Dạ cổ hoài lang có nghĩa là gì

Ánh trăng nhợt nhạt trải dài trên sông nước mênh mang. Gió lao xao ngoài rừng tràm, rừng đước…

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Đâu đó vọng về tiếng hò như mơn trớn, như quyến luyến không dứt: “Hò ơ… ơ! Anh thương em, anh sắm cho em bộ áo dài màu cà, màu huyết. Anh đây nói thiệt, chẳng phải nói càn. Anh đây sắm cho em một cây kiếng vàng chạm tòng, chạm bá; một bộ cà rá chạm cửu long hườn. Anh sắm cho em áo túi đủ màu, lụa Hà Đông, lục soạn. Anh chỉ sắm cho anh một cái nón lá đáng giá hai đồng xu. Anh cơm rồi, anh hút thuốc rê vấn lá trâm bầu. Miễn cho anh một chữ ăn nằm tình chồng nghĩa vợ, cực khổ gì anh cũng chẳng có than…”.

Tiếng hò lao xao lời tình tự của đôi lứa đang yêu. Còn chẳng lẽ, mối tình đầu của mình lại kết thúc buồn bã thế này sao? Chàng trai của vùng đất mới phương Nam nén tiếng thở dài.

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Trên vòm trời lập lòe một vài con đom đóm bay qua. Bất chợt, lại có tiếng hò vọng lại buồn não ruột: “Hò ơ… ơ! Gió thổi liu riu, giề lục bình trôi líu ríu. Xin đừng bận bịu bớ điệu chung tình…”. Một giọt nước mắt nóng lăn dài trên má.

Chàng đã khóc. Lẽ nào vì quan niệm “tam niên vô tử bất thành thê” mà mình phải “để” vợ? Nhớ ngày nào cũng trên sông nước mênh mông này, qua câu hò, mình tỏ tình với nàng, cùng thề ăn đời ở kiếp với nhau.

Đêm ấy, ánh trăng cũng tái nhợt như đêm nay nhưng tiếng cười trong trẻo của nàng vang lên nghe ấm áp quá chừng! Chao ơi! Mường tượng lại giọng cười ấy, chàng tưởng chừng như có dao đâm vào trong trái tim mình.

Chàng đau nhói trong ngực. Theo chữ tình hay theo chữ hiếu? Tâm hồn chàng rối bời. Tiếng vạc ăn sương rơi lạc lõng trên thinh không…

Đêm đã khuya. Sương thấm áo. Gió thổi qua rặng cây mắm, mù u, ô rô… những âm thanh của quê kiểng. Nhớ đến vợ mà nay mai phải xa cách, chàng cầm cây đàn trút tâm sự buồn bã của mình xuống dây Bắc với từng cung bậc “Hò lìu xang xế cống…”.

Lẽ nào, người tình từng đầu ấp tay gối, chỉ vì không sinh con mà mình phải bỏ để ăn nằm với người khác? Trời xanh thăm thẳm nào chứng giám cho sự bội bạc này?

Vợ chàng dù rất yêu chàng, nhưng cũng sợ lời mắng nhiếc của mẹ chồng nên đã trốn về nhà cha mẹ. Còn chàng bị mẹ canh chừng nên không đi tìm vợ được. Gạt nước mắt, chàng ngước nhìn lên vòm trời và cất tiếng hát:

  1. Từ là từ phu trướng
  2. Bửu kiếm sắc phong lên đàng
  3. Vào ra luống trông tin chàng
  4. Đêm năm canh mơ màng
  5. Em luống trông tin nhạn
  6. Ôi! Gan vàng quặn đau
  7. Đường dầu xa ong bướm
  8. Xin đó đừng phu nghĩa tào khang
  9. Còn đêm luống trông tin bạn
  10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
  11. Vọng phu vọng, luống trông tin chàng
  12. Lòng xin chớ phụ phàng
  13. Chàng hỡi chàng có hay
  14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
  15. Biết bao thuở đó đây sum vầy
  16. Duyên sắt cầm đừng lợt phai
  17. Thiếp cũng nguyện cho chàng
  18. Nguyện cho chàng hai chữ bình an
  19. Mau trở lại gia đàng
  20. Cho én nhạn hiệp đôi.

Ở đây, chúng tôi theo bản của nhà nghiên cứu Trần Văn Khai, trích từ quyển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam [Khai Trí XB-1970]. Tuy nhiên, một vài bản khác có sự khác biệt đôi chỗ nhưng không đáng kể. Xin xem thêm ở phần Phụ lục.

