M.gorki từng chia sẻ người sáng tác là nhà văn

( 08-12-2019 - 05:31 PM ) - Lượt xem: 696

Maksim Gorki (Максим Горький), tên thật Aleksey Maksimovich Peshkov (Алексей Максимович Пешков) được tôn vinh là một trong những người sáng lập nên nhà nước Xô-viết, nền văn hóa Xô-viết, là “cây đại thụ của nền văn hóa vô sản”. Ông được ghi nhận như một thiên tài bẩm sinh của nhân dân, từ một con người thất học, trải qua những trường đại học cuộc đời, đã trở thành biểu tượng văn hóa lớn nhất thế kỉ XX, bao gồm nhiều phương diện: văn học, tôn giáo, triết học, chính trị. Sau sự tan rã của Liên bang Xô-viết, vượt qua những biến thiên dữ dội của thời cuộc, nhiều giá trị của Gorki vẫn được khẳng định.

1. Những năm tháng đầu đời và thời tuổi trẻ. Sự hình thành thế giới quan (1872 – 1891)

Người viết biên niên sử M.Gorki thường dùng bộ ba Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi để phác họa chân dung và tiểu sử nhà văn. Và điều ấy không phải là sự ngẫu nhiên, bởi tính tự thuật đậm đặc của tác phẩm này đã đạt tới độ “hồi kí hóa”, trong đó nhân vật xưng “tôi” có đời sống kép: vừa là nhân vật văn học vừa là con người ngoài đời. Tác phẩm dựng lại một cách trung thực, sinh động những năm tháng đầu đời và thời tuổi trẻ của tác giả – con người mà tên tuổi đã được lịch sử và cuộc sống huyền thoại hóa. Thời gian trong bộ ba tự thuật này cũng là thời gian tiểu sử của nhà văn, từ khi bốn tuổi (năm 1872) đến khi bước qua tuổi vị thành niên (năm 1890 – 1891).

Thời thơ ấu: quan sát cuộc sống từ cặp mắt mở to

M. Gorki từng nói rằng nguồn gốc sáng tác của ông chính là sự quan sát cuộc sống xung quanh. Từ tấm bé, với trái tim nhạy cảm của đứa trẻ sớm mất mát, bị xúc phạm và hành hạ, cậu bé Aliosha đã biết nhìn nhận cuộc đời bằng cặp mắt tinh tế, đầy niềm trắc ẩn.

Nhà văn tương lai sinh tại Nizni Novgorod – một thành phố tỉnh lẻ ven bờ sông Volga, trong môi trường những người lao động. Người cha xuất thân từ gia đình quân nhân, lớn lên kiếm sống bằng nghề mộc, rồi sớm qua đời vì bệnh tả. Đám tang cha là kí ức đau buồn đầu tiên của đứa trẻ bốn tuổi Aliosha. Người mẹ sớm góa bụa, bất hạnh trong hôn nhân thứ hai, rồi mất sớm vì lao phổi, để lại đứa con côi cút mới lên mười. Từ nhỏ Aliosha sống với gia đình ông bà ngoại, một ngôi nhà có nếp sống tiểu thị dân, tranh giành tiền bạc, dạy trẻ bằng roi vọt. Sau này viết Thời thơ ấu, Gorki gọi những năm tháng đó là “kí ức về một truyện cổ tích hãi hùng”, khi phải sống rất lâu “dưới một cái hố đen sâu hun hút”, cơ hồ làm con người “mất dần thị giác, thính giác và mọi cảm giác”. Bắt đầu từ đó, bé Aliosha mở to mắt quan sát và tiếp nhận cuộc sống. Sự quan sát ấy bắt đầu từ những người thân thích.

Ông ngoại Vasili Kashirin vốn trước kia là phu kéo thuyền, sau tích cóp, tạo dựng được một cơ nghiệp gồm vài xưởng nhuộm, trở thành một kiểu tiểu chủ ở Nga. Bằng trải nghiệm của kẻ tay trắng làm nên, ông tin rằng ở đời muốn trụ được cần phải ranh mãnh. Ông muốn truyền triết lí đó cho đứa cháu ngoại sáng dạ, mong nó lớn lên cũng biết giành giật quyền lợi và tích lũy của cải như mình, nên chủ trương một lối giáo dục rất hà khắc. Nhưng, với tâm hồn trong sáng và bẩm chất đa cảm, Aliosha không sao tiếp nhận được triết lí đó, luôn phản kháng bằng những trò quấy phá để rồi liên tục bị ăn đòn. Đây là cảm nghĩ của đứa trẻ tám tuổi ốm liệt giường sau trận đòn tàn bạo của ông ngoại: “Những ngày đau ốm là những ngày đáng ghi nhớ nhất đời tôi. Trong những ngày đó chắc tôi lớn lên rất nhiều và cảm thấy như có cái gì khác thường. Từ đó trở đi tôi đâm ra lo lắng cho mọi người, và hệt như người ta đã lột mất đi lớp da ở trái tim tôi nên nó trở nên hết sức nhạy bén đối với mọi nỗi đau đớn và sỉ nhục, dù đó là tôi hay người khác phải chịu”.

Suốt những năm tháng tối tăm đầy đòn roi ấy bé Aliosha có một nguồn ánh sáng an ủi và chở che – đó là bà ngoại Akulina Ivanovna. Cũng như nhũ mẫu của A. Pushkin, bà xuất thân từ tầng lớp nông nô, không biết chữ nhưng có một kho tàng văn học dân gian phong phú, một tâm hồn nhân hậu vô bờ bến. Bà gieo vào đứa cháu côi cút những mầm hạt nghệ thuật bằng khúc hát ru dân ca và truyện cổ tích, khơi dậy trong nó niềm trân trọng cuộc sống, biết yêu quý chính nghĩa ghét gian tà, biết “trong đau khổ trở nên cứng rắn, trong bất hạnh vẫn thấy tự hào”. Hồi tưởng về bà, tác giả Thời thơ ấu viết: “Trước khi gặp bà, tôi như người ngủ say, đắm chìm trong bóng tối; nhưng bà đã hiện ra, đánh thức tôi dậy, đưa tôi ra ngoài ánh sáng. Bà lập tức trở nên thân thiết nhất với lòng tôi. Bà đã làm cho tâm hồn tôi thêm phong phú, truyền cho tôi sức mạnh không gì khất phục nổi để tôi đương đầu với những ngày tháng gieo neo”.

Qua hình mẫu ông và bà, Aliosha bắt đầu nhận định về cuộc sống như hai mảnh khác nhau: “Ông tôi có một đức Chúa, còn bà tôi cũng có một đức Chúa khác”.Chúa của ônglàm cậu bé vừa ghét vừa sợ, vì “Chúa không yêu ai cả và theo dõi mọi người bằng con mắt nghiêm khắc, tìm thấy ở con người trước tiên là cái xấu và tội lỗi, không tin ở con người, luôn chờ đợi những lời sám hối và thích trừng phạt”.Chúa của bà thì khác hẳn, thậtnhân từ, độ lượng,là “nguồn vui”, là “vẻ đẹp thanh khiết”,là“cây táo nở hoa”, “mặt trời vàng ngọc”,là “bạn của muôn loài”…

Nhưng rồi chẳng bao lâu Aliosha lại phát hiện ra rằng khái niệm Thiện – Ác qua hình mẫu ông bà ngoại không phải là bất di bất dịch. Cậu bé phát hiện ở “bạo chúa” Kashirin có những nét quảng đại đáng yêu của một người vốn từng làm phu kéo thuyền trên sông nước. Và đến một lúc nào đó, Aliosha không muốn chấp nhận thái độ cam chịu đến nhẫn nhục của bà. Cuộc đời trong con mắt của cậu bé giờ đây không còn là hai mảng trắng đen rạch ròi nữa, mà trở nên phiền phức và lung linh hơn, được cảm nghiệm không chỉ bằng trí óc mà phần nhiều hơn bằng trái tim đầy niềm cảm thông, trắc ẩn. Nếu như “cậu ấm” Nikolenka của L. Tolstoi trong Thời thơ ấu[1] cảm thấy yêu tất thảy mọi người xung quanh bằng “tình yêu thơ trẻ trong sạch như một tia nắng sáng rạng rỡ”, nên không thể tìm thấy khiếm khuyết của họ, thì đứa trẻ mồ côi Aliosha sống trong nghèo đói, tăm tối, ít được yêu thương, đã chứng kiến hàng ngày hàng giờ những thói ti tiện, tham lam, tàn độc của người đời, nhưng không vì thế mà nó trở nên chai lì. Trái tim non nớt “bị lột da” vẫn mỗi ngày đau vì nỗi bất hạnh của người khác, vẫn đón nhận mọi cảm xúc vui buồn, biến chúng thành “mật đời” để viết nên những trang sách đầy chất nhân văn sau này.

Năm Aliosha lên mười xảy ra hai biến cố bước ngoặt, ném chú bé ra lề đường: ông ngoại phá sản và mẹ chết. Ở phần cuối tập Thời thơ ấu là dòng chữ: “Sau khi mẹ tôi chết được vài ngày, ông tôi bảo: Aleksey, mày không phải là cái mề-đay mà treo lủng lẳng mãi trên cổ tao, hãy tự vào đời mà kiếm sống. Thế là tôi, đứa bé chưa đầy mười tuổi, đã bước chân vào đời tự kiếm sống, chấm dứt thời thơ ấu không có tuổi thơ”.

Lịch sử đoạn đời năm năm thơ dại của Aliosha trong ngôi nhà ông bà ngoại cho ta thấy một tính cách khẳng khái, yêu ghét công minh đang được hình thành cùng với cái nhìn biện chứng. Những quan sát và cảm nghiệm về cuộc sống làm cho tâm hồn cậu bé trở nên phong phú và nhạy cảm hơn, vun đắp một tài năng văn chương sau này. Đọc Thời thơ ấu của Gorki, Tolstoi rất cảm phục tài quan sát của tác giả, ông nói: “Tôi rất thích những trang viết của anh, nhưng bản thân con người anh, tôi còn thích hơn”. Ông thích cả trang viết lẫn tác giả bởi trang viết đã dựng lại được chân thật nhất chân dung và tâm hồn tác giả.

Kiếm sống: “Trái tim thông minh” và niềm tin vào những mảnh trời xanh

Cả một thời niên thiếu Aliosha vất vả kiếm miếng bánh mì nuôi thân nuôi bà từ những công việc đến tay: bới rác, bẫy chim, vẽ tượng thánh, bốc vác, chân chạy cho các cửa hiệu, phụ bếp trên tàu thủy… Cậu thu nhận bao hiểu biết từ cuộc sống lam lũ, từ những tiếp xúc với các tầng lớp xã hội muôn màu muôn vẻ. Thời kì này Aliosha còn thu nhận được tri thức từ một nguồn vô cùng quý giá khác: sách. Tranh thủ từng phút giây, ở bất cứ không gian nào có thể, cậu mê mải đắm chìm vào sáng tác của A. Pushkin, M. Lermontov, N. Gogol, W. Shakespeare, V. Hugo, H. Balzac… tìm thấy trong đó một sức mạnh lớn “rửa sạch tâm hồn”, giúp cậu “vươn cao hơn cái đầm lầy thối rữa” của cuộc sống bon chen, giả dối, nhỏ nhen vây bọc quanh mình.

Từ trải nghiệm cuộc sống và qua sách vở, Aliosha trưởng thành từng ngày, trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn, sớm nhận thức được giá trị của văn học nghệ thuật, của những tư tưởng nhân văn đối với sự phát triển tinh thần con người và xã hội. Nhận thức ấy sẽ sớm đưa Aliosha đến với những thử nghiệm văn chương vào những năm tiếp theo, và được khẳng định bằng toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

Tuy thời thơ ấu và thời niên thiếu trôi qua trong nghèo khó, bị hắt hủi, bạc đãi, nhưng tâm hồn Aliosha luôn tươi xanh, hồn hậu, thiết tha tin vào lẽ công bình và tương lai tốt đẹp. Trong Kiếm sống có đoạn: “Cuộc sống của chúng ta thật kì lạ, không phải chỉ vì trong đó chồng chất một lớp đủ thứ dơ dáy nhầy nhụa và sinh sôi nẩy nở khá nhanh, mà còn vì xuyên thủng qua chúng, vẫn vươn dậy mạnh mẽ những gì trong sáng, lành mạnh sáng tạo, vẫn vươn lên cái thiện, cái chất người chân chính, khơi nên nguồn hi vọng bất diệt vào một cuộc hồi sinh tiến tới một cuộc sống tươi sáng nhân đạo”. Đó là một quan niệm về hiện thực thật là lãng mạn, chỉ có thể có được từ quan sát, trải nghiệm và sự am tường vô cùng đời sống Nga. Gorki vĩ đại cũng chính ở điểm này. Sự thô lậu và tăm tối của đời sống tỉnh lẻ đáng lẽ dễ dàng đầu độc tâm hồn thơ trẻ, nhưng nghịch lí đã xảy ra: hoàn cảnh đó đã vun trồng trong đứa trẻ niềm tin vào Con người, vào tiềm năng của nó.

Tình yêu thương, niềm trắc ẩn trước thân phận con người – nét tính cách từng phát lộ từ tuổi ấu thơ – không hề mất đi ở lứa tuổi trưởng thành của nhà văn tương lai. Sau này, suốt 40 năm sáng tác, từ những truyện ngắn đầu tay đến bộ tiểu thuyết sử thi cuối cùng, từ những sáng tác nghệ thuật đến những bài viết chính luận, phản biện xã hội, trang viết của Gorki luôn thấm đẫm nỗi niềm trăn trở về con người, đặc biệt về nhân cách con người trong dòng lưu chuyển phức tạp bề bộn của cuộc sống kỉ nguyên sắt thép và chiến tranh. L. Tolstoi từng nhận xét rằng ở Gorki là một trái tim thông minh. (Độc giả vốn biết, các nhân vật trong tác phẩm Tolstoi được đánh giá “thông minh bằng trái tim” đều chiếm được thiện cảm của ông hơn hẳn các nhân vật “thông minh bằng trí tuệ”).

 Những trường đại học của tôi: “Chúng ta đến với đời để mà không thỏa thuận”

Con đường đến với học vấn và văn chương của Gorki không bằng phẳng. Khác với các nhà văn quý tộc, ông không có một nền tảng học vấn đảm bảo cho ông một vị trí cao trong xã hội, mà chỉ học hết lớp 3 trường làng. Ông cũng không có một nền tảng văn hóa truyền thống, bởi sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghiệp văn chương, hay chí ít ra cũng có năng khiếu nghệ thuật. Nhưng không phải nhà văn nào cũng kinh qua một môi trường đào luyện đặc biệt và hiệu quả như ông – trường học cuộc đời – mà ông gọi là “Những trường đại học của tôi”.

Năm mười sáu tuổi Aleksey Peshkov rời bỏ thành phố quê hương, hăm hở đi về hướng một thành phố có trường đại học nổi tiếng nhất nước Nga – thành phố Kazan. Ý định vào đại học không thành, chàng thanh niên quyết định tự đào tạo bằng cách tiếp tục đọc sách và học trong cuộc đời. Chính thời gian này Peshkov đã tìm đến được với loại hình nhân vật cho những trang viết sáng giá nhất của mình sau này: những người du thủ du thực. Peshkov cùng những con người này lang thang khắp nẻo đường bụi bặm, làm đủ thứ việc nặng nhọc đến tay, đêm đêm ngủ trong những nhà trọ tồi tàn hoặc ngả lưng dưới mái hiên người. Cuộc sống tiếp tục trang bị thêm kiến thức cho chàng thanh niên ham tìm tòi, chuẩn bị vốn liếng cho sáng tác tác văn chương.

Bước vào tuổi thành niên, Aleksey Peshkov băn khoăn tìm cho mình một phương hướng, mục đích sống. Đọc nhiều, tiếp xúc với nhiều loại người, Peshkov cùng một lúc chịu ảnh hưởng nhiều luồng tư tưởng triết học phức tạp: từ tư tưởng Khai sáng Pháp và chủ nghĩa duy vật của Goethe đến tinh thần lãng mạn bi quan Schopenhauer và triết lí siêu nhân của Nietzsche. Có thời gian chàng thanh niên nhìn thấy mục đích sống của mình trong hoạt động chính trị, nhưng sớm thất vọng.

Trong bế tắc không tìm cho mình một phương hướng, một mục đích sống, hơn một lần Peshkov tìm đến cái chết nhưng được cứu sống. Thất vọng về phương hướng chính trị, chàng trai chuyển sang thuyết “Mảnh đất” và “Tình thương” của L. Tolstoi. Peshkov từng thương thuyết, nhưng không thành công, với L. Tolstoi cũng như với V. Korolenko, trong việc xin một mảnh đất để canh tác và tự hoàn thiện mình bằng lao động. Rồi một quyết định mới đến với chàng trai: đi theo con đường văn chương. Để tích lũy thêm vốn sống, từ năm 1888 Peshkov bắt đầu “cuộc hành trình khắp nước Nga”. Chàng trai chân đất lang thang cuốc bộ khắp vùng biển Kaspi, đi qua các vùng đồng cỏ đến miền duyên hải Volga, trở về thành phố quê hương Nizni Novgorod. Mục đích cuộc “xê dịch” vạn nẻo của con người không đồng xu dính túi không phải là vì miếng bánh mì, mà là tìm kiếm tri thức, đề tài sáng tác. Cuối chặng hành trình một truyện ngắn có tên Bài ca cây sồi già (1889) ra đời, nhưng nó bị Korolenko – độc giả đầu tiên và duy nhất – gội một gáo nước lạnh.

Thất bại không làm chàng sinh viên “trường đại học cuộc đời” nản chí. Peshkov sẽ nhớ mãi một câu trong truyện ngắn đầu tiên bất thành của mình: “Chúng ta đến với đời để mà không thỏa thuận”. Còn trong cuốn tự truyện Những trường đại học của tôi, nhà văn tương lai khẳng khái nói:“Tôi không chờ đợi sự giúp từ bên ngoài và không hi vọng vào sự may mắn. Ngược lại trong con người tôi dần dần nảy nở tính bướng bỉnh và hoàn cảnh sống càng khó khăn thì tôi càng cảm thấy vững vàng hơn, thậm chí khôn ngoan hơn. Tôi sớm hiểu rằng con người được tạo nên bởi sự đối kháng của nó với hoàn cảnh xung quanh”.

Từ một cậu bé bốn tuổi biết mở to cặp mắt để quan sát đến chàng thành niên bướng bỉnh, không chịu thỏa thuận với khó khăn cuộc đời là một chặng đường phát triển biện chứng, tựa như một câu chuyện cổ tích về sự ra đời trong đau khổ và trưởng thành trong đấu tranh của tráng sĩ Nga (bagatyr). Cái bản lĩnh “không thoả thuận” này sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ ở những giai đoạn sau.

2. Chặng đường nửa thế kỉ lao động nghệ thuật và hoạt động xã hội (1892 – 1936)

Những sáng tác đầu tay (1892 – 1905)

Thất bại không làm Peshkov bỏ cuộc, hiểu rằng cần thâm nhập hơn nữa vào cuộc sống, quan sát nhiều hơn, tích lũy nhiều hơn vốn sống, nên quyết định làm cuộc “hành trình vạn dặm” lần thứ hai. Lại những chặng đường gió bụi, những công việc nặng nhọc, lại cuộc sống chung đụng với những người du thủ du thực. Trở về sau cuộc hành trình, chàng trai rám nắng cảm thấy thật sung sức. Trong bài báo Tôi đã học viết như thế nào? nhà văn hồi tưởng: “Vào khoảng hai mươi tuổi, tôi bắt đầu hiểu rằng tôi đã thấy, đã trải qua, đã nghe được nhiều điều nên kể và cần phải kể lại cho mọi người. […] Tôi muốn kể ra tất cả những gì làm tôi đau lòng, làm tôi vui mừng, tôi muốn kể ra để cắt bỏ gánh nặng”. May mắn nhất trong lần đi này là cuộc hạnh ngộ của Peshkov với Aleksandr Kaluyzhnyi, một người Dân túy thông minh, từng là tù khổ sai. Người này ân cần lắng nghe, góp ý, chỉ ra tài kể chuyện của Peshkov, khuyến khích chàng thanh niên thử bút lần nữa.

Từ năm 1892 trở đi trên văn đàn Nga xuất hiện những truyện ngắn của một cây bút trẻ kí tên Maksim Gorki[2]. Sau truyện ngắn đầu tiên Makar Chudra (1892) liên tiếp các tác phẩm khác được đăng tải, và đến năm 1900 tác giả này đã có bốn tập truyện ngắn. Nhà văn chân đất nổi danh khắp nước Nga, được nhắc cùng Chekhov và Tolstoi. Vào những năm đầu thế kỉ XX, tác phẩm của Gorki được xuất bản tại khắp các nước Anh, Đức, Pháp.

Những năm 90 trở đi, khi Gorki tiến hành sự nghiệp sáng tác của mình, là thời kì chủ nghĩa Dân túy phá sản, một không khí ủ ê chán nản bao trùm giới trí thức. Họ thờ ơ lãnh đạm trước những lí tưởng lãng mạn và những dự tính, ước mơ táo bạo. Hình tượng người anh hùng xuất chúng lùi xuống, nhân vật thường thường bậc trung lên ngôi. Thế nhưng bầu không khí ảm đạm một màu xám của hiện thực không làm Gorki chối từ ca tụng chiến công, mà còn khẳng định sự cần thiết của nó trong cuộc sống thường nhật, cần làm nên những chuyện cổ tích giữa đời thực. Điều đó làm tác phẩm của nhà văn trẻ nổi bật trên văn đàn. Nước Nga trong bầu không khí trước cơn dông đang mong đợi sự xuất hiện của thủ lĩnh mới, đã hân hoan chào đón tiếng gọi khát khao chiến công của Chim Ưng, Chim Báo bão, chàng trai Danko.

Giới phê bình xã hội học lúc đó giản lược truyện ngắn Gorki thành hai mảng hiện thực và lãng mạn rạch ròi, trong đó mảng hiện thực hướng đến tố cáo thế giới tư hữu, lối sống tiểu thị dân hẹp hòi, còn mảng lãng mạn cất lời hiệu triệu cách mạng. Suốt thời kì Xô-viết Gorki được tiếp tục lí giải như vậy. Với cách tiếp nhận này, vô hình trung sáng tác của Gorki được đặt đối lập với toàn bộ văn học Nga đầu thế kỉ XX, đối sánh với thế giới nhân vật của Chekhov. Mà đó không phải là bản chất thật sự của hình tượng nghệ thuật của ông, không toát yếu mục đích hai cuộc hành trình khắp nước Nga: “Đi để nhìn thấy, để hiểu nơi mình sống, hiểu nhân dân là ai” (Thư từ tháng 12/1910).

Truyện ngắn thời kì đầu của Gorki là bản khảo cứu tính cách nhị nguyên đến lạ lùng trong tâm hồn con người. Đó không phải là phát kiến mới trong văn học, mà đã từng là vùng khảo cứu chuyên sâu của Dostoievski, Gogol, Chekhov cùng các nhà văn Nga đương thời. Có điều, nhà văn vô sản đã lựa chọn đối tượng khảo sát đặc biệt trong một môi trường hết sức buồn thảm: Những kẻ tận cùng dưới đáy xã hội: những kẻ lang thang, thất nghiệp, đói khát cùng cực, đang trong quá trình bị tha hóa, lưu manh hóa (Hai kẻ lang thang, Trên đồng muối, Người bạn đường của tôi…). Trong khi phơi bày sự băng hoại đạo đức của họ, ông vẫn nhận thấy những tia sáng nhân tính vẫn lấp lóa không thể mất đi. Đó là lòng nhân từ (Emelien Pilai, Một chiều thu), sự minh triết (Konovalov), sự hướng thiện và khao khát cái đẹp (Chelkas, Manva)… Những thiên tính ấy khi âm ỉ khi bùng lên, giao tranh với cái phần bị cuộc sống tha hóa, tạo nên bi kịch tâm hồn của nhân vật truyện ngắn Gorki.

Trong truyện ngắn Gorki chất hiện thực và lãng mạn hầu như hòa quyện, thấm sâu vào nhau. Và đó cũng chính là một trong những đặc tính của văn học Nga, mà sáng tác của Pushkin là một hình mẫu. Nguyên tắc lí luận truyền thống thường vẫn lí giải tác phẩm từ mục tiêu đi tìm ý nghĩa xã hội khó có thể áp dụng với sáng tác thời kì đầu của Gorki. Cái nổi bật ngời ngời trong truyện ngắn của ông không nằm trong ý nghĩa xã hội nó dung chứa, mà ở chỗ nó chứa tải tâm trạng, tiếng vọng của thời đại. Nhân vật của ông là một kiểu kết hợp những nét điển hình của văn học truyền thống với một kiểu “triết học” mà tác giả tạo nên theo mong muốn chủ quan của mình, không phải lúc nào cũng đáp ứng tiêu chí “chân thực như trong cuộc sống”. Những nhân vật ấy là hình mẫu lí tưởng cho văn học Nga cuối thế kỉ XIX – đầu XX được giới phê bình so sánh với “con người siêu nhân” của Nietzsche. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nên coi Gorki là nhà hiện đại chủ nghĩa hơn là nhà hiện thực.

Thấm đẫm cảm quan lãng mạn và tinh thần nhân văn, các nhân vật truyện ngắn của Gorki xuất hiện phá vỡ bầu không khí ngái ngủ đời thường, thức tỉnh những ước mơ bay cao đi xa. Các nhân vật ấy hành động một cách quyết liệt, khác thường. Truyện ngắn Makar Chudra (1892) kể về mối tình bi thảm của đôi trai tài gái sắc Di-gan Loiko và Radda. Tuy khát khao hướng đến nhau nhưng họ quý tự do hơn tất thảy, đã chọn cái chết chứ không chịu làm nô lệ cho tình yêu. Và người kể lại câu chuyện không xem đó là chuyện tình bi thảm, mà là bài học để được làm người tự do: “Tôi kể anh nghe một truyện, anh nghe và hãy nhớ lấy, và hễ nhớ thì suốt đời được làm con chim tự do”. Chàng chăn cừu trong truyện Nàng tiên bé nhỏ và chàng chăn cừu (1892) thiết tha yêu thảo nguyên lộng gió ngập tràn nắng, sung sướng đón những tia chớp xé toạc mây đen báo hiệu cơn dông dữ dội, chàng reo vang: “Chẳng có gì mạnh mẽ và đẹp đẽ hơn bão táp!”. Tiếp nối âm hưởng hào hùng ấy là hình tượng Chim Ưng (Bài ca Chim Ưng – 1895): “Chúng ta ca ngợi sự ngông cuồng của những người dũng cảm! Sự ngông cuồng của những người dũng cảm là trí anh minh của cuộc đời. Ôi Chim Ưng dũng cảm! Người đã đổ máu trong chiến đấu với kẻ thù. Nhưng rồi đây, những giọt máu nóng hổi của người như những tia lửa, sẽ bùng lên trong đêm của cuộc đời và bao trái tim quả cảm sẽ rực cháy vì khát vọng cuồng nhiệt vươn tới tự do và ánh sáng!”. Sáu năm sau, niềm tin chiến thắng ấy được khẳng định trong hình tượng Chim Báo bão hân hoan đón dông bão giữa biển khơi: “Khi sà xuống mặt biển, cánh chạm ngọn sóng, khi lao vút lên mây như một mũi tên, chim cất tiếng kêu, và mây nghe thấu nỗi vui mừng trong tiếng kêu ngang tàng của chim báo bão: Hỡi bão táp, hãy bùng nổ lên, mãnh liệt hơn!”. Sau khi Lénin dẫn câu cuối này vào một bài báo của mình, Bài ca Chim báo bão được ghi nhận như lời hiệu triệu cách mạng, tác giả của nó được mệnh danh là “sứ giả của bão táp cách mạng”.

