Miễn dịch đặc hiệu là gì năm 2024

Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu là một phương pháp điều trị không dùng thuốc đã và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới cho điều trị các bệnh dị ứng

Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu (giảm mẫn cảm đặc hiệu) là một phương pháp điều trị không dùng thuốc đã và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới cho điều trị các bệnh dị ứng, đặc biệt là hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng và mày đay mạn tính. Trong phương pháp điều trị này, các chiết xuất dị nguyên gây bệnh được liên tục đưa vào cơ thể người bệnh nhằm dần tạo ra sự dung nạp của cơ thể đối với các dị nguyên gây bệnh này. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu thường có hiệu quả trong các thể dị ứng nhẹ hoặc các trường hợp không đáp ứng với điều trị chuẩn bằng thuốc. Ngoài ra, điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu còn có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của phản ứng quá mẫn với các dị nguyên mới hoặc các bệnh dị ứng mới. Một số nghiên cứu so sánh trực tiếp giữa hiệu quả điều trị của giảm mẫn cảm đặc hiệu và thuốc cho thấy, hiệu quả của giảm mẫn cảm đặc hiệu thường xuất hiện muộn nhưng bền vững, có thể duy trì nhiều năm sau khi ngưng điều trị, trong khi hiệu quả của thuốc thường xuất hiện sớm nhưng chỉ tồn tại trong thời gian dùng thuốc.

Cơ chế của giảm mẫn cảm đặc hiệu

Cơ chế chính xác của phương pháp điều trị này vẫn đang là vấn đề còn tranh cãi. Cơ chế được đề cập nhiều nhất là tác động của điều trị trên các tế bào lympho T điều hoà, gây ức chế tế bào TH2 và kích thích tế bào TH1, từ đó làm thay đổi hoạt động các tế bào lympho B đã mẫn cảm với dị nguyên, chuyển từ sản xuất các kháng thể IgE và IgG1 gây bệnh sang sản xuất các kháng thể IgG4 có tác dụng bao vây kháng nguyên và không có khả năng gây bệnh. Ngoài ra, sự ức chế tế bào TH2 cũng làm giảm hoạt động gây viêm của các tế bào ái toan và ái kiềm trong phản ứng dị ứng.

Giảm mẫn cảm đặc hiệu trong điều trị một số bệnh dị ứng

1. Dị ứng nọc côn trùng: Giảm mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên vẫn là một lựa chọn quan trọng trong điều trị các trường hợp phản vệ do nọc ong và kiến lửa. Sự ra đời gần đây của các chế phẩm nọc côn trùng tinh chế dùng cho giảm mẫn cảm đã cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị (đẩy nhanh tác dụng bảo vệ và giảm nguy cơ, tăng độ an toàn). Sau khi hoàn thành giảm mẫn cảm, người bệnh vẫn có 10% nguy cơ bị phản ứng do côn trùng đốt, tuy nhiên nếu xảy ra thường ở mức độ nhẹ. Những bệnh nhân đã hoặc đang được điều trị giảm mẫn cảm nếu bị côn trùng đốt vẫn nên được dùng các thuốc chống dị ứng.

2. Viêm mũi dị ứng: vai trò của giảm mẫn cảm đặc hiệu trong điều trị viêm mũi dị ứng đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu với các chiết xuất dị nguyên từ bụi nhà và phấn hoa và lông súc vật. Đáng lưu ý là phương pháp này có hiệu quả với cả những trường hợp viêm mũi dị ứng theo mùa mức độ nặng không đáp ứng với điều trị chuẩn bằng thuốc. Giảm mẫn cảm đặc hiệu cũng là phương pháp điều trị được lựa chọn ở những bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ khi điều trị với thuốc (rát mũi, chảy máu mũi khi xịt corticosteroid hoặc ngầy ngật buồn ngủ khi uống kháng histamin…). Theo một số nghiên cứu, thời gian cần thiết cho một liệu trình giảm mẫn cảm đặc hiệu cho viêm mũi dị ứng là 3 năm, hiệu quả điều trị có thể kéo dài được ít nhất 6 năm sau khi ngừng điều trị, điều này ngược với hiệu quả điều trị bằng thuốc. Giảm mẫn cảm đặc hiệu có hiệu quả với viêm mũi dị ứng theo mùa tốt hơn so với viêm mũi dị ứng quanh năm. Ở những bệnh nhân viêm mũi dị ứng kết hợp với hen phế quản, điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu cho viêm mũi dị ứng cũng làm giảm sự xuất hiện các đợt cấp của hen phế quản

3. Hen phế quản: Giảm mẫn cảm đặc hiệu đã được sử dụng trong điều trị hen phế quản từ năm 1954. Trong thời gian gần đây, chất lượng điều trị hen phế quản đã được cải thiện đáng kể với sự ra đời của nhiều loại thuốc khí dung. Tuy vậy, giảm mẫn cảm đặc hiệu vẫn được sử dụng rộng rãi ở các nước châu âu và bắc mỹ trong điều trị căn bệnh này do nó giải quyết được tận gốc căn nguyên miễn dịch của bệnh. Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định hiệu quả của giảm mẫn cảm đặc hiệu trong điều trị các trường hợp hen phế quản do dị ứng với bọ nhà, phấn hoa và lông súc vật cả về lâm sàng và chức năng phổi.

Nguy cơ của giảm mẫn cảm đặc hiệu

Tai biến phản vệ do giảm mẫn cảm đặc hiệu xảy ra trong khoảng 5-10% các trường hợp với những mức độ khác nhau, đặc biệt trong giảm mẫn cảm cho hen phế quản. Để giảm bớt nguy cơ xảy ra các tai biến, không nên áp dụng điều trị giảm mẫn cảm cho những người có bệnh tim mạch, bệnh ác tính, bệnh tự miễn dịch hoặc những người bệnh đang sử dụng thuốc chẹn bêta giao cảm.

Thời gian gần đây, với việc áp dụng các phương pháp điều trị giảm mẫn cảm không dùng đường tiêm (đường dưới lưỡi, đường mũi, đường uống, khí dung…), tính an toàn và hiệu quả của điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu đã được cải thiện đáng kể.