Những cái tên hay về âm nhạc

Tên ban nhạc – Nhìn lại từ những thập kỷ

Trung Kiên viết cho phiendichvien.com

Trong thiết kế thời trang, có những chiếc váy trông từ đằng sau còn tuyệt mỹ hơn cả phía trước (more gorgeous from the back), đôi lúc nó làm người nhìn bối rối, đắn đo khi nhận xét. Còn ở lĩnh vực âm nhạc, có những cái tên, nghệ danh mà mới nghe qua, chúng ta phải vò đầu suy nghĩ xem đó có phải tên thật hay chỉ là trò đùa.

Tên ban nhạc giúp nhận biết phần nào tính cách, dòng nhạc… Có nhiều cái tên nghe như lời tiên tri, hay nghe hài hước, thông minh, hay ngược lại là dở hơi, hoặc bí ẩn, cũng không thiếu những cái tên rối rắm, phi nghĩa. Làm sao để bí danh của nhóm nhạc trở nên nổi trội trên vùng đất âm nhạc đầy rẫy sự tự phụ. Xấu hay đẹp, những cái tên đều đã nằm trong chặng đường phát triển của lịch sử…

Những năm 60 và 70 có thể xem là giai đoạn ổn định với lối chọn tên ban nhạc khá có ý nghĩa. Nhiều nhóm có tên đơn giản: The Kinks, The Doors, The Who, Genesis… Một số dài hơn: Buffalo Springfield, Thee Enchantments (Những điều quyến rũ)…

Có những ban nhạc lấy tên động vật làm nền, chẳng hạn The Eagles, The The Animals; vài ban có sự thay đổi cách viết (spelling): The Monkees (Monkeys), The Byrds (Birds), The Beatles (Beetles)…

Thỉnh thoảng có chút tưng tưng: Grateful Dead (Cái chết mãn nguyện), Electric Light Orchestra (Ban nhạc sáng đèn), hay đặc biệt có The Velvet Underground (ảnh chụp chung với nữ ca sĩ Nico) một trong những ban nhạc vĩ đại nhất lịch sử.

Những cái tên hay về âm nhạc

Thập kỷ 80 giới thiệu những cái tên ban nhạc rất hay và đầy ý nghĩa: The Replacements (phải mất 3 lần phải đổi tên, ban đầu là Dogbreath, sau đó là Impediments, cuối cùng ban nhạc rock của Mỹ mới có được cái tên đánh dấu khoảng thời gian phát triển của họ, âu cũng là câu chuyện lạ); The Stone Roses (hai từ Stone và Roses dường như đối lập nhau nhưng được kết hợp và đi cùng nhau rất quyện), The Misfits (Những kẻ dị biệt) – còn sự lựa chọn nào tốt hơn để đặt tên cho ban nhạc chuyên trị Metal Rock…

Ngoài ra còn có Jane’s Addiction (Cơn nghiện của Jane), Public Enemy (Kẻ thù chung), The stray cats (Lũ mèo lang thang)… Giai đoạn này còn xuất hiện rockband Ailen lẫy lừng U2. Cái tên U2 được nhiều người ngày nay hiểu đơn giản “you too”, nhưng thực tế khi thành lập ban nhạc, các thành viên trong nhóm không ai có hàm ý đó, họ chỉ muốn một cái tên mở để mọi người đoán, và thực tế cho đến nay đã rất nhiều cách giải thích khác nhau. Một trong số đó có vẻ thú vị, sau hai cái tên đầu là Feedback và Hype, đến khi cây guitar Dik Evans rời khỏi nhóm, nhạc sĩ Steve Averill đã đề xuất 6 cái tên tiềm năng và “U2” được chọn vì nó là cái tên mơ hồ mà mọi người “không thích nhất” (!)

Đến thập niên 90, xu hướng đặt tên ban nhạc bắt đầu có sự thay đổi. Qua rồi thời của những cái tên dễ nghe, bây giờ tên ban nhạc được những cá tính lựa chọn làm sao nghe có vẻ ranh mãnh, hoặc mỉa mai.

Nghệ sĩ thi nhau tạo hỗn hợp hương vị cho ban nhạc bằng những cái tên lựa chọn ngẫu nhiên hoặc theo sở thích: Bowling for soup (hai thành viên trong ban nhạc trên thích vở hài kịch có tên Bowling for sh.t, rồi thay từ soup vào đó), Archers of loaf (họ cùng mở từ điển ra, chấm đại hai từ là archer và loaf, thế là cái tên Archers of loaf ra đời), Pearl Jam (Mứt ngọc trai)…

Vẻ bí ẩn bắt đầu với Outkast (Kẻ bơ vơ), được viết lại từ Outcast, Blind Melon (Quả dưa ngơ ngác), Nirvana (Cõi niết bàn)… Thỉnh thoảng làm người nghe bối rối, như: Limp Bizkit (Limp Biscuit – Cái bánh nhão), Death Cab for Cutie (Chuyến xe tử thần cho người dễ thương).

So với những nhóm trên thì N’SYNC, Linkin Park, Backstreet Boys quen thuộc với giới trẻ Việt hơn. N’SYNC được lắp ghép từ ký tự cuối của tên các thành viên trong nhóm, và cũng có nghĩa là “In sync”. Cách đặt tên của Linkin Park thì mang hơi thở thời đại Internet. Ban đầu các thành viên muốn đặc là Lincoln Park, nhưng họ phải chuyển Lincoln thành Linkin để xin được tên miền linkinpark.com trên mạng cho nhóm. Backstreet boys (Những đứa trẻ đường phố) lấy cảm hứng từ tên khu chợ trời Backstreet ở Orlando, nơi nhóm thành lập.

Đến đầu thế kỷ 21 là thời của những ban nhạc cố gắng thể hiện ý tưởng từ thiện hoặc chính trị với sự năng động của tuổi trẻ: Clap your hands say yeah, Saturday looks good for me…

Thêm làn sóng mới của những ban nhạc trình diễn phong cách Emo. Theo dòng Hardcore punk, bí danh nghe nổi bật: Panic! at the Disco, I Set My Friends On Fire, Taking Back Sunday, Boys Like Girls, Cute Is What We Aim For…

Lối liên tưởng, tận dụng tên động vật từ thập niên 60 trở lại mạnh mẽ, nhưng lần này có sự nhiều sự thay đổi về tính cách con vật và lối chơi chữ: Wolf Parade, White Antelope, Crystal Antlers, Bear in Heaven, Tiger Bear Wolf…

Hoobastank dường như là ban nhạc nhận được nhiều thắc mắc nhất về cái tên khó hiểu của họ. Sự úp mở của ban nhạc làm người hâm mộ càng tò mò. Trên mạng có cả một diễn đàn với hàng tá câu trả lời diễn giải cho cái tên này. Có giả thiết cho rằng, cái tên Hoobastank được gợi ý từ một gã say rượu ngoài đường (!) Nó cũng được xem là một trong những cái tên tệ nhất thập kỷ.

Thời đại đã thử thách, tạo ảnh hưởng khiến các ban nhạc mới phải đặt những cái tên làm họ trở nên xấu xí trong mắt khán giả. Cách đặt tên ban nhạc được ví như ngành tiểu thủ công nghiệp quê mùa. Quá nhiều những cái tên với nội dung kinh khủng đã gây trở ngại thấy rõ cho sự nghiệp âm nhạc của họ, và chuyện này sẽ dẫn tới đâu?

Những cái tên hay về âm nhạc

Câu trả lời hiện ra ngay lập tức, giờ đây lối đặt tên viết in hoa dị thường được sử dụng. Tiêu biểu là HAERTS, nhờ cách xáo trộn vị trí E và A của từ HEARTS để tạo thành tên nhóm rất độc đáo. Nhóm CHVRCHES thì muốn đặt một cái tên dễ thương, không mang ý nghĩa tôn giáo, nên đã thay ký tự U bằng V để tránh sự nhầm lẫn. Mới đây có nhóm POP ETC gia nhập all-caps family (những ban nhạc đặt tên gồm toàn những ký tự viết in hoa).

Nói như Shakespeare thì tên gì cũng được, hoa hồng dù gọi tên gì thì nó vẫn tỏa hương! Nhưng phải xem lại nó có phải là hoa hồng hay không nữa….