Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt mang tai

Bạn tình cờ nghe nói về viêm tuyến nước bọt và thắc mắc về bệnh lý này? Viêm tuyến nước bọt thực chất là một tình trạng khá phổ biến. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải. Tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó thường gặp nhất là quai bị. Vậy viêm tuyến nước bọt là gì và có các biểu hiện nào? Viêm tuyến nước bọt có nguy hiểm và ảnh hưởng gì tới sức khỏe chúng ta hay không? Nếu đã mắc phải thì có cách nào chữa trị? Mọi thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh.

Nội dung bài viết

  • 1. Tuyến nước bọt là gì?
  • 2. Viêm tuyến nước bọt là gì?
  • 3. Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt là gì?
  • 4. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm nhiễm tuyến nước bọt là gì?
  • 5. Biểu hiện của viêm tuyến nước bọt là gì?
  • 6. Viêm tuyến nước bọt có thể gây ra những biến chứng gì?
  • 7. Viêm tuyến nước bọt được chẩn đoán như thế nào?
  • 8. Điều trị bệnh viêm tuyến nước bọt
  • 9. Phòng ngừa bệnh viêm tuyến nước bọt như thế nào?

1. Tuyến nước bọt là gì?

Tuyến nước bọt là các tuyến nằm xung quanh khoang miệng. Có vai trò sản xuất ra nước bọt, góp phần quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn.

Cơ thể người có 3 cặp tuyến nước bọt chính nằm 2 bên của mặt. Bất kỳ tuyến nào cũng có thể bị viêm nhiễm. Ba cặp tuyến này là:

  • Tuyến mang tai: Là các tuyến lớn nhất, nằm hai bên má, ngay phía trước tai. Kéo dài từ ngang vành tai xuống đến hàm.
  • Tuyến dưới hàm: Lớn thứ nhì sau tuyến mang tai. Các tuyến này nằm phía sau và phía dưới quai hàm. Nằm phía dưới lưỡi và cằm.
  • Tuyến dưới lưỡi: Cặp tuyến này nằm hai bên lưỡi, sâu dưới sàn miệng. Tuyến dưới lưỡi có kích thước nhỏ hơn 2 tuyến trên.

Ngoài ra còn có các tuyến nước bọt phụ nhỏ nằm rải rác trong miệng. Nước bọt theo các ống tuyến đổ vào miệng.

Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt mang tai
Các tuyến nước bọt chính

Viêm tuyến nước bọt là hiện tượng tuyến nước bọt bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virut hay do dị ứng, tự miễn. Gây ảnh hưởng đến tuyến hoặc ống tuyến. Viêm ống tuyến có thể gây tắc nghẽn, làm giảm lượng nước bọt tiết vào miệng.

Nước bọt hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, giúp làm nhỏ các mảnh thức ăn. Ngoài ra nó còn rửa trôi vi khuẩn và các hạt thức ăn, giữ cho miệng bạn sạch sẽ. Nó cũng giúp kiểm soát số lượng vi khuẩn tốt và xấu trong miệng. Nếu sự tạo thành và di chuyển nước bọt trong miệng bị rối loạn, vi khuẩn và các hạt thức ăn sẽ tích tụ. Điều này dẫn đến viêm nhiễm tuyến nước bọt.

Bất kỳ ở độ tuổi nào, ngay cả trẻ sơ sinh, cũng có thể bị viêm tuyến nước bọt. Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi có bệnh mãn tính đi kèm.

Tuyến nước bọt mang tai và tuyến dưới hàm thường bị viêm nhiễm hơn. Đa số các trường hợp viêm tuyến nước bọt thường xảy ra cấp tính và đột ngột. Viêm nhiễm do tắc nghẽn hay hẹp các ống tuyến có thể phát triển từ từ theo thời gian.

Loại viêm tuyến nước bọt hay gặp nhất là quai bị, do virus gây ra. Đọc thêm về quai bị tại đây: Bệnh quai bị: Phòng ngừa trước khi quá muộn

Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt mang tai
Viêm tuyến nước bọt có nguy hiểm không

3. Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt là gì?

Viêm tuyến nước bọt điển hình thường là do nhiễm khuẩn. Staphylococcus aureus là loại vi khuẩn thường gặp nhất gây viêm nhiễm tuyến nước bọt. Những nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt khác bao gồm:

  • Streptococcus viridans.
  • Haemophilus influenzae.
  • Streptococcus pyogenes.
  • Escherichia coli.

Nhiễm khuẩn có thể xảy ra do tình trạng giảm tiết nước bọt. Điều này thường gây ra do hẹp hay tắc nghẽn các ống tuyến. Các loại virut hay các bệnh lý khác cũng có thể làm giảm sản xuất nước bọt. Bao gồm:

  • Quai bị: là một bệnh truyền nhiễm do virus. Bệnh thường xảy ra trẻ em chưa được chủng ngừa.
  • HIV.
  • Virut cúm A hay virut parainfluenza loại I và II.
  • Nhiễm virus Herpes.
  • Sỏi tuyến nước bọt.
  • Tắc nghẽn ống tuyến nước bọt do nhầy.
  • Khối u.
  • Hội chứng Sjogren: một bệnh lý tự miễn (rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể) gây ra khô miệng.
  • Sarcoidosis (hay còn gọi là bệnh u hạt): là tình trạng các tế bào viêm tăng trưởng quá mức ở khắp cơ thể.
  • Suy dinh dưỡng.
  • Mất nước.
  • Xạ trị ung thư vùng đầu cổ.
  • Vệ sinh răng miệng kém.
Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt mang tai
Sỏi tuyến nước bọt có thể gây tắc nghẽn ống tuyến dẫn đến viêm nhiễm

4. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm nhiễm tuyến nước bọt là gì?

Nếu bạn có những yếu tố dưới đây, bạn có thể dễ mắc viêm tuyến nước bọt hơn những người khác:

  • Lớn hơn 65 tuổi.
  • Vệ sinh răng miệng kém.
  • Chưa tiêm ngừa quai bị.

Những bệnh lý hay tình trạng mạn tính dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm tuyến nước bọt:

  • HIV/AIDS.
  • Hội chứng Sjogren.
  • Đái tháo đường.
  • Suy dinh dưỡng.
  • Nghiện rượu.
  • Bulimia: là một rối loạn tâm thần liên quan đến ăn uống, đặc trưng bởi tăng sự thèm ăn.
  • Xerostomia hay hội chứng khô miệng.

5. Biểu hiện của viêm tuyến nước bọt là gì?

Những triệu chứng dưới đây có thể chỉ điểm bệnh viêm tuyến nước bọt. Bạn nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Vì các biểu hiện của viêm tuyến nước bọt cũng có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Những triệu chứng này bao gồm:

  • Vị giác bất thường hay vị hôi kéo dài.
  • Không mở miệng được tối đa.
  • Khó chịu và đau khi mở miệng hay ăn.
  • Có mủ trong miệng.
  • Khô miệng.
  • Đau miệng.
  • Đau vùng mặt.
  • Sưng đỏ vùng trước tai, dưới hàm hay dưới lưỡi.
  • Sưng nề vùng mặt hay cổ.
  • Triệu chứng của nhiễm trùng, ví dụ như sốt hay ớn lạnh.

Đến khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghĩ mình bị viêm tuyến nước bọt và kèm các triệu chứng sau: sốt cao, khó thở hay khó nuốt, hoặc khi các triệu chứng trở nên xấu đi nhanh chóng. Những triệu chứng này có thể cần điều trị ngay.

6. Viêm tuyến nước bọt có thể gây ra những biến chứng gì?

Viêm tuyến nước bọt thường ít gây biến chứng. Nhưng nếu viêm nhiễm tuyến nước bọt không được điều trị, mủ có thể tích tụ và tạo thành áp xe ở trong tuyến nước bọt.

Tình trạng viêm tuyến nước bọt gây ra do một khối u lành tính có thể làm cho tuyến to ra.

Khối u ác tính (hay ung thư) có thể phát triển nhanh chóng và khiến cho giảm cử động phía bên mặt có u. Nó có thể ảnh hưởng tại chỗ hay lan ra các vùng khác.

