Người ê-đê làng văn hóa các dân tộc thuộc địa năm 2024

Theo cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, dân tộc Ê Đê có 398,671 người, sống chủ yếu tại các tỉnh Đắc Lắk, Gia Lai và miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Dân tộc này có 5 nhóm địa phương chính, đó là nhóm Ê Đê Kpă, cư trú quanh thành phố Buôn Ma Thuột; nhóm Ê Đê Adham, cư trú tại huyện Krong Buk, Cu Mgar, thị xã Buôn Hồ, Krong Năng và một phần Ea Hleo của tỉnh Đắc Lắc; nhóm Ê Đê Mdhur, cư trú ở huyện Mdrak, phía Đông tỉnh Đắc Lắk, huyện sông Hinh của tỉnh Phú Yên.

Còn nhóm Ê Đê Bih cư trú ven hai con sông Krong Ana và Krong Kno của tỉnh Đắc Nông; nhóm Ê Đê Krung cư trú chủ yếu ở huyện Ea Hleo và Knong Buk của tỉnh Đắc Lắc. Ngoài ra, còn một số nhóm địa phương khác như Blo, Dong Mak, Hwing… Tuy nhiên, các nhóm địa phương này không có nhiều sự khác biệt.

Người Ê Đê chủ yếu sống bằng nương rẫy. Thế nhưng cũng có nhóm biết làm ruộng nước, chỉ có điều họ thường không cày bừa như người Kinh mà cho trâu, bò dẫm đất. Ngoài trồng trọt, họ còn chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh cá, đan lát và dệt vải.

Người ê-đê làng văn hóa các dân tộc thuộc địa năm 2024
Nhà sàn dài của người Ê Đê

Đặc điểm làm rẫy của người Ê Đê là chế độ luân khoảnh, với mục đích phục hồi sự màu mỡ của nương rẫy. Khoảng trên chục năm trở lại đây, thay vào chỉ trông vào nương lúa, nương ngô, người Ê Đê đã chuyển hướng sang trồng các loại cây công nghiệp để tăng thêm thu nhập. Trong đó chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao... Chính vì thế mà đời sống của người dân dần được nâng cao, tỷ lệ đói nghèo cũng dần thuyên giảm.

Trong mỗi gia đình của người Ê Đê, chủ nhà là phụ nữ, bởi từ xa xưa dân tộc này đã tồn tại chế độ mẫu hệ. Theo đó, của cải và đất đai sẽ được chuyển từ mẹ sang con gái. Đàn ông cư trú trong nhà vợ. Nếu vợ chết và bên nhà vợ không còn ai thay thế theo tục nối dây thì người chồng phải về ở với chị em gái mình. Chỉ có con gái được thừa kế tài sản. Con gái út được thừa kế tài sản từ ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.

Phần lớn người Ê Đê theo đạo Tin Lành. Công giáo Roma có tỷ lệ người theo thấp. Phật giáo cũng có mặt ở cộng đồng người Ê Đê, chủ yếu ở đô thị. Còn lại, người Ê Đê vẫn theo tín ngưỡng cổ truyền, thờ cúng các vị thần hộ mệnh.

Ngôn ngữ Ê Đê thuộc ngữ hệ Malay - Polynesia, do vậy tiếng nói của họ gần gũi với Gia Rai, Chăm, Bahasa Malayu, Bahasa Indonesia, các ngôn ngữ của Philippine... Ngoài vốn từ vựng có nguồn gốc Malay-Polynesia, Sanscrit của Ấn Độ, tiếng Ê Đê còn vay mượn vốn từ vựng có nguồn gốc từ ngôn ngữ Môn-Khmer.

