Sống là chính mình Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Sống là chính mình Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Đề bài: Từ đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, em hãy nêu suy nghĩ về niềm hạnh phúc khi được sống là chính mình của mọi người

Mở bài: Giới thiệu về đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Trong nền văn học Việt Nam, những tác phẩm kịch thường ít hơn những tác phẩm thơ và truyện, chính vì thế nhà viết kịch cũng ít hơn những nhà thơ và nhà văn. Trong làng kịch Việt Nam, ít ai không biết đến nhà viết kịch nổi tiếng những năm 80 của thế kỉ XX Lưu Quang Vũ. Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một tác phẩm kịch kinh điển của ông. Qua đoạn trích cùng tên, Lưu Quang Vũ thể hiện được nhiều triết lý nhân sinh, tiêu biểu trong đó là triết lý niềm hạnh phúc khi được sống là chính mình của con người.

Thân bài: Từ đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, hãy nghĩ về niềm hạnh phúc khi được sống là chính mình của mọi người

Vở kịch là câu chuyện sống chết của một ông lão có tâm hồn thanh cao, thích sưu tầm cây cảnh và chơi cờ cũng thần tiên. Vì sự cố sai sót của thần mà Trương Ba bị chết oan. Để sửa sai Đế Thích – người hay chơi cờ cùng Trương Ba cho hồn của ông được nhâp vào xác của anh thịt để sống trở lại. Những tưởng cuộc sống một lần nữa đến với Trương Ba nhưng cuộc sống ấy lại còn tệ hơn cả địa ngục nơi mà đáng ra ông đã ở đó rồi.

Xem thêm:  Giải thích đoạn trích: “ Hồn Trương Ba bần thần nhập… ôm đầu”

Trước khi quyết định chết hoàn toàn không nhập vào thân xác của bất kì ai nữa thì hồn Trương Ba có một cuộc không hạnh phúc vì ông không được sống như mình trước đó. Ông phải làm theo những gì mà thân xác của anh hàng thịt mong muốn ngay cả việc ngủ với vợ của hắn. Những tưởng khi được sống trở lại ông sẽ sống những ngày tháng vui vẻ bên gia đình giống như trước kia. Tâm hồn thanh cao của ông sẽ điều khiển được thân xác đui mù kia thế nhưng lại không được như thế. Không những ông không điều khiển được thân xác ấy mà còn bị thân xác ấy làm cho khác đi, để người nhà của ông không còn nhận ra ông nữa. Thế mới thấy sống lâu trong sự dung tục thì ắt sẽ bị nó chế ngự. Ở đời, con người ta học điều tốt thì rất khó nhưng để những điều xấu ảnh hưởng đến mình thì lại rất dễ. Ngay cả trong cuộc tranh đấu giữa hồn và xác hồn cũng đuối lí trước những lí lẽ của xác. Ông không có một cuộc sống trọn vẹn được vì giờ đây ông phải làm thỏa mãn những sở thích của thân xác thì thân xác kia mới giúp ông sống được.

Những người thân trong gia đình ông không thể chấp nhận được thân xác mới và những việc làm mới của ông. Nó không giống như ông trước kia, một người nho nhã, thanh mảnh thích làm vườn mà giờ đây dùng chính cái thân hình thô kệch của anh hàng thịt giẫm nát đi cái chồi non, cái sở thích của mình. Người đàn ông có bàn tay ấm áp ngày nào nay lại thẳng tay tát vào mặt thằng con mình mạnh đến nỗi chảy máu mồm máu mũi. Đôi bàn tay ấy lại một lần nữa làm rách diều của Cu Tị – bạn của đứa cháu gái của mình. Điều đó khiến cho đứa cháu gái căm ghét ông và không bao giờ nó chịu nhận ông, nó luôn mắng ông là lão đồ tể. Người vợ mà ông yêu thương cũng không chịu nổi cảnh sống ấy mà quyết tâm ra đi. Chị con dâu là người hiểu cho ông nhất nhưng cũng phải thốt lên rằng dù thương thầy nhưng thật sự thầy khác quá. Có thể nói trước khi quyết định chết thật thì hồn Trương Ba tuy được sống nhưng lại có một đời sống hoàn toàn khác, sống chung với dung tục, Trương Ba biến thành một người khác.