Đặc trưng sáng tác thời kì đầu của Gorki là sự tổng hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn với chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa hiện thực Nga thế kỉ XIX đã đạt tới những đỉnh cao chói ngời, được coi là thành tựu lớn nhất của văn hóa thế giới. Đến thế kỉ XX, nó tiếp tục chiếm lĩnh văn đàn Nga, là xu thế chính, bao trùm toàn bộ đời sống văn học, làm lu mờ xu hướng lãng mạn chủ nghĩa. Thậm chí không ít ý kiến cho rằng thời buổi ấy không phải là dành cho chủ nghĩa lãng mạn, và nó đã chết từ lâu. Tuy nhiên, quan sát trong sáng tác của Gorki ta thấy một chủ nghĩa lãng mạn mới được tái sinh, hết sức bay bổng và tràn đầy sinh lực mới. Đối chiếu sang các nước khác, ta thấy sự phục sinh của trào lưu này diễn ra khắp châu Âu: Habriel D’Annuzio (Pháp), Rudyard Kipling (Anh), Gerhard Hauptmann (Đức), Henryk Sienkiewicz (Ba Lan)… Theo Melchior de Vogüé các tác giả ấy đều có chung một nguồn gốc tinh thần là Nietzsche. Nhạy cảm trước sự biến động của thời cuộc, dự cảm thấy sự thay đổi tất yếu đang như ngọn gió hình thành cơn lốc, sẽ cuốn tan nền tảng cũ của các mối quan hệ xã hội đã lỗi thời, các nghệ sĩ bắt đầu đi tìm kiếm và xây dựng nhân vật lí tưởng của thời đại mới. Đó là những cá tính mạnh mẽ, không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ quy chuẩn nào của cuộc sống xã hội.

Không chỉ viết truyện ngắn, thời kì này Gorki còn nổi danh là tác giả của nhiều vở kịch như Những người tiểu thị dân (1901), Dưới đáy (1902), Những người đi nghỉ mát (1904), Những đứa con của mặt trời (1904)… Kịch Gorki mang những giá trị đặc trưng: tác giả đưa ra ý tưởng và thực hành việc viết kịch gắn liền với những xung đột chính trị – xã hội nóng bỏng, biến sân khấu thành diễn đàn của tư tưởng tiến bộ. Trong kịch của ông thường có hai tuyến chủ đề khác nhau. Chủ đề thứ nhất là những xung đột cổ điển (thường là xung đột các lợi ích cá nhân). Chủ đề thứ hai mang ý nghĩa triết học, là mạch ngầm và là xung đột chủ yếu của tác phẩm. Vở kịch Dưới đáy được coi là đỉnh cao sáng tác thời kì đầu của Gorki, thu hút sự chú ý của công chúng Nga và châu Âu, ngay từ thời điểm mới ra đời đã được dàn dựng thành công trên sân khấu với sự tham gia của đạo diễn và dàn diễn viên sáng giá nhất Nhà hát Nghệ thuật Moskva, như S. Stanislavski, B. Kachalov, O. Knipper-Chekhova v.v.

Với quan điểm xã hội mang tính cấp tiến, Gorki luôn quan tâm đến những vấn đề chính trị, năng nổ tham gia các hoạt động dân chủ. Ông nhanh chóng bộc lộ tài năng của nhà lãnh đạo phong trào văn nghệ. Năm 1901 ông đứng đầu tờ tạp chí Kiến thức (Znanie) của các nhà trí thức lớn. Năm 1905 ông tham gia tờ Đời mới (Novaya Zhizni) – tờ báo hợp pháp đầu tiên của đảng Bolsevich. Năm 1915 ông phát hành tạp chí “Letopis” làm nơi tập hợp các nhà văn có tư tưởng dân chủ và các nhân tài trẻ. Hai lần ông bị chính quyền Nga hoàng bắt giam, bị trục xuất khỏi thành phố quê hương. Năm 1902 Nga hoàng Nikolai II phủ quyết kết quả bầu Gorki là viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nga, gây bất bình trong đội ngũ trí thức. Để phản ứng, hai nhà văn V. Korolenko và A. Chekhov đã rút tên khỏi danh sách năm ấy.

Gorki và các sự kiện lịch sử đầu thế kỉ XX

Từ năm 1905 trở đi, nước Nga nằm trong không khí nóng rực của các cuộc chiến tranh và cách mạng: Cách mạng Dân chủ tư sản 1905, Thế chiến lần thứ nhất, Cách mạng tháng Hai 1917, Cách mạng tháng Mười 1917, Nội chiến. Là trí thức dấn thân, Gorki luôn hiện diện giữa trung tâm dòng sự kiện, đón nhận và hồi đáp tích cực mọi diễn biến.