Người Ê Đê đã có chữ viết riêng, theo lối văn tự Pali-Sancrit, được viết trên giấy da “M’ar klit” hay trên lá cọ khô “Hla guôl”. Đó là câu chuyện trước khi người Pháp đặt chân lên Tây Nguyên. Trong thời gian cai trị của người Pháp, họ cổ vũ sử dụng chữ viết theo mẫu tự Latin, do 2 thầy giáo Y-Ut và Y-Jut sáng tạo vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Người theo Tin Lành và Công giáo dùng chữ này để ghi chép Kinh Thánh. Giờ đây, chữ viết Ê Đê đang dần được phục hồi với sự xuất hiện số lượng lớn ấn phẩm song ngữ kinh thánh Tân Ước Ê Đê – Việt tại nước ta, cũng như những sách dậy ngữ vựng Ê Đê được xuất bản.

Dấu ấn miền biển

Theo một số tư liệu cổ, thời xa xưa người Ê Đê vốn sinh sống ở miền biển. Sau nhiều biến cố lịch sử, họ đã chuyển cư vào miền Trung Việt Nam rồi di dân lên Tây Nguyên vào khoảng cuối thế kỷ 8 đến thế kỷ 15. Dẫu vậy, trong sâu thẳm văn hóa của người Ê Đê, bến nước và con thuyền vẫn là những hình ảnh chưa hề phai nhạt. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong cách xây dựng nhà ở.

Nhà sàn dài của người Ê Đê thường có hình con thuyền, cửa chính mở phía trái nhà, cửa sổ mở ra phía hông. Bên trong nhà có trần gỗ hình vòm giống hệt mui thuyền. Chiều dài ngôi nhà có thể lên đến vài chục mét, tùy theo nhu cầu về chỗ ở của mỗi gia đình. Gia đình ít người thì làm nhà dài 15-20m, nhưng cũng có gia đình làm nhà dài đến gần 100m.

Người ê-đê làng văn hóa các dân tộc thuộc địa năm 2024
Lễ cúng tại bến nước

Mặt bằng sinh hoạt nhà dài Ê Đê được chia làm hai phần. Một nửa phía đằng cửa chính gọi là Gah. Đây là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của gia đình. Nửa còn lại được gọi là Ôk. Ở đây có bếp, nơi ăn uống chung của gia đình lớn và là chỗ ở của những đôi vợ chồng. Các gian phòng được phân theo chiều dọc và nằm bên trái. Phía phải là hành lang đi lại. Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn phía cửa chính được gọi là sàn khách. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang.

Dấu ấn miền biển của người Ê Đê còn được thể hiện trong trang phục, nhất là trong váy, áo của phụ nữ. Áo của họ là loại áo ngắn dài tay, cổ thấp được khoét theo dạng hình thuyền, mặc kiểu chui đầu. Thân áo thường dài đến mông, khi mặc cho ra ngoài váy.

Đi cùng với áo của phụ nữ Ê Đê là chiếc váy mở (tấm vải rộng làm váy) quấn quanh thân. Trên nền chàm, váy được gia công trang trí các sọc nằm ngang ở mép trên, mép dưới và giữa thân bằng chỉ các màu tương tự như áo. Đồ án trang trí tập trung hơn ở mép trên và dưới thân váy. Mức độ sang quý của chiếc váy phụ thuộc ở các dải hoa văn gia công nhiều hay ít. Váy loại tốt là myêng đếch, rồi đến myêng đrai, myêng piêk. Loại bình thường mặc đi làm rẫy là bong.

Màu chủ đạo trong trang phục cổ truyền của người Ê Đê thường là màu chàm hoạc đen, có điểm thêm nhiều hoa văn. Đàn bà mặc áo, quấn váy. Đàn ông đóng khố, mặc áo. Người Ê Đê ưa dùng đồ trang sức bằng bạc, đồng, hạt cườm.

Trước kia, dân tộc này còn có tục cà răng. Đến tuổi trưởng thành, con trai, con gái thường cắt bớt “phần ngọn” của 6 chiếc răng cửa hàm trên. Thế nhưng ngày nay, người Ê Đê đã bỏ đi tập tục này, lớp trẻ giờ đã nói không với việc cà răng.

Đặc sắc Lễ hội cúng bến nước

Ngoài nhà ở và trang phục, dấu vết về nguồn gốc hải đảo của dân tộc Ê Ðê còn toát lên từ các áng sử thi và lễ hội. Trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến Lễ hội cúng bến nước.

Mỗi khi diễn ra sự việc trọng đại như dời buôn, lập buôn mới, người Ê Đê thường thực hiện Lễ cúng bến nước. Ngoài ra, hàng năm, sau khi kết thúc việc thu hoạch mùa màng, thường là vào tháng 3, cả buôn sẽ cùng tổ chức lễ cúng cảm tạ Thần nước đã phù hộ cho buôn có được nguồn nước trong lành để sử dụng, ban cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, người dân được no ấm. Đây cũng là dịp để bà con trong buôn tụ họp, chia sẻ về đời sống, công việc sản xuất trong một năm đã qua. Lễ này thường được tiến hành trong ba ngày.

Ngày thứ nhất, dân làng tập trung quét dọn đường làng và sửa bến nước. Người tham gia được chia thành hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất cùng thầy cúng làm lễ cúng ở khoảng giữa đường, tính từ đầu buôn làng đến bến nước. Còn nhóm thứ hai thực hiện lễ cúng tại bến nước.

Người ê-đê làng văn hóa các dân tộc thuộc địa năm 2024
Thanh niên nam nữ đi lấy nước về để mời khách trong 3 ngày lễ

Lễ vật dâng cúng gồm 2 con heo (1 con cúng bến nước, 1 con cúng ông bà tổ tiên); 9 ché rượu được buộc vào các cây cột thành một hàng dọc ở giữa gian khách của ngôi nhà dài. Thầy cúng cầm rượu đổ lên ống nước để cầu nước nguồn không bao giờ cạn. Trong khi đó, một người đàn ông cầm khiên múa, tiến lên lùi xuống ba lần. Hành động này mang ý nghĩa đuổi những điều xui rủi, xấu xa ra khỏi bến nước.

Ngày thứ hai được gọi là ngày “cấm buôn”. Đường vào buôn sẽ bị chắn ngang bằng cây có buộc các loại dây như sợi chỉ hồng, lông gà,… để báo cho khách ở xa biết là hôm nay trong buôn có việc, cấm người lạ vào buôn. Trường hợp người lạ đến muốn rời khỏi buôn làng thì phải để lại một cái gì đó làm tin. Hôm sau người đó trở lại lấy sẽ được dân làng trả lại. Trong thời gian làm lễ cúng bến nước, tất cả các hoạt động như làm rẫy, săn bắt, hái lượm đều phải ngưng lại. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt theo lệ của buôn.

Ngày thứ ba được gọi là ngày “mở cổng buôn”. Lễ cúng này mang ý nghĩa xua đuổi cái xấu, cầu những điều tốt đẹp, mong Thần nước ban cho nguồn nước mạch trong lành để dân làng sử dụng. Sau lễ cúng, các dấu hiệu ngăn cấm người qua lại được dỡ bỏ.

Trước và trong lễ hội, chị em phụ nữ trong buôn thường được phân công lấy nước đưa về nhà cộng đồng để đổ đầy các ché rượu cho mọi người dân cùng thưởng thức.

Tuy Lễ cúng bến nước của người Ê Đê mang tính nghi lễ nhiều hơn tính hội, song không phải vì thế mà bớt phần sôi nổi. Tiếng cồng chiêng, tiết ca hát hầu như vang lên trong suốt 3 ngày.

Ngày nay, tuy đã được giản lược và điều chỉnh một số khâu tổ chức để phù hợp với điều kiện của mỗi buôn, nhưng Lễ cúng bến nước của người Ê Đê vẫn giữ được nhiều nét độc đáo. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà sinh hoạt văn hóa này còn góp phần giáo dục mọi người trong buôn làng có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng và đặc biệt là bảo vệ nguồn nước, coi nguồn nước là báu vật của cả cộng đồng.