Nghệ thuật quân sự trong cách đánh giặc của Trần Quốc Tuấn là gì

Vang mãi bản hùng ca Bạch Đằng Giang

Bài 2: Sáng ngời bản lĩnh, trí tuệ Đại Việt

[HNM] - Trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là một trong những chiến công hiển hách nhất, là kết tinh sức mạnh tổng hợp tinh thần, vật chất của quân và dân, là biểu tượng của khí phách anh hùng và tinh thần đoàn kết của Đại Việt. Tại buổi hội thảo khoa học "725 năm chiến thắng Bạch Đằng" vừa qua, PGS. TS Lê Đình Sỹ [Viện Lịch sử quân sự Việt Nam] đánh giá: "Chiến công này đã thể hiện trí tuệ và tài thao lược, một nghệ thuật thủy chiến độc đáo của ông cha ta hồi thế kỷ XIII mà tiêu biểu là nhà quân sự kiệt xuất, anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn".

Dám đánh và đánh thắng quân xâm lược


Chiến thắng vĩ đại năm 1288 trên sông Bạch Đằng là kết tinh lòng quyết tâm của quân dân Đại Việt và sự chủ động chiến lược của Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo. Chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba dựa trên kinh nghiệm cầm quân của tướng lĩnh và tinh thần chiến đấu của quân dân từ hai lần kháng chiến trước. Giáo sư sử học Phan Huy Lê đánh giá: "Kinh nghiệm của cuộc kháng chiến lần thứ nhất [năm 1258] đã giúp hình thành và hoàn thiện chiến lược chống quân xâm lược Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo đã xây dựng và thực hiện thành công chiến lược đó trong cuộc kháng chiến lần thứ hai [năm 1285], lần thứ ba [năm 1288]".

Một góc cụm di tích đền thờ Trần Hưng Đạo mới được trùng tu xây dựng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1284 [Giáp Thân], trước cuộc xâm lăng Đại Việt lần thứ hai của quân Nguyên Mông, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng. Người dân đã quyết đánh.

Tướng lĩnh cũng tự tin cầm quân ra trận. Sử sách còn ghi lại: Mùng 6 tháng Giêng năm 1285, Ô Mã Nhi đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại, quan quân vỡ chạy, giặc Nguyên tiếp tục đánh chiếm Thăng Long. Thế giặc mạnh, vua quân nhà Trần phải rút lui thực hiện chiến lược "thanh dã" - vườn không nhà trống. Có lần vua Trần Thánh Tông nói với Trần Hưng Đạo rằng: "Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi". Trần Hưng Đạo trả lời: "Bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng". Để rồi hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông chỉ huy quân phá tan cánh quân của Toa Đô, nguyên soái Toa Đô bị chém đầu, còn Ô Mã Nhi và Lưu Khê trốn trên một thuyền nhỏ thoát ra biển về nước. Còn Hưng Đạo Vương giao chiến với Thoát Hoan, Lý Hằng ở Vạn Kiếp, quân giặc bại trận, bị chết đuối rất nhiều. Nhiều tướng giặc bị chết, quân địch tan vỡ, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới thoát được về Bắc quốc.

Tháng 11 năm 1287, quân Nguyên Mông bắt đầu xâm lược nước ta lần thứ ba. Vua Trần Nhân Tông hỏi Hưng Đạo Vương: "Giặc tới liệu tình hình thế nào?". Hưng Đạo Vương trả lời: "Năm nay đánh giặc nhàn", "phá được chúng là điều chắc chắn". Sau khi đánh vào Thăng Long, nhưng chỉ thấy thành không nhà trống, Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đuổi theo vua Trần. Vì đoàn thuyền lương của giặc do Trương Văn Hổ chỉ huy đã bị Trần Khánh Dư đánh bại tại Vân Đồn khiến giặc Nguyên Mông rơi vào tình trạng thiếu lương thực nên phải hội quân ở Vạn Kiếp để tính đường rút lui.

Trước trận đánh, Trần Hưng Đạo đã cho quân lính, dân binh chặt gỗ lim, gỗ táu ở vùng rừng núi Yên Hưng cắm các bãi cọc ở đầm Nhử [Yên Giang], ở đồng Vạn Muối, đồng Má Ngựa [Nam Hòa] làm trận địa cọc. Các bãi cọc kết hợp với các dải đá ngầm ghềnh Cốc và ghềnh sông Chanh bịt chặt đường rút ra biển của quân giặc. Khi thuyền giặc tới khu vực dãy núi Tràng Kênh, Trần Hưng Đạo cho đốt lửa làm hiệu lệnh. Bè mảng chở cỏ gianh đốt cháy nhất loạt từ hai bên bờ lao ra tạo nên thế trận hỏa công. Sau đó, quân sĩ nhà Trần trên thuyền nhỏ mai phục hai bên bờ tấn công mạnh vào đoàn thuyền đang hỗn loạn của Ô Mã Nhi. Hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông dẫn quân đến tiếp ứng. Quân ta tung lực lượng đánh mạnh. Khi nước triều rút, các bãi cọc và ghềnh đá ngang qua sông Bạch Đằng, sông Rút, sông Chanh nhô lên chặn địch. Thuyền giặc bị dồn lại, chiếc bị cọc đâm thủng, chiếc bị lửa thiêu rụi, chìm xuống lòng sông, quân giặc bị chết đuối và bị giết không kể xiết, nước nhuốm máu đỏ. Ta bắt sống toàn bộ tướng giặc Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ Ngọc. Trong trận này, quân ta tiêu diệt và bắt sống toàn bộ hơn 600 chiến thuyền và hơn 4 vạn quân Nguyên Mông, buộc Thoát Hoan phải rút chạy về nước.