Những trường hợp bị viêm tuyến mang tai tái phát, sưng nề nghiêm trọng có thể phá hủy tuyến.

Biến chứng cũng có thể xảy ra khi vi khuẩn từ tuyến nước bọt bị viêm nhiễm lan ra các vùng khác. Bao gồm các nhiễm khuẩn da như viêm mô tế bào. Một vài trường hợp có thể dẫn đến Ludwig’s angina. Đây là tình trạng viêm mô tế bào cấp tính xảy ra tại vùng sàn miệng, đẩy lưỡi lên khiến bệnh nhân khó thở, khó nuốt.

7. Viêm tuyến nước bọt được chẩn đoán như thế nào?

Viêm tuyến nước bọt có thể phát hiện được qua thăm khám. Tuyến nước bọt đau hay có mủ có thể chỉ điểm tình trạng viêm nhiễm.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị viêm tuyến nước bọt, bạn sẽ được làm thêm các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán. Đồng thời xác định nguyên nhân gây ra viêm tuyến nước bọt. Những kỹ thuật hình ảnh học dưới đây có thể được dùng để xác định rõ hơn. Chúng có thể phát hiện được ổ áp xe, sỏi tuyến nước bọt hay khối u. Bao gồm:

  • Siêu âm.
  • MRI (cộng hưởng từ).
  • CT scan (chụp cắt lớp điện toán).

Trong một vài trường hợp, bác sĩ cũng có thể thực hiện sinh thiết mô tuyến để xác định bản chất của khối u. Hay cấy dịch tuyến để tìm vi khuẩn, virut.

Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt mang tai
Viêm tuyến nước bọt có thể phát hiện được qua thăm khám

8. Điều trị bệnh viêm tuyến nước bọt

Phương thức điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng và nguyên nhân gây ra viêm tuyến nước bọt. Ngoài ra còn phụ thuộc vào những triệu chứng bạn đang có, ví dụ như sưng nề hay đau.

Kháng sinh có thể được dùng để diệt vi khuẩn. Qua đó làm giảm mủ và hạ sốt. Trong trường hợp viêm nhiễm đã tạo thành ổ áp xe (ổ mủ), bạn có thể được chọc hút mủ bằng kim nhỏ.

Điều trị tại nhà bao gồm:

  • Uống 8 đến 10 cốc nước chanh mỗi ngày để kích thích tiết nước bọt và làm sạch tuyến.
  • Mát xa nhẹ vùng tuyến bị viêm.
  • Đắp gạc hoặc khăn ấm lên vùng tuyến viêm.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm.
  • Ngậm miếng chanh hoặc kẹo chanh không đường để kích thích tiết nước bọt và giảm sưng nề.

Đa phần viêm nhiễm tuyến nước bọt không cần điều trị phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể cần thiết trong trường hợp viêm tuyến nước bọt mạn tính hay tái phát. Mặc dù không phổ biến, phẫu thuật có thể bao gồm cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến nước bọt bị viêm.

9. Phòng ngừa bệnh viêm tuyến nước bọt như thế nào?

Đa số trường hợp viêm tuyến nước bọt không có cách phòng ngừa hiệu quả. Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là uống nhiều nước và giữ vệ sinh răng miệng. Bao gồm đánh răng 2 ngày một lần và sử dụng chỉ nha khoa.

Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt mang tai
Uống nhiều nước là cách đơn giản giúp giảm nguy cơ mắc bệnh

Bên cạnh đó, bạn có thể phòng ngừa quai bị bằng cách chủng ngừa đầy đủ.

Bệnh viêm tuyến nước bọt là một tình trạng khá phổ biến. Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Các triệu chứng của viêm tuyến nước bọt rất đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Viêm tuyến nước bọt thường không nguy hiểm và ít biến chứng. Nhưng đôi khi có những dấu hiệu bệnh nặng bạn cần nhận diện sớm và đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời. Việc điều trị bệnh cũng tùy vào từng nguyên nhân cụ thể. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị phù hợp nhất.