Tại sao nội chính sách phát triển du lịch là kim chỉ nam cho hoạt động du lịch ở một quốc gia

Ngày nay trên thế giới, du lịch đã trở thành hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến, là cầu nối hữu nghị, phương tiện gìn giữ hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc. Du lịch hiện được coi là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao, thu hút được nhiều quốc gia tham gia vì những lợi ích to lớn về nhiều mặt mà nó đem lại. Ở Việt Nam, trong suốt 44 năm hình thành và phát triển, ngành du lịch luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ở mỗi thời kỳ đều xác định vị trí của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với yêu cầu cách mạng.

Trong thời kỳ đất nước còn tạm thời bị chia cắt, ngành du lịch đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước, các chuyên gia nước ngoài giúp Việt Nam và nhiều đoàn khách du lịch. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, hoạt động du lịch được trải rộng ra các miền Tổ quốc, ngành du lịch bước vào xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật, chuẩn bị điều kiện chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đổi mới đất nước, du lịch nước ta đã đạt được những thành quả ban đầu quan trọng, ngày càng tăng cả quy mô và chất lượng, dần khẳng định vai trò, vị trí của mình và đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng xác định: "Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn".

Từ năm 1990 đến nay, du lịch nước ta đã có bước phát triển vượt bậc. Khách quốc tế tăng hơn 10 lần, từ 250 nghìn lượt năm 1990 lên 2,63 triệu lượt năm 2002 và 2,93 triệu lượt năm 2004, tăng 20,5% so với năm 2003. Khách nội địa tăng 13 lần, từ một triệu lượt năm 2000 lên 13 triệu lượt năm 2002 và 14,5 triệu lượt năm 2004, tăng 11,5% so với năm 2003. Thu nhập từ du lịch tăng trung bình 23,8%/năm [năm 1991 là 2.240 tỷ đồng, năm 2002 đạt 23.500 tỷ đồng, năm 2004 đạt 26.000 tỷ đồng]. Đây là mức tăng trưởng cao so với du lịch các nước trong khu vực và thế giới. Cả nước hiện có hơn 74.300 phòng khách sạn. Phương tiện vận chuyển du lịch dần được hiện đại hóa. Một số khu du lịch, sân gôn, công viên và cơ sở vui chơi giải trí được đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của khách và nhân dân. Với cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch như vậy, nước ta đủ điều kiện đón hàng triệu khách quốc tế và nội địa, phục vụ chu đáo các hội nghị quốc tế lớn. Cơ chế, chính sách phát triển du lịch, văn bản quy phạm pháp luật về du lịch từng bước được hình thành và hoàn thiện, tạo môi trường cho du lịch phát triển, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch. Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010 được phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét. Du lịch phát triển đã góp phần tăng tỷ trọng GDP của ngành dịch vụ trong tổng thu nhập quốc dân.

Hoạt động du lịch thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế [nhà nước, tập thể, cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, 100% vốn nước ngoài], với 329 doanh nghiệp lữ hành quốc tế [trong đó có 123 doanh nghiệp nhà nước, 206 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác] và 2.462 doanh nghiệp lữ hành nội địa [trong đó có 88 doanh nghiệp nhà nước, 581 công ty cổ phần, 1.730 công ty trách nhiệm hữu hạn và 63 doanh nghiệp tư nhân]. Tính đến thời điểm hiện nay, hoạt động du lịch đã tạo ra hơn 700 nghìn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều tầng lớp dân cư, nhất là thanh niên, phụ nữ.

Du lịch nước ta đã thiết lập quan hệ và mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức du lịch quốc tế, là thành viên của Tổ chức Du lịch thế giới [WTO], Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương [PATA], Hiệp hội Du lịch ASEAN [ASEANTA]...; tích cực tham gia chủ động hơn trong các diễn đàn và chương trình hợp tác trong và ngoài khu vực. Kết quả hoạt động hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế đa phương và song phương trong du lịch đã góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước. Việc đón tiếp hơn hai triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch ra nước ngoài đã góp phần giới thiệu về cảnh đẹp đất nước, con người và tiềm năng du lịch Việt Nam, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, tăng cường ngoại giao nhân dân.

Trong quá trình phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong du lịch được đặc biệt coi trọng. Trong chỉ đạo phát triển du lịch, nhất là phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, tổ chức các tour du lịch..., vấn đề an ninh quốc gia, bảo vệ các địa bàn chiến lược trọng yếu ở các vùng biên giới, biển, đảo và các điểm phòng thủ quốc gia luôn được nhấn mạnh. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành du lịch, nhất là các cán bộ quản lý, những người tiếp xúc trực tiếp với khách và cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch, hội nhập kinh tế quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh, quốc phòng và có ý thức bảo vệ Tổ quốc, nêu cao tinh thần cảnh giác. Hoạt động du lịch thời gian qua rất sôi động, nhưng cơ bản vẫn giữ được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Việc phát triển du lịch ở các vùng biên giới, hải đảo đã góp phần rất tích cực khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đất liền.

