Dân tộc dao sống ở đâu

Trích đoạn đám cưới của người Dao đỏ tỉnh Tuyên Quang thu hút rất đông sự quan tâm chú ý của nhiều tầng lớp nhân dân tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm [Hà Nội]. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN


Dân tộc Dao và những nét văn hóa đặc sắc  Việt Nam - dải đất hình chữ S là tổng hòa của 54 dân tộc anh em, từ ngàn đời nay đã chung sống gắn bó, keo sơn. Trong đó dân tộc Dao nằm trong nhóm các dân tộc theo ngôn ngữ, nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, với chữ viết riêng là nôm Dao. Hiện nay, người Dao ước tính có hơn 750.000 người, sống ở vùng lưng chừng núi hầu hết các tỉnh miền núi miền Bắc nước ta.

Với gần 100.000 người Dao cư trú trên địa bàn, Tuyên Quang là địa phương duy nhất của cả nước quy tụ đầy đủ chín ngành Dao: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Chẹt, Dao Ô Gang [có nơi gọi là Lồ Gang], Dao Coóc Ngáng, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài.

Về hoạt động sản xuất, người Dao phổ biến là làm nương, thổ canh trên hốc đá và canh tác ruộng. Cây lương thực chính của họ là lúa, ngô và các loại rau màu như bầu, bí, khoai... Nghề trồng bông, dệt vải phổ biến ở các nhóm Dao và họ ưa dùng vải nhuộm chàm. Hầu hết các xóm tộc người Dao đều có lò rèn để sửa chữa nông cụ, nhiều nơi còn làm súng hoả mai, súng kíp, đúc những hạt đạn bằng gang. Người Dao cũng có nghề thợ bạc là nghề gia truyền, chủ yếu làm những đồ trang sức... Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài, yếm, váy hoặc quần, y phục thêu rất sặc sỡ. Bộ y phục của người phụ nữ Dao là chiếc áo được thiết kế dài đến gần đầu gối. Cổ áo được thiết kế theo hình chữ V có thêu hoa văn, lưng áo cũng thêu hoa văn. Theo quan niệm của đồng bào Dao, nhìn vào cách thêu hoa văn ở phần đuôi áo của người phụ nữ sẽ biết được người phụ nữ khéo hay không, có đảm đang hay không. Còn đàn ông Dao, trước đây để tóc dài, búi sau gáy hoặc để chỏm tóc dài trên đỉnh đầu, xung quanh cạo nhẵn.  Mặc dù sống ở khu vực núi và địa bàn riêng biệt, nhưng phương tiện vận chuyển của đồng bào Dao vẫn có nhiều nét tương đồng với các dân tộc khác về chủng loại, cách thức chế tác và chức năng sử dụng. Để chuyển hàng họ thường dùng địu, quẩy tấu [một loại sọt] hay lù cở [giống gùi] có hai quai đeo phía sau, để lên rừng hái quả hoặc thu hoạch nông sản. Ở những vùng thấp hơn, người Dao thường dùng đôi dậu để gánh lúa, ngô và những vật dụng khác. Dù sinh sống ở nhiều vùng miền, nhưng sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao vẫn mang tính chất khép kín, thể hiện qua phong tục tập quán, qua hôn nhân. Khi dựng vợ gả chồng cho con cái, đồng bào Dao chỉ mong gả trong cộng đồng dân tộc mình. Có thể nói, đồng bào Dao ở Tuyên Quang có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với nhiều phong tục, nghi lễ, nghệ thuật đặc sắc. Theo ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, “văn hóa dân tộc Dao rất sống động và đa dạng, các nhánh Dao cũng tương đối phong phú, mỗi nhóm đều có những nét đặc trưng riêng biệt, tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh đa sắc, nhiều giá trị độc đáo của dân tộc này”. 

Tục thờ cúng: Đối với người Dao, việc thờ cúng đặc biệt được chú trọng, vì vậy các nghi lễ liên quan đến thờ cúng tổ tiên luôn được đồng bào duy trì, thể hiện với những nghi lễ độc đáo, đặc sắc. Nghi lễ thờ cúng nói chung của người Dao mang đậm tính nhân văn, hướng con người nhớ đến nguồn cội, xua đuổi cái ác và là sợi dây liên kết cộng đồng sâu sắc. Trong nghi lễ thờ cúng, người Dao sử dụng nhiều tranh cúng và mỗi dịp lễ, Tết, lại có những loại tranh cúng riêng; trong đó phổ biến là bộ tranh Tam Tượng [hay còn gọi là Tam Thanh] và bộ Đại Đường Quân. Tranh thờ không chỉ là tín ngưỡng mà còn thể hiện niềm tin của người Dao với cuộc sống. Đồng bào quan niệm, các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc và sẵn sàng phạt người nào định làm điều ác. Chỉ cần nhìn ngắm bức tranh có các vị thần được khắc họa oai nghiêm là những ai có ý định làm việc xấu sẽ phải dừng lại. 

Lễ cấp sắc: là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc Dao. Theo quan niệm của đồng bào, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ quyền tham gia các công việc của cộng đồng. Lễ cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, với rất nhiều nghi lễ đa dạng và độc đáo của các ngành đồng bào Dao. Mỗi ngành Dao đều có không gian hành lễ, mang đặc trưng riêng. Với những giá trị đặc sắc, nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hát Páo Dung: được coi là như một trong những báu vật văn hóa của dân tộc Dao. Hát Páo Dung thể hiện những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày. Ở mỗi ngành Dao, Páo Dung lại được biểu diễn khác nhau, có vùng thì với âm điệu trầm kéo dài, có vùng âm điệu lại cao, bay bổng. Tuy có sự khác nhau về cách thể hiện giữa các ngành Dao, nhưng những làn điệu Páo Dung của đồng bào Dao ở Tuyên Quang đều có nét chung là đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo. Với những nét độc đáo, nghệ thuật hát Páo Dung cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất

Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại thành phố Tuyên Quang, với sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, cùng sự tham gia của một số đoàn đại biểu quốc tế.  Trong khuôn khổ ngày hội, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phong phú, Ban tổ chức mời nhiều nghệ nhân đến từ các bản làng của người Dao để trình diễn những giá trị đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Dao, phản ánh đúng hơi thở cuộc sống, văn hóa của đồng bào chứ không phải là hình thức sân khấu. Đêm khai mạc sẽ là điểm nhấn đặc sắc nhất của Ngày hội với việc tái hiện một số nghi lễ độc đáo của người Dao: Nghi lễ cấp sắc của các nhóm Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Coóc Mùn, Dao Quần Trắng; đón dâu trong đám cưới người Dao; trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Dao. Đặc biệt, trang phục trong phần trình diễn này sẽ rất đa dạng, vì là sự kết hợp của 12 tỉnh tham gia ngày hội… Đây sẽ là những tiết mục, phần trình diễn mà không phải lúc nào nhân dân và du khách cũng có cơ hội được thưởng thức.  Song song với các chương trình nghệ thuật, ẩm thực, lễ hội... các đoàn tham gia cũng có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn của Thủ đô gió ngàn, quê hương cách mạng.

Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc năm nay diễn ra đúng dịp Lễ hội Thành Tuyên năm 2017 - một lễ hội độc đáo mang dấu ấn riêng có của Tuyên Quang [từ ngày 29-9 đến 4-10]. Đây là dịp để Tuyên Quang giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di đặc sắc về lịch sử, văn hóa của mình. Qua đó, từng bước xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia và khu vực, góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh ngày càng phát triển, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư cũng như du khách đến với Tuyên Quang… ./.

  • Tuyên Quang
  • dân tộc Dao
  • Ngày hội văn hóa dân tộc Dao

 

Phụ nữ dân tộc Dao trong trang phục và điệu múa truyền thống.


Đã có một số nghiên cứu về lịch sử hình thành các nhóm người Dao ở Thanh Hóa, trong đó, C. Robequain trong cuốn “Le Thanh Hoa” có ghi: “Người Mán [một tên gọi khác về dân tộc Dao] đến Thanh Hóa khoảng năm 1905. Lúc đó, vài gia đình Mán bỏ các làng Vĩnh Đồng và Kim Bôi [tỉnh Hòa Bình], nơi mà họ đã ở được hơn 30 năm và sau 4 ngày đi bộ họ đến ở làng Điền Hạ, tổng Điền Lư, châu Quan Hóa”. Theo thống kê dân số năm 1997, ở Thanh Hóa có 7.382 người Dao, thuộc hai nhóm Dao Quần Chẹt và Dao Đỏ. Trong đó, nhóm Dao Quần Chẹt định cư ở vùng núi thấp, tập trung ở các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc; nhóm Dao Đỏ định cư ở vùng núi cao Mường Lát. Một số tài liệu cũng chỉ ra, người Dao ở Thanh Hóa chủ yếu là Dao Quần Chẹt: “Đàn ông mặc quần áo không có gì đặc biệt, một áo dài và một áo thường là màu trắng, cắt theo kiểu Mường; vải khăn chít đầu thường là xanh lơ, tóc họ có cài lược. Riêng phụ nữ thì đều có giữ quần áo cổ truyền của họ rất kỳ lạ, mà họ may lấy bằng vải xanh mua ở chợ... Ngực có che một mảnh vải như cái yếm của phụ nữ Việt, nhưng thêu viền trắng... Đầu họ cạo trọc phía trước, tóc bôi sáp ong và mỡ, cuốn lại và chít khăn để giữ lấy. Cổ đeo nhiều vòng bạc và trên yếm có đeo 2 hình bán cầu rỗng bằng bạc”.

Trước đây, người Dao có tập quán canh tác luân canh, luân khoảnh. Nếu thu hoạch xong đất còn tốt, thì chờ cho khô cây cỏ, gốc rạ để đốt rẫy, rồi qua tết lại tra hạt. Những khoảnh nương đã bạc màu thì bỏ 5, 7 năm sau mới quay trở lại tiếp tục canh tác. Cũng do du canh du cư nên đời sống đồng bào phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, rất bấp bênh và thường thiếu đói. Về sau, người Dao vùng núi thấp đã chuyển canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang. Từ đó, cuộc sống định canh định cư dần đi vào nền nếp, họ bắt đầu dựng bản, dựng nhà mang tính lâu dài. Đồng thời, việc sinh hoạt, sản xuất cũng có nhiều thay đổi và theo chiều hướng tích cực, nên cuộc sống cũng giảm bớt khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, để phục vụ đời sống, đồng bào Dao đã sớm phát triển nhiều nghề truyền thống như, đan lát, ép dầu, rèn, làm đồ bạc, làm giấy, trồng tràm và nấu cao tràm.

Như nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, đời sống văn hóa – tinh thần của người Dao cũng khá phong phú và gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tín ngưỡng của người Dao là tín ngưỡng đa thần nguyên thủy. Đó là mọi vật đều có linh hồn và có nhiều loại ma, nhiều vị thần. Song, tín ngưỡng này cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo [tục ăn chay], Đạo giáo [bộ tranh thờ, các phép thuật trong lễ Cấp Sắc]. Từng có dịp tìm hiểu về cộng đồng người Dao huyện Cẩm Thủy, chúng tôi đã được nghe nhiều chuyện thú vị về đời sống văn hóa – tín ngưỡng của đồng bào. Ví như câu chuyện Bàn Hồ kể về lai lịch, sự hình thành các nhóm Dao và quá trình di cư của họ. Đặc biệt, nó được người Dao nghi thức hóa thành Tết Nhảy [hay múa Rùa], nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện tinh binh bảo vệ cuộc sống. Tết Nhảy là cách người Dao thể hiện ý niệm rằng, họ chưa bao giờ nguôi quên nguồn gốc và số phận lịch sử của dân tộc mình. Một số dòng họ Triệu, Bàn, Phùng, Dương [làng Bình Sơn, xã Cẩm Bình], vẫn còn duy trì nghi lễ này.

Đối với người Dao, tang ma là một lễ nghi đặc biệt quan trọng trong cuộc đời con người. Đồng bào quan niệm rằng, chết tức là vĩnh biệt mọi người ở chốn trần gian để về với tổ tiên ở thế giới bên kia. Vì vậy, vào buổi tối ngày thứ 2 của đám tang, thầy cúng sẽ cúng kể về nguồn gốc của người Dao và quá trình người Dao di cư từ Dương Châu [Trung Quốc] vào Việt Nam. Trên hành trình ấy, họ đã định cư trên mảnh đất bình yên để làm ăn, phát triển giống nòi. Đó có lẽ cũng là may mắn của dân tộc này, bởi trên thế giới từng không thiếu các dân tộc buộc phải dời bỏ đất tổ và mãi lang thang không tìm được chốn dừng chân. Vì thế, dù ý thức về nguồn gốc nhưng sự thật là họ chỉ mơ về đất tổ khi đã dời bỏ cuộc đời này sang thế giới bên kia. Và việc làm giỗ cũng là cách người sống tiễn đưa hồn người chết về quê cha đất tổ ở Dương Châu.

Người chết đi, kế tiếp họ là những người đang sống. Cho nên, trong lễ mãn tang người chết, người Dao thường kết hợp làm lễ Cấp Sắc cho một vài người trong dòng tộc. Lễ Cấp Sắc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Được cấp sắc nghĩa là họ đã trưởng thành, đã có thể làm thầy, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình và được dòng họ, xóm làng tôn trọng. Do vậy, đây là nghi lễ lớn nhất cả về vật chất, tinh thần - tâm linh, nên được gia đình chuẩn bị hết sức cẩn thận. Cũng như Tết Nhảy, lễ Cấp Sắc là nghi lễ khá tốn kém. Người ta phải chuẩn bị đủ 3 con lợn, 40 lít rượu, 1,5 tạ gạo và 5 con gà, rồi mời 7 thầy cúng cúng suốt 2 ngày 2 đêm. Song đây là nghi lễ bắt buộc của người Dao nên vẫn được đồng bào ở một số nơi duy trì đến tận ngày nay. Cùng với những lễ nghi truyền thống trên, người Dao Quần Chẹt còn duy trì một số lễ hội đặc trưng dân tộc như lễ hạ điền [cầu mùa] vào tháng tư hay tết cổ truyền vào tháng 12 âm...

Ngày nay, đời sống vật chất và văn hóa – tinh thần của người Dao đã có nhiều thay đổi. Ví như nhà ở, trang phục của đồng bào hiện khá giống với người Kinh. Những bộ trang phục cổ truyền, nhất là của phụ nữ [gồm có áo dài, yếm, quần dài, dây lưng, xà cạp, khăn đội đầu và đồ trang sức bằng bạc] thường chỉ xuất hiện trong những lễ nghi, đám xá quan trọng của cộng đồng. Song, nhiều yếu tố bản sắc cũng vẫn được đồng bào duy trì chính trong các lễ nghi lớn như tết cổ truyền, tang ma, cưới hỏi, Cấp Sắc, Tết Nhảy... Bởi vậy, có thể nói, bản sắc văn hóa người Dao là một khúc nhạc mang nhiều âm hưởng thú vị, hòa trong bản nhạc cổ truyền các dân tộc xứ Thanh hiện nay.

Trích nguồn Báo Thanh Hóa

Video liên quan

Chủ Đề