Review ca chon anh dung di năm 2024

Trailer bộ phim 'Cà chớn, anh đừng đi!' Tác phẩm lãng mạn của điện ảnh Việt Nam về mối tình giữa một sinh viên nhạc viện và một họa sĩ tài ba.

Thể loại: Hài hước, lãng mạn Đạo diễn: Đỗ Cường Diễn viên chính: Kiều Trinh, Xuân Phúc, Trang Hý, Đức Hải Zing.vn đánh giá: 3/10

Cà chớn, anh đừng đi là bộ phim tâm lý - lãng mạn của điện ảnh Việt.

Chuyện phim Cà chớn, anh đừng đi xoay quanh Tuệ Nhi [Kiều Trinh] - một nữ sinh khoa sáng tác nhạc đang gặp khó khăn trong việc hoàn tất phần lời cho ca khúc mới sau khi chia tay mối tình đầu.

Sau một tai nạn, cô gặp gỡ và làm quen chàng họa sĩ chuyên vẽ tranh chân dung ngoài phố có tên Hải Sơn [Xuân Phúc]. Ấn tượng với khả năng thi ca của đối phương, Nhi bèn nhờ Sơn viết lời bài hát giúp mình.

Sau khoảng thời gian gắn bó, họ chợt nhận ra đã yêu nhau lúc nào không hay. Song, đây cũng là lúc nhiều sóng gió ập tới, thách thức mối tình chớm nở của hai người trẻ.

Nội dung phi lý, nhạt nhẽo

Theo dõi Cà chớn, anh đừng đi, khán giả rất dễ liên tưởng đến một “thảm họa” khác của điện ảnh Việt Nam hồi 2018 là Thử yêu rồi biết. Cả hai không mang lại điều gì giá trị khi cứ thế đẩy đôi nhân vật chính vào “mê hồn trận” tình yêu nhạt nhẽo.

Ngay từ đầu bộ phim, đạo diễn Đỗ Cường đã tạo ra tình huống quen biết dành cho cả hai đầy phi lý. Hải Sơn đuổi theo tên cướp đã giật điện thoại của Tuệ Nhi, nhưng đến khi mang trả, anh mới nhận ra chiếc điện thoại thực ra đã bị tráo đổi.

Toàn bộ Cà chớn, anh đừng đi là một "mê hồn trận" tình yêu nhạt nhẽo.

Cô sinh viên nhạc viện bèn nghĩ rằng Sơn là đồng phạm của tên cướp. “Tình cờ” gặp lại chàng họa sĩ trên phố, Nhi lao vào… đòi điện thoại, rồi nhanh chóng thay đổi và chuyển sang nhờ một người chưa quen biết viết lời bài hát giúp mình.

Ngay sau màn làm quen gượng gạo, Cà chớn, anh đừng đi càng khiến người xem hoang mang khi liên tục nhồi nhét hàng loạt tình huống không đầu không cuối.

Hóa ra, Sơn còn phải nuôi người mẹ sống thực vật vì tai nạn giao thông và luôn đi tìm kẻ gây ra thảm kịch cho gia đình qua một hình xăm trên tay. Nhi thì mới bị mối tình đầu là thầy giáo dạy nhạc phụ bạc, và còn mắc bệnh tim bẩm sinh. Cùng lúc đó, cha cô gái [Đức Hải] đang dùng mọi cách để tìm kiếm nội tạng thay thế cho con gái.

Dài chưa đầy hai tiếng, bộ phim chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn và quan hệ chồng chéo giống như một tác phẩm truyền hình dài hàng chục tập. Đến cuối, toàn bộ mâu thuẫn được giải quyết một cách hời hợt và gượng ép theo kiểu “hòa cả làng” cho xong mà chẳng tuân theo bất cứ tính logic hay tâm lý nhân vật nào.

Cẩu thả trong cách làm phim

Kỹ thuật làm phim của Cà chớn, anh đừng đi dường như vẫn dậm chân ở thế kỷ trước. Các khung hình trong phim đều rất xấu với góc quay kém tinh tế. Thậm chí, người xem dễ dàng nhận ra hình ảnh bị vỡ tương đối nặng ở nhiều phân đoạn.

Phần thoại phim hiện đại, nhưng lại chứa đựng nhiều câu thoại sáo rỗng, sến súa không cần thiết. Sự khiên cưỡng biểu lộ rõ trong nhiều cảnh phim khiến diễn viên chẳng khác nào đang trả bài cho đạo diễn. Còn việc lồng tiếng được thực hiện một cách cẩu thả đến đáng trách.

Kỹ thuật làm phim của Cà chớn, anh đừng đi rất tệ.

Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của bộ phim nằm ở lối cắt và chuyển cảnh vô duyên, cụt lủn. Lồng ghép đến vài ba tuyến truyện trong cùng một tác phẩm, nhưng đoàn làm phim xem ra không biết phải xử lý mọi chuyện ra sao cho trơn tru.

Tình trạng chưa kịp hiểu phân đoạn trước nói gì đã buộc phải chuyển sang một tình huống khác không liên quan thường xuyên xảy ra. Hậu quả là mạch cảm xúc của người xem bị đứt đoạn, còn Cà chớn, anh đừng đi chẳng khác nào là một tác phẩm chắp vá từ hàng chục tình huống rời rạc.

Tính cách nhân vật rối loạn

Nội dung phim đã vô lý, tính cách nhân vật còn bất ổn hơn. Cả dàn diễn viên chính thường xuyên có những hành động thừa thãi chẳng biết để làm gì. Đơn cử như cha của Nhi nhờ cậy đường dây xã hội đen để tìm nội tạng cho con gái. Song, ông bỗng nhiên thay đổi ý định sau khi đọc một bài báo.

Tuy nhiên, nhân vật vẫn đi tìm băng nhóm chỉ để nói rằng… không giao dịch nữa, và ăn trọn một nhát đâm. Ngạc nhiên hơn, ông không đến bệnh viện để chữa trị mà lại ngồi… đánh đàn chờ con gái về. Thế rồi, vết thương tự lành chẳng khác nào... dị nhân Wolverine trong X-Men.

Có quá nhiều vấn đề trong tính cách nhân vật của bộ phim.

Trong khi đó, đôi tình nhân Sơn và Nhi từ chỗ ghét nhau lại chuyển sang yêu nhau chỉ sau “vài nốt nhạc”. Được xây dựng là tay họa sĩ bất cần và cục tính, Sơn khi yêu bỗng nhiên sến súa đến lạ thường.

Còn Nhi, dù còn đau buồn vì tình cũ, vẫn nhận lời quen và đi chơi xa cùng người mới. Sự chênh lệch tuổi tác trong tạo hình của họ cũng phần nào đó khiến mối tình thêm thiếu thuyết phục.

Mọi mâu thuẫn, tranh cãi của cả hai đều được giải quyết chỉ bằng vài đoạn hồi tưởng, dù kỷ niệm của họ không mấy đặc sắc. Cà chớn, anh đừng đi lạm dụng yếu tố này nhiều tới mức nhàm chán.

Có lẽ vì thế mà Xuân Phúc hay Kiều Trinh cũng hoang mang không biết diễn sao cho đúng với tâm lý của nhân vật. Dù rất cố gắng trong các phân đoạn đòi hỏi nội tâm, những gì khán giả cảm nhận từ hai diễn viên chỉ là sự gượng gạo, thiếu cảm xúc.

Nhìn chung, Cà chớn, anh đừng đi lại là một tác phẩm đáng quên nữa của điện ảnh Việt Nam. Thật khó để tìm thấy một điều gì đáng giá từ bộ phim của đạo diễn Đỗ Cường.

Chủ Đề