC đang ở mức cao, có nên mua vào?

Ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng Phân tích Công ty giao dịch hàng hóa HTS, nói “dứt khoát không” vì theo ông, cú giật chạm mức cao tuần trước 1.973 USD/ounce của vàng chỉ là diễn biến nhất thời sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine chứ không phải giá vàng thiết lập xu hướng tăng. Bằng chứng là giá vàng thế giới giảm lại rất nhanh sau đó và đóng cửa tuần ở mức 1.887 USD/ounce.

Các biện pháp trừng phạt đã được các nước phương Tây và Mỹ lên kế hoạch cũng như thực thi một phần. Khủng hoảng sẽ tiếp tục diễn ra nhưng giá vàng thế giới sau cú sốc tuần trước đã có thời gian bình ổn và quen với “tâm lý thời chiến”. Hơn nữa, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố cuối tuần này. Đây là thông tin quan trọng nhất trong tháng nên có thể thị trường sẽ rơi vào tâm lý chờ đợi, cho đến sau khi thông tin được công bố trong ngày thứ sáu.

“Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ dao động với biên độ 1.880 - 1.920 USD/ounce trước khi quyết định xu hướng. Với góc nhìn này, việc mua vàng lúc này không có lợi vì mỗi khi giá thế giới chưa rõ xu hướng, giá vàng trong nước thường được niêm yết với biên độ mua bán nới rộng và gia tăng rủi ro đối với người mua”, ông Vũ nói.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment, cũng khuyên nhà đầu tư (NĐT) cá nhân không nên mua vàng nếu chỉ giữ ngắn hạn, nhất là trong 1 tuần tới. Cần lưu ý chênh lệch giá vào những thời điểm thị trường “hot” đều được nới rộng ra rất nhiều. Tính chung giá mua bán và cả chênh lệch với thế giới hiện đã lên tới 12 - 13 triệu đồng/lượng mà giữ ngắn hạn lại càng rất nguy hiểm. Do đó NĐT nếu không có ý định nắm giữ dài hạn và nếu mua mới thì chỉ nên có một tỷ trọng nhất định. Tùy vào độ tuổi và sự chịu đựng rủi ro mà NĐT chỉ nên phân bổ tỷ lệ mua vàng từ 10 - 50%. Đặc biệt không nên sử dụng tiền vay để mua vàng hoặc chỉ nắm giữ hầu hết là vàng trong danh mục đầu tư của mình. Đối với người đã mua vàng từ trước, theo ông Khánh thì đừng bán ra mà nên giữ thêm 1 - 2 năm tới.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), lại có quan điểm trái ngược. Theo đó, trong ngắn hạn căng thẳng địa chính trị đó cũng chưa thể được giải quyết, vì vậy không chỉ vàng mà những hàng hóa liên quan như dầu cũng sẽ còn khả năng đi lên. Khi tình hình căng thẳng thì nhiều NĐT sẽ bổ sung một phần vàng vào danh mục đầu tư để bảo toàn tài sản là tất yếu. Một chu kỳ tăng của vàng có thể còn tiếp tục. Bên cạnh đó, giá dầu tăng cao đã kéo theo nhiều nguyên liệu đồng loạt đi lên khiến nguy cơ lạm phát sẽ còn dai dẳng. Đây là điều mà nhiều nước sẽ phải có hành động ngay để giải quyết bài toán cho nền kinh tế nội địa. Vì vậy nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng mạnh hơn lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tới với mức có thể là 0,5% thay vì 0,25% như dự báo.