Sự kiện “Ngày Chủ nhật đẫm máu” (9/1/1905)[3] khiến Gorki càng phản ứng mãnh liệt hơn đối với chế độ quân chủ phong kiến Nga. Thời gian này ông làm quen và kết bạn với lãnh tụ Lénin, ủng hộ cách mạng cả sức lực lẫn tài chính. Khi phong trào cách mạng 1905 thất bại, ông ra nước ngoài, sống lưu vong nhiều năm tại Capri (Italia) cho đến 1913 nhờ lệnh ân xá chính trị mới quay về Nga. Tại đó ông viết tiểu thuyết Người mẹ (1906), thể hiện những suy ngẫm của mình về cuộc đấu tranh chính trị và lí tưởng xã hội chủ nghĩa.

Từ những năm đầu thế kỉ Gorki đã bị lôi cuốn bởi quan điểm triết học của nhà marxist A. Bogdanov (người sáng lập ra triết học tập thể, triết học “tập hợp con người”). Bogdanov cho rằng xã hội đang trải qua giai đoạn “cộng đồng xã hội vốn bị xé rời đang manh nha nhu cầu kết hợp thành khối thống nhất”, và khối thống nhất đó sẽ cùng xây dựng một xã hội công bằng, bác ái. Năm 1908 Gorki cho in cuốn Tự bạch (Исповедь) như một sự nhiệt thành tìm kiếm con đường dẫn đến xã hội đáng mơ ước như thế. Tác phẩm nghệ thuật và triết học này, xét về nội dung, gần với Tự bạch của L. Tolstoi[4], nhất là ở việc đi tìm ý nghĩa cuộc sống con người. Sự khủng hoảng tinh thần dẫn Tolstoi viết Tự bạch diễn ra vào những năm ông bước vào lứa tuổi năm mươi. Điều tương tự xảy ra khi Gorki bước vào tuổi bốn mươi. Cả hai tác phẩm cùng nhan đề, đều đặt vấn đề giống nhau: Vì lẽ gì mà con người sống? Các tác giả cùng bàn về chân lí, về Thiên Chúa, về niềm tin. Và cả hai đều chứng minh: sống như họ từng sống và như đại đa số xung quanh là không thể chấp nhận được. Tolstoi và Gorki đều đi đến một kết luận: để cho cuộc đời có ý nghĩa – cần phải có niềm tin vào Chúa. Gorki viết: “Không nhìn ra Chúa là không thể sống”. Nhưng cụ thể Chúa ở đây là ai? Sau bao nhiêu suy ngẫm, hai nhà văn đều tìm ra một chân lí: Đức Chúa ở trong nhân dân.

Sự tàn khốc của Chiến tranh Thế giới tác động dữ dội đến tâm trạng Gorki. Sau khi thất vọng về chủ nghĩa Dân túy, tìm đến với chủ nghĩa cá nhân của Nietzsche, rồi sau đó là lí tưởng chủ nghĩa xã hội, ông bắt đầu thấy suy giảm niềm tin vào ý tưởng “trí tuệ tập thể”.

Năm 1917 đã khẳng định những lo ngại của Gorki. Chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, nhà nhân văn chủ nghĩa Gorki nhiều lần chao đảo. Trái tim nhà nghệ sĩ không sao chịu nổi thực tại khốc liệt. Ngay từ những năm 1918 – 1919 ông viết nhiều bài báo tranh luận với các lãnh tụ cách mạng Bolsevich, sau này được tập hợp lại thành cuốn sách Những suy tưởng không hợp thời[5]. Tác phẩm không được công khai ấn hành ở Liên-xô, mà thiếu nó, sẽ khó có một tiểu sử chân thực về Gorki cũng như khó có thể giải thích được nhiều khía cạnh trong thế giới quan của ông. Đây là những suy nghĩ tâm huyết và sáng suốt về hàng loạt vấn đề nóng bỏng liên quan đến cách mạng, chính trị, nghệ thuật, người lãnh đạo cách mạng v.v., trùng hợp với xu hướng của phong trào nhân quyền ở Nga và Đông Âu gần bảy mươi năm sau, vừa cho thấy sự sáng suốt của một cảm quan chính trị nhạy bén, vừa bộc lộ những dằn vặt trăn trở của một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Chính trái tim rộng lớn bao la đã mách bảo ông những bất hợp lí của thời cuộc. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên L. Tolstoi từng có lần thốt lên: “Trái tim anh là một trái tim hiền hậu”. Còn R. Rolland viết trong Nhật kí Moskva 1935[6]: “Thực chất ông là một người yếu đuối, rất yếu đuối […]. Tôi rất yêu và thương ông”.

Sau Cách mạng tháng Mười đất nước lâm vào cảnh khó khăn đói kém. Gorki cố gắng hết sức giúp nhân dân. Ông ủng hộ và cứu giúp hàng ngàn rúp cho trẻ em, thương binh, đọc hàng ngàn bản thảo và góp ý cho hàng trăm nhà văn trẻ. Ông đề xuất lập Tủ sách Văn học thế giới, cho dịch các tác phẩm nổi tiếng nước ngoài sang tiếng Nga. Kết quả là nhiều trí thức có công ăn việc làm, còn nhân dân Xô-viết được tiếp xúc với những tinh hoa văn hóa thế giới. Tận dụng những mối quan hệ với các lãnh đạo chính trị và dùng uy tín của mình Gorki bênh vực che chở cho rất nhiều trí thức tài năng: giúp M. Sholokhov in tập ba Sông Đông êm đềm, bất chấp sự cấm đoán của kiểm duyệt, ủng hộ M. Bulgakov, phản đối việc đuổi B. Pilnak, K. Radek, bảo vệ I. Babel khỏi những lời vu khống v.v. Nhưng không phải lúc nào việc cứu giúp cũng thành công, trong đó có trường hợp A. Blok và N. Gumilëv, là một trong những nguyên nhân làm ông càng thất vọng về những người Bolsevich. Năm 1921, theo lời khuyên của Lénin, ông đi ra nước ngoài chữa bệnh.

Từ 1921 đến 1928 Gorki sống ở Sorrento (Italia), nhưng vẫn không ngừng liên lạc và hỗ trợ các nhà văn Xô-viết. Tại đây ông hoàn thành tập Truyện ngắn 1922 – 1924, Ghi chép từ nhật kí (1924), tiểu thuyết Sự nghiệp của nhà Artamonov (1925), bắt tay vào sáng tác những chương đầu tiểu thuyết-sử thi Cuộc đời Klim Samghin (1925 – 1936).

Năm 1928 Gorki trở về tổ quốc Nga, cùng nhân dân Xô-viết hòa mình vào công trường xây dựng đất nước của các chủ nhân lao động, sáng tác những tác phẩm ngợi ca người anh hùng trên mặt trận sản xuất. Lúc này văn học Xô-viết nói đến nhiều về “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” như một cách tân của Gorki (mà thật ra, bản thân ông vẫn gọi đó là phương pháp lãng mạn xã hội chủ nghĩa).

Năm 1934 Gorki được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Liên-xô, ông được tôn vinh là “nguyên soái văn học”. Trong những ngày lễ trọng thể của đất nước, ông đứng trên khán đài, bên cạnh những người đứng đầu nhà nước Liên-xô. Những trang viết nghệ thuật của ông thưa dần. Những trăn trở làm ông thao thức không nguôi.

Ngày 18/6/1936 M. Gorki từ trần, thọ 68 tuổi. Khi trái tim nhà văn ngừng đập, bỗng vang liền một hồi sấm và chớp giật liên tục, sau đó là một trận mưa dữ dội – điều hiếm xảy ra ở Nga vào tháng Sáu. Có mặt trong đám tang của con người huyền thoại nước Nga Xô-viết, phát biểu thay mặt Hiệp hội các nhà văn thế giới, André Gide[7] tuyên bố: “Từ nay M. Gorki sẽ thuộc về lịch sử. Vị trí của ông là ở hàng ngũ những con người vĩ đại nhất”[8].

M. Gorki là một trường hợp đặc sắc của văn học Nga Từ khi ông xuất hiện như một nhà nghệ sĩ và nhà hoạt động chính trị cho tới nay, xung quanh ông luôn dấy lên nhiều tranh luận trái chiều. Vượt lên trên tất cả, ông là nhà nghệ sĩ ngôn từ, chân thành yêu thương con người và luôn buồn phiền lo lắng cho vận mệnh nước Nga, dân tộc Nga.

PHẠM THỊ PHƯƠNG

[1] L. Tolstoi (1828 – 1910) cũng có bộ ba tự thuật (Thời thơ ấu, Thời niên thiếu, Thời thanh niên), trong đó tính chất hồi kí, yếu tố tiểu sử khá là đậm đặc.

[2] Gorki trong tiếng Nga (Горький) có nghĩa là Cay Đắng.

[3] Chủ nhật ngày 9/1/1905 Nga hoàng đàn áp dã man cuộc tuần hành của công nhân thủ đô Sankt-Peterburg khi họ đưa yêu sách đòi cải cách, gây phẫn nộ trong cả nước, mở màn cho cuộc cách mạng 1905.

[4] Tự bạch (1879 – 1892) của L. Tolstoi được viết trong thời gian tác giả luôn trong tình trạng khủng hoảng tinh thần, thể hiện những suy tư về ý nghĩa cuộc sống con người, về đức tin tôn giáo.

[5] Nguyên tác Nga ngữ: М Горький – Несвоевременные мысли, công bố lần đầu tiên trên tạp chí Литературное обозрение, số 9, 10 và 12 năm 1988. Cùng các hồi ký Những ngày đáng nguyền rủa của Ivan Bunin (1870 – 1953), Tận thế của thời đại chúng ta của Vasili Rozanov (1879 – 1919), trước tác này của Gorki được coi là những trang viết kinh điển về Cách mạng Tháng Mười 1917, về tâm thức Nga sau Cách mạng. Cả ba tác phẩm đều chỉ được công bố với độc giả Nga vào thời Cải tổ (Perest’roika), tức sau năm 1985.

[6] Nhà văn Pháp Romen Rolland (1866 – 1944) và M. Gorki là những người bạn vong niên, thường xuyên trao đổi thư từ với nhau. Năm 1935 Romen Rolland sang Nga, có dịp tiếp xúc với Gorki. Sau khi về Pháp, ông viết Nhật ký Moskva 1935 và ghi chú: bất luận ông còn sống hay đã chết, sau 50 năm nữa (tức năm 1985) mới được công bố cuốn sách này. Trong cuốn sách, có một chương dành viết về Gorki, mở cho chúng ta thấy nhiều phương diện thật sự của nhà nghệ sĩ nhân đạo chủ nghĩa.

[7]  André Paul Guillaume Gide (1869 – 1951): nhà văn xuất chúng thế kỉ XX, giải Nobel Văn học năm 1947. Năm 1936 ông sang Liên-xô và có nguyện vọng được gặp Gorki nhưng không thành vì Gorki mất trước ngày được ấn định gặp.

[8] A. M. Gorki – Tuyển tập, Stalingrad, 1936, tr. 131.