Tác giả của Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000

Bài làm

       Đã bao giờ bạn tự hỏi vì đâu mình được sinh ra, vì đâu mình được tồn tại và khi kết thúc một cuộc đời rồi thì nơi nào sẽ ôm ấp chúng ta? Vâng, đó chính là Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta. Không chỉ cho con người chỗ ở, Trái đất còn giống như một người mẹ vĩ đại ban cho con người nguồn sinh dưỡng quý giá, không khí trong lành, biển cả bao la... Thế mà ngôi nhà chung của chúng ta đang ngày càng bị nhiều hiểm họa đe dọa. Và buồn thay, chúng ta chính là một trong những nguyên nhân làm cho mẹ Trái đất bị phá hoại. Tất cả được thể hiện rất rõ qua văn bản Thông tin về ngày trái đất năm 2000.

       Thông tin về ngày Trái đất năm 2000 có thể xếp vào kiểu văn bản nhật dụng với nội dung bao gồm 3 phần. Phần thứ nhất, tác giả thông báo về sự ra đời của ngày Trái đất năm 2000. Phần thứ 2, tập trung phân tích tác hại của việc sử dụng bao bì ni-lông và nêu ra một số giải pháp cần thiết để hạn chế bao bì ni-lông. Phần cuối cùng là lời kêu gọi hành động tất cả mọi người hãy cùng nhau chung tay bảo vệ Trái đất.

      Văn bản được chia làm ba đoạn: Đoạn 1: Từ đầu đến.. “không sử dụng bao bì ni lông”: Nguyên nhân ra đời bản thông điệp; đoạn 2: Tiếp theo đến… “đối với môi trường”: Phân tích tác hại của bao bì ni lông và đưa ra các kiến nghị và đoạn 3: Còn lại: Kêu gọi mọi người hãy hành động tích cực để góp phần bảo vệ Trái Đất.

       Phần mở đầu văn bản thông báo tới người đọc thông tin về Ngày Trái Đất. Đó là sự kiện ngày 22/4 hằng năm là ngày Trái Đất do một tổ chức bảo vệ môi trường của Mỹ khởi xướng từ năm 1970, có 141 nước tham dự phong trào này. Chủ đề của Ngày Trái Đất liên quan đến những vấn đề môi trường nóng bỏng nhất. Và năm 2000 là năm đầu tiên Việt Nam tham dự với chủ đề: Một ngày không sử dụng bao bì ni lông. Với cách trình bày ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề, sử dụng các số liệu cụ thể, văn bản đã đề cập đến một chủ đề nóng hổi, đó là thế giới đang rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, Việt Nam cũng sẽ cùng hành động để bảo vệ sự sống chung của trái đất.

      Phần hai, văn bản đi vào phân tích tác hại của bao bì ni lông và đưa ra các kiến nghị. Bao bì ni lông được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày của con người vì đặc tính rẻ, nhẹ, tiện lợi của nó. Tuy nhiên, việc sử dụng một cách tùy tiện chúng sẽ đem lại tác hại vô cùng to lớn. Nguyên nhân cơ bản khiến cho việc dùng bao ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người đó là tính không phân huỷ của pla-xtíc. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như chất phụ gia, chất tạo màu chứa các kim loại như chì, ca đi mi; việc vứt bừa bãi bao bì ni lông xuống các nguồn nước (cống, sông ngòi, ao hồ, biển). Từ những nguyên nhân trên chúng ta thấy rác thải ni lông đã tạo nên những tác hại vô cùng to lớn đối với môi trường sống.Bao bì ni lông gây nguy hại đến môi trường, làm mất mỹ quan; nguyên nhân của bệnh tật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Ở Mỹ mỗi năm  có hơn 4 nghìn tấn rác thải chôn lấp tại miền Bắc nước Mỹ, gây mất nhiều diện tích canh tác; ở Mê-hi-cô cá ở hồ chiết nhiều vì rác thải và ni lộng, nhựa ném xuống; trên thế giới có khoảng 100.000 con chim, thú, biển chết do ăn phải túi ni lông. Còn ở Việt Nam chúng ta, khu vực xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội) hàng ngày tiếp nhận 1000 tấn rác thải trong đó 10-15 tấn là nhựa và ni lông, và rác thải chủ yếu được xử lý bằng cách đốt.

       Bằng phương pháp liệt kê, phân tích, người viết đã tạo tính thuyết phục, dùng bao ni lông bừa bãi có hại cho sự trong sạch của môi trường, có hại cho sức khỏe của con người. 

       Vậy làm thế nào để hạn chế sử dụng bao bì ni-lông? Các biện pháp nhanh chóng được tác giả đề cập ở phần tiếp theo. Đầu tiên, phải khẳng định rằng việc chôn lấp, đốt, tái chế bao bì ni-lông chỉ mang tính tạm thời và không thể triệt để. Điều quan trọng nằm trong ý thức và sự thay đổi thói quen sử dụng của mỗi người. Một số gợi ý được đưa ra như: Giặt bao bì ni-lông để dùng lại, không sử dụng bao bì ni-lông khi không thực sự cần thiết, thay thế việc đựng thực phẩm bằng các loại túi đựng bằng giấy, lá. Cuối cùng là tuyên truyền cho tất cả mọi người thấy rõ được tác hại của bao bì ni-lông để hạn chế tối đa việc sử dụng. Những giải pháp này không chỉ trên cơ sở lý thuyết mà được đưa ra rất hợp lý, có tính khả thi cao.

       Kết thúc, tác giả mong muốn mọi người hãy quan tâm đến trái đất hơn. Hãy bảo vệ trái đất của chúng ta trước nguy cơ ô nhiễm môi trường và cùng nhau hành động một ngày không sử dụng bao bì ni lông. Lời kêu gọi không cầu kì hoa mỹ, rất giản dị nhưng có thể thấy được sự khẩn thiết với bản thân mỗi người chúng ta.

       Thông tin về ngày Trái đất năm 2000 là văn bản có ý nghĩa thực tế. Bằng việc sử dụng những dẫn chứng, con số cụ thể thì tác giả đã thuyết phục chúng ta về tác hại của túi ni lông đối với môi trường sống. Đặc biệt nhắc nhở mỗi người hãy có những hành động đúng đắn trong việc bảo vệ chính môi trường, không chỉ cho hôm nay mà cho cả thế hệ tương lai mai sau. Chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ mẹ Trái Đất, bảo vệ bầu trời hòa bình để con em chúng ta được cất cao lời bài hát:

                                           Trái đất này là của chúng mình                                            Quả bóng xanh bay giữa trời xanh                                            Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến 

                                           Hải âu ơi cánh chim vờn trên sóng

Ngày 22 tháng 4 hằng năm được gọi là Ngày Trái Đất do một tổ chức bảo vệ môi trường của Mĩ khởi xướng từ năm 1970. Từ đó đến nay dã có 141 nước trên thế giới tham gia tổ chức này, với quy mô với nội dung thiết thực về bảo vệ môi trường. Ngày Trái Đất hằng năm được tổ chức theo những chủ đề liên quan đến những vấn đề môi trường nóng bỏng nhất của từng nước hoặc từng khu vực. Năm 2000 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia Ngày Trái Đất với chủ đề “Một ngày không dùng bao bì ni lông”.

Như chúng ta đã biết, việc sử dụng bao bì ni lông có thể gây nguy hại đối với môi trường bởi đặc tính không phân huỷ[1] của pla-xtíc[2]. Hiện nay ở Việt Nam mỗi ngày thải ra hàng triệu bao bì ni lông, một phần được thu gom, phần lớn bị vứt bừa bãi khắp nơi công cộng, ao hồ, sông ngòi.

Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải. Đặc biệt bao bì ni lông màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi[3] gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi. Nguy hiểm nhất là khi các bao bì ni lông thải bỏ bị đốt, các khí độc thải ra đặc biệt là chất đi-ô-xin[4] có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, nôn ra máu, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết[5], giảm khả năng miễn dịch[6], gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh[7] cho trẻ sơ sinh.

Vì vậy chúng ta cần phải:

- Thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông, cùng nhau giảm thiểu[8] chất thải ni lông bằng cách giặt phơi khô để dùng lại.

- Không sử dụng bao bì ni lông khi không cần thiết. - Sử dụng các túi đựng không phải bằng ni lông mà bằng giấy, lá, nhất là khi dùng để gọi thực phẩm.

- Nói những hiểu biết của mình về tác hại của việc sử dụng bao bì ni lông cho gia đình, bè bạn, và mọi người trong cộng đồng để cùng nhau tìm ra giải pháp[9] cho vấn đề sử dụng bảo vệ trước khi thải bỏ bao bì ni lông bởi mức gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường.

Mọi người hãy cùng nhau quan tâm tới Trái Đất hơn nữa! Hãy bảo vệ Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta trước những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang gia tăng.

Hãy cùng nhau hành động:

“MỘT NGÀY KHÔNG DÙNG BAO BÌ NI LÔNG”.

[1] Phân hủy: (hiện tượng một chất) phân chia thành những chất khác nhau, không còn mang tính chất của chất ban đầu.[2] Pla-xtíc: chất dẻo.[3] Ca-đi-mi: một kim loại, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất kẽm, chì, đồng từ quặng.[4] Đi-ô-xin: chất rắn, không màu, rất độc, chỉ cần nhiễm một lượng nhỏ cũng đủ nguy hiểm.[5] Tuyến nội tiết: tuyến mà chất tiết ra của nó ngấm thẳng vào máu, có tác dụng bảo đảm hoạt động sinh lí bình thường của cơ thể.[6] Miễn dịch: (trạng thái của cơ thể) chống lại được một bệnh nào đó.[7] Dị tật bẩm sinh: hiện tượng biến đổi bất thường về hình dạng của bộ phận nào đó trong cơ thể (dị tật) đã có từ khi sinh ra (bẩm sinh).[8] Giảm thiểu: bớt đi một ít, giảm bớt.[9] Giải pháp: cách giải quyết một vấn đề.

(Theo tài liệu của Sở Khoa học – công nghệ Hà Nội)