Nguyên nhân của sự ích kỷ

“Tính ích kỷ là nguyên nhân của sự ghen tị, trong đó sự ghen tị lại nuôi dưỡng tính ích kỷ.” Nguyên nhân cơ bản của ghen...

Posted by Nhóm Thiền Giữa Đời Thường - Phật Giáo Nguyên Thuỷ on Wednesday, April 6, 2016

Thiết nghĩ, ích kỷ với xuất phát điểm chỉ là yêu bản thân, khát khao được hạnh phúc. Vốn dĩ con người khi sinh ra đã ở xuất phát điểm ấy. 


Nguyên nhân của sự ích kỷ


Tôi từng đọc một bài viết trên facebook về kinh tế học hành vi, chứng minh rằng ích kỉ thực ra là bản chất của con người. Đại loại là, mọi hành vị bạn làm hiện tại đều có ít nhiều lợi ích cho bản thân. Bạn ngồi chơi, bạn thấy thoải mái, đó là lợi ích. Bạn làm việc mệt mỏi nhưng lợi ích của bạn là có tiền. Kể cả khi bạn bao dung, hào phóng, bạn sẽ thấy lợi ích của mình  là thấy thanh thản, tự hào. Mọi lựa chọn bạn đưa ra đều có lợi cho bạn, bạn dựa vào nhu cầu, ưu tiên của mình để ra quyết định. Trong cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” của Daniel Kahneman, tôi nghĩ hiệu ứng của sự sở hữu mà tác giả giới thiệu trong cuốn sách cũng là một  minh chứng cho bản chất ấy của con người. Khi bạn sở hữu thứ gì đó, theo tự nhiên bạn sợ mất nó. Hãy nhớ lại vài lần dọn nhà của bạn chẳng hạn, có những thứ bạn không bao giờ dùng nhưng vẫn không muốn từ bỏ nó hay tặng cho người khác. Nỗi sợ mất mát luôn lớn hơn sự thoải mái khi nhận được một thứ gì đó. Vốn dĩ, ích kỉ đã là tự nhiên, sẵn có. Ích kỷ ấy cũng là một điều tốt.

Nhưng nó dần trở thành một căn bệnh khi ích kỉ quá đà. Sự ích kỉ trở thành một đức tính xấu và là cội nguồn của những tính xấu khác. Căn bệnh ích kỷ trong một số trường hợp có thể coi là bệnh truyền nhiễm. Và có phải giới trẻ đang là bệnh nhân chính của căn bệnh này ?

Tính ích kỷ là đặc trưng của lối sống vụ lợi thực dụng quá mức, đặt nhu cầu của bản thân mình lên quá cao. Sự ích kỷ len lỏi ở mọi mặt trong cuộc sống. Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng có những lần ích kỷ.


I, Ích kỉ trong cuộc sống vật chất

Vật chất là một phần hữu hình của hạnh phúc. Và bản chất muốn có được hạnh phúc của con người làm ta có xu hướng tìm kiếm vật chất về mình càng nhiều càng tốt. Tôi nhớ lúc trước, nhà tôi còn khó khăn, em gái tôi mới học lớp 1. Một hôm, tôi thấy nó mang về 10.000 đồng, nói là nhặt được ở trường. Nó nằng nặc đòi tôi mua búp bê cho nó. Sau khi hỏi kĩ, nó mới kể chuyện hẳn hoi. Nó nhặt được tiền vào giờ ra chơi và không ai nhìn thấy. Nhưng sau đấy, đứa bạn nó khóc lóc kêu mất tiền, về mẹ sẽ mắng. Nhưng nó không dám đưa cho bạn nó. Mong muốn có búp bê nó đã lớn hơn tiếng khóc của bạn nó. Tính ích kỷ đã chiến thắng tình bạn. Tôi mắng nó, còn bé mà đã thế rồi. Thế mới thấy, ích kỷ vốn dĩ chẳng ai dạy nhau mà là tự bản thân mỗi người.

Nguyên nhân của sự ích kỷ


Ngay cả anh chị em ruột, khi còn bé tức nhau vì hơn kém phần bánh kẹo mà đánh nhau, lớn lên vì phần tài sản của bố mẹ chia cho không đều cũng thấy ấm ức. Người ích kỷ thì ích kỉ với ai? Có thể chẳng chừa một ai ra cả.

Khi làm việc, bạn lười hơn bạn bè hay đồng nghiệp là bạn cũng ích kỉ về vật chất. Thành công thì muốn có, nhưng phải tính toán làm sao mình chịu ít khổ hơn mới cam lòng. 

