Con hát mẹ khen hay có nghĩa là gì năm 2024

(Baonghean) - Cho đến hôm nay, những ấm ức, bức xúc, bực dọc, căng thẳng và cả chán nản về cung cách tổ chức xét tuyển vào đại học sau kỳ thi “2 trong 1” của ngành Giáo dục vẫn chưa hề nguội bớt trong lòng các thí sinh và phụ huynh.

Một vị giáo sư khả kính đã lên tiếng khẳng định kỳ thi cải tiến theo kiểu mới đã “phá sản hoàn toàn”. Và một lần nữa, trong rất nhiều lần cải tiến mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành trong hàng chục năm qua, học sinh và phụ huynh lại trở thành nạn nhân của những thí điểm, đổi mới, sáng tạo đó. Những ngày qua, họ phải gồng mình lên bên màn hình, chầu trực ở các trường đại học từ sáng tinh mơ gà gáy tới tận chiều tối để “canh” mỗi chuyện rút, nộp hồ sơ sao cho không để từ đỗ thành trượt. Những bậc làm cha, làm mẹ ở những nơi xa xôi, cách trở tưởng đã thoát nạn “lai kinh ứng thí” tốn kém và đầy phiền nhiễu giống trước khi diễn ra kỳ thi mà như lời “tư lệnh” ngành Giáo dục đã “rào” trước là đổi mới để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội thì nay lại phải chịu tốn kém nhiều hơn trước, vất vả, căng thẳng hơn trước bội phần.

Ngày trước họ chỉ mất kinh phí và thời gian đưa con đi thi trong 3 ngày, còn nay phải nhấp nhổm ở các trường đại học cả tuần đến nửa tháng để canh chừng các đợt xét tuyển. Cứ đến các trường đại học là sẽ thấy ngay điều đó. Thế là mục tiêu mà ngành Giáo dục ra sức quảng bá cho kỳ thi “2 trong 1” là giảm bớt căng thẳng cho thí sinh, giảm gánh nặng tâm lý và chi phí của xã hội thì những gì đã và đang diễn ra đã chứng minh ngược lại. Thí sinh thay vì lo lắng trước và trong kỳ thi, nay còn phải lo lắng sau kỳ thi với đủ loại rối ren.

Dĩ nhiên, cái gì mới làm cũng chưa thể hoàn hảo ngay được. Nhưng mà để xảy ra quá nhiều nhiêu khê, rắc rối, gây nhiều bức xúc cho xã hội thì là không nên và rất cần phải xem xét, đánh giá lại cách làm một cách khách quan, trung thực và chính xác. Không nên đổ lỗi vòng quanh. Bởi đang có luồng ý kiến do chính các chuyên gia giáo dục đưa ra như là một cách “bào chữa” cho thất bại của kỳ thi mới này; như là do thí sinh mơ hồ, không xác định được vị trí của mình để lựa chọn ngành học chính xác. Nhiều trường tốp giữa xác định mức điểm nhận hồ sơ là 15, nhưng điểm chuẩn năm trước của nhiều ngành có thể là 17 - 18. Thế nhưng, thí sinh được 15 - 16 điểm vẫn nộp hồ sơ đăng ký ngành này.

Như vậy, chỉ cần vài ngày sau, khi số lượng thí sinh nộp hồ sơ nhiều hơn, em này sẽ bị bật ra khỏi danh sách có thể đỗ, vậy là lại vội vàng đi rút hồ sơ rồi bắt đầu nộp trường khác. "Nếu năm trước ngành mà thí sinh có nguyện vọng vào lấy 24 điểm, năm nay thí sinh được 25 điểm, thì xác suất nhỏ vẫn có thể trượt. Học sinh bên cạnh đăng ký xét tuyển ngành này, phải căn lấy 3 ngành khác năm trước có điểm chuẩn khoảng 22 - 23 điểm, hoặc 20 điểm thì chắc chắn đỗ (vì đợt 1 thí sinh có thể đăng ký 4 ngành ở một trường)". Đó là ý kiến có tính chất “tư vấn” do ông Cục phó Khảo thí và kiểm định chất lượng đưa ra trên báo chí, giống như là một cách lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng “hỗn loạn” trong những ngày xét tuyển vừa qua. Một nguyên nhân khác, cũng được đưa ra để giải thích cho sự lúng túng của thí sinh cũng như của các trường đại học, là do một số trường thống kê hồ sơ xét tuyển thiếu khoa học, khiến thí sinh như lạc vào ma trận nên vô cùng mệt mỏi và hoang mang. Và cuối cùng là một lý do có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan chủ quản, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa lường hết được khó khăn.

Cả 3 lý do được viện dẫn ra, nghe có vẻ rất khách quan, trung thực nhưng nếu ngẫm cho kỹ thì tất cả những sự nhiêu khê, bức xúc mà cả nhà trường, học sinh và phụ huynh phải gánh chịu trong suốt thời gian qua đều xuất phát từ sự chủ quan, chưa lường hết được khó khăn của ngành Giáo dục khi áp dụng kỳ thi “2 trong 1”. Chưa lường hết nghĩa là chưa nghiên cứu, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các tình huống xảy ra mà đã vội thực hiện. Phải chăng là do áp lực từ dư luận xã hội buộc phải có một sự cải cách, đổi mới vấn đề thi cử nên ngành Giáo dục đã vội vã áp dụng phương án thi tuyển mới trong khi chưa có sự nhận xét, đánh giá đầy đủ, chính xác ưu, khuyết của phương án mới này.

Nên nhớ, sản phẩm của giáo dục là con người, bất kỳ một sự thí điểm, cải cách hay đổi mới nào nếu chưa thật sự hoàn thiện cũng đều để lại hậu quả khó lường và rất dễ gây bức xúc trong xã hội. Thế nên, người đứng đầu ngành Giáo dục không chỉ thừa nhận theo cách chung chung là xã hội còn có những băn khoăn, lo lắng về xét tuyển; các thầy, cô giáo cũng phản ánh là vất vả hơn về công việc. Rồi chắc chắn năm đầu tiên triển khai thì không thể nuột nà, hoàn hảo được và sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc; bổ sung, hoàn thiện các giải pháp… Lại càng không thể coi sự rối rắm, căng thẳng trong kỳ tuyển sinh này như là môi trường cần thiết để rèn luyện thí sinh trưởng thành như ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo trả lời trực tuyến trong chương trình “Dân hỏi, bộ trưởng trả lời”, rằng “Chúng tôi nghĩ đó là sự đổi mới, là một sự lo lắng cần thiết để thí sinh có kết quả tương xứng với công sức và thành quả học tập mà các cháu đạt được”. Xin thưa, phụ huynh và thí sinh đều không muốn “trưởng thành” theo kiểu vừa hao tiền, tốn sức lại tốn cả nơ-ron thần kinh nữa. Còn việc “rút kinh nghiệm sâu sắc” thì bao năm nay ngành Giáo dục đã rút nhiều rồi mà chuyện học hành, thi cử vẫn cứ rối rắm hết cả lên.

Vì thế, tới đây, khi kết thúc kỳ thi “2 chung” đầu tiên đầy khổ sở và rắc rối này, nên có một hội đồng nhìn lại và đánh giá một cách nghiêm túc là rút cục thì thí sinh, xã hội và ngành Giáo dục được gì, và cái chưa được là gì, để đi đến những quyết định đúng đắn, chính xác. Hội đồng này có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia về xã hội, giáo dục và các ngành có liên quan chứ không của riêng ngành Giáo dục để tránh tình trạng “con hát mẹ khen hay” như đã từng xảy ra sau mỗi lần ngành Giáo dục tiến hành tổng kết những cải tiến, đổi mới của mình. Để rồi “rằng hay thì thật là hay” song cuối cùng học sinh vẫn là những người phải “ngậm đắng, nuốt cay” chốn học đường.