Vàng trong nước tăng giảm tùy tiện

TS Lê Đạt Chí phân tích thời gian qua khi giá vàng quốc tế giảm thì vàng trong nước chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm. Ngược lại khi kim loại quý bật tăng thì vàng miếng càng tăng nhanh hơn. Trên thực tế, các công ty kinh doanh vàng cũng không muốn giảm giá bán đối với lượng hàng đang nắm giữ. Điều này đã hình thành nên xu hướng thị trường vàng hầu như chỉ có tăng mà không giảm. Từ đó tâm lý người dân thấy giá giảm thì mua vào và giá tăng thì nghĩ rằng sẽ còn tăng nữa nên không vội bán ra. Nhưng ông Chí cũng cảnh báo rằng việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới hơn 20% và thậm chí lên 25% nếu kéo dài sẽ là nguy cơ cho việc buôn lậu vàng diễn ra. “Một doanh nghiệp kinh doanh cả năm rất khó khăn mới có thể đạt lợi nhuận 20% thì việc giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới trên mức này sẽ kích thích nhiều cá nhân, tổ chức phát sinh hoạt động buôn lậu. Điều này cần phải được nhà nước xem xét để kéo giảm mức chênh lệch này xuống hợp lý”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.

Ngoại trừ yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, nhận xét vàng trong nước biến động bất thường, tùy tiện, không có cơ sở như hiện nay nên việc mua vào là đầy rủi ro. “Lợi dụng” thị trường không có người bán vàng ra, các đơn vị kinh doanh đẩy giá lên cao, người mua lúc này là chịu thiệt. Làm việc trong Hội đồng vàng thế giới mấy chục năm, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng với giá vàng SJC cao hơn thế giới 25% như hiện nay, người dân phải mua vàng với mức giá “đắt đỏ”. Lạ là giá cao, người có vàng cũng chẳng thèm bán ra. Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ngày càng cao và người có vàng cũng không mang ra bán. Điều này chứng minh nhu cầu trú ẩn vào vàng là có thật. Không những người dân trong nước mà các ngân hàng trung ương thời gian qua cũng gia tăng lượng vàng dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhu cầu đầu tư, nắm giữ vàng nhằm đa dạng hóa trong danh mục đầu tư không chỉ riêng gì VN. Nếu để giá trong nước cao hơn thế giới nhằm ngăn chặn, không khuyến khích người dân mua vàng thì không phải là giải pháp, người dân vẫn chịu thiệt hại, chỉ có công ty kinh doanh vàng là có lợi. Tâm lý nếu không mua thì giá sẽ còn tăng, nhất là khi thị trường không có hàng càng thôi thúc họ mua vào. Thay vì vậy, cơ quan chức năng cần có động thái can thiệp thị trường, lúc này lực bán ra của các thành viên trên thị trường tăng, giúp kéo vàng giảm giá.

Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị cho phép một vài đơn vị kinh doanh vàng sản xuất vàng, tạo cân đối cung - cầu trên thị trường để rút ngắn mức giá trong nước cao hơn thế giới. Đồng thời, cho phép việc nhập khẩu và có quản lý vàng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, tránh hiện tượng các đơn vị kinh doanh mua vàng trôi nổi ngoài thị trường. Thế nhưng 10 năm qua, những kiến nghị này vẫn chưa được giải quyết. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN

Tin liên quan

Thị trường vàng thời gian qua chứng kiến sự "nổi loạn" của vàng miếng SJC khi lập rất nhiều kỷ lục: Giá cao nhất mọi thời đại khi đạt mức xấp xỉ 74 triệu đồng/lượng; bước giá vô tiền khoáng hậu, tới gần 5 triệu đồng/phiên; đắt kỷ lục so với vàng thế giới, gần 20 triệu đồng/lượng và chênh lệch đầu ra - đầu vào vô địch, cao nhất tới 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng ngày 20.3 ‘bốc hơi’ gần 1 triệu đồng trong tuần
Có nên mua vàng thời điểm này

Nữ trang là một ngành tiềm năng của Việt Nam nếu được khai thác, phát triển

Ở thời điểm này, giá vàng miếng SJC đã giảm hơn 5 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 74 triệu đồng xác lập mới đây. Vì thế, câu hỏi có nên mua vàng hay không lại được nhiều người đặt ra. Nhưng để trả lời câu hỏi này, phải nhìn toàn cục thị trường vàng suốt thời gian qua để biết rằng, nhà đầu tư trong nước muốn lướt sóng hay trú ẩn vào kim loại quý không phải tính toán với các yếu tố tác động trong ngắn hạn hay dài hạn mà thực chất là "đấu" với nhà cái - chính là các công ty kinh doanh vàng trên thị trường.

Tất cả những biến động điên loạn của giá vàng miếng SJC cho thấy, thị trường vàng trong nước đã thoát ly hoàn toàn với giá thế giới. Không chỉ về giá mà cả sự biến động trong mỗi phiên. Khi vàng thế giới tăng, trong nước giảm; khi kim loại quý thế giới giảm nhẹ thì thị trường nội địa lại tăng sốc. Có nhiều lý giải về hiện tượng "một mình một chợ" của giá vàng miếng SJC nhưng nguyên nhân lớn nhất nằm ở các công ty kinh doanh vàng. Đây là cuộc chơi của họ và họ toàn quyền quyết định dựa trên mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng của mình. Hãy lấy phiên giao dịch ngày 8.3, ngày vàng miếng SJC được đẩy lên xấp xỉ 74 triệu đồng/lượng "mổ xẻ" để thấy rõ điều này.

Phiên đó, giá vàng thế giới tăng 840.000 đồng/lượng nhưng vàng trong nước "đội nóc", tăng xấp xỉ 5 triệu đồng/lượng, gấp gần 6 lần mức tăng của thế giới mà không có bất cứ lý do gì. Khảo sát thị trường của Thanh Niên cho thấy, lượng người đến các cửa hàng vàng giao dịch khá ảm đạm. Để "kích cầu", các công ty vàng liên tục kích giá, từ 70 triệu đồng/lượng lên 71 triệu đồng và cuối cùng là suýt soát 74 triệu đồng/lượng. Thế nhưng bất chấp động thái này, lực cầu vẫn khá mỏng, giao dịch cũng lèo tèo. Quan trọng hơn, mức đỉnh 74 triệu đồng/lượng là giá vàng miếng SJC do các cửa hàng bán ra. Còn giá mua vào thì cách khá xa, chỉ 71 - 72 triệu đồng/lượng. "Chiêu" một tay kích giá bán còn tay kia rút giá mua vào tiếp tục được các công ty vàng sử dụng như một tấm khiên bảo vệ vùng lợi nhuận của mình. Nó đẩy khoảng cách giá mua - bán vàng miếng SJC phiên này lên từ 1,8 - 3 triệu đồng/lượng tùy nơi. Nghĩa là mua thì giá đỉnh nhưng nếu nhà đầu tư đem vàng đi bán thì giá cũng "thường thôi". Còn mua bán trong ngày thì cầm chắc từ hòa đến lỗ dù về lý thuyết vàng đã tăng gần 5 triệu đồng/lượng/phiên. Quan trọng hơn, nếu phiên 8.3, người giữ vàng chưa kịp trở tay thì sang phiên ngày 9.3, họ đã nhanh chóng nhập cuộc. Chỉ có điều trước đây, mỗi lần thị trường vàng nổi sóng, người ta thường kéo nhau đi mua để rồi rơi vào thế "đu đỉnh" thì lần này, họ đổ ra bán chốt lời. Trước diễn biến không lường này, các công ty vàng chỉ còn cách rút giá vô tội vạ. Vàng miếng SJC giảm nhanh, về dưới ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Tình huống này dẫn đến không ít câu chuyện tức cười. Có người mang vàng đi bán, ngồi tại tiệm vàng chờ đến lượt mình bỗng thấy giá trên bảng điện tử bốc hơi liên tục, lại ôm vàng về cất trong tủ.

Có nên mua vàng thời điểm này

Giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới gần 16 triệu đồng/lượng. Có thời điểm cao hơn gần 20 triệu đồng/lượng

Đây không phải lần đầu tiên, thị trường vàng chứng kiến pha "quay xe" của người mua. Dịp Thần tài hồi tháng 2 vừa rồi các công ty vàng cũng mất thế cầm trịch khi người mua đã có kinh nghiệm nằm lòng về "lỗ sau ngày Thần tài". Chẳng là hằng năm gần tới ngày này, đánh vào tâm lý "cầu may không màng đắt rẻ", các công ty vàng tha hồ đẩy giá cao chót vót. Thế nên cứ sau ngày Thần tài, may đâu không thấy, người mua lại ôm lỗ vì giá vàng giảm nhanh. Năm nay cũng không ngoại lệ, giá vàng gần ngày vía Thần tài cũng được đẩy lên mức kỷ lục. Thế nhưng thay vì mua vào, người dân ùn ùn đổ đi bán vàng chốt lời. Bất ngờ trước tình huống quay xe của người mua, các công ty kinh doanh vàng vội rút giá khiến kim loại quý mất hơn nửa triệu. Đây được xem là chuyện hy hữu trong lịch sử ngày vía Thần tài từ trước tới nay.