Đặc biệt từ khi Bộ Chính trị có Kết luận 179/CT-TW về: "Phát triển du lịch trong tình hình mới" và Nghị quyết Đại hội IX của Đảng khẳng định phát triển du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ trương phát triển du lịch được quán triệt sâu rộng trong cả nước; cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn dần được làm rõ. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, do một Phó thủ tướng làm Trưởng ban. Cả nước có 41 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của địa phương. Vì vậy, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn sớm đi vào cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn xã hội, huy động được nhiều nguồn lực cho sự nghiệp phát triển du lịch. Các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng quy hoạch phát triển du lịch địa phương mình.

Từ năm 2001 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt kinh phí gần 30 tỷ đồng cho Chương trình hành động quốc gia về du lịch; chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình hành động du lịch quốc gia về du lịch trong bốn năm qua đạt hiệu quả, các chiến dịch quảng bá rầm rộ trong nước và quốc tế, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch... làm cho hoạt động du lịch sôi động cả trong và ngoài nước. Chính phủ đã ban hành quy định miễn visa song phương với một số nước và đơn phương cho Nhật Bản và Hàn Quốc, đang triển khai miễn visa cho một số nước khác. Việc nước ta đơn phương miễn visa cho công dân một số nước là thị trường trọng điểm là giải pháp chủ động, tích cực trong bối cảnh an ninh hiện nay để thu hút khách du lịch. Nhờ thế các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của đất nước đã được khai thác tốt hơn, tăng khả năng hợp tác và cạnh tranh. Đã phối hợp liên ngành và địa phương khôi phục và tổ chức thành công các lễ hội truyền thống, các sự kiện lịch sử, văn hóa lớn của đất nước [như riêng năm 2004 đã tổ chức thành công các lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm ngày ký Hiệp định Geneva, Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội hoa Đà Lạt, SEA Games 22...].

Với những kết quả, tiến bộ nêu trên có thể khẳng định, ngành du lịch đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra mặc dù bối cảnh quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và tình hình trong nước có những thuận lợi và khó khăn đan xen.

Tuy đạt được những kết quả cơ bản, tích cực nêu trên, nhưng ngành du lịch còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, loại hình du lịch chưa phong phú, độc đáo, chưa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; giá cả đắt hơn so với một số nước khu vực, nhất là cước phí vận chuyển hàng không, nên khả năng cạnh tranh yếu. Sự đa dạng và chất lượng của sản phẩm du lịch, cách thức tổ chức sản phẩm du lịch trọn gói còn hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp cao... Những điều đó làm cho du lịch Việt Nam ít lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Tính đặc thù của sản phẩm ở từng doanh nghiệp chưa rõ nét, lợi thế của mỗi vùng, mỗi địa phương chưa được khai thác và phát huy triệt để. Sản phẩm du lịch Việt Nam vì thế chưa thật đa dạng cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Như vậy, cả ở tầm quốc gia và tầm doanh nghiệp, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam hiện nay còn yếu. Các loại hình du lịch mới tuy đã được chú ý nghiên cứu phát triển, song còn hạn chế; cơ chế chính sách còn thiếu thông thoáng, còn nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch khai thác ở dạng tự nhiên, chưa được đầu tư tôn tạo đúng mức. Chương trình du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, chưa đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách, của mỗi thị trường. Việc bảo tồn, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch còn nhiều bất cập. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, nhất là ở nước ngoài, tuy đã có những tiến bộ nhiều so với các năm trước, nhưng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thông tin của khách du lịch và các nhà đầu tư.

Những yếu kém và hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là điểm xuất phát của nền kinh tế nước ta còn thấp, ngành du lịch vừa qua giai đoạn đầu của sự phát triển. Sau khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực năm 1997, sau chiến tranh Iraq và dịch SARS, rất nhiều quốc gia như Thái-lan, Singapore, Trung Quốc tập trung phát triển du lịch, dùng du lịch làm động lực, đòn xeo thúc đẩy nền kinh tế. Các nước này có cơ chế chính sách hấp dẫn và rất linh hoạt để tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát huy lợi thế trong cạnh tranh quốc tế đặt ngành du lịch nước ta vào thế cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề do trận động đất và sóng thần ngày 26-12-2004 gây ra vừa qua ở một loạt các nước Nam Á và Đông - Nam Á cũng đặt ra cho ngành du lịch một số vấn đề cần phải tính toán, cân nhắc trong chiến lược phát triển của mình.

