Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi trong nghiên cứu khoa học

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý KHI SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA BẰNG BẢNG HỎI ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH PHÚ THỌ

Thứ hai, 11.05.2020 11:04

ThS. Nguyễn Thị Hồng Hường
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng




Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường chính trị tỉnh Phú Thọ được triển khai thành nền nếp, với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và cấp cơ sở; trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn nói riêng, nhiệm vụ chính trị của nhà trường nói chung.

Với đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, năng lực chuyên môn tốt, việc triển khai các đề tài khoa học đều dựa trên cơ sở vận dụng đa dạng các phương pháp nghiên cứu như: phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp thống kê, phương pháp tổng - phân - hợp, phương pháp xử lý thông tinTrong đó, phương pháp điều tra bằng bảng hỏi được sử dụng phổ biến trong tất cả các đề tài.

Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp phỏng vấn viết nhằm thu thập thông tin, dữ liệu sơ cấp, phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Hoạt động thu thập dữ liệu được thực hiện cùng một lúc với nhiều người theo một bảng câu hỏi in sẵn, người được hỏi trả lời ý kiến của mình bằng cách đánh dấu vào các ô tương ứng theo một quy ước đã được thống nhất hoặc sẽ có một đội ngũ điều tra viên tham gia lấy ý kiến và đánh dấu câu trả lời vào phiếu hỏi.

Sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi sẽ giúp người nghiên cứu có được nguồn thông tin phong phú, có định hướng từ nhiều nhóm đối tượng, với số lượng điều tra lớn, trên phạm vi rộng. Các thông tin sau khi được xử lý sẽ là những dữ liệu khoa học quan trọng, đảm bảo tính chân thực, khách quan, nâng cao giá trị của công trình nghiên cứu.

Với những ưu thế của phương pháp điều tra bằng bảng hỏi, việc vận dụng phương pháp này là hết sức cần thiết, hoàn toàn phù hợp với những đề tài thuộc ngành khoa học xã hội mà nhà trường triển khai.

Qua thực tế cho thấy, việc vận dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi cho thấy một số khía cạnh sau:

Về cách thức tiến hành, bảng hỏi [phiếu điều tra] được phát đồng thời cho các đối tượng điều tra. Thành viên nhóm nghiên cứu có thể trực tiếp phát và thu bảng hỏi hoặc thông qua người trung gian. Với cách thức này, trên thực tế đã phát sinh một vấn đề là việc hướng dẫn cách trả lời cũng như giúp người được hỏi thấy rõ tầm quan trọng của việc trả lời chính xác các câu hỏi đôi khi không được triển khai đầy đủ. Bên cạnh đó, việc thu bảng hỏi đôi khi cũng không đầy đủ, các câu hỏi cũng không được trả lời hết. Điều này làm ảnh hưởng đến tính đại diện của thông tin, dó đó, làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

Về kỹ năng thiết kế bảng hỏi, về cơ bản các bảng hỏi đã đảm bảo về mặt kết cấu, số lượng câu hỏi. Các câu hỏi được xây dựng tương đối chặt chẽ, sắp xếp logic theo trật tự, đảm bảo các thông tin thu được phù hợp với nội dung đề tài và mục tiêu nghiên cứu. Tuy nhiên, việc xây dựng câu hỏi vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như câu hỏi không rõ ý, tối nghĩa hoặc lặp vấn đề, câu hỏi quá rộng, câu hỏi không cần thiết

Về hiệu quả, việc điều tra lấy ý kiến bằng bảng hỏi được tiến hành trên diện rộng, đối tượng bao gồm lãnh đạo, chuyên viên các ban đảng của Huyện ủy, cấp ủy viên hoặc đảng viên, công chức xã, phường, thị trấn. Vì vậy, nguồn thông tin thu nhận được rất phong phú, phản ánh đa chiều vấn đề nghiên cứu, trong đó có nhiều đánh giá mang tính chuyên sâu, giúp gợi mở các giải pháp cho vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, việc khai thác thông tin thu nhận được mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng các con số thống kê theo từng câu hỏi để chứng minh cho một nhận định, một đánh giá nào đó. Điều này vừa dẫn đến sự đơn điệu trong cách sử dụng kết quả điều tra, vừa không tận dụng hết giá trị thông tin được khai thác.

Để phương pháp điều tra bằng bảng hỏi phát huy tối ưu hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học của nhà trường, trong thời gian tới, việc vận dụng phương pháp cần chú ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, nắm vững các bước xây dựng bảng hỏi

Đối với phương pháp điều tra bằng bảng hỏi thì việc xây dựng bảng hỏi rất quan trọng, vì đây là chiếc cầu nối giữa người nghiên cứu và người được hỏi; là phương tiện lưu giữ thông tin theo trật tự thống nhất. Vì vậy, bảng hỏi cần được xây dựng theo các bước nhất định để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, phù hợp. Có 2 loại bảng hỏi là đóng và mở, nhưng về cơ bản, xây dựng bảng hỏi gồm các bước sau:

Bước 1: xác định các mục tiêu mà bảng hỏi hướng đến;

Bước 2: xác định đối tượng và mẫu điều tra khảo sát;

Bước 3: xác định phương pháp thu thập thông tin;

Bước 4: xác định các câu hỏi trong bảng hỏi;

Bước 5: sắp xếp thứ tự các câu hỏi trong bảng hỏi

Bước 6: tham khảo ý kiến chuyên gia.

Bước 7: chỉnh sửa và hoàn thiện bảng hỏi.

Khi xây dựng bảng hỏi, cần chú ý tới những đặc điểm văn hóa, tâm lý xã hội, phong tục tập quán, trình độ nhận thức của người được hỏi. Bảng hỏi không nên quá dài, nhưng vẫn phải bao hàm mọi khía cạnh của nội dung nghiên cứu.

Thứ hai, nâng cao kỹ năng đặt câu hỏi và sắp xếp câu hỏi theo logic khoa học

Đối với phương pháp điều tra bằng bảng hỏi, việc xây dựng câu hỏi rất quan trọng, quyết định hàm lượng thông tin thu thập được cũng như hiệu quả của phương pháp. Chất lượng câu hỏi phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm, trình độ, hiểu biết thực tiễn của người nghiên cứu, nhưng nhìn chung, việc xây dựng câu hỏi cần đáp ứng một số yêu cầu sau:

Nội dung các câu hỏi phải phong phú, linh hoạt, hạn chế trùng lặp vấn đề vì dễ gây nhàm chán cho người được hỏi. Các câu hỏi phải rõ ràng, không tạo nên nhiều cách hiểu khác nhau, không khiến người được hỏi thấy mơ hồ hay quá rộng. Với những câu hỏi mang tính tiêu cực, nên giảm nhẹ mức độ tiêu cực bằng cách hỏi gián tiếp. Với những câu hỏi đóng, các phương án trả lời phải được liệt kê đầy đủ, rạch ròi, tránh chồng chéo. Cần cân nhắc trước các phương án trả lời có thể có và mở thêm khả năng trả lời bằng cách tạo một khoảng trống để người trả lời có thể trình bày thêm ý kiến.

Lựa chọn và sử dụng từ ngữ cần chú ý tính trong sáng, phổ thông; không dùng các thuật ngữ khoa học khó hiểu, không dùng từ đa nghĩa hoặc vô định; không dùng từ viết tắt hoặc tiếng nước ngoài.

