Nghị định hướng dẫn luật nsnn 2015

HOME / / Tìm hiểu chính sách / Những điểm nổi bật của NĐ 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn luật Ngân sách nhà nước 2015

Những điểm nổi bật của NĐ 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn luật Ngân sách nhà nước 2015

16/05/2017

Ngày 21/12/2016 Chính phủ đã ban hành NĐ số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Ngân sách nhà nước, trong đó có các điểm đáng chú ý sau:

1. Về thời gian hướng dẫn lập, xây dựng, tổng hợp, quyết định và giao dự toán ngân sách nhà nước: Thực hiện theo Điều 44 của Luật Ngân sách nhà nước; Điều 22, Điều 23 của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, trong đó:

- Về thời gian xây dựng dự toán ngân sách nhà nước sớm hơn so với Luật Ngân sách năm 2002 là 15 ngày (Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định thời gian bắt đầu là 15/5).

- Bổ sung quy định lập ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, theo đó: Đối với đơn vị sử dụng ngân sách được cấp có thẩm quyền cho thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, phải lập riêng phần kinh phí này cho từng nhiệm vụ, dịch vụ và sản phẩm cụ thể. Việc lập dự toán cho từng nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm phải căn cứ yêu cầu về kết quả, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian hoàn thành cụ thể cho từng nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm; định mức kỹ thuật kinh tế, chế độ, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành hoặc giá trị của nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm tương đương, cùng loại.

2. Phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước: Thực hiện theo Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước và Điều 31 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.

- Sau khi được Ủy ban nhân dân giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới trong trường hợp có ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chi của mình, gửi cơ quan tài chính cùng cấp, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện. Việc phân bổ và giao dự toán phải bảo đảm thời hạn và yêu cầu quy định tại Điều 50 của Luật Luật Ngân sách nhà nước.

- Cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện kiểm tra dự toán đơn vị dự toán cấp I đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Trường hợp phát hiện việc phân bổ không đúng tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ của dự toán ngân sách đã được giao; không đúng chính sách, chế độ quy định thì yêu cầu đơn vị dự toán cấp I điều chỉnh lại chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo phân bổ của đơn vị dự toán ngân sách.

- Ngoài cơ quan có thẩm quyền giao dự toán ngân sách, không tổ chức hoặc cá nhân nào được thay đổi nhiệm vụ ngân sách đã được giao.

3. Ứng trước dự toán ngân sách năm sau: Thực hiện theo Điều 57, Luật Ngân sách nhà nước; Điều 37, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.

Tiêu chí ứng trước dự án năm sau: Áp dụng đối với các dự án quan trọng quốc gia; dự án, công trình xây dựng cơ bản, cấp bách của trung ương và địa phương.

Điều kiện được ứng trước dự án năm sau: Phải đảm bảo cân đối được quỹ ngân sách của từng cấp; dự án, công trình xây dựng cơ bản đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; không còn số dư ứng trước dự toán ngân sách; có đầy đủ hồ sơ, báo cáo thuyết minh về sự cần thiết phải ứng trước dự toán.

Mức ứng trước không quá 20% dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản năm thực hiện của các công trình xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước đã được phê duyệt. Khi phân bổ dự toán ngân sách năm sau, phải bố trí đủ dự toán để thu hồi hết số đã ứng trước; không được ứng trước dự toán năm sau khi chưa thu hồi hết số ngân sách đã ứng trước.

4. Dự phòng ngân sách nhà nước: Thực hiện theo Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước; Điều 7 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP

Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp, sử dụng để: Chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán; Chi hỗ trợ cho ngân sách cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ theo quy định, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng cấp mình để thực hiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; Chi hỗ trợ các địa phương khác.

5. Xử lý tăng, giảm thu, chi so với dự toán trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước: Thực hiện theo Điều 59, Luật Ngân sách nhà nước; Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.

- Trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán được Hội đồng nhân dân quyết định, thực hiện điều chỉnh giảm một số khoản chi theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 52 của Luật Ngân sách nhà nước.

- Số tăng thu, trừ tăng thu của ngân sách địa phương do phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách phải nộp về ngân sách cấp trên và số tiết kiệm chi ngân sách so với dự toán được sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau: Giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi; Bổ sung quỹ dự trữ tài chính; Bổ sung nguồn thực hiện chính sách tiền lương; Thực hiện một số chính sách an sinh xã hội; Tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng; Thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 59, Luật Ngân sách nhà nước.

- Kết thúc năm ngân sách, trường hợp ngân sách địa phương hụt thu so với dự toán do nguyên nhân khách quan, sau khi đã thực hiện điều chỉnh giảm một số khoản chi theo quy định tại Khoản 1, Điều 59, Luật Ngân sách nhà nước và sử dụng các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương mà chưa bảo đảm được cân đối ngân sách địa phương thì ngân sách cấp trên hỗ trợ ngân sách cấp dưới theo khả năng của ngân sách cấp trên.

6. Quản lý, sử dụng ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách: Thực hiện theo Điều 61, Luật Ngân sách nhà nước; Điều 38, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.

- Các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện ngân sách thuộc ngành, lĩnh vực do cơ quan quản lý và của các đơn vị trực thuộc; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách và các báo cáo tài chính khác theo quy định của pháp luật.

- Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; định kỳ, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách được giao cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

- Người phụ trách công tác tài chính, kế toán tại đơn vị sử dụng ngân sách có nhiệm vụ thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính - ngân sách, chế độ kế toán nhà nước, chế độ kiểm tra nội bộ và có trách nhiệm ngăn ngừa, phát hiện và kiến nghị thủ trưởng đơn vị, cơ quan tài chính cùng cấp xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

7. Xử lý thu, chi ngân sách nhà nước cuối năm: Thực hiện theo Điều 64, Luật Ngân sách nhà nước và Điều 42, Điều 43, Nghị định 163/2016/NĐ-CP.

- Khóa sổ kế toán và xử lý thu, chi ngân sách nhà nước cuối năm phải đảm bảo theo quy định tại Điều 42, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP

- Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước kết thúc vào ngày 31 tháng 01 năm sau.

- Các khoản dự toán chưa thực hiện hoặc chưa chi hết, các khoản đã tạm ứng trong dự toán, số dư tài khoản tiền gửi đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán chưa thực hiện được hoặc chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 3, điều 64, Luật Ngân sách nhà nước và Điều 43, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP

8. Về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách: Đây là một nội dung mới của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 với mục tiêu nhằm hạn chế việc thành lập các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách mà nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước. Mặt khác, để các quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện nay đang được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động phải thay đổi phương thức hoạt động để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước. Vì vậy, tại Khoản 19, Điều 4; khoản 11, Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước và Điều 12, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP có quy định: Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Trên đây là một số nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định số 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước 2015. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017, thay thế Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2003.