Thế nhưng sau khi ông quyết định chết hoàn toàn thì lại khác. Ông không được nắm thật tay đứa cháu mình, hay tự tay làm những cây cảnh trong vườn, chơi cờ tướng nữa. Thế nhưng mỗi khi hồn ông trở về thì lại nhận được sự yêu mến kính trọng, nhớ thương của tất cả mọi người trong gia đình. Không còn ai bất mãn với ông, xa lánh ông khi ông sống trong thân xác của anh hàng thịt nữa. Đến đứa cháu gái trước đó không nhận ông nay nó cũng nhớ thương ông và luôn tự hào vì có một người ông nho nhã, khéo tay. Có thể nói được sống là chính mình là một niềm hạnh phúc không chỉ của Trương Ba mà còn là niềm hạnh phúc cho những người thân yêu bên cạnh ông nữa.

Kết bài: Bài văn

Qua đây có thể thấy, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm quan niệm triết lý nhân sinh của mình vào trang viết. Được sống là một niềm hạnh phúc đấy nhưng phải sống là chính mình thì mới hạnh phúc thật sự. Vì con người chúng ta không bao giờ sống lẻ loi một mình, ta còn biết bao nhiêu thân xung quanh, khi ta là chính ta thì mới hạnh phúc còn sống nhờ sống gửi không phải là mình thì không những mình chịu khổ đau mà những người xung quanh mình cũng phải chịu khổ đau đó.

TỪ KHÓA TÌM KIẾM

Đề bài: Phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

Phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt

I. Dàn ý Phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Lưu Quang Vũ và tác phẩm kịch, khái quát bi kịch và khát vọng của nhân vật.

2. Thân bài

a. Bi kịch của nhân vật- Bi kịch về cái chết oan uổng: Do sự tắc trách của quan trời, chỉ vì Nam Tào vội đi dự tiệc nên ông bị bắt chết nhầm.- Bi kịch sống nhờ thân xác người khác+ Nam Tào, Bắc Đẩu "sửa sai" bằng cách cho Trương Ba sống lại trong thân xác của một người hàng thịt.

+ Con người vốn là tổng thể thống nhất giữa linh hồn và xác thịt, thế nhưng Trương Ba lại được sống mà không được là chính mình trọn vẹn.

- Bi kịch bị tha hóa về nhân cách+ Khi còn sống, Trương Ba là ông lão làm vườn chăm chỉ, khéo léo, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, đáng kính.+ Từ khi linh hồn sống lại trong thân xác của anh hàng thịt, ông trở nên thô lỗ, phàm phu.+ Có lúc phải thỏa hiệp với những đòi hỏi bản năng của xác.

+ Linh hồn trong sạch của ông dần bị nhiễm độc bởi xác thị tầm thường của người đồ tể.

- Bi kịch không được chính gia đình của mình thừa nhận+ Trở về trong thân xác một người đàn ông xa lạ, vợ ông vô cùng đau khổ, muốn tìm cách tránh mặt và định bỏ đi.+ Con trai hư hỏng, cô cháu gái vốn vô cùng yêu thương ông lại tỏ thái độ thù ghét, xua đuổi quyết liệt.+ Con dâu là người duy nhất cảm thông với ông, nhưng "...làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?".

=> Không ai chia sẻ, không ai thấu hiểu cho bi kịch cuộc đời ông. Trong gia đình của chính mình, ông trở nên cô đơn, lẻ loi.


b. Khát vọng của nhân vật- Khát vọng khỏi nghịch cảnh phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt.- Khát vọng được sống là chính mình.

c. Đánh giá nghệ thuật

- Xây dựng thành cồn tình huống kịch đầy căng thẳng, đưa diễn biến lên cao trào rồi giải quyết mâu thuẫn một cách logic, hợp lí.- Những màn đối thoại, độc thoại được sáng tạo sắc nét vừa giúp nhân vật bộc bạch suy nghĩ, tính cách vừa giúp người đọc hiểu được những suy ngẫm, triết lý sâu sắc được gửi gắm.- Kết hợp giữa những vấn đề thời sự và vấn đề muôn thuở như lối sống giả dối, giữa những dục vọng u ám thấp hèn với những khát khao cao cả, tốt đẹp.

=> Qua đó tái hiện rõ nét bi kịch và nâng niu khát vọng thanh cao của nhân vật. Đồng thời gửi gắm thông điệp nhân sinh ý nghĩa

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị đoạn kịch và liên hệ bản thân

II. Bài văn mẫu Phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt

Kịch là một thể loại văn học đặc sắc của văn học Việt Nam. Nhắc đến tác phẩm kịch tiêu biểu Việt Nam, không thể không nhắc tới "Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt" của Lưu Quang Vũ - một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học dân tộc. Đoạn kịch "Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt" đã để lại trong lòng độc giả nhiều suy tư về bi kịch và khát vọng được sống là chính mình của nhân vật Hồn Trương Ba.

Điểm nổi bật gây nhiều ám ảnh đầu tiên trong đoạn kịch là bi kịch của Trương Ba. Chuỗi bi kịch khởi đầu ở cái chết oan uổng của Trương Ba do sự tắc trách của quan trời. Trương Ba là ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, giỏi đánh cờ, hiền lành, yêu thương vợ con và tâm hồn trong sạch. Chỉ vì Nam Tào vội đi dự tiệc nên đã bắt chết nhầm. Đang sống cuộc sống êm ấm với gia đình lại đột ngột chết đi, đây là một bi kịch đau lòng.

Theo lời khuyên của "tiên cờ Đế Thích", Nam Tào, Bắc Đẩu "sửa sai", muốn trả lại công bằng cho Trương Ba bằng cách cho Trương Ba sống lại. Không phải sống hoàn toàn mà là hồn được tiếp tục sống trong thân xác của một người khác - anh hàng thịt mới chết gần nhà. Chính sự thay đổi này đã đẩy Trương Ba vào chuỗi bi kịch đầy đau khổ, dằn vặt. Con người vốn là tổng thể thống nhất giữa linh hồn và xác thịt, thế nhưng Trương Ba lại được sống mà không được là chính mình trọn vẹn.

Bời vì sống nhờ trong thân xác của người khác, ông rơi vào bi kịch bị tha hóa về nhân cách. Trước kia, Trương Ba là ông lão làm vườn chăm chỉ, khéo léo, luôn quan tâm vợ con, chăm lo cho các cháu, hòa thuận giúp đỡ xóm làng. Trong mắt những người thân yêu, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, đáng kính. Còn hiện tại, từ khi linh hồn sống lại trong thân xác của anh hàng thịt, ông trở nên thô lỗ, phàm phu. Xác thịt kia dù âm u, đui mù nhưng vẫn có sức mạnh riêng. Có lúc linh hồn nhân hậu, trong sạch phải thỏa hiệp với những đòi hỏi bản năng của xác. Đáng sợ hơn, linh hồn trong sạch ấy còn dần bị nhiễm độc bởi xác thị tầm thường của người đồ tể. Chính Trương Ba cũng nhận ra sự thay đổi của chính mình dù cố gắng phủ nhận: "Không! Ta vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn...". Song cuối cùng vẫn phải ngầm thừa nhận mình đang dần đánh mất bản thân: "Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta."

Không những dằn vặt bởi nhân cách dần biến chất, Trương Ba còn phải đối mặt với bi kịch không được chính gia đình của mình thừa nhận. Trở về trong thân xác một người đàn ông xa lạ, vợ ông vô cùng đau khổ, muốn tìm cách tránh mặt và định bỏ đi. Con trai hư hỏng, cô cháu gái vốn vô cùng yêu thương ông lại tỏ thái độ thù ghét, xua đuổi quyết liệt "Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!". Con dâu là người duy nhất cảm thông với ông, nhưng "...làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi?". Không ai chia sẻ, không ai thấu hiểu cho bi kịch cuộc đời ông. Hồn Trương Ba trong da anh hàng thịt còn vô tình gây nên những xáo trộn, bất an trong gia đình, khiến những người thân đau khổ theo. Trong gia đình của chính mình, ông trở nên cô đơn, lẻ loi.

Tuy nhiên, rơi vào tấn bi kịch này, Trương Ba không dễ dàng cam chịu, buông xuôi mà có khát vọng vô cùng mãnh liệt. Khát vọng trước tiên bùng cháy lên là thoát ra khỏi nghịch cảnh phải sống nhờ trong thân xác anh hàng thịt. Trương Ba ý thức được tình cảnh trớ trêu khi sống mà bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Ông thấm thía nỗi đau khổ và dằn vặt khi bản thân dần có xu hướng tha hóa, gia đình đau khổ, không thể chấp nhận sự vênh lệch giữa hồn và xác. Thái độ kiên quyết, dứt khoát của ông được nhấn mạnh qua một loạt các từ ngữ: không thể tiếp tục, không thể được, không thể trong lời thoại của mình.

Khát vọng mạnh mẽ nhất thiêu đốt trái tim người có tâm hồn trong sáng là khát vọng được sống là chính mình. Trương Ba muốn là mình một cách toàn vẹn, muốn là một chỉnh thể thể xác và linh hồn hòa hợp, vẻ bên trong và bên ngoài, suy nghĩ và hành động thống nhất với nhau. Trương Ba khát vọng sống, nhưng là một cuộc sống có ý nghĩa, không trộn lẫn sự dung tục, tầm thường. Khát vọng của ông được thể hiện rõ nét trong cuộc tranh cãi giữa linh hồn và thể xác. Đây là cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai mặt của con người. Một bên là tiếng nói bản năng của thể xác, một bên là tiếng nói lý trí của linh hồn thanh cao, trong sạch, thể hiện khát vọng hướng thiện và khát vọng vượt lên những mong muốn tầm thường, u ám.

Không muốn tiếp tục cuộc sống nương nhờ, bị chi phối bởi xác người hàng thịt, Trương Ba dằn vặt và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt. Ông trả lại xác cho anh hàng thịt, lựa chọn cái chết thực sự để linh hồn được trong sạch, hóa thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cái chết ấy là chi tiết đắt giá nhất bộc lộ khát vọng sống tốt đẹp của Trương Ba.

Có thể nói, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành cồn tình huống kịch đầy căng thẳng, đưa vở kịch đạt đến cao trào rồi giải quyết mâu thuẫn một cách logic, hợp lí. Những màn đối thoại, độc thoại được sáng tạo sắc nét không những giúp nhân vật bộc bạch suy nghĩ, tính cách mà còn giúp người đọc hiểu được những suy ngẫm, triết lý sâu sắc được gửi gắm.

Đặc biệt, tác giả khéo léo kết hợp giữa những vấn đề thời sự và vấn đề muôn thuở như lối sống giả dối, giữa những dục vọng u ám thấp hèn với những khát khao cao cả, tốt đẹp. Qua đó tái hiện rõ nét bi kịch và nâng niu khát vọng thanh cao của nhân vật. Đồng thời gửi gắm thông điệp nhân sinh ý nghĩa: vật chất và tinh thần trong đời sống con người cần hài hòa song song, không nên kì thị những đòi hỏi vật chất tầm thường, tôn trọng quyền tự do cá nhân, sống là chính mình nhưng cũng phải cố gắng trở nên tốt đẹp hơn.

Với những giá trị về nội dung và nghệ thuật ấy, đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt xứng đáng là tác phẩm kịch xuất sắc của văn học Việt Nam. Để rồi rất nhiều năm tháng qua đi, những giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm vẫn làm rung động bao trái tim độc giả.

-----------------------HẾT---------------------

Trên đây là bài Phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, để hiểu rõ hơn về nội dung và giá trị tư tưởng sâu sắc của tác giả, các em có thể tham khảo thêm bài: Thông điệp Lưu Quang Vũ gửi đến người đọc qua đoạn trích Hồn Trương Ba - Da hàng thịt, Cảm nhận về Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, Phân tích đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

"Văn học là nhân học", mỗi tác phẩm văn học đều gửi gắm những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Là tác phẩm kịch tiêu biểu của văn học Việt Nam, "Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt" mang đến cho người đọc giá trị tư tưởng vô cùng thấm thía. Điều này được thể hiện rõ nét qua bi kịch và khát vọng của nhân vật chính Hồn Trương Ba. Bài Phân tích bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt sẽ giúp các em hiểu hơn giá trị này.

Phân tích triết lý sống trong Hồn Trương Ba da hàng thịt Hàm ý nhà viết kịch Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm qua đối thoại hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt Phân tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt Phân tích xung đột kịch trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt Bi kịch tha hóa của hai nhân vật Chí Phèo và hồn Trương Ba Mở bài truyện Hồn Trương Ba da hàng thịt