Lãnh mỹ a mua ở đâu

12:29' - 30/01/2020

BNEWS Có được tận tay chạm vào những thước lụa óng ả trứ danh, chúng tôi mới phần nào hiểu được ý nghĩa của câu ca trên và hiểu vì sao lãnh Mỹ A lại được gọi là "nữ hoàng" của các loại lụa.

“Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần”

Ngân nga mấy câu trong lúc chúng tôi xuôi phà Châu Giang để tìm về làng lụa Tân Châu "danh bất hư truyền", anh Phương - một "thổ địa" xứ An Giang tiết lộ với ánh mắt đầy tự hào: "Thăm lụa Tân Châu, nếu không thử một lần khoác lên mình tấm lãnh Mỹ A thì bạn sẽ tiếc nửa đời người. Bởi nó sở hữu những nét đặc trưng riêng có, là chất liệu được chọn dùng trong nhiều bộ sưu tập thời trang nổi tiếng của các nhà thiết kế trong và ngoài nước".

Và quả thực, trăm nghe không bằng một thấy, có được tận tay chạm vào những thước lụa óng ả trứ danh, chúng tôi mới phần nào hiểu được ý nghĩa của câu ca trên và hiểu vì sao lãnh Mỹ A lại được gọi là "nữ hoàng" của các loại lụa.
Của một đồng, công một nén

Dạo quanh "quê lụa Tân Châu" trong một ngày cuối năm ngập nắng, những tiếng máy dệt lụa ầm ĩ như phá tan bầu không khí bình lặng thường thấy nơi làng quê. Nhưng cũng lạ kỳ thay, đâu đó thoảng trong gió lại có một thứ mùi ngai ngái, chan chát đến lạ mà sau này tôi mới biết chính nó tạo nên "linh hồn" cho lãnh Mỹ A.
Dừng chân tại cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc [phường Long Châu, thị xã Tân Châu, An Giang], một cơ sở đã bốn đời làm nghề truyền thống, anh Trần Minh Trung - Phó Giám đốc rạng rỡ đón chúng tôi, trên tay bê kèm một rổ quả nhỏ như những quả nhãn, nhưng vỏ lại màu xanh.

"Đây chính là trái mặc nưa, nguyên liệu duy nhất tạo nên màu đen huyền bí, càng giặt càng bóng - một đặc trưng của lãnh Mỹ A truyền thống", anh Trung giải thích trước những cặp mắt tò mò về thứ quả trong chiếc rổ anh đang cầm.

Mặc nưa bắt đầu cho trái từ giữa tháng 5 Âm lịch đến gần Tết Nguyên đán bởi đây cũng là mùa vụ chính của nghề nhuộm dệt lãnh Mỹ A. Lựa những trái còn xanh mua về, mặc nưa được cho vào máy nghiền thành bột, rây kỹ rồi hòa với nước và đánh cho thật nhuyễn để cho ra một thứ mủ đặc quánh màu hơi ngả vàng, nhưng để lâu ngoài không khí lại chuyển sang màu đen.  "Từng tấm vải được nhúng vào thùng mủ, đảo đều tay một lúc cho vải ăn mủ rồi lấy ra vắt khô, phơi ngoài nắng đến bao giờ tấm lụa nóng lên lại mang tấm lụa nhúng vào thùng mủ tiếp. Chu trình khép kín nhúng – vắt – phơi của miếng vải được thực hiện cả trăm lần trong ít nhất 45 ngày liên tục mới cho ra tấm vải nhuộm mặc nưa thành phẩm, thậm chí nếu gặp mưa, phơi mãi không khô thì phải mất tới 3-4 tháng", anh Trung cho biết.Đặc biệt, để thêm bóng đẹp, dày và bền, tấm vải còn được cho vào cối, lấy chày nện cho nhừ để thớ vải bám màu rồi cho ra xả nước và phơi tiếp. Thường trước khi nện, người thợ sẽ vẩy nước cho ẩm tấm vải. Ở công đoạn này, một người thợ lành nghề sẽ cần phải biết "bỏ nước" chính xác sao cho cuốn vải đủ ẩm để bám màu mà không hao mặc nưa. Thông thường, mỗi 20 m vải thành phẩm phải tốn từ 100-200 kg mủ mặc nưa.Nhưng đó chưa phải là tất cả, theo anh Trung, lãnh Mỹ A chính hiệu phải làm từ tơ tằm 100%, loại tơ hảo hạng nhất, nếu tơ xấu khi dệt sẽ bị đứt đoạn và phương pháp dệt cũng vào loại khó nhất trong dệt tơ tằm, được gọi là dệt satin 8.

Chạm tay vào thứ lụa đen tuyền huyền bí và trơn láng ấy, chẳng ai nói ai, nhưng chúng tôi đều cảm nhận được giá trị một món đồ đôi khi không nằm ở vật chất mà chính ở sự kỳ công của những người làm ra nó. Thật không ngoa nếu so sánh loại vải này với làn da của một cô gái tuổi trăng tròn: mát rượi và thoảng hương thơm.

Chẳng biết có phải vì thế mà người ta cứ truyền tai nhau rằng mặc lãnh Mỹ A mùa hè thì mát rượi, mùa đông lại ấm áp dù chỉ khoác lớp tơ mỏng nhẹ, nhất là càng giặt lại càng đen bóng, óng ả.
Nhọc nhằn giữ nghề

Cũng đã gần trưa, tiếng máy dệt dần thưa thớt. Theo những người lớn tuổi trong làng, những năm 1950 - 1960, lãnh Mỹ A không chỉ nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh mà còn được xuất sang Campuchia, Lào... Thời hưng thịnh, cả làng có đến cả trăm máy dệt hoạt động hết công suất, ngày đêm không ngơi nghỉ, nhưng nay chỉ còn vài nhà giữ nghề.Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo anh Trung, thế hệ thứ tư nối nghiệp dệt lãnh của cơ sở Hồng Ngọc, chủ yếu do làn sóng "lụa nilông" bởi chất liệu này có thể dệt bằng các máy công nghiệp mà ngay cả nhuộm màu công nghiệp cũng không kỳ công như lãnh Mỹ A nên cho năng suất cao hơn, giá thành vừa túi tiền người dân. Thêm vào đó, nguồn cung trái mặc nưa ngày càng khan hiếm nên ngay cả khi có đơn hàng lớn cũng chưa chắc các cơ sở đã đáp ứng được. "Giờ chẳng mấy ai dành đất trồng mặc nưa vì phải mất từ 3-5 năm cây mới ra trái. Giá ngày xưa từ vài trăm đồng, nay lên vài ngàn một cân, dù với người sản xuất thì chi phí đã tăng nhiều so với trước nhưng với người trồng mặc nưa thì giá này vẫn quá rẻ, khó đảm bảo sinh kế", anh Trung chia sẻ.

Dệt lãnh Mỹ A đã khó, sử dụng loại vải này lại càng không dễ, khi may phải lưu ý dùng kim tròn và nhỏ để tránh đâm trúng sợi tơ. Nếu may hỏng, coi như bỏ luôn tấm vải vì thế không phải ai cũng sẵn sàng chi cả nửa triệu đồng cho mỗi mét vải xa xỉ này.Nguyên liệu thiếu, thành phẩm giá cao, kén khách nên thợ nhuộm, thợ dệt trong làng dần bỏ nghề, các thợ còn lại cũng đã 40-50 tuổi khiến việc sản xuất ngày càng đìu hiu. Trăn trở giữ nghề nhưng vẫn đảm bảo sinh kế, những người thợ Tân Châu tìm đến những kỹ thuật nhuộm nhiều màu khác nhau nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách chứ không chỉ một màu đen truyền thống từ trái mặc nưa.

Hay như ở Hồng Ngọc, giới thiệu cho chúng tôi các sản phẩm quần áo, khăn quàng may từ lãnh Mỹ A được điểm xuyết thêm những hình hoa văn vẽ tay sinh động, phác họa cảnh sắc, làng quê Việt, anh Trung hi vọng dòng sản phẩm mới này sẽ tạo dấu ấn cho du khách đến Tân Châu và góp phần lan tỏa lãnh Mỹ A đến người dùng trong và ngoài nước.

Lần đầu đến với Tân Châu, chị Quế Chi [khách du lịch từ Hải Phòng] không khỏi trầm trồ: "Lụa Tân Châu quả là danh bất hư truyền, nhất là loại thượng hạng lãnh Mỹ A. Tôi chưa từng thấy ở đâu có chất lụa dày dặn mà mịn màng đến thế. Màu đen óng ả đầy bí ẩn, cứ căng như bóng mời gọi người ta hãy thử một lần chạm tới mà cảm nhận".

Lãnh Mỹ A - Cái tên mà cho đến giờ vẫn còn là bí ẩn, không ai biết nó đã xuất hiện từ khi nào, ở đâu và tại sao, nhưng chắc chắn với nỗ lực của những con người Tân Châu đầy tâm huyết, lãnh Mỹ A sẽ vẫn là làng nghề được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến./.
>>> Làng lụa Vạn Phúc: Tre đã già mà măng chưa mọc

Trãi qua bao thăng trầm, Lụa Tân Châu vang bóng một thời đã dần mai một. Khiến cho những người gắn với nghiệp tầm tang phải trăn trở từng ngày. Mong sau một ngày Lụa Tân Châu sẽ trở lại thời hoàng kim vốn có. 

Tân Châu được biết đến với nghề dệt lụa nổi tiếng lâu đời, gắn liền với thương hiệu Lãnh Mỹ A. Tuy nhiên, đã qua rồi thời hoàng kim nhưng lụa Tân Châu [Lãnh Mỹ A] vẫn là cái tên gây nhiều tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Có thể nói để tạo ra được những tấm lụa mềm mịn óng ả, người Tân Châu phải hết sức kỳ công từ việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt cho đến nhuộm vải. Đây là nghề cha truyền con nối, được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác…  Lụa Tân Châu được nhuộm từ mủ của trái mặc nưa nên có màu đen tuyền, mặc vào mùa nóng mát lạnh, mùa đông ấm áp, chất liệu lụa dai bền không hút nước, mặc càng lâu càng lên bóng... 

Do phải mất nhiều thời gian và công sức để làm ra lụa Tân Châu, vì vậy giá cả của một thước lụa khá đắt, trong khi vào những năm 60-70, các hãng tơ tằm dệt bằng sợi ni lông xuất hiện, vải đa dạng, phong phú, giá lại rẻ nên lụa Tân Châu không đủ sức cạnh tranh, đời sống người lao động gặp khó khăn, nghề dệt truyền thống mai một dần. Xứ lụa trù phú ngày nào chỉ còn lại vài hộ cầm chừng gìn giữ nghề xưa, thậm chí khi nhắc đến cái tên Lãnh Mỹ A cũng chẳng còn mấy ai “nhớ mặt gọi tên”. Để giờ đây những người lâu năm trong nghề vẫn nhớ đau đáu từng công đoạn, từng cách làm…

Nhưng có lẽ để làm tiếp thì không phải là chuyện dễ dàng. Bà Võ Thị Nữa – chia sẻ: Bây giờ không còn được như ngày xưa nữa, có dệt cũng không có nơi tiêu thụ, mà cây mặc nưa cũng hiếm ai trồng”.

Còn rất ít người gắn bó với những sợi tơ tằm

Nghề nào cũng lắm nỗi vất vả, gian nan, khổ cực mới gặt hái được thành công. Và đối với người Tân Châu, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa cũng vậy. Mỗi công đoạn làm ra những thước lụa óng ánh ấy là bao nhiêu công sức, bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu mong ước với nghề. Từng công đoạn có những đặc thù rất riêng mà theo nhiều người muốn vào làm cũng không phải dễ. Từng người thợ lành nghề đã phải trãi qua rất nhiều thời gian để tiếp cận, làm quen, lĩnh hội được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của Lãnh Mỹ A. Và đó cũng chính sự mai một mà không dễ gì khôi phục được. Bởi con người chính là vốn quý giá nhất! Ông Nguyễn Văn Long – Chủ cơ sợ dệt Lãnh Mỹ A – Tám Lăng chia sẻ: “Mỗi một công đoạn người thợ phải thực sự lành nghề và am hiểu tường tận. Do đó để có một người thợ giỏi cần phải trãi qua nhiều năm làm trong nghề. Chứ người tay ngang thì gần như không thể làm được”. 

Không những khan hiếm thị trường đầu ra mà khan hiếm cả những thợ lành nghề

Ngày nay, nghề ươm tằm và nghề dệt lụa Tân Châu vẫn tiếp tục cải tiến không ngừng, thêm nhiều ý tưởng mới đáp ứng thị hiếu khách hàng. Mặt khác, tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, mọi công đoạn đều dùng máy để tạo ra những sợi tơ mềm và nhuyễn hơn. Năng suất mỗi lần ươm, dệt cũng được tăng lên đáng kể. Những bộ trang phục được may bằng lụa trông mềm mại, láng trơn, toát lên vẻ thanh tao, quý phái cho người mặc. Đây chính là cơ hội quý báu để một làng nghề vốn nổi tiếng đã lặng im từ lâu có thể khôi phục lại như thời vàng son trước kia. Ông Nguyễn Văn Long – Chủ cơ sợ dệt Lãnh Mỹ A – Tám Lăng chia sẻ: Hiện giờ con tôi vẫn đang níu giữ nghề truyền thống của gia đình và xứ sở. Dự định mở rộng hơn để phát triển mang tính quảng bá thu hút khách du lịch và giải quyết lao động địa phương. 

Đặc biệt trong những năm vừa qua, đã có các cuộc biểu diễn thời trang mang tầm vóc quốc tế đã sử dụng loại lụa này. Đồng thời, với xu thế thời trang hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao mang dấu ấn dân tộc nên lụa Tân Châu bước đầu được khôi phục và tìm được chỗ đứng xứng đáng cho mình. Nghề dệt truyền thống Tân Châu có thể sống lại, đó là hạnh phúc lớn đối với những người dân vùng đất An Giang. Dù không thể trở về thời vàng son nhưng làng lụa Tân Châu hôm nay sẽ bắt đầu một cuộc hành trình mới – hành trình của những sáng tạo nghệ thuật, những giá trị văn hóa truyền thống cùng một sinh khí lao động mới.  Để con thoi vẫn chạy đều trên khung cửi, những trái mặc nưa vẫn nhuộm đen đôi bàn tay, tiếng cạch cạch vẫn vang đều như ngày xưa vậy. Đó cũng là những mong mỏi của những người dân miệt mài làm ra từng thước lụa, để gìn giữ hồn quê, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Bà Lê Thị Kiều Hạnh – Chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc cho biết: “Lãnh Mỹ A này ở Tân Châu cũng là cái nghề truyền thống của gia đình và của địa phương. Cho nên lúc nào cũng muốn gìn giữ và phát huy nghề dệt Lãnh Mỹ A này rực rỡ như ngày xưa”.

Bà Lê Thị Kiều Hạnh – Chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc trăn trở bên gian hàng lụa của mình

Hiện nay, được sự hỗ trợ của thị xã để phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở dệt Lãnh Mỹ A đã bắt đầu biết xây dựng thương hiệu, liên kết phát triển du lịch để quảng bá nét đẹp của Lụa Tân Châu. Để xứ sở Tân Châu ngày càng vang danh là xứ tầm tang với những thước lãnh Mỹ A đen tuyền. Mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống cũng đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam. Khi tham gia tour du lịch làng nghề, khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống. Thông qua hoạt động phục vụ du lịch, một số nghề thủ công truyền thống sẽ có khả năng phát triển như lụa Tân Châu, mang lại nguồn thu cho người dân ở khu vực này.  

Dù không thể trở về như thời hoàng kim vốn có, nhưng Lãnh Mỹ A của Tân Châu sẽ duy trì, khôi phục và được quảng bá nhiều hơn. Những người dân Tân Châu vẫn sẽ gìn giữ những gì quý báu nhất của quê hương. Để những con thoi vẫn miệt mài đưa tơ trên khung cửi, để những tiếng lạch cạch sẽ ngút ngàn vang vọng như thời xa xưa. Những đôi bàn tay ngã màu sẽ tiếp tục cho ra những thước vải đen tuyền. Để Tân Châu được gọi với cái tên Xứ Lụa. /.

Khương Duy

Video liên quan

Chủ Đề