Tiếng hát bật ra từ lồng ngực đang đau đớn điên dại. Từng câu chữ cứ trào ra, trào ra những cảm xúc chân tình, nồng nàn nghĩa vợ tình chồng. Lúc ấy, trong tâm trí của chàng nghĩ đến điển tích “Chức cẩm hồi văn” qua tâm trạng của nàng Tô Huệ – vợ Vương Thao.

Chồng của nàng đi lính đóng ở phương xa lâu ngay không về, nàng ở nhà thương nhớ chồng da diết, không biết làm sao bèn làm bài văn thêu lên gấm. Sau đó, nàng đem dâng lên nhà vua, xin cho vợ chồng cùng sum họp. Vua xem xong động lòng thương người vợ có tài, thủy chung mà cho chồng về cố hương.

Tiếng hát vừa dứt, chàng cũng cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm.

Chắc chắn, lúc ấy chàng không nghĩ bản Dạ cổ hoài lang [Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng] sẽ trở thành bài “vọng cổ” thông dụng nhất trong giới cải lương, bản nhạc vua của sân khấu ca kịch. Chàng thanh niên có tâm sự buồn đó là nghệ sĩ Cao Văn Lầu [thường gọi Sáu Lầu] sinh năm 1892 [có tài liệu ghi năm 1890], là con thứ sáu trong một gia đình nghèo ở xã Thuận Mỹ, Tân An [nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An]. Nhưng do sinh kế, năm ông lên bốn tuổi thì cha ông đã đưa gia đình về Cà Mau lập nghiệp và định cư ở Bạc Liêu.

Do người cha mê nhạc cổ nên ngoài thời gian đi học, Sáu Lầu còn được cha cho đi học ban đêm lớp cổ nhạc ở nhà thầy Nhạc Khị – người mà giới mộ điệu thời bấy giờ tôn vinh là nghệ sĩ chơi nhạc tài tử giỏi nhất.

Càng học, Sáu Lầu càng chứng tỏ mình là người sáng dạ, ai ai cũng thán phục. Có lần, Sáu Lầu điều khiển ban nhạc lễ lớn với các thầy đờn ở lục tỉnh về thi thố tài năng. Thầy Nhạc Khị nói: “Thằng Lầu xứng đáng thay mặt thầy đi thi mà không lo lắng gì cả”.

Bản Dạ cổ hoài lang được Cao Văn Lầu đem ra đờn cho anh em nghệ sĩ nghe để họ có ý kiến đóng góp. Có tài liệu cho rằng, trong số những người này, có ông Trần Xuân Thơ – thầy tuồng của một gánh hát ở Bạc Liêu đề nghị tác giả đổi hai chữ “Dạ cổ” [tiếng trống đêm] thành chữ “Vọng cổ” [trống vọng lại] cho rộng nghĩa hơn.

Thế là từ đó, nó mang tên Vọng cổ hoài lang, được mọi người yêu thích, chiếm vị trí trụ cột trong các buổi biểu diễn và dần dần thay thế cho bài Tứ Đại oán trong tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác, mời tham khảo thêm ở phần Phụ lục.

Nhà nghiên cứu Trương Bỉnh Tòng cho rằng: “Là một bài bản thuộc điệu thức Oán, gồm 20 câu, mỗi câu hai nhịp.

Giai điệu nhạc rất đặc sắc, mới nghe qua có chút gì đó của hơi Xuân [Hành vân] lại có một chút gì đó của hơi Ai [Xuân nữ], rồi từng chập lại nghe hơi Dựng [Tứ đại oán].

Cả ba làn hơi Xuân, Ai và Dựng quyện lấy nhau, làm cho Dạ cổ hoài lang càng nghe càng hấp dẫn” [Nghệ thuật cải lương, những trang sử – Trương Bỉnh Tòng, Viện Sân khấu XB – 1997, tr.81].

Sau đó, gánh cải lương Tập Ích Ban của nghệ sĩ Tư Chơi [tức Huỳnh Thủ Trung] và nhiều nghệ sĩ khác đã có công phổ biến rộng rãi và phát triển từ nhịp đôi lên nhịp 64…

Biểu tượng cây đờn Kìm cách điệu tại khu nhà tượng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Thời kỳ từ năm 1920-1926 là nhịp đôi nguyên thủy, người đầu tiên đưa Dạ cổ hoài lang lên sân khấu là Nguyễn Trọng Quyền với vở Bội phu quả báo do Phạm Công Bình sáng tác – trong đó, nhân vật Lý Ngọc Thơ đã ca nhịp đôi do Nguyễn Trọng Quyền viết; thời kỳ 1927-1935 tăng lên nhịp 4 với tác phẩm tiêu biểu là Tiếng nhạn trong sương của tác giả Tư Chơi và đầu tiên nó được sử dụng trên sân khấu cải lương qua vở Giá trị danh dự của soạn giả Năm Châu; thời kỳ 1936-1945 tăng lên nhịp 8 qua tác phẩm đầu tiên là Văng vẳng tiếng chuông chùa do nghệ sĩ Năm Nghĩa ca tại Bạc Liêu, rồi được thu dĩa phát hành rộng rãi; thời kỳ 1946-1954 tăng lên nhịp 16 với tác phẩm Tôn Tẫn giả điên do đệ nhất danh ca Út Trà Ôn thể hiện rất độc đáo; thời kỳ 1955-1964 tăng lên nhịp 32 như bản vọng cổ tiêu biểu là Đội gạo đường xa của soạn giả Kiên Giang với giọng ca của nghệ sĩ Hữu Phước; thời kỳ 1965 trở về sau này tăng lên nhịp 64, tiêu biểu như ban vọng cổ Ba Râu đi Chợ Lớn của soạn giả Viễn Châu do nghệ sĩ Văn Hường ca…

Trên báo Dân Quyền ra ngay 21.11.1963, xuất bản tại Sài Gòn, ông Cao Văn Lầu có cho in bức tâm thư, trong đó có đoạn: “Bây giờ ban vọng cổ từ nhịp đôi đã đổi đến nhịp 32 mỗi câu là nhờ công sửa đổi của quý vị nhạc sư, nhạc sĩ, soạn giả để trở thành đứa con tinh thần chung của quý vị. Tôi xin giao đứa con ấy cho quý vị thương nó mà giữ giùm, đừng để nó biến thành đứa con hoang mất hết căn gốc về nhịp điệu và lối ca. Tôi thú thật tôi chịu không nổi mỗi lần nghe ca sĩ dùng bản vọng cổ để giễu cợt làm mất hết tánh chất thuần túy của nó. Tôi cũng khẩn thiết ước mong quý vị nhạc sĩ, soạn giả, ca sĩ thương tôi, thương nó mà dùng bản vọng cổ cho đúng giọng, hợp cảnh, hợp tình…”.

Sức sống từ Dạ cổ hoài lang đến vọng cổ và cũng là cả một quá trình sáng tạo độc đáo. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Khai: “Người Việt chúng ta ưa thích vọng cổ vì bản ca ấy thường được dùng cho tuồng cải lương trong những lớp gay cấn và cảm động nhất. Một tuồng hát mà không có ca vọng cổ hoặc ca ít quá sẽ bị bỏ rơi. Giọng ca vọng cổ được chậm rãi, rõ ràng, minh bạch và người ca có thể nhấn mạnh những điểm quan trọng để lưu ý người nghe. Đây là một giọng ca đặc biệt vừa ca vừa nói chuyện rất hạp cho những cuộc tranh luận có tính cách giải thích và van cầu mà các giọng ca khác không thể thay thế đặng”.

GS-TS Trần Văn Khê khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam chưa có bài nào, bản nào được như bài Dạ cổ hoài lang, biến thành “vọng cổ”, từ một sáng tác cá nhân đã thành một sáng tác tập thể, sanh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên, sống mạnh, phát triển không ngừng, biến hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt trong nước và rải rác khắp năm châu”.

Tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại Bạc Liêu.

Đến nay, bản Dạ cổ hoài lang đã sống gần 100 năm và nó còn sống mãi. Nghệ sĩ Cao Văn Lầu mất năm 1976, thọ ngoài 80 xuân. Để ghi nhớ công lao của người đi tiên phong, hiện nay tại TP.HCM và tỉnh Bạc Liêu đều có những con đường được mang tên Cao Văn Lầu. Từ năm 1989, Tỉnh uy Minh Hải [cũ] đã tổ chức Hội thảo khoa học về 70 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang và năm 1992 lại tiếp tục kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông làm đậm thêm ý nghĩa của bản vọng cổ.