Một đỉnh cao của nghệ thuật quân sự

Trong trận đánh này, dưới tài lãnh đạo của Hưng Đạo Vương, các danh tướng giỏi thủy chiến như Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái đã lập công xuất sắc, làm rạng rỡ nghệ thuật đánh giặc trên sông biển của dân tộc ta. Chính Trần Hưng Đạo đã tổng kết tư tưởng chiến lược trong câu nói nổi tiếng: "Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh; dùng đoản chế trường là sự thường của binh pháp". Đô đốc, TS. Nguyễn Văn Hiến, UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân phân tích: "Đó chính là nghệ thuật "lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn", "dĩ đoản binh chế trường trận", phát huy sức mạnh tổng hợp của một quốc gia đất không rộng, người không đông, đánh thắng oanh liệt lực lượng xâm lăng của một đế quốc cường thịnh và tàn bạo bậc nhất trên thế giới lúc đó".

Khi biết ý định giặc sẽ rút quân theo hai đường thủy và bộ, Trần Quốc Tuấn chủ trương mở những trận quyết chiến tiêu diệt địch vào lúc chúng đang rút lui, tạo đà cho thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến. Theo nhận định của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, giặc Nguyên Mông rút lui nhưng lực lượng của chúng còn rất đông, nên việc chọn đánh vào đạo quân thủy là phát huy chỗ mạnh của ta, khoét vào chỗ yếu của địch, tất sẽ giành thắng lợi. Trận Bạch Đằng năm 1288 cho thấy nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã phát triển ở trình độ cao, có sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa quân chủ lực với quân địa phương, giữa thủy binh, bộ binh và kỵ binh. Để bảo đảm thắng lợi chắc chắn, Trần Quốc Tuấn đã tập trung cho trận Bạch Đằng một lực lượng quân sự khá mạnh, tạo thế áp đảo quân địch, gồm cả quân của triều đình và quân của các vương hầu địa phương. Theo phương châm của Trần Quốc Tuấn: "quân cần tinh không cần nhiều", quân chủ lực của nhà Trần không nhiều về số lượng nhưng rất tinh nhuệ, được tổ chức chặt chẽ, huấn luyện chu đáo, lại được tôi luyện trong chiến tranh yêu nước nên có tinh thần chiến đấu cao, bản lĩnh chiến đấu vững vàng. Bên cạnh quân chủ lực của triều đình, quân của các vương hầu và lực lượng vũ trang của nhân dân các làng, xã giữ vai trò chiến lược quan trọng trong kháng chiến.

Đồng thời, trận Bạch Đằng đã sử dụng và phát huy sáng tạo nhiều lối đánh truyền thống từ chiến thuật tiến công địch trên sông và trên bộ, nghi binh kiềm chế, giữ vững điểm cao cho đến chiến thuật tập kích, phục kích, hỏa công hình thức nào cũng đều phát huy được tác dụng lợi hại của nó và mang lại hiệu suất chiến đấu cao. Đại Việt sử ký toàn thư và Nguyên sử không thấy ghi về chiến thuật hỏa công của quân đội triều Trần. Nhưng qua truyền thuyết Vua Bà và câu ca dao: "Bạch Đằng nhất trận hỏa công; Tặc binh đại phá huyết hồng mãn giang" của nhân dân, nhiều khả năng Trần Hưng Đạo đã dùng hỏa công trong trận chiến này.

Đánh giá về nghệ thuật tác chiến của Trần Quốc Tuấn và quân dân thời Trần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: "Biết phát huy cao độ cố gắng chủ quan, tận dụng mọi điều kiện khách quan thuận lợi, biết tạo ra và lợi dụng chỗ yếu và sai lầm của địch, sáng tạo ra cách đánh hay, có sự chỉ đạo chiến lược sắc bén, biết nhằm phương hướng mục tiêu đúng, chọn thời cơ có lợi đánh những đòn đau, hiểm, giành thắng lợi về quân sự".
Nhóm PV PSĐT

Video liên quan

Chủ Đề