Hiến thận sống được bao lâu

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em muốn hiến 1 quả thận. Bác sĩ cho em hỏi hiến 1 quả thận có ảnh hưởng tới sức khỏe không? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Hiến 1 quả thận có ảnh hưởng tới sức khỏe không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Trước hiến thận, bác sĩ sẽ khám và làm các xét nghiệm đánh giá sức khỏe tổng quát các cơ quan bộ phận của cơ thể bạn, kiểm tra và đánh giá chức năng của từng thận. Sau đó, bác sĩ sẽ ước lượng bạn có thể sống với 1 quả thận còn lại ít nhất đến 80 tuổi mà không bị suy thận. Nếu bạn không có bệnh lý gì tại thời điểm hiện tại thì có thể hiến 1 quả thận.

Tuy nhiên, sự dự đoán nào cũng có nguy cơ rủi ro mặc dù thấp, bạn có thể bị suy thận vì một bệnh lý nào đó trước tuổi 80, hoặc bị chấn thương thận còn lại phải cắt bỏ thận. Bác sĩ tư vấn sẽ nói rõ hết với bạn khi bạn đi tư vấn hiến thận.

Vì vậy, bạn nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.

Nếu bạn còn thắc mắc về hiến 1 quả thận, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số 1900 232 389 [phím 0 để gọi Vinmec] hoặc đăng ký lịch khám tại viện TẠI ĐÂY. Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

XEM THÊM:

Bài viết được viết bởi Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Cường - Cố vấn khoa Nội - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như: bài tiết các chất độc hại sau khi cơ thể đã chuyển hóa thông qua sự bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, điều chỉnh cân bằng toan – kiềm, cân bằng nước – điện giải, tham gia biệt hóa hồng cầu, điều hòa chuyển hóa canxi – phốt pho... Khi bệnh nhân bị các bệnh lý thận – tiết niệu khác nhau, nếu cả hai thận không còn khả năng đó và không có khả năng hồi phục thì được gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối. Khi đó bệnh nhân chỉ sống được nhờ một trong ba biện pháp điều trị thay thế thận: thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận, trong đó ghép thận là phương pháp điều trị lý tưởng nhất vì một quả thận ghép có thể đảm đương hoàn toàn chức năng của hai thận đã bị tổn thương. Trong khi hai phương pháp kia chỉ có thể thay thế được một phần chức năng thận, đó là chức năng loại thải chất độc và điều chỉnh những rối loạn nội môi, còn các chức năng khác thì không. Ngoài ra bệnh nhân ghép thận không còn phải đến bệnh viện hàng ngày hay cách ngày để lọc máu nữa.

Ghép thận không phải là cắt bỏ thận bệnh rồi ghép một quả thận mới vào đúng vị trí cũ. Thực chất ghép thận là việc lấy một quả thận của người khỏe mạnh hoặc một quả thận còn tốt của người đã bị chết não để ghép vào bụng [thực chất là ngoài ổ bụng vì thận ghép ở ngoài màng bụng].

Vị trí thuận lợi nhất để đặt thận mới thường là vùng hố chậu bên phải [cũng có thể là bên trái]. Động mạch và tĩnh mạch thận ghép sẽ được nối với động mạch và tĩnh mạch chậu cùng bên, niệu quản thận ghép sẽ được khâu nối vào bàng quang. Người ta chỉ cắt bỏ 1 hoặc 2 thận bệnh lý trong một số trường hợp đặc biệt [thận đa nang quá to, thận bệnh bị viêm mãn tính nặng, hẹp động mạch thận nặng]. Một người có thể được ghép thận được nhiều lần, nếu thận ghép bị hỏng.