Tham nhũng cũng là một biểu hiện lớn của ích kỷ. Trong một tập thể hoặc cộng đồng lớn, tham thêm tiền tức là phải làm tập thể chịu thiệt hơn để thu lợi cho mình. Mà những vụ tham nhũng lớn nhỏ tai tiếng gần đây không thiếu. Ích kỷ ở cấp độ nào cũng có.


Nguyên nhân của sự ích kỷ


II, Ích kỷ về tình cảm

Tôi cũng từng bị tính ích kỷ tình cảm dày vò bản thân đến khó chịu. Tôi với P là bạn thân từ cấp 1. Chúng tôi đi đâu cũng có nhau, cái gì cũng phải cho, phải kể, phải chia sẻ với nhau thì mới yên lòng. Nhưng từ khi lên cấp 3, bạn mới nhiều làm tôi với nó dành ít thời gian cho nhau hơn trước. Dần dần tôi thấy tức khi nó chơi với những đứa bạn khác. Những lần chúng nó đi chơi không rủ tôi, không nói với tôi, hay thậm chí nhắn tin nhiều với nhau để trêu đùa, tôi cũng thấy giận. Cả những lần lướt facebook, thấy chúng nó tag nhau trong comment của những post quảng cáo đồ ăn, quần áo hay chia sẻ tài liệu tiếng anh mà không có tôi, thì thời gian sau đó, không phải là không nói chuyện, mà thái độ nói chuyện của tôi với chúng nó rất gắt. Tôi ước gì không có sự xuất hiện của cô bạn kia. Nhưng sau đó, khi tôi có một người bạn thân mới, tôi mới nhận ra trước kia mình đã quá ích kỷ trong tình cảm. Ai cũng có quyền tìm cho mình những tình cảm mới. Đừng chỉ nghĩ, với họ, mình phải là số 1 và duy nhất, quan trọng nhất.

Trong hôn nhân, ích kỷ cũng thường xuyên xảy ra, như thấy con cái quý bạn đời hơn mình chẳng hạn. Tôi thấy phổ biến hơn là ích kỷ như thế này đây. Mới đợt trước, bố mẹ con bạn tôi mới li hôn. Lý do bắt đầu từ việc mẹ nó thấy bố nó chỉ quan tâm tới nhà nội mà ít quan tâm mẹ và nhà ngoại nó. Rồi bố mẹ nó bắt đầu mâu thuẫn. Mẹ nó cũng liền đáp trả bằng cách bớt gần gũi với bố và lạnh nhạt với nhà nội. Mẹ nó dành chủ yếu thời gian qua nhà ngoại , có gì ngon cũng phần bên ngoại luôn. Cứ dần dần, bố mẹ nó xa cách nhau và cứ khư khư sự ích kỷ tình cảm cho hai bên họ hàng. Rồi chuyện này sinh ra nhiều chuyện khác, những trận cãi vã tăng dần và dẫn đến li hôn.

Sự ích kỷ trong hôn nhân làm cho không biết bao nhiêu gia đình có số phận như vậy.


III, Ích kỷ vì muốn mình hơn người khác


Theo tháp nhu cầu Maslow, mong muốn được xã hội tôn trọng, thể hiện bản thân vốn là những tầng tháp cao nhất và nhỏ nhất, tức là ưu tiên cho nó thường thấp hơn những nhu cầu bậc thấp khác. Tuy nhiên, với những con người ích kỷ vì muốn mình hơn người khác, thứ tự đó sẽ bị đảo ngược.

Trong những buổi trò chuyện, không biết lắng nghe mà cứ cướp lời, không để thời gian cho người khác nói là ích kỷ. Bạn thích nói nhiều hơn người khác vì bạn thích thể hiện. Sự ích kỷ ấy làm người khác khó chịu, đánh giá bạn một cách tiêu cực hơn. Vậy thể hiện để làm gì?

Rằng mọi điều xấu đến với mình hay tập thể mình, bạn đổ lỗi và không chịu phần trách nhiệm nào. Vì bạn muốn thể hiện mình tốt hơn người khác.

Trong công ty, vì muốn mình được mọi người ngưỡng mộ mà dùng mọi thủ đoạn loại bỏ đối thủ, gây ảnh hưởng tới cả tập thể. Sự ích kỷ là một nguyên nhân không nhỏ kìm hãm phát triển.


Nguyên nhân của sự ích kỷ



Qua quan sát cuộc sống, tôi tự hình thành lên cho mình tháp ích kỷ của con người dựa vào xu hướng, tức là số đông sẽ là tầng tháp đáy và dần dần giảm lên đỉnh.

