Thời gian tuyển sinh đại học 2022

16:09' - 28/03/2022

BNEWS Mọi năm, thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT sẽ đồng thời đăng ký xét tuyển vào đại học, sau đó khi có điểm thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần. Tuy nhiên năm nay có thể sẽ thay đổi.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, mọi năm, thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ đồng thời đăng ký xét tuyển vào đại học, sau đó khi có điểm thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tổ chức cho thí sinh đăng ký xét tuyển đại học sau khi thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chỉ 1 lần.Cụ thể, một lần ở đây không phải là đăng ký rồi không thay đổi mà là thực hiện đăng ký xét tuyển chỉ trong khoảng thời gian quy định ví dụ 3-4 tuần sau khi thí sinh đã cân nhắc tất cả các lựa chọn. Khoảng thời gian này đủ cho các em lựa chọn và đưa ra quyết định cuối cùng về các nguyện vọng đăng ký tuyển sinh. "Vì thế, thí sinh có đủ thời gian quyết định mà không cần phải thay đổi thêm, không mất đi quyền lợi về đăng ký tuyển sinh, tiết kiệm về thời gian, công sức nói chung... trên toàn hệ thống", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học giải thích rõ. 

Kế hoạch tuyển sinh Đại học năm 2022 sẽ phụ thuộc vào thời điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Do tình hình dịch COVID-19 có thể có những diễn biến phức tạp khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham vấn các địa phương, Bộ Y tế và các đơn vị chức năng để quyết định về thời điểm, số lần tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm nay. Từ đó, Bộ sẽ bố trí lịch tương ứng tiếp theo trong công tác tuyển sinh.Công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, cơ sở đào tạo, nhằm bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.Một số nội dung dự kiến điều chỉnh trong năm 2022 đó là: Việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển cao đẳng, đại học phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia; tất cả các nguyện vọng xét tuyển [theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo] được đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết [nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất].

Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo./. 

>>>Danh sách các trường đại học sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực 2022

>>Tham khảo điểm chuẩn đại học cao đẳng năm 2021 TẠI ĐÂY

>>Tham khảo điểm sàn đại học cao đẳng năm 2021 TẠI ĐÂY

Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở Cần Thơ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học [Bộ GD-ĐT], thay đổi đáng chú ý trong năm nay là đăng ký xét tuyển đại học được thực hiện sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo hình thức trực tuyến. 

Dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển đại học chỉ một lần trong thời gian quy định khoảng 6 tuần sau khi thí sinh đã cân nhắc tất cả các lựa chọn. Thí sinh chỉ có một giai đoạn đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng sau kỳ thi tốt nghiệp.

Tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học [Bộ GD-ĐT] - cho biết: "Năm nay thí sinh sẽ vẫn có thể đăng ký nguyện vọng không hạn chế, sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Thí sinh sẽ trúng tuyển ở nguyện vọng tốt nhất, theo năng lực, theo kết quả thi thực tế hoặc kết quả học tập của mình". 

Các bạn trẻ đến với Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 ở Cần Thơ sáng 20-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các chuyên gia đều cho rằng dù quy chế điều chỉnh kiểu gì thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Cho nên ngay bây giờ thí sinh cần tìm hiểu kỹ các ngành nghề để xem mình phù hợp và yêu thích ngành nào.

Chia sẻ thêm về cách thức ghi nguyện vọng xét tuyển, ThS Phùng Quán - cán bộ tuyển sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên [ĐH Quốc gia TP.HCM] - khuyên thí sinh nên ghi các ngành mình yêu thích ra giấy theo thứ tự ưu tiên các ngành yêu thích giảm dần. 

"Đồng thời tham khảo điểm chuẩn các ngành, trường mình thích ở các năm trước rồi coi lại sức học của mình có phù hợp hay không. Không nên chọn những ngành, trường có điểm chuẩn trước đây quá cao so với mức điểm của mình. Vì sau khi có điểm thi THPT mới đăng ký xét tuyển nên thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh cập nhật trên website các trường để đăng ký cho đúng" - ông Quán lưu ý.

TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cũng cho rằng với quy định mới về đăng ký xét tuyển dự kiến áp dụng năm nay, thí sinh không còn cơ hội điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã đăng ký xét tuyển nữa. 

Do vậy, trước khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu, tham khảo thật nhiều thông tin [điểm chuẩn các phương thức khác nhau của những năm trước, cách thức xét tuyển, công thức tính điểm...]. 

"Cách tốt nhất là thí sinh nên vẽ ra biểu đồ rõ ràng, từ đó xác định "chiến thuật" đăng ký xét tuyển phù hợp. Đây là việc khó chứ không hề đơn giản nên thí sinh cần cân nhắc tìm hiểu, tính toán cẩn trọng để ra quyết định cuối cùng. 

Bên cạnh đó, thí sinh cần lưu ý không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng ở nhiều phương thức khác nhau vì nếu đăng ký càng nhiều thì càng tốn phí" - ông Nhân khuyên.

Lưu ý nhiều phương thức xét tuyển

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hiện nhiều trường xét tuyển các phương thức khác nhau và công bố kết quả trúng tuyển nhiều đợt. Nhưng do Bộ GD-ĐT chưa công bố quy chế chính thức cũng như hướng dẫn cụ thể nên chưa rõ việc này sẽ thực hiện ra sao.

Học sinh tham khảo thông tin tuyển sinh tại gian tư vấn của Trường cao đẳng FPT Polytechnic. Các học sinh cho biết muốn tìm hiểu thông tin trực tiếp từ các trường để có quyết định chọn ngành chính xác hơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Tuy nhiên, với dự kiến chạy lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển của bộ, việc xét tuyển sẽ cùng một thời điểm. Giả sử các em đã đăng ký xét tuyển bằng bất cứ phương thức nào đó và trúng tuyển thì dữ liệu kết quả xét tuyển này sẽ được trường chuyển cho bộ chạy lọc ảo. 

Như vậy, khi đã trúng tuyển ở một phương thức nào rồi thì thí sinh sẽ bị loại ra khỏi hệ thống xét tuyển. Do vậy thí sinh cần cân nhắc thật kỹ việc chọn ngành ở bất kỳ phương thức xét tuyển nào", ông Dũng lưu ý.

Với việc Bộ GD-ĐT dự kiến yêu cầu các trường chuyển dữ liệu để chạy lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển, thí sinh cần lưu ý khi đặt thứ tự nguyện vọng ở các phương thức. 

Ông Nguyễn Trung Nhân cho hay: "Nếu như trước đây việc lọc ảo chỉ áp dụng đối với phương thức xét điểm thi THPT, thí sinh cân nhắc sắp xếp thứ tự nguyện vọng chỉ ở phương thức này. 

Nhưng năm nay nếu đăng ký nhiều phương thức cũng đặt thứ tự nguyện vọng tương ứng ở các phương thức, trong đó ưu tiên những ngành, trường mình yêu thích xếp lên trên cùng [nguyện vọng 1]. Điều đó mới đảm bảo việc thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành, trường mình mong muốn".

Theo các chuyên gia, phần mềm xét tuyển vẫn theo thuật toán "lọt sàng xuống nia", tức là nếu thí sinh không đủ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ tự động được xét các nguyện vọng tiếp theo. Nếu trúng tuