Làm sao để túi da không bị mốc

Những vết mốc trên túi, ví da, hay giày, bốt, áo da… hẳn vẫn thường làm phiền bạn vào những ngày tiết trời nồm ẩm. Hãy cùng Kat đề phòng và xử lý thật nhanh gọn “giặc mốc” để giữ món đồ da luôn bền đẹp với những cách đơn giản sau đây:

Bảo quản đúng cách để phòng nấm mốc

Yêu cầu về nơi cất trữ đồ da:

  • Không để đồ da sát nền nhà hoặc sát tường.
  • Không để nơi ẩm thấp
  • Không cất đồ da kín bên trong túi nilon hoặc túi pha nhiều thành phần nilon. Nên bảo quản sản phẩm trong túi dustbag chuyên dụng bằng vải không dệt hoặc cotton.

Kiểm tra tình trạng trước khi cất gọn:

  • Không cất đồ da khi còn ẩm ướt. Bạn cần lau kỹ và để nơi khô thoáng để bề mặt da khô tự nhiên. Tuyệt đối không sấy hoặc phơi nắng sẽ làm da khô nứt.
  • Luôn nhớ kiểm tra đồ đạc bên trong trước khi cất, tránh tình trạng để quên trái cây, đồ ăn… bên trong, sẽ tạo môi trường cho nấm mốc phát triển và dễ bị kiến, gián gặm nhấm.

Có biện pháp đề phòng nấm mốc trong mùa nồm:

  • Vào mùa nồm ẩm, bạn nên đặt bên trong 1 vài gói hạt chống ẩm chuyên dụng [có bán ở các siêu thị], hoặc túi vải nhỏ đựng vôi bột, bã trà khô… giúp hút ẩm.
  • Với túi ít khi sử dụng, bạn có thể nhồi báo bên trong vừa giúp giữ form, vừa chống ẩm hữu hiệu.

Luân phiên sử dụng và định kỳ bảo dưỡng

  • Các sản phẩm da thật từ túi xách, giày, boots cho đến áo da… đều cần được dùng luân phiên. Tránh dùng liên tục mỗi ngày không ngừng nghỉ, hoặc “bỏ quên” hàng năm trời, vì cả hai đều gây tổn hại đến sản phẩm.
  • Nên định kỳ bảo dưỡng, tối thiểu 1 năm 2 lần để giữ cho đồ da luôn bền đẹp lâu dài.

Cách loại trừ nấm mốc cho đồ da

Không phải chiếc túi hay đôi giày da thật nào cũng nhiễm nấm giống nhau trong cùng một môi trường cất trữ. Việc phát hiện và xử lý nấm mốc ngay từ sớm sẽ giúp bạn hạn chế được tác hại của chúng đối với bề mặt da, và tránh lây lan sang các món đồ da khác mà bạn có.

Nguyên liệu:

  • Giấm ăn/ cồn 90 độ
  • Nước sạch
  • Khăn vải mềm, mút mềm
  • Bàn chải lông mềm
  • Kem dưỡng đồ da chuyên dụng hoặc các loại body lotion, body cream
  • Baking soda [nếu có]

Các bước thực hiện

Bước 1: Làm sạch vết mốc căn bản

Pha loãng giấm với tỉ lệ 1 phần giấm với 4-5 phần nước ấm. Dùng khăn/ mút mềm và sạch nhúng dung dịch này và vắt gần khô, sau đó lau nhẹ nhàng và kỹ để lấy đi vết mốc. Giặt lại khăn bằng nước sạch, và lặp lại quy trình cho đến khi vết mốc đã sạch hẳn.

Bước 2: Làm sạch chuyên sâu

Với các vị trí khó xử lý, dùng bàn chải mềm nhỏ nhúng dung dịch giấm pha loãng để chải kỹ và sạch hoàn toàn các vết mốc. Lưu ý không bỏ sót những chỗ khuất, vì để sót một vài vị trí, vết mốc sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại!

Dùng bàn chải mềm chải kỹ vết mốc bám sâu bên trong những mũi kim khâu

Lau lại lần cuối bằng 1 chiếc khăn sạch khác nhúng dung dịch giấm loãng [pha mới] để đảm bảo không còn vết mốc nào trên da.

Bước 3: Xử lý với đồ da bị mốc nặng

Với các vết mốc cứng đầu, cần làm sạch với dung dịch giấm pha nước ấm với tỉ lệ 1:1 hoặc cồn với nồng độ loãng hơn. Thử vệ sinh ở các góc nhỏ và khuất để đảm bảo không ảnh hưởng đến màu sắc sản phẩm rồi mới tiến hành vệ sinh ở các mảng chính.

Sau bước làm sạch, để đồ da ở chỗ thoáng cho khô tự nhiên, sau đó dùng kem có thành phần trị nấm chứa ketoconazole, miconazole như nizoral cream và chấm nhẹ lên bề mặt da, lau đều cho kem ngấm trong vài giờ.

Bước 4: Dưỡng ẩm và bảo vệ da

Kết thúc quy trình chữa mốc trên bề mặt da, bạn cần sử dụng kem dưỡng để sản phẩm da được bảo vệ tốt nhất. Chấm nhẹ kem dưỡng và dùng khăn mềm, ẩm lau nhẹ thành vòng tròn đều trên khắp bề mặt da.

Để có kết quả tốt nhất, hãy sử dụng xi dưỡng không màu chuyên dụng dành cho đồ da. Nếu không có sẵn, bạn có thể dùng các loại kem dưỡng da, dưỡng thể để thay thế.

Bước 5: Loại bỏ mùi hôi và nấm mốc bên trong túi/ giày

Để mặt trong sản phẩm không còn mùi nấm mốc khó chịu, sau khi vệ sinh bụi bẩn bên trong, hãy rắc 1 lớp mỏng baking soda [muối nở – có bán tại siêu thị] vào bên trong mặt lót của túi/ giày và để qua đêm. Sáng hôm sau, bạn đổ phần muối này ra và giũ sạch để sử dụng bình thường.

Lưu ý:

Chất tẩy rửa:

Bạn có thể dùng cồn hoặc nước giặt pha loãng, tuy nhiên Kat khuyến cáo không nên lạm dụng các chất tẩy rửa mạnh vì dễ làm phai màu da, dẫn tới những vết loang trên bề mặt. Nếu nhất thiết phải dùng, bạn cần thử ở những phần nhỏ và khuất để xem màu sắc da có bị ảnh hưởng hay không, trước khi thực hiện trên toàn bộ bề mặt da.

Cất trữ đồ sau khi xử lý nấm mốc:

Món đồ da vừa được “cứu” khỏi nấm mốc nên được đặt ở 1 vị trí khô thoáng khác, và sử dụng trở lại một thời gian trước khi cất tủ. Bạn nhớ dọn sạch vị trí tủ/ kệ đã nhiễm nấm mốc để đảm bảo an toàn sức khỏe của bạn và những món đồ yêu quý nhé!

Và còn một cách khác đơn giản hơn rất nhiều, dành cho bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây ^^: Bạn luôn được chào đón tại Kat với dịch vụ bảo dưỡng và vệ sinh đồ da miễn phí, vì vậy, xin đừng ngại liên hệ Kat để món đồ da của bạn được chăm sóc chuyên nghiệp nhất nhé!

Xem thêm bài viết liên quan:

5 MẸO CHĂM SÓC & BẢO DƯỠNG ĐỒ DA THẬT ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ

SỬA DÂY KHÓA KÉO BỊ KẸT ĐƠN GIẢN TRONG 1 PHÚT

——

Túi da thật Kat
CONTACT US:

FB: www.fb.com/tuidathat.vn
Inbox : m.me/tuidathat.vn/
Website: www.tuidathat.vn
Instagram: //www.instagram.com/kat.tuidathat/ Hotline: 0977.757.596 VISIT US:

167 Bà Triệu, HN. Tel: 02466.528.589

Video liên quan

Chủ Đề