Thẩm thúy hằng 2023

TTH.VN - Với những người dân xã Điền Hải, một vùng quê bên kia phá Tam Giang của huyện Phong Điền thì nữ tài tử nổi tiếng vừa qua đời Thẩm Thúy Hằng là một phần ký ức không thể nào quên bởi người dân vùng quê này đã được giao lưu với nữ tài tử điện ảnh này khi bà về lưu diễn...

Theo lời kể của nhà thơ Phan Trung Thành, một người con của Điền Hải đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh: “Mạ tôi kể, lúc mạ mang bầu con thứ 3 và tá túc ở Chợ Mới [Điền Hải] để chờ ngày sinh thì mẹ của chú Nhân hàng xóm, thuở đó cũng đẹp lắm, cô mang áo sơ mi ngắn tay vải gì đó rất đẹp, kêu ra có điều chi đó đặc biệt: “Ê đi coi, đi coi Thẩm Thúy Hằng, đêm nay Thẩm Thúy Hằng về Quận [Hương Điền] để trình diễn". 

Tôi hỏi mạ: “Rứa mạ thấy cô Hằng đẹp cỡ nào?”. Mạ nói, người từ Đô Thành về để nói chuyện giúp chị em sống trẻ khỏe đẹp dù đã có tuổi vẫn giữ được nét thanh xuân, người như rứa là "đẹp" nhất rồi, còn nhan sắc thì mạ không thấy, đêm đó người quá đông, đông lắm, tràn ra đường mà mạ đang mang bầu nên không dám chen vào gần được. Chuyện đã 55 năm trôi qua mà mạ vẫn nhớ khá chi tiết...”

Lần thứ hai, nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng về Điền Hải lưu diễn là vào những năm 1984. Theo lời kể của chú Lê Đình Lâu, là cán bộ phụ trách văn hóa xã Điền Hải hồi đó: “Thời đó, ông Nguyễn Xuân Thọ là chủ tịch xã, trong một chuyến công tác ở Huế không biết tình cờ hay hữu ý mà mời được nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng và nam danh ca Giang Tử về biểu diễn, các nghệ sĩ về bằng đò buổi chiều tối; diễn xong cũng lên đò vào Huế trong đêm”. Chú Lâu kể tiếp: “Nhớ nhất là chi tiết cô Thẩm về đò Chợ Mới, tới bến không lội nước được, xã phải kêu người chở xe tải đẩy tay mới đưa cô lên bờ”.

Câu chuyện nữ minh tinh nổi tiếng về làng còn được anh Trương Hùng, một người dân Điền Hải nhớ lại: “Hồi đó đường từ bến đò vô xã Điền Hải có đoạn lầy lội. Ba thằng Xòn bạn tui chuyên chở hàng tại bến là người chở cô Thẩm Thúy Hằng. Nghe nói ba thằng Xòn nắm tay Thẩm Thúy Hằng và Giang Tử từ đò Chợ Mới đưa lên xe "vận tải" rồi kéo xe vô ủy ban xã. Ai cũng trầm trồ khen ba thằng Xòn may mắn vì cầm được tay mỹ nhân”

Đêm diễn đó chủ yếu là ca sĩ Giang Tử hát, ông mặc áo veston đỏ, hát liên tục 7 bài rồi nghỉ. Nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng đóng một đoạn kịch ngắn với Giang Tử và đối thoại với khán giả. Kết thúc đêm diễn, thay mặt cho nhân dân toàn xã, chú Lê Đình Lâu lên sân khấu tặng cho nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng một chiếc nón bài thơ làm kỷ niệm...

Chú Lê Đình Lâu tỏ ra tiếc nuối vì hồi đó không thuê thợ ảnh chụp lại cảnh đêm diễn của Thẩm Thúy Hằng và Giang Tử lưu diễn tại quê nhà để làm tư liệu. Nhớ lại kỷ niệm này, chú Lâu tự hào: “Xã Điền Hải thời đó kinh tế còn khó khăn rứa mà cũng mời được minh tinh điện ảnh Thẩm Thuý Hằng và ca sĩ Giang Tử về biểu diễn là một sự kiện lớn”. 

Phi Tân

Thẩm Thúy Hằng – minh tinh hàng đầu điện ảnh Việt Nam một thời – qua đời ở Sài Gòn, thọ 83 tuổi. Một người con trai của bà cho biết bà ra đi yên bình do tuổi già.

Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh ra tại Hải Phòng, nhưng sau đó cùng gia đình di cư vào miền Nam [1941] và lớn lên ở An Giang.

Thuở nhỏ, Kim Phụng theo học trường Huỳnh Văn Nhứt, Long Xuyên. Hết bậc tiểu học, lên Sài Gòn ở với người chị, theo học trường Huỳnh Thị Ngà, Tân Định. Năm lên 16 tuổi học lớp Đệ tứ [lớp 9 bây giờ] Kim Phụng đã nức tiếng là một hoa khôi trong giới học sinh. Học hết năm Đệ tứ, bà lén gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân và đạt giải nhất sau khi vượt qua 2000 thí sinh khác.

Với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim ‘Người Đẹp Bình Dương’, một phim đen trắng của hãng phim Mỹ Vân do nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn, ra mắt công chúng năm 1958, Thẩm Thúy Hằng đã nổi lên như một ngôi sao điện ảnh và chinh phục khán giả màn ảnh rộng lúc bấy giờ. Sau khi tỏa sáng trong làng điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng được các hãng phim lúc bấy giờ mời vào vai chính liên tục. Bà đóng khoảng 60 phim và trở thành minh tinh số một với tiền thù lao được cho là một triệu đồng vào lúc đó cho mỗi phim [tương đương một kg vàng 9999 thời bấy giờ].

Ngoài vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương, một vai diễn khác cũng từng gây tiếng vang góp phần đưa tên tuổi Thẩm Thúy Hằng lên nấc thang danh vọng, đó là vai Chức Nữ trong phim ‘Ngưu Lang Chức Nữ’ do hãng phim Mỹ Vân sản xuất, Năm Châu đạo diễn.

Năm 1969, bà đứng ra thành lập nhóm làm phim riêng mang tên Thẩm Thúy Hằng. Phim đầu tiên của bà trong vai trò chủ hãng là Chiều Kỷ Niệm. Đạo diễn phim là Lê Mộng Hoàng cùng các diễn viên: Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi,…

Bà có mặt trong một số phim được nhiều người nhắc đến như Oan ơi ông Địa [1961], Tơ tình [1963], Bóng người đi [1964], Nàng [1970], Như hạt mưa sa [1971], Sóng tình [1972, Tứ quái Sài Gòn [1973], Điệp vụ tìm vàng [1973], Năm vưa hề về làng [1974], Xin đừng bỏ em [1974], Giỡn mặt tử thần [1975].

Ngoài điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn hoạt động trong lãnh vực sân khấu, đóng kịch và diễn cải lương. Ban Thẩm Thúy Hằng là một trong những ban kịch được yêu thích ở Sài Gòn thời đó. Trong vai trò trưởng ban, bà viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Một số vở thành công như ‘Người mẹ già’, ‘Suối tình’, ‘Đôi mắt bằng sứ’… Trên sân khấu cải lương, Thẩm Thúy Hằng có vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở ‘Bóng chim tăm cá’ của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga…

Năm 1959, bà lập gia đình với một người chồng lớn hơn bà 2 tuổi, theo sự sắp xếp của mẹ và các anh. Cuộc hôn nhân tan vỡ sau 5 năm, dù 2 người bị đồn đã có chung 1 đứa con [sinh năm 1961]. Tuy nhiên, trong đám tang của bà, một người con trai của bà đã đính chính với truyền thông rằng những thông tin về bất kỳ ai ngoài 4 người con với ông Nguyễn Xuân Oánh đều là sai sự thật. Bà chỉ có 4 người con với ông Oánh.

Năm 1968, bà gặp ông Nguyễn Xuân Oánh, một Tiến sĩ Kinh tế lớn hơn bà 19 tuổi, từng làm Thống đốc Ngân hàng, Phó thủ tướng VNCH. Chính ông là người giúp đỡ bà lập ra hãng phim Thẩm Thúy Hằng. Năm 1970, bà chính thức lên xe hoa lần thứ 2. Hai người có với nhau 4 người con trai, hiện định cư tại Mỹ và Úc.

Chủ Đề