Trong giai đoạn cách mạng mới, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng xác định: "... nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực...".[Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 178] Mục tiêu ngành du lịch nước ta năm 2005 đón khoảng 3,2 triệu lượt khách quốc tế, 15 - 16 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập hơn hai tỷ USD, chiếm 5% tổng GDP cả nước. Năm 2010 đón 6 - 7 triệu lượt khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa, thu nhập 4 - 4,5 tỷ USD, chiếm 6,5% tổng GDP cả nước. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành du lịch giai đoạn 2001 - 2010 đạt bình quân 11 - 11,5%/năm. Đến năm 2010 tạo thêm 1,4 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Để du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Năm năm qua, do quán triệt tốt chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trong tình hình mới và bốn năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng trong các cấp, các ngành, nên nhận thức về du lịch đã chuyển biến rõ nét và bước đầu đã chuyển thành hành động thiết thực thúc đẩy du lịch phát triển, nhưng chưa ngang tầm đòi hỏi của việc phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục tuyên truyền dưới nhiều hình thức làm chuyển biến và nâng cao hơn nữa nhận thức trong toàn xã hội về tầm quan trọng, sự cần thiết của sự nghiệp phát triển du lịch và trách nhiệm đối với việc đổi mới và phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước làm "vốn mồi" để huy động và sử dụng nguồn vốn các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Yếu tố đồng bộ trong đầu tư phát triển du lịch cần được chú trọng hơn nữa, đầu tư phát triển hạ tầng đi liền với đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, theo phương châm có trọng tâm, trọng điểm để khai thác, phát huy ngay hiệu quả và chú trọng nơi có tiềm năng ở vùng sâu, vùng xa để tăng sức lan tỏa, nhất là vùng biên giới, hải đảo, góp phần xóa đói, giảm nghèo và khẳng định chủ quyền quốc gia. Nội dung chủ yếu đầu tư phát triển du lịch gồm: ưu tiên đầu tư phát triển bốn khu du lịch tổng hợp quốc gia, 17 khu du lịch chuyên đề và nghiên cứu hình thành các khu du lịch chuyên đề khác; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường không, đường bộ, đường biển và nâng cấp các cửa khẩu quốc tế vừa để khẳng định chủ quyền, làm đẹp thêm hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế, hỗ trợ thông tin đối ngoại, vừa tăng cường năng lực đón nhận các luồng khách du lịch ngày càng tăng. Kết hợp nâng cấp và phát triển các điểm tham quan, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch với đầu tư xúc tiến tuyên truyền, quảng bá và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù cho từng vùng du lịch và cả nước.

Thực hiện xã hội hóa du lịch trong đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch. Phối hợp các ngành và địa phương liên quan xây dựng và triển khai đề án khôi phục, phát triển làng nghề, hình thành các điểm tham quan du lịch, tạo sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công mỹ nghệ cổ truyền, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ba là, phát triển du lịch kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Phối hợp các ngành, các cấp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường du lịch, tạo ra và giữ gìn môi trường du lịch lành mạnh trong cả nước, bảo đảm phát triển du lịch bền vững, chú trọng duy trì danh hiệu "Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn" nhất khu vực mà quốc tế đã bình chọn. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ được môi trường; huy động sự tham gia và đóng góp của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, hiệp hội, khách du lịch, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ môi trường. Lồng ghép đào tạo du lịch và giáo dục về tài nguyên, môi trường du lịch ở các cấp đào tạo về du lịch; chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch tự nhiên và xã hội cho du khách và cộng đồng dân cư thông qua nhiều hình thức.

Bốn là, từng bước hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách và bộ máy, cán bộ làm công tác du lịch. Tháo gỡ về chính sách sẽ tạo ra nguồn lực cho du lịch phát triển. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch các địa phương để phối hợp liên ngành, liên vùng dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ. Có cơ chế và văn bản phối hợp liên ngành, địa phương một cách cụ thể, ưu tiên giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến du lịch, nhất là chính sách đầu tư phát triển sản phẩm, tuyên truyền quảng bá du lịch trong và ngoài nước, bảo vệ và tôn tạo môi trường tự nhiên và xã hội, phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa, quản lý sử dụng quỹ đất, chính sách khuyến khích tạo thuận lợi đi lại, xuất nhập cảnh, hải quan...

Xây dựng đội ngũ cán bộ du lịch có phẩm chất tốt, kỹ năng nghiệp vụ và ngoại ngữ thành thạo, khả năng giao tiếp và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2010, làm định hướng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; trước mắt phấn đấu giải quyết tình trạng lao động chưa qua đào tạo, chất lượng thấp và cơ cấu bất hợp lý hiện nay. Quan tâm giáo dục du lịch toàn dân. Phát triển khoa học, công nghệ du lịch đạt trình độ khu vực, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả kinh doanh.

Năm là, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế về du lịch, củng cố và mở rộng hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức quốc tế, các nước có khả năng và kinh nghiệm phát triển du lịch. Thực hiện đầy đủ các cam kết và khai thác tối đa quyền lợi trong hợp tác du lịch với các nước, các tổ chức quốc tế, diễn đàn du lịch khu vực, thế giới và các chương trình hợp tác tiểu vùng. Chuẩn bị điều kiện để hội nhập ở mức cao với du lịch thế giới khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu du lịch, các dự án tạo sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao. Thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA cho phát triển nguồn nhân lực, công nghệ và bảo vệ môi trường du lịch.

Phát triển du lịch với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn là một hướng chiến lược trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là nhiệm vụ vẻ vang nhưng vô cùng nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên không ngừng của toàn Đảng, toàn dân nói chung và của ngành du lịch nói riêng trong tầm nhìn mới.

Video liên quan

Chủ Đề