Giới thiệu sách Tôi tự học

Cuộc sống không ngừng phát triển, con người không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức của mình để hòa nhập và không bị lạc hậu. Một con đường  để làm tiền đề cho sự phát triển và thành công sau này chính là việc tự học. Tuy nhiên vẫn có nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc học. Có nhiều ý kiến được đưa ra: Học để làm gì? Học cái gì? Học như thế nào? Để giải quyết được những vấn đề thắc mắc ở trên tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần- một học giả nổi tiếng vào những năm 50-60 thế kỉ trước của nước ta đã viết một cuốn sách để bàn luận về vấn đề này - "Tôi tự học"

Việc học là một quá trình dài, trong quá trình này đòi hỏi tính chủ động của người học, chỉ có chủ động lĩnh hội kiến thức mới có thể giúp người học đạt được kiến thức toàn diện. Học là để cho đầu óc và tâm hồn càng ngày càng cao hơn, rộng hơn. Có cao, có rộng mới tránh được nạn “thiên kiến”, “chấp nhất”của những đầu óc hẹp hòi. Người có học thức rộng là người có thể thưởng thức được mọi văn hóa, hiểu được luân thường, đạo lý ở đời. Trái lại kẻ có đầu óc hẹp hòi dễ suy nghĩ một chiều và có thể dẫn đến nạn “cuồng tín”

Người học chia làm hai loại:học vì tư lợi, và học không vì tư lợi gì cả nghĩa là học theo sở thích. Loại học thứ nhất , học nói chung là để kiếm một tấm bằng, kiếm kế sinh nhai. Đây cũng là mục đích của phần lớn người đi học, họ học theo nhu cầu của xã hội, học theo ý chí của cha mẹ nhằm thỏa mãn có một công việc để họ có thể tồn tại. Loại thứ hai, họ học vì đam mê, sở thích. Những người này họ học văn chương là văn chương, âm nhạc là âm nhạc.Vậy mục đích của sự học chính là học, là để mưu cầu hạnh phúc, nghĩa là để cho mình càng ngày càng mới, càng ngày càng rộng,…

Bậc thiên tài, họ có cần học không?

Nhiều người vẫn nghĩ rằng bậc thiên tài là người có đầu óc phi phàm, họ có trí nhớ ưu việt và thường sống cô độc. Nhưng thực tế họ chỉ khác ta một điều: “ Họ có một đức tin vững vàng về phương pháp làm việc của họ” hay nói cách khác thiên tài chính là kết quả của sự nhẫn nại, bền bỉ lâu ngày mà thành. Muốn thành những bậc tài hoa , điều thứ nhất là phải có lý tưởng, có đủ lý tưởng  và chí kiên nhẫn để có thể thự hiện lý tưởng ấy; điều thứ hai là làm việc có trật tự, có phương pháp,nhẫn nại và lặng lẽ, không bồn chồn, không vội vã.

1.    Những yếu tố chính

Giới thiệu sách Tôi tự học

Có hai thứ học là học về bề rộng và học về bề sâu. Do mọi sự trên đời đều có quan hệ với nhau, nguyên nhân của vấn đề này là kết quả của vấn đề, không có một sự vật nào cô đơn độc lập cả, nên cần có kiến thức sâu rộng, toàn diện thì mới có thể đánh giá vấn đề một cách khách quan. Học rộng để tránh khỏi bị thiên kiến trong khi nhận xét, phê bình.

Từ cái học tổng quát chúng ta nên đi sâu vào ngành học của mình để công việc thuận lợi giúp ích cho bản thân ta nói riêng và  đem lại lợi ích cho xã hội nói chung.

Thứ hai, muốn tiến bộ trong quá trình tự học đòi hỏi người học phải có sự cố gắng. Sự cố gắng dù là nhỏ nhất cũng là điều kiện cho tinh thần, trí não ta phát triển.Có nhiều phương pháp để tự học như đọc sách, đi du lịch, tham dự triển lãm,…Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cái gì cũng cần có phương pháp. Nếu bản thân luôn cố gắng mà không có phương pháp cũng chẳng khác nào không học trái lại còn làm mụ mị đầu óc, không có lợi gì cho tinh thần. Đọc sách mà có lợi cho tinh thần là khi nào mình biết vận dụng tất cả các năng lực, năng khiếu của mình, nhận thức được rõ ràng những ý kiến sâu thẳm của lòng mình đem ra so sánh với những kiến dị đồng của tác giả, biết trầm ngâm suy nghĩ, làm việc có phương pháp, biết thảo luận đồng cảm với tác giả.

Ngày nay có những người cuồng đi du lịch, bởi họ nghĩ du lịch cũng là một cách tự học nên họ cố gắng di du lịch thật nhiều, mỗi khi đi du lịch về lại được dịp “check in” trên mạng xã hội cùng bạn bè. Những bức ảnh đẹp lung linh như một thước đo của thanh xuân, của công nghệ hiện đại. Như vậy có phải là tự học hay không? Câu trả lời còn tùy vào cảm nhận của từng người, tuy nhiên để du lịch trở thành một quá trình tự học thì cần phải khéo biết quan sát. Khéo quan sát thể hiện không những ở cái nhìn bề ngoài của sự vật, hiện tượng mà còn phải biết động cơ vô hình nào tạo nên sự vật hiện tượng ấy. Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật đã ra đời bởi sự cố gắng tìm tòi trong quá trình đi du lịch, như tác phẩm “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chíp, chính sự quan sát thấu hiểu trong hành trình đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ.

Thứ ba là biết tổ chức sự hiểu biết của mình. Người học thức là người  biết tổ chức kiến thức mình tích lũy được một cái biết có cơ sở vũng vàng, rộng rãi. Người có văn hóa cao là người có đầu óc rộng rãi, tinh thần khoáng đạt, họ không lệ thuộc vào một nguyên tắc hay chủ nghĩa nào.

Thứ tư, cần biết mình. Trong bất cứ việc gì cũng cần biết mình, đây chính là nên tảng quan trọng. Biết mình đi sâu vào đời sống tâm tư tình cảm, tìm hiểu con người ta. Cái học về con người là cái học hứng vị nhất đối với chúng ta, và có lẽ là mục đích quan trọng nhất mà ta nên chú trọng. Từ việc biết mình, hiểu về đời sống nội tâm của mình mà đi khám phá cuộc sống bên ngoài. Trong quá trình học hỏi ấy phải biết tuyển chọn. Tuyển chọn tức là phê phán, quyết định, lọc lại những cái gì hợp với mình, hợp với thời đại hiện nay. Có hai cách tuyển chọn, cách thứ nhất là lượm lặt tinh hoa của tất cả các sách vở, cách thứ hai là chọn trước một đầu đề sau đó chọn nó làm trung tâm để nghiên cứu.

2.     Điều kiện thuận lợi cho việc tự học

Bất cứ việc làm gì, chuyên tâm chú ý tập trung tinh thần là điều kiện để thành công. Muốn có một đầu óc luôn sáng suốt, phải biết tập cho mình thói quen tìm ý chính, biết phân biệt cái gì là yếu điểm, không bao giờ để bản thân bị lôi kéo vào các vấn đề phụ. Nhất là khi đọc sách, muốn tìm được ý chính xuyên suốt cần phải đọc phụ lục đầu tiên tiếp sau đó là đọc toàn bộ tác phẩm để nắm đại ý. Bấy giờ mới đọc chi tiết từng chương, đoạn,câu văn để phân tích. Đây là đâu chỉ là công phu khi đọc và bình văn mà còn là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời, trong bất kì tình huống nào.

Trong khi học hỏi quan sát nội giới cũng như ngoại giới cần phải quan sát điểm giống và khác nhau của sự vật hiện tượng. Bất kì gặp một cơ hội nào hễ thấy vật giống nhau cần tìm điểm dị đồng của chúng. Nhiều sự việc nhìn bên ngoài thì rất phức tạp, khác biệt kì chung lại giống nhau như một. Tập cho mình có óc tế nhị là mình đã có cơ sở cứng cáp để đi vào con đường tự học rồi đấy.

Giới thiệu sách Tôi tự học

3.     Phương tiện chính yếu

Phương pháp tự học hiệu quả có thể rút ngắn con đường kinh nghiệm nhân loại chỉ có đọc sách. Đọc sách là phương tiện cần thiết nhất hiệu quả nhất để đào tạo cho mình cơ sở kiến thức vững chắc. Học bằng sách cần phải chú ý hai điều kiện là: Chỉ đọc sách hay và phải biết cách đọc.

Để lựa chọn được cuốn sách hay đầu tiên ta cần biết loại trừ. Loại trừ những sách dài dòng, to lớn, nặng nề. Sách đọc càng ngắn gọn càng hay. Kế đó là loại trừ sách buồn chán . Sách loại này làm ta cảm thấy mệt mỏi, chán nản, mất công sức và thì giờ của ta. Sau đó là loại trừ sách khó hiểu. Sách khó hiểu ở đây là loại sách cấu trúc ngữ pháp lủng củng, từ ngữ khô khan,nội dung kém hấp dẫn. Khi chọn sách để học ta nên tham khảo ý kiến của những người đi trước, những người có trình độ kiến thức, và nên chọn những cuốn sách đã vượt qua thử thách thời gian. Tức là những cuốn sách đã được xuất bản nhiều lần, xuất bản bởi những nhà xuất bản có uy tín, được nhiều người mến đọc. Bên cạnh đó việc có một tác giả yêu thích và chọn những tựa sách mà người đó khuyên đọc cũng là một giải pháp an toàn cho quá trình đọc sách. Đơn cử như cá nhân tôi rất ấn tượng với văn phong của Rosie Nguyễn, chị này có một danh sách những cuốn sách cho em tuổi đôi mươi, tôi cũng tham khảo một số cuốn và thấy những cuốn sách này rất có ý nghĩa trong công cuộc tự học của mình.

Sau khi chọn cho mình những cuốn sách hay ta cần biết cách đọc sách. Không gian đọc sách cần trang nghiêm trầm lặng. Hãy tự dành cho bản thân không gian yên lặng, cô tịch để tiến hành đọc sách.

Nên có cho mình những cuốn sách gối đầu giường. Đây là những cuốn sách trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể cho ta một vài ý tưởng thích nghi, an ủi. Những cuốn sách giúp ta hoài nghi suy ngẫm hơn, biết đặt vấn đề, làm lòng ta nhẹ nhàng, phấn khởi. Trong quá trình tự học bằng cách đọc sách phải luôn luôn cố gắng trau dồi ngoại ngữ đặc biệt là Tiếng Anh, bởi khi đọc một cuốn sách được dịch bởi một người khác ta sẽ chỉ nhìn nhận vấn đề trên phương diện của người dịch. Điều này làm mất đi tính trực quan của tác phẩm. Đọc sách phải là một sự sáng tạo chứ không phải là một sự nô lệ. Đừng bao giờ tìm hiểu một người bằng lời giới thiệu của một kẻ thứ ba. Cần ôn lại những hiểu biết về cuốn sách, đồng hóa và phản đối chúng. Sau đó lấy tư cách của một trạng sư bênh vực chúng, cố gắng thấu hiểu chúng. Phương pháp này giúp tránh khỏi những phê phán cẩu thả bất công.

Tư học là một quá trình nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, cần sự quyết tâm, có phương pháp mới có thể đạt được hiệu quả. Như Lavarenne đã từng nói rằng:

Ông thầy hay nhất là ông thầy biết dự bị cho học trò của mình không cần đến mình nữa; hay nói một cách khác, ấy là ông thầy không lo nhồi nhét sự hiểu biết mà lo truyền dạy phương pháp tự học cho chúng.

Tác giả: Thảo Hiền- Bookademy

---------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/