Dạ cổ hoài lang 22 câu hay 20 câu?

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trung Tín, nhà giáo Trịnh Thiên Tư [Long Xuyên] có kể lại với nhạc sĩ Chín Tâm thì bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ban đầu có 22 câu, đặt tên là Hoài lang và ông đưa cho danh ca Bảy Kiên nhuận sắc.

Đọc xong, thấy có vài câu trùng ý nên danh ca Bảy Kiên đề nghị rút lại còn 20 câu và thêm vào tựa hai chữ “Dạ cổ” thanh ra "Dạ cổ hoài lang". Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thấy có lý nên chỉnh lại thành 20 câu.

Sau đây là bản 22 câu, “bản nhạc dò dẫm, có tính lịch sử để cho bản 20 câu hoàn chỉnh ra đời”:

  1. Từ là từ phu trướng
  2. Báu kiếm sắc phân lên đàng
  3. Vào ra luống trông tin nhạn
  4. Năm canh mơ màng
  5. Em luống trông tin chàng
  6. Ôi gan vàng thêm đau
  7. Đường xa dù ong bướm
  8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
  9. Hàng đêm luống trông tin bạn
  10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
  11. Vọng phu luống trông tin chàng
  12. Lòng xin chớ phụ phàng
  13. Chàng là chàng có hay
  14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
  15. Biết bao thuở đó đây sum vầy
  16. Duyên sắt cầm đừng lợt phai
  17. Lời nguyện với trời
  18. Chứng giám lòng tôi;
  19. Khi góc biển chân trời
  20. Em chúc chàng vạn an ý
  21. Nay trở lại gia đàng
  22. Cho én nhạn hiệp đôi

Bản 22 câu này, năm 1992 nhạc sĩ NSƯT Tất Đạt ca trên Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP.HCM trong chương trình CLB Truyền thống [Xem báo Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh số 89 ra ngày 13.5.1993].

Đâu là nguyên bản Dạ cổ hoài lang?

Kỷ niệm 90 năm bản Dạ cổ hoài lang ra đời, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức vào ngày 29.7.2009 tại Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, có nhiều ý kiến xoay quanh sự ra đời và phát triển của bản Dạ cổ hoài lang.

Tuy nhiên, một trong số những tham luận, ý kiến gợi mở, thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất là của GS-TS Trần Văn Khê.

Trên báo Sài Gòn giải phóng [số ra ngay thứ Năm, 30-7-2009] có bài viết “Dạ cổ hoài lang” cần có một lời ca chính thức, nhà báo Đỗ Hạnh ghi lại phát biểu của GS-TS Trần Văn Khê: “Lời ca của bản Dạ cổ hoài lang, nhịp đôi có nhiều “dị bản”. Thông thường, nghệ sĩ cải lương ca bản sau đây và coi đó là lời ca chính thức:

  1. Từ là từ phu tướng
  2. Báu kiếm sắc phán lên đàng
  3. Vào ra luống trông tin nhạn
  4. Năm canh mơ màng
  5. Em luống trông tin chàng
  6. Ôi! Gan vàng thêm đau!
  7. Đường dầu xa ong bướm
  8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
  9. Còn đêm luống trong tin bạn
  10. Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu
  11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng
  12. Lòng xin chớ phụ phàng
  13. Chàng là chàng có hay
  14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
  15. Biết bao thuở đó đây sum vầy
  16. Duyên sắc cầm đừng lợt phai
  17. Là nguyện – cho chàng
  18. Hai chữ – bình an
  19. Trở lại – gia đàng
  20. Cho én nhạn hiệp đôi.

Khi Phạm Duy chép lời bài Dạ cổ hoài lang có một vài chỗ thay đổi như:

Câu 5: Luống trông tin chàng

Và trong một “dị bản” khác thì chép:

Câu 5: Trông luống trông tin chàng

Tôi không vội khẳng định là lời ca nào đúng nhứt. Nhưng nói như GS-TS Trần Văn Khê:

“Nếu mai mốt đây, Dạ cổ hoài lang trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì khi ấy, chắc chắn sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng. Như vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải có những cuộc hội thảo và cả một hội đồng khoa học để cùng nghiên cứu, thảo luận làm sao đưa ra một bản thảo lời ca chính thức của Dạ cổ hoài lang phù hợp với ngôn ngữ Việt thời đó…”.

Kiến Thức Ngày Nay

Video liên quan

Chủ Đề