Tầng 4:Muốn tình cảm

Tầng 3:Muốn vật chất

Tầng 2:Muốn thể hiện

Tầng 1:Muốn tốt hơn người khác


Tính ích kỷ trong giới trẻ

Thế hệ trẻ ngày nay độc lập cá tính, mong muốn thể hiện mình hơn và mong muốn tạo ra sự khác biệt nhiều hơn. Có lẽ chính vì vậy mà sự ích kỷ có cơ hội len lỏi phát triển nhiều.

Sự ích kỷ của giới trẻ là ích kỷ là sự kết hợp cả ba tầng tháp đầu: muốn tốt hơn người khác, muốn thể hiện và muốn vật chất.

Bản thân tôi cũng là một con người ích kỷ trong học tập, tôi thấy vậy. 

Tôi và H là hai người bạn khá thân cùng quê học cấp 3 xa nhà (cùng với P tôi nhắc bên trên). Chúng tôi học cùng lớp, ngồi cùng bàn, cùng chọn chung một khối thi đại học và có lý tưởng khá giống nhau. Ngay cả lực học của tôi và nó cũng khó nói được ai hơn ai kém. Chính vì vậy, sự thi đua trong học tập trở thành sự ích kỷ. Mỗi khi tìm được tài liệu học tập hay, những quyển sách tốt tôi đều cố không cho nó thấy. Đến cả thời gian tôi học cũng khá nhiều nhưng tôi vẫn nói với nó là tôi lười học, đơn giản vì tôi không muốn nó thấy tôi học để nó cũng học và vượt lên tôi. Và nó cũng thế, tôi biết. Tôi biết chúng tôi đang quá ích kỷ với nhau, mặc dù người ngoài nhìn hai bọn tôi như đôi bạn cùng tiến. Sự ích kỷ giữa hai chúng tôi chẳng dễ chịu gì, nhưng mãi tôi vẫn không bỏ được. Nhiều lúc cũng định mở rộng tấm lòng hơn, nhưng khi thấy và nhớ lại những ích kỷ nó dành cho tôi thì tôi không làm được. Tôi cũng như nó, đều muốn mình giỏi hơn người khác.

Ích kỷ trong giới trẻ còn là sự vô cảm. Nó được thể hiện qua những clip bạo lực học đường. Những bạn trẻ gây ra bạo lực đã ích kỷ, những người cầm điện thoại livestream đăng facebook kiếm like còn ích kỷ hơn. Thấy những đoạn video như vậy trên mạng mới thấy sự ích kỷ đáng ghét thế nào.


Nguyên nhân của sự ích kỷ


Nói đến sự sự kỷ trong giới trẻ thì không thể không nhắc đến một số cá thể trong cộng đồng Youtuber Việt Nam hiện nay. 

Chắc hẳn các bạn đều biết đến những video câu view rẻ tiền đã từng là trào lưu.

1. Hơn nửa năm trước, đó là youtuber P.H.D với clip đổ 400 quả trứng từ trên tầng  vào cô hàng xóm qua đường vừa đi làm đồng về. Xem mà thấy lòng nhói đau. Tôi chỉ thấy thương cô ấy, vừa đi làm về mà bị đem ra làm trò đùa vô ý thức cho những kẻ ích kỷ. Người cô dính trứng tanh nhớp nháp, trứng văng hết ra đường. Đó chưa phải là tất cả, khi lời xin lỗi đùa cợt của anh với cô khi cô đang gội đầu rồi đền tiền 500k, làm tôi cũng như cộng đồng còn thấy phẫn nộ hơn. Bất lực, cô không nhận tiền mà chỉ biết nói: “Lần sau đừng như thế nữa nhé”. Không hiểu sao họ có thể nghĩ ra những trò đùa vô văn hóa như vậy. Đem người khác ra làm trò đùa đăng lên mạng rồi đền tiền xin lỗi cợt nhả, chỉ vì câu view. Cạn ngôn thực sự.


Nguyên nhân của sự ích kỷ


                                                        ( Nguồn: Internet)

2. Đó là kênh youtube T.L với video đổ 200 quả trứng từ trên tầng nhà xuống đầu mẹ đang rửa bát ăn mừng 20000 subs, quay lại để khoe khoang chiến tích của mình. Rồi lấy tiếng chửi của mẹ để làm video thêm thú vị. Lố lăng như vậy, mà vẫn làm được sao?


Nguyên nhân của sự ích kỷ

(Nguồn: Internet)

3. Một video tương tự cũng xuất hiện vào đầu tháng 7 khi  anh chủ kênh youtube này chuẩn bị 3 chai nước mắm đổ lên đầu mẹ ăn mừng 1000 subs…


Nguyên nhân của sự ích kỷ


(Nguồn: Internet)

(Thông tin có tham khảo trên các trang báo)

Đấy là sự khác biệt họ tạo ra sao? Đấy là thể hiện cá tính sao? Mai này trở thành bố mẹ rồi, bị con cái, hàng xóm đổ trứng, nước mắm vào người xem có còn được bình tĩnh như bố mẹ hay hàng xóm mình bây giờ không?

Rồi thì ăn thịt chim hiếm, rồi dùng 5000 ống hút nhựa làm nhà ảnh hưởng tới môi trường gây tranh cãi,…

Mấy trò câu view, câu like rẻ tiền ấy, đâu phải cộng đồng không lên tiếng. Sau mỗi video ấy, cộng đồng mạnh mẽ phẫn nộ, gạch đá, thế nhưng một số youtuber vẫn làm để kiếm tiền mua vui mà không để ý tới cảm xúc của người khác. Sự ích kỉ khi ấy là một trò vô đạo đức. 


Ích kỷ - lan sâu và rộng


Ích kỷ lan sâu bởi nó là cội nguồn của nhiều tính xấu khác.

Ích kỷ đi đôi với ghen tị, không hòa đồng, hợp tác khi bạn muốn tốt hơn người khác: Bạn lướt facebook và thấy bạn bè mình hay ai đó đi chơi, khoe tóc mới, nhận giải thưởng,… Bạn ghen tị với những bức hình ấy, và đi đôi với đó là sự ích kỷ bằng việc không muốn like hay bình luận không có thiện ý. Bạn ghen tị với đồng nghiệp thì sự ích kỷ là không hợp tác trong công việc…

Ích kỉ là sự vô duyên, tự cao khi bạn cố thể hiện mình. Bạn không để ý tới suy nghĩ của người khác, bạn chỉ biết đổ lỗi và không biết rằng mình thiếu sót để sửa chữa…

Ích kỷ là sự tha hóa đạo đức khi bạn như những youtuber kia, khi căn bệnh vô cảm đã ngự trị trong bạn.

Ích kỉ làm bạn mãi không thể mở lòng. Càng ích kỷ thì tầm nhìn càng hạn hẹp.

Nguyên nhân của sự ích kỷ


Bạn đang cạnh tranh hay đang ích kỷ?

Cạnh tranh vốn là để phát triển. Nhưng trong môi trường cạnh tranh thì rất dễ có sự ích kỷ. Lúc nào đó, khi bạn đang trong môi trường cạnh tranh thì hãy dừng lại xem mình có ích kỷ quá không nhé!  Khi là ích kỷ thì trong tâm trí bạn lúc nào cũng có sự khó chịu, bức bối, chẳng thể nở nụ cười chân thành hay bắt tay với đối thủ.

Ích kỷ lan rộng bởi nó từ người này có thể đến với người khác. 

Hãy thử tưởng tượng một người luôn ghen ghét bạn, không có thiện ý với bạn, thì hầu hết trong số chúng ta sẽ đáp trả lại. Điều đó là khó tránh khỏi.

Như vậy, nếu ai hỏi bạn muốn thay đổi điều gì ở bản thân nhất, hãy trả lời là tính ích kỷ trong con người mình nhé!

Thế nên lần sau, khi thấy ai nói rằng ích kỷ mang lại hạnh phúc thì hãy nhớ rằng nó đúng, nhưng đúng khi dừng lại ở mức biết chăm lo, bảo vệ và lấy được lợi ích bản thân xứng đáng. Hãy biết cân bằng bản thân và xã hội.


Ích kỷ đã ăn sâu phải làm thế nào, nhất là với giới trẻ hiện nay? 


Tất nhiên tác động bên ngoài là cần thiết, nhưng bản thân mỗi con người mới quan trọng. Nếu thấy ghen tị với ai trên mạng xã hội thì bỏ theo dõi họ đi, hãy tiếp xúc với họ ngoài đời nhiều hơn. Thử tham gia các hoạt động cộng đồng, tình nguyện viên biết thêm nhiều hoàn cảnh, hiểu thêm nhiều số phận, để nhận ra sự ích kỷ của mình nhỏ nhen, xấu hổ đến nhường nào. Ích kỷ cần sự lắng nghe là trước hết, sau đó là đồng cảm. Luôn nhớ rằng trong con người mỗi chúng ta luôn tồn tại hai tiếng nói của sự ích kỷ và sẻ chia (trượng nghĩa). Ai cũng có thể ích kỷ. Người chiến thắng được căn bệnh này là người nghe theo tiếng nói của chia sẻ nhiều nhất.


Nguyên nhân của sự ích kỷ


 Tác giả: Junet, Học sinh

Kết bạn và theo dõi Facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/moon.truc.585

________________________

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên tác giả – Nguồn: