Điểm chúng về nghệ thuật quân sự của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh

Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, cục diện chiến trường Đông Dương có chuyển biến căn bản theo hướng có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đặc biệt là với các đòn tiến công chiến lược của quân ta trên các địa bàn trọng điểm: Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Bắc Cămpuchia, Tây Nguyên đã buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó và làm phá sản bước đầu mưu đồ tập trung lực lượng của kế hoạch Nava. Trên chiến trường Điện Biên Phủ, từ chỗ không có kế hoạch Nava, nhưng trước các đòn tiến công của ta buộc thực dân Pháp phải huy động một lực lượng lớn binh lực để tập trung xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương. Nhận định đây là trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng, là thời cơ thuận lợi cho ta sớm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vì vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành thắng lợi”.

 
Đại tướng thăm hầm tướng De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 4/2004. Ảnh: P.V  

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có lòng chảo Mường Thanh dài gần 18 km, rộng từ 6 - 7 km, nằm gần biên giới Việt - Lào, trên một đầu mối giao thông quan trọng, có đường đi sang Lào. Thực hiện mưu đồ đối với Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng lớn quân viễn chinh gồm 16.200 lính tinh nhuệ; 48 khẩu pháo, cối các loại từ 75 đến 120 li; xây dựng và mở rộng 2 sân bay với hàng trăm máy bay [trong đó có 43 máy bay ném bom]. Tập đoàn cứ điểm được bố trí thành 3 phân khu: Bắc - Trung - Nam, với 49 cứ điểm liên hoàn, với hệ thống công sự và hàng rào dây thép gai kiên cố. Thực hiện quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, bộ phận tham mưu của ta và đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đi trước để chuẩn bị chiến trường đã đề nghị phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm tranh thủ địch vừa tăng cường lực lượng, đứng chân chưa vững, ta tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong “3 đêm 2 ngày”. Đại tướng Vi Quốc Thanh - Trưởng phái đoàn quân sự Trung Quốc khuyên ta: “Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng cường thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng không còn điều kiện công kích quân địch nữa”. Để chuẩn bị và bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động hàng chục vạn dân công, hàng vạn thanh niên xung phong, ngày đêm vượt qua đèo cao, núi dốc, vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù để vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội đánh giặc và phá bom nổ chậm của địch, mở đường đến các trận địa. Hàng chục khẩu pháo các loại và hàng vạn bộ đội đã bí mật vào vị trí tập kết, sẵn sàng chờ mệnh lệnh “khai hỏa” vào 17 giờ ngày 25/01/1954.

Cuối tháng 12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi lên đường ra mặt trận, tại Thủ đô kháng chiến ở Tân Trào, Đại tướng đã đến chào Bác Hồ. Bác Hồ hỏi Đại tướng: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường,có gì trở ngại không?”. Đại tướng trả lời: “Các đồng chí Tổng tham mưu trưởng, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị đều đã có mặt trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương của Bộ tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn Quốc, kể cả Bộ đội tình nguyện ở Lào và Cămpuchia. Anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng ở lại khu căn cứ, phụ trách mặt trận đồng bằng Bắc bộ. Chỉ trở ngại là ở xa có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ chính trị”. Nghe vậy, Bác Hồ nói với Đại tướng: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Chia tay Đại tướng, Bác Hồ căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Thực sự đây là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm hết sức nặng nề của Đại tướng đối với Đảng, nhân dân và quân đội ta.

Mọi công việc chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho trận đánh được triển khai theo phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” đã hoàn tất. Nhưng trước ngày nổ súng Đại tướng nhận thấy địch không ngừng củng cố công sự ngày càng vững chắc, không còn ở thế phòng ngự dã chiến như ban đầu. Về phía ta, Đại tướng cho rằng có 3 khó khăn nổi lên. Một là: Bộ đôi chủ lực của ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là Tiểu đoàn địch tăng cường có công sự vững chắc, nhưng cũng có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều. Hai là: Trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh - pháo binh với quy mô lớn đầu tiên mà lại chưa qua diễn tập. Ba là: Bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm, chủ lực của ta chưa có kinh nghiệm tấn công ban ngày trên địa bàn bằng phẳng với kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng, trận đánh lại diễn ra trên bình diện với chiều dài khoảng 18 km và rộng từ 6 -7 km. Mặc dù mấy vạn quân đã dàn trận, đạn dã lên nòng, sẵn sàng “Dội lửa” lên đầu kẻ thù vào 17 giờ ngày 25/01/1954 như kế hoạch đã định. Nhưng Đại tướng quyết định dừng lại cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Trao đổi với Đại tướng Vi Quốc Thanh - Trưởng phái đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc về quyết định của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Ý định của tôi là hoãn cuộc tấn công ngay buổi chiều nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc””. Với trách nhiệm trước Đảng, trước lời căn dặn của Bác Hồ và nhất là trách nhiệm trước sinh mệnh của cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường; Sau 11 ngày đêm theo giỏi, suy nghĩ và tính toán, với nhãn quan thiên tài quân sự, với bản lĩnh và kinh nghiệm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi đến kết luận: Đánh theo cách này nhất định thất bại và quyết định chuyển sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Với cách đánh này, quân ta sẽ đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận quân địch theo lối “Bóc vỏ”, dồn địch vào tình thế ngày càng bị động, khốn quẩn để tiêu diệt chúng.

Quyết định thay đổi phương châm và kế hoạch đã được triển khai, sau đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về Trung ương Đảng bằng thư hỏa tốc. Quyết định của Đại tướng được Bác Hồ và Bộ Chính trị nhất trí và tiếp tục động viên hậu phương đem toàn lực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng. Thay đổi phương châm tác chiến từ phương châm: “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” là một “Quyết định lịch sử” của một vị tướng tài năng quân sự kiệt xuất, giàu bản lĩnh, kinh nghiệm và đầy bản chất nhân văn. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”. Nhưng đây là quyết định sáng suốt và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cuộc chiến tranh. Đánh giá về quyết định lịch sử này, tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên, nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Còn tướng Vương Thừa Vũ nhận xét: “Nếu theo cách đánh cũ, thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể bị kéo dài thêm tới 10 năm”. Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp, một sự đánh giá”, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Peter MacDonald [người Anh] đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến... Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của mọi thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.

Thắng lợi của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ là một trong những thắng lợi to lớn nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. “Được ghi vào lịch sử Việt Nam như một trong những chiến công chói lọi nhất, một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX. Được ghi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách đột phá thành trì của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa nô dịch thuộc địa”. Thắng lợi đó bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, sáng tạo của quân đội và nhân dân ta, gắn liền với tên tuổi và sự đóng góp kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thắng lợi đó buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ ngày 20/7/1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam, miền Bắc được giải phóng, tiến lên cách mạng XHCN và trở thành hậu phương vững chắc để tiếp tục thực hiện thắng lợi “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975.

Trương Văn Nhỏ

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tập trung hoàn thành chiến dịch

Ngày 7/5/1953, Đại tướng Henrri Navarre [khi ấy là Tham mưu trưởng lục quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương [NATO]] được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương. Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mới vào tháng 7/1953 với hy vọng quân Pháp đang trong tình thế phòng ngự bị động sẽ “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Thực hiện Kế hoạch Navarre, quân Pháp đã mở rộng càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ và tập trung quân cơ động chiến lược ở Bắc Bộ chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn vào Việt Bắc để giành thắng lợi quyết định để nhanh chóng kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng.

Vào tháng 9/1953, Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, tác chiến là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, tương đối yếu mà đánh; giữ vững thế chủ động, kiên quyết tiến công, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng, các mặt trận; chọn thời cơ quyết chiến, quyết thắng. Để làm thất bại kế hoạch Navarre, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Địch tập trung quân sự đông để tạo nên sức mạnh. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn... Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc làm hướng chính. Các hướng khác là hướng phối hợp”.

Tháng 11/1953, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho quân ta tiến lên Tây Bắc. Cùng với hướng chính là Tây Bắc, quân ta cũng tiến đánh Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào. Do đó, quân Pháp buộc phải phân tán lực lượng để giữ Tây Bắc [ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ], Thượng Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ.

Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Các tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều cho rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”. Do đó, để giành thắng lợi mang tính quyết chiến chiến lược, quân ta cần tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch ở đây, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.

Bộ Chính trị nhận định Điện Biên Phủ có một vị trí cô lập, xa căn cứ hậu phương của địch và mọi sự tăng viện, tiếp tế đều dựa vào đường hàng không. Lực lượng ta là những đơn vị chủ lực tinh nhuệ, có tinh thần chiến đấu cao và đã được huấn luyện về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Tại hội nghị, Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Ngoài ra, Hội đồng Cung cấp mặt trận cũng được thành lập ở Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Theo đó, các địa phương cũng thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận cấp liên khu và cấp tỉnh.

Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Tổng quân số điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 55.000 người, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh [308, 312, 316], Trung đoàn bộ binh 57 [Đại đoàn 304], Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Đảng, Chính phủ ta cũng đã huy động 260.000 dân công để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong trận đánh quyết định này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao trọn niềm tin cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[1]. Bởi vậy, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã chủ động, sáng tạo trong thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ngày 30/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gửi báo cáo điều này với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Bộ Chính trị: “Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như ở Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước”[2]. Kế hoạch “đánh chắc, tiến chắc” của Đảng ủy chiến dịch được Bộ Chính trị chấp thuận.

Từ ngày 13/3/1954, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt lần lượt từng cứ điểm, vây lấn địch từng mét hào và mở những đợt tiến công quyết định đi đến thắng lợi. 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, tướng De Castries, Chỉ huy trưởng cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống.

Kết thúc chiến dịch, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ 16.200 tên địch, trong đó có 1 tướng, hạ 62 máy bay, 81 đại bác. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan “Kế hoạch Navarre”, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.

Nói về tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ [7/5/1954], tại Hội nghị Chính trị đặc biệt [3/1964], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hệ thống thuộc địa của Pháp đã dần bị lung lay. Nhà sử học Mỹ Berna Fol đánh giá: “Lần đầu tiên, cường quốc thực dân bị một nước thuộc địa đánh bại”. Ký giả người Pháp Jules Roy ghi nhận: “Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa”.

Đặc biệt, chỉ 4 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1960 đã đi vào lịch sử nhân loại với tên gọi “Năm châu Phi” với 17 nước châu Phi đã tuyên bố độc lập. Đến 1968, có tới 39 nước ở châu lục này [gồm 85% lãnh thổ và 93% dân số] đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Nhận định về chiến thắng Điện Biên Phủ, vào tháng 9/1969, Bí thư Đảng Cộng sản Tunisie Mohamed Hartman đã bày tỏ: “Chúng tôi biết rằng, chính cuộc đấu tranh thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp đã đóng góp vai trò quyết định trong việc thúc đẩy phong trào dân tộc ở châu Phi và trong thế giới Arab, và mở đầu sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”[3].

1. Võ Nguyên Giáp: Điểm hẹn lịch sử, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 66.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 214-220.

3. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.631.

Nguyễn Văn Toàn

Video liên quan

Chủ Đề