Việc sắp sếp câu hỏi cũng cần tuân theo logic nhất định, vì cùng những câu hỏi như nhau nhưng sắp xếp theo trình tự khác nhau thì thông tin thu được cũng khác nhau. Nên bắt đầu bảng hỏi bằng những câu hỏi đơn giản, ít nhạy cảm và thuộc dạng câu hỏi đóng, sau đó mới đưa ra những câu phức tạp hơn. Những câu hỏi bộ phận, có tính tiểu tiết nên đặt lên trước, sau đó đến những câu hỏi có tính khái quát. Mỗi bảng hỏi chỉ nên có từ 1 đến 2 câu hỏi mở, một câu xếp vào khoảng giữa và một câu vào gần cuối bảng hỏi.

Thứ ba, xử lý tốt kết quả điều tra khảo sát

Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi cung cấp thông tin phong phú, đa dạng, có thể phản ánh bản chất vấn đề, sự kiện, hiện tượng, nhưng cũng có thể là những thông tin mang tính hỗ trợ, bổ sung. Vì vậy, để đảm bảo tính chính xác và khai thác hiệu quả thông tin điều tra, cần vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học, đối chiếu các thông tin để rút ra tư liệu khoa học giá trị nhất. Mặt khác, cần thấy được mối liên hệ, tính logic của các thông tin để đưa ra những đánh giá sâu sắc về các nội dung nghiên cứu. Để thực hiện tốt yêu cầu này, người nghiên cứu cần tính toán ngay từ khi xây dựng và sắp xếp thứ tự câu hỏi.

Thứ tư, hình thức thu thập thông tin điều tra bằng bảng hỏi cần đa dạng, linh hoạt

Thu thập thông tin bằng bảng hỏi có thể thực hiện gián tiếp hoặc trực tiếp. Việc xác định hình thức hay gián tiếp tùy vào đối tượng trả lời và yêu cầu thông tin điều tra. Trong trường hợp được hỏi người hỏi số lượng lớn, khác nhau về nhận thức nhưng cùng nhóm điều tra, cần hướng dẫn thống nhất cách trả lời; cần thiết có thể trao đổi, làm rõ tầm quan trọng của nội dung điều tra để tăng tính hợp tác của người được hỏi.

Bảng hỏi cũng có thể được vận dụng kết hợp với phương pháp phỏng vấn, phương pháp chuyên gia nhằm thu thập đối đa các thông tin hữu ích.

Tóm lại, phương pháp điều tra bằng bảng hỏi là phương pháp quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đã được các giảng viên nhà trường sử dụng khi triển khai tất cả các đề tài. Để phương pháp này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục nghiên cứu để thực hiện phương pháp nhuần nhuyễn, linh hoạt; kết hợp đồng bộ phương pháp điều tra bằng bẳng hỏi với các phương pháp khác nhằm nâng cao chất lượng các đề tài, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường.

[Trở về] [Đầu trang]

Các tin khác:
CHI BỘ KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO CÁC VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII VÀ DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ KHỐI CCQ TỈNH PHÚ THỌ LẦN THỨ XIX
ĐỔI MỚI HÌNH THỨC SINH HOẠT TƯ TƯỞNG TRONG TÌNH HÌNH ĐẠI DỊCH COVID-19
TẠO VÀ NẮM BẮT THỜI CƠ CHIẾN LƯỢC GIÀNH THẮNG LỢI TRONG ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975
KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI TỔ CHỨC ĐẢNG VÀ ĐẢNG VIÊN NĂM 2019 CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH PHÚ THỌ
KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ I/2020
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG XÂY DỰNG GIA ĐÌNH 5 KHÔNG, 3 SẠCH, GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
CHI BỘ KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG NÂNG CAO HIỆU QUẢ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ
KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ TƯ TƯỞNG CHO ĐỘI NGŨ ĐẢNG VIÊN TRONG CHI BỘ
KHOA XÂY DỰNG ĐẢNG ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHI BỘ
NHỮNG ĐIỂM MỚI CẦN QUAN TÂM CỦA QUY ĐỊNH 205-QĐ/TW VỀ VIỆC KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ VÀ CHỐNG CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề