Đánh giá phim ve si sai gon

Dù tạo được đôi ba chi tiết hài hước, hấp dẫn, phim của Kim Lý, Thái Hòa và Chi Pu có cốt truyện nhạt, diễn xuất không đồng đều.

Vệ sĩ Sài Gòn là phim hài do Kim Lý đầu tư và thực hiện cùng êkíp sản xuất người Israel - Niv Fichman. Vai trò đạo diễn thuộc về nhà làm phim 33 tuổi người Nhật Bản - Ken Ochiai.

Trailer phim "Vệ sĩ Sài Gòn"

Với thời lượng khoảng 100 phút, tác phẩm xoay quanh cặp nhân vật chính Trịnh [Kim Lý] và Viên [Thái Hòa]. Họ là bộ đôi vệ sĩ gắn bó nhau trong công việc lẫn ngoài đời. Mọi chuyện bắt đầu khi ông chủ một tập đoàn kinh doanh sữa bất ngờ qua đời, con trai - thiếu gia Henry - tức tốc về nước dự cuộc họp khẩn bầu chủ tịch hội đồng. Nếu anh vắng mặt, công ty sẽ rơi vào tay người khác. Cặp vệ sĩ được giao nhiệm vụ canh giữ Henry khỏi bọn bắt cóc nhưng lại thất bại khi cậu thiếu gia bị mất tích. Cùng lúc đó, đôi bạn khám phá ra một băng đảng có tên Huyết lan hội...

Ưu điểm của phim nằm ở những phân cảnh hài tình huống và đối thoại gây cười. Chẳng hạn, khi nhân vật của B Trần có nguy cơ lộ thân phận, phim giải quyết tình huống bằng một cảnh giàu chất nhạc kịch. Ở phân đoạn đám tang chủ tịch tập đoàn, tiếng cười cũng mang màu sắc mới mẻ theo phong cách hài black comedy [tạm dịch: hài u ám] - thường thấy trong các phim về xã hội đen. Hoặc, phân cảnh về tình bạn của đôi vệ sĩ gây cười khi sử dụng một ca khúc nhạc trẻ nổi tiếng về tình yêu.

Vai diễn được "đo ni đóng giày" cho Thái Hòa lấy tiếng cười nhiều nhất. Nam diễn viên tiếp tục phát huy sở trường nói thoại dí dỏm. Lối diễn tự nhiên của Thái Hòa tạo cảm giác dễ chịu, không bị gồng để cố gây cười. Khả năng tự làm lố bản thân cũng được anh tận dụng triệt để trong những cảnh tán tỉnh nữ sát thủ xinh đẹp, hay cảnh đọ cơ bắp với Kim Lý. So sánh với tuyến nhân vật thường thấy trong các phim Hollywood – chẳng hạn như 21 jump street, vai diễn của Thái Hòa không bị cố tình gán cho những đặc tính xấu để gây hài. Đây cũng là nhân vật được giao nhiệm vụ giải quyết nút thắt tình huống quyết định ở cuối phim. Tuy vậy, cũng có khán giả nhận xét "Ông hoàng phòng vé" chưa đột phá so với các vai diễn cũ của anh.

Yếu tố giải trí cũng được thể hiện ở các màn đánh đấm và đuổi bắt. Vào đầu phim, tác phẩm gây ấn tượng với cảnh vệ sĩ nhảy từ trên cao xuống nóc xe, đánh nhau với tài xế đang lái, pha rượt đuổi bằng xe Cub, luồn lách trong ngõ hẻm... Nhiều chi tiết mang đậm chất Sài Gòn như đua xe với chuồng gà, ném sầu riêng vào mặt đối phương... Các cảnh giáp lá cà được xử lý hiệu quả về thị giác, ra chất đánh đấm hơn so với nhiều phim Việt tương tự về thể loại. Cảnh đánh nhau cứu con tin ở cuối phim mang tính so găng, đối kháng cao, dù diễn ra khá chóng vánh.

Cảnh đuổi nhau trên đường phố của hai nhân vật do Thái Hòa [phải] và Diệp Lâm Anh đóng.

Tuy vậy, Vệ sĩ Sài Gòn mắc điểm yếu về kịch bản. Ngoài việc xây dựng tuyến truyện đơn giản và hầu như không có bước ngoặt bất ngờ, phim vướng nhiều lỗi cơ bản về khâu giải quyết vấn đề. Kịch bản gây thắc mắc khi bố trí hai nhân vật xa lạ giống nhau như đúc nhưng không có lời lý giải cho người xem. Hàng loạt trường đoạn của phim được xây dựng thiếu kịch tính và lỏng lẻo khiến nửa sau tác phẩm trở nên lê thê và gây nhàm chán. Cách lật tẩy ông trùm cuối nhanh chóng và đơn giản, mang tính gây cười hơn là thuyết phục về logic.

Dàn nghệ sĩ gạo cội như Diễm My, Nguyễn Hậu, Lê Bình... chỉ tròn vai và không có nhiều "đất" diễn. Lời thoại phim dẫu có sự cố gắng ở những phân cảnh hài hước, vẫn rơi vào lối mòn gượng gạo, sống sượng trong nhiều phân đoạn nhân vật tâm tình. Trong những cảnh gần như cần có cảm xúc, lời thoại của các diễn viên khô cứng và thiếu thuyết phục.

Hầu hết điểm trừ này thuộc về các cảnh của Kim Lý. Khuôn mặt ít biểu cảm, giọng thoại kém linh hoạt khiến vai của nam diễn viên Việt kiều chỉ dừng lại ở mức một vệ sĩ đẹp mã nhưng thiếu chiều sâu. Những cảnh 16+ khoe da thịt như ngoại hình cơ bắp của Kim Lý hay màn đánh đấm với áo tắm của Diệp Lâm Anh trên thuyền cũng phần nào sống sượng thay vì vui mắt.

Cảnh đánh nhau trên du thuyền giữa Thái Hòa [trái], Kim Lý [thứ hai từ trái sáng], Diệp Lâm Anh [giữa].

Phim Vệ sĩ Sài Gòn và Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ gây nhiều bàn tán khi bị cho là trùng về đề tài, thể loại, tuyến nhân vật và cùng một đơn vị phát hành tại Việt Nam. Song sau khi hai phim đã ra rạp, có thể thấy chúng khác biệt nhiều về nội dung. Riêng về đề tài, phim của Kim Lý, Thái Hòa khai thác mạnh về nghề vệ sĩ, còn phim do Angela Phương Trinh đóng vai chính chỉ điểm thoáng qua về công việc này.

Chủ Đề