Cuộc chơi trên thị trường rõ ràng, không chỉ còn thuộc về các công ty kinh doanh vàng mặc sức thao túng nữa. Người giữ vàng đã thể hiện quyền lực của mình.

Can thiệp giá vàng cho ai?

Giá vàng miếng SJC cao hơn vàng thế giới từ 14 - 18 triệu đồng là điều không ai tưởng tượng nổi. Thế nên nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần can thiệp để kéo giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới. Vì để như vậy, có thể dẫn tới tình trạng vàng thẩm lậu vào Việt Nam, tình trạng gom USD mua vàng, ảnh hưởng không tốt đến tỷ giá...

Đề xuất này được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, mỗi khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được kéo rộng nhưng đều chưa được xem xét. Nhưng nếu nhìn tương quan trên thị trường, sự im lặng của cơ quan quản lý Nhà nước không phải không có lý. Thứ nhất, bất chấp vàng trong nước cao hơn vàng thế giới, những "dọa dẫm" giới đầu nậu "gom đô" gây tác động lên tỷ giá đã không xảy ra. Minh chứng là tỷ giá từ đầu năm đến nay hết sức ổn định, xu hướng giảm chiếm ưu thế. Thứ hai, người dân hiện khá thờ ơ với vàng. Cảnh xếp hàng mua vàng vào dịp Thần tài hay khi thị trường vàng nổi sóng đã đi vào lịch sử. Mấy năm gần đây, thị trường vàng khá èo uột, kinh doanh của "ông lớn" SJC cũng hết sức khiêm tốn dù độc quyền sản xuất vàng miếng. Thế nên nói giá cao vì cung ít là chưa chính xác. Cung ít hay nhiều, phụ thuộc vào cầu. Nếu cung ít cầu nhiều thì mới thiếu, mới khan hiếm, mới tác động đến giá. Còn hiện nay, cung ít nhưng cầu còn ít hơn. Vì vậy không thể đổ lỗi cho khan hiếm vàng nên giá cao. Mà như nói trên, giá cao hay thấp là do các công ty kinh doanh vàng định đoạt tùy vào vùng lợi nhuận kỳ vọng của họ.

Quan trọng hơn là ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều thứ cần bình ổn, cần có sự can thiệp của nhà nước như giá xăng dầu, giá kit test, giá các mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thay vì lo tìm cách bình ổn giá vàng.

Có nên mua vàng thời điểm này

Ở thời điểm này, giá vàng miếng SJC đã giảm hơn 5 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh 74 triệu đồng xác lập mới đây

Tất nhiên về lâu dài, cũng cần có các chính sách hợp lý để điều tiết thị trường vàng. Vấn đề này, chúng tôi sẽ đi sâu hơn ở bài khác. Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư và cả những người yêu vàng Việt Nam đang băn khoăn trước câu hỏi có nên mua vàng hay không. Bởi đang có khá nhiều yếu tố hỗ trợ kim loại quý như giá vàng đã giảm cả triệu đồng trong tuần qua, giảm hơn 5 triệu đồng so với mức đỉnh, nguy cơ lạm phát gia tăng, xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp... Nhưng như phân tích trên, ở thị trường nội địa, vàng không quá phụ thuộc vào các diễn biến nói trên mà nằm trong tay các công ty kinh doanh vàng.

Vì vậy, hãy trả lời câu hỏi "liệu chúng ta đấu lại với nhà cái hay không", rồi hãy tính đổ tiền vào kim loại quý.

Tin liên quan