Nguồn thận để ghép có thể từ người sống cho thận hoặc từ người đã bị chết não. Người chết não có lấy được thận để ghép hay không do những hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ quyết định. Từ năm 2007 ở nước ta đã có luật cho ghép thận lấy tạng từ người chết não để ghép cho người bệnh. Nguồn thận ghép từ hiến thận khỏe mạnh có thể cùng huyết thống [bố, mẹ đẻ, anh chi em ruột, quan hệ huyết thống xa hơn: anh em nội tộc] hoặc không huyết thống [hoàn toàn không có quan hệ họ hàng]. Hiện nay ở nước ta hầu hết bệnh nhân được ghép thận từ người cho cùng huyết thống. Trên thực tế, những trường hợp không cùng huyết hống phải chứng minh được sự “tự nguyện hiến thận vì mục đích nhân đạo” chữa bệnh chứ không được mua bán [luật pháp cấm mua bán tạng]. Vì vậy nguồn thận ghép này được ghép hiện nay còn rất hiếm. Đối với người hiến thận, nếu được tư vấn kỹ, khám xét và làm các xét nghiệm đầy đủ, chính xác thì việc ghép thận để ghép cho người khác là đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người hiến [kể cả khi hiến một phần gan]. Vì vậy người muốn hiến thận phải được tư vấn, hiến thận tại các bệnh viện có chuyên khoa thận và ghép thận và phải được xác định là người hoàn toàn khỏe mạnh [Bộ y tế quy định nên dưới 60 tuổi].

Ghép thận được chỉ định cho những người bị bệnh suy thận mạn giai đoạn IIIb – IV có nguyện vọng được ghép thận. Những bệnh nhân này phải có tình trạng toàn thân tương đối tốt, huyết áp được kiểm soát ổn định, tình trạng mạch máu vùng chậu bình thường để có thể tiến hành phẫu thuật ghép thận và tuổi tốt nhất dưới 60. Không có chỉ định ghép thận cho những người bị ung thư, đang bị nhiễm khuẩn cấp, rối loạn tâm thần, cường giáp chưa điều trị ổn định, xơ gan hoặc viêm gan mạn hoạt động, nhiễm HIV, giang mai, lao, lupus ban đỏ. Các trường hợp có bệnh tiểu đường cần cân nhắc kỹ.

Khi đã đủ điều kiện ban đầu để tuyển chọn nhận thận và hiến thận, cả người nhận và hiến thận sẽ được làm các xét nghiệm nhằm xác định sự phù hợp giữa người nhận và hiến [nhóm máu, HLA, đo chéo huyết thanh, tiền mẫn cảm của người nhận], tình trạng sức khỏe chung của cả 2 người [các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, đông máu, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng ...], tình trạng giải phẫu chức năng mạch máu thận của người hiến và mạch máu vùng chậu của người nhận. Nếu tất cả các xét nghiệm đảm bảo yêu cầu nhận và hiến thận, được hội đồng chuyên môn của bệnh viện thông qua, thì phẫu thuật lấy thận để ghép và phẫu thuật ghép thận sẽ được tiến hành đồng thời. Sau một tuần người hiến thận có thể ra viện và phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn sau 1 tháng. Đối với người nhận thận cần thời gian dài hơn để theo dõi và hướng dẫn dùng thuốc trước khi ra viện. Quá trình này có thể hoàn tất từ 2 đến 3 tuần.

Vì người nhận thận - nhận một quả thận của người khác được coi là “ngoại lai”, nên dù là thận từ người hiến cùng huyết thống thân thuộc [bố mẹ, anh e ruột] nhưng cơ thể người nhận luôn luôn có xu hướng “đào thải” ra khỏi cơ thể, nói cách khác là làm cho thận mới được ghép mất chức năng. Vì vậy, để thận mới ghép hoạt động tốt thì ngay trước và trong cuộc phẫu thuật người nhận đã phải được tiêm và uống một số thuốc gọi là “thuốc chống thải ghép”. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà loại thuốc chống thải ghép, số loại thuốc phải dùng đồng thời, liều lượng mỗi loại thuốc, thời gian dùng mỗi loại thuốc ...có thể khác nhau do bác sĩ trực tiếp điều trị chỉ định. Thông thường sau ghép thận hàng ngày bệnh nhân phải dùng 2 – 3 loại thuốc chống thải ghép và phải dùng suốt đời. Tuy vậy các chi phí để duy trì tốt chức năng thận ghép cũng không tốn kém hơn so với điều trị bằng thận nhân tạo hay lọc màng bụng và nếu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế thì sẽ được chi trả phần lớn.

Sau ghép thận, mặc dù chức năng thận ghép tốt, bệnh nhân trở lại cuộc sống khỏe mạnh như người bình thường nhưng các bệnh nhân luôn luôn cần ghi nhớ một số điều dưới đây:

  • Phải luôn luôn nhớ uống thuốc đầy đủ hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
  • Sau ghép thận bệnh nhân vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các biến chứng như: thải ghép cấp [đào thải mảnh ghép, nhất là trong năm đầu]: do các thuốc chống thải ghép làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể nên bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn [viêm phế quản- phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm lao], virus [virus thông thường, thủy đậu, zona, CMV, EBV], nấm... Mặt khác các thuốc còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác như: mặt tròn bệu, mọc nhiều lông hơn, phì đại lợi [nhất là ở giai đoạn đầu], tăng huyết áp, đái tháo đường...

Chính vì thế bệnh nhân sau ghép thận cần tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra nồng độ thuốc ức chế miễn dịch sau ghép cho phù hợp.

Ghép thận nói riêng, ghép tạng nói chung đã mang lại chất lượng cuộc sống rất tốt cho những bệnh nhân được ghép mang lại lợi ích, hạnh phúc, nụ cười cho họ, cho gia đình họ và cho xã hội.

XEM THÊM:

Đối với người bệnh mắc suy thận giai đoạn cuối, ghép thận là phương pháp điều trị thay thế thận đem lại nhiều ưu thế so với hai phương pháp truyền thống là thận nhân tạo chu kỳ và lọc màng bụng. Cùng với sự phát triển của y học, ngày nay, phương pháp này ngày càng trở nên phổ biến và tiếp cận được với nhiều người bệnh hơn trước.

Để giúp cộng đồng hiểu biết rõ hơn về phương pháp này, dưới đây là giải đáp của bác sĩ chuyên khoa Thận – tiết niệu về 5 câu hỏi thường gặp về điều trị thay thế thận suy bằng ghép thận.

1. Phẫu thuật ghép thận là gì?

Ghép thận là phương pháp điều trị thay thế thận suy mà ở đó, người bệnh suy thận giai đoạn cuối được phẫu thuật cấy ghép một quả thận từ người hiến thận khỏe mạnh hoặc chết não vào cơ thể. Như vậy, đồng thời sẽ có hai ca mổ diễn ra song song ở người hiến và người nhận.

Sau khi được đặt vào cơ thể người nhận thận, thận ghép nếu phù hợp sẽ thay thế hai quả thận của người bệnh, làm nhiệm vụ lọc máu, bài tiết nước tiểu và tham gia vào các quá trình nội tiết, chuyển hóa khác của cơ thể. 

Sau cuộc phẫu thuật, cả người nhận thận lẫn người hiến thận [không đề cập đến người cho chết não] đều sống với 1 quả thận và cần được theo dõi sức khỏe định kỳ. Ghép thận có thể coi là một đại phẫu thuật, ẩn chứa nhiều rủi ro và cần sự chuẩn bị, tham gia, phối hợp đa chuyên khoa ngay từ khi chuẩn bị ghép, trong quá trình ghép và theo dõi sau đó. 

2. Làm thế nào để tìm được thận ghép phù hợp?

Điều quan trọng nhất đối với ghép thận là cần tìm được người hiến thận có các chỉ số phù hợp với người bệnh để đảm bảo thận ghép không bị đào thải ra khỏi cơ thể bệnh nhân sau khi ghép. Muốn vậy, rất nhiều các xét nghiệm như nhóm máu, HLA, kháng thể… được thực hiện trước ghép cho cả người hiến và người nhận thận để xác định sự hòa hợp.

Thông thường, người bệnh có thể được hiến thận từ thân nhân trong gia đình [người cùng huyết thống] và khả năng tương hợp giữa người cho và nhận sẽ có xác suất cao hơn người không cùng huyết thống.

Trong trường hợp người cùng huyết thống không có chỉ số phù hợp, người bệnh có thể đăng ký với trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia tại các khu vực để được sàng lọc và tìm được người hiến thận phù hợp. Cần xác định rằng ghép thận là một cuộc phẫu thuật lớn và không cho phép có nhiều sai số, bởi vậy việc vội vàng tìm thận ghép từ các nguồn không chính thống không những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro rất lớn cho người bệnh. 

3. Sau khi ghép thận có khỏi bệnh hoàn toàn được không?

Sau khi ghép thận, người bệnh có thể có một cuộc sống gần như hoàn toàn bình thường, được lao động, sinh hoạt và cống hiến như trước khi bị bệnh, không phải đến viện để lọc máu hàng tuần.

Tuy nhiên, người bệnh không được coi là “khỏi bệnh hoàn toàn” vì để duy trì sự sống của thận ghép, họ vẫn phải uống các thuốc chống thải ghép để hỗ trợ kết hợp với thăm khám định kỳ để chỉnh liều thuốc. Người ghép thận vẫn được coi là có bệnh thận mạn tính tuy nhiên được xếp vào nhóm riêng [kí hiệu là T – viết tắt của từ Transplantation]

4. Tuổi thọ trung bình của thận ghép là bao nhiêu lâu?

Thực tế, cơ thể người bệnh luôn coi thận ghép là vật lạ và phản ứng đào thải luôn diễn ra dù người bệnh có uống thuốc chống thải ghép đầy đủ. Vì vậy, thận ghép không thể tồn tại vĩnh viễn trên cơ thể bệnh nhân.

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ trong y học và sự ra đời của nhiều thuốc chống thải ghép mới, đời sống của một quả thận ghép có thể kéo dài từ 10 – 15 năm. Quá trình thải ghép mạn tính sau đó sẽ dẫn đến thận ghép dần mất chức năng và đến một thời điểm nào đó, người bệnh có thể sẽ phải quay lại điều trị thay thế bằng thận nhân tạo chu kỳ, lọc màng bụng hoặc tiếp tục cấy ghép thận lần 2.

5. Có thể ghép thận bao nhiêu lần trong đời?

Thực tế không có sự giới hạn về số lần thực hiện ghép thận trong một đời người, tuy nhiên, càng về những lần ghép thận sau, nguy cơ thải ghép của thận người cho sẽ càng lớn hơn so với lần cấy ghép đầu tiên. Vấn đề chi phí cũng là một cản trở khiến tỉ lệ người được ghép thận từ lần thứ 2 trở đi thấp hơn so với số người cấy ghép lần đầu.

Chính vì thế, bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn để có thể lựa chọn thời điểm ghép thận phù hợp, một mặt, không nên ghép quá muộn vì có thể xảy ra các biến chứng không mong muốn của việc chạy thận chu kỳ quá dài trên cơ thể người bệnh [như suy tim, thiếu máu…]; mặt khác, cũng không cần ghép quá sớm khi chức năng thận của người bệnh vẫn còn đáp ứng được công việc và cuộc sống hằng ngày của họ.

Cẩm nang ISOFHCARE cung cấp cho bạn các bí quyết khám bệnh tại Hà Nội và Hướng dẫn khám bệnh tuyến trung ương với những thông tin đắt giá và chính xác nhất.

Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!

Tham vấn y khoa:

Ths.BSNT.Đường Mạnh Long

Chuyên Khoa Thận tiết niệu,Chuyên khoa Nội tổng hợp,Chuyên khoa TT Nam học

Video liên quan

Chủ Đề