Lực lượng đại đoàn kết dân tộc là gì

Chủ tịch Hồ Chí Minh. [Ảnh: Tuyengiao.vn]

[Thanhuytphcm.vn] - Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đại đoàn kết là một hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng nhằm đoàn kết rộng rãi các giai tầng trong xã hội, phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc của quốc tế, đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất quán và xuyên suốt để tập hợp lực lượng cách mạng và là nhân tố quyết định sự thành công.

Truyền thống yêu nước, nhân ái, tinh thần cố kết cộng đồng của dân tộc chính là cơ sở quan trọng hình thành tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh. Tình nghĩa tương thân “máu chảy, ruột mềm”, “môi hở, răng lạnh”, “tay đứt, ruột xót”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” đã thấm sâu vào tâm can của Hồ Chí Minh. Người đã từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.”Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em… Không ai có thể chia rẽ con một nhà… Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”[1].

Ý chí kiên định của Người thổi bùng lên sức mạnh và tinh thần bất khuất của Nhân dân ta trước âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch.

Hồ Chí Minh luôn khẳng định tầm vóc của vấn đề đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành thắng lợi”[2], “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”[3]. Do đó, phải luôn luôn giữ gìn khối đại đoàn kết – chiếc chìa khóa vạn năng đã giúp cho Đảng ta trong hơn 90 năm qua đưa đất nước vượt qua bao thác ghềnh hiểm trở đến bến bờ thắng lợi.

Chi hội Nữ Trí thức Học viện Cán bộ gửi nhu yếu phẩm cho nhân dân ở khu vực phong tỏa thuộc phường 21, quận Bình Thạnh

Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của vấn đề đoàn kết trong thực tiễn phong trào yêu nước của nhân dân đầu thế kỷ 20. Người kêu gọi nhân dân: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên. Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau” Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, nhưng cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, vì vậy, đoàn kết phải là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Phải thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo và đoàn kết quốc tế. Đoàn kết phải thực sự tạo thành sức mạnh vật chất và tinh thần.

Khối đại đoàn kết toàn dân phải được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, lấy liên minh công - nông - trí làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nguyên tắc này xuất phát từ nhận thức khoa học: đại đoàn kết không phải là tập hợp các lực lượng xã hội một cách ngẫu nhiên mà phải là một tập hợp bền vững của các lực lượng có tổ chức, có định hướng, có lãnh đạo.

Đại đoàn kết phải dựa trên nguyên tắc tin dân, dựa vào dân: “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”[4]. Nguyên tắc quan trọng này bắt nguồn từ sự kế thừa truyền thống của ông cha: “Nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”; là sự quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mac-Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Vận chuyển nhu yếu phẩm gửi nhân dân khu vực phong tỏa phường 21, Bình Thạnh

Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết là một khoa học và nghệ thuật. Muốn có đại đoàn kết, cần phải tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng một cách khéo léo để mọi người tự giác đoàn kết, từ đó tự nguyện tham gia. Muốn giáo dục, thuyết phục quần chúng thì phải có đường lối, chủ trương đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân - đây là điều quan trọng hàng đầu.

Thực hành phương pháp đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh là ứng xử một cách đúng đắn với từng loại lực lượng sao cho có thể mở rộng đến mức cao nhất trận tuyến cách mạng và thu hẹp đến mức thấp nhất trận tuyến của đối phương: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân… Đó là nền gốc của đại đoàn kết… Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ… Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân thì ta đoàn kết với họ”[5]

Phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh để xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng là khai thác, phát huy sự thống nhất, tương đồng trong mục tiêu, lý tưởng. Người kêu gọi: “Giang sơn và chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn non nước ta, để ủng hộ chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”[6].

Từ thực tiễn lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã khẳng định đoàn kết là một trong các truyền thống quí báu của dân tộc ta đã được hun đúc trên nền tảng lòng yêu nước nồng nàn của các thế hệ người Việt Nam.

Đứng trước đại dịch COVID – 19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta càng phải nhớ đến lời của Bác đã từng khẳng định:“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[7].

Trong những ngày qua, chúng ta đã thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng trong cuộc chiến đấu chống đại dịch. Mọi tầng lớp nhân dân đã cùng chiến sĩ lực lượng vũ trang, lực lượng y tế từ y tá, bác sĩ, nhân viên; lực lượng thanh niên xung kích… đã ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để truy vết, ngăn chặn sự lây lan; các lực lượng chính trị nòng cốt ở mọi ngành, mọi giới đã góp sức, góp tiền để tiếp tế nhu yếu phẩm cho đồng bào ở khu vực phong tỏa, hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ sự lây nhiễm cho lực lượng đang túc trực ở tâm dịch; những bếp lửa ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp cơm nước cho chiến sĩ, dân, quân ở mặt trận phòng, chống dịch; cỗ máy ATM gạo lại khởi động để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn… Tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy được kết tinh từ truyền thống “máu chảy ruột mềm”, “thương người như thể thương thân” và từ niềm tự hào TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình – Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần phát huy tinh thần yêu nước, kế thừa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc của ông cha trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước – một di sản tinh thần cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam.

Chúng ta càng phải ghi nhớ và thực hành lời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đã dạy: “Đoàn kết là vấn đề sống còn”, “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”[8].

Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Trang
Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM

-------------------

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011 tr.469, 470.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, t.9, tr.177

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, t.14, tr.186

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, Tập 7, tr.544.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, H.2011, Tập 9, tr.244.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, H.2011, Tập 4, tr.294-250.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 38.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, H.2011, Tập 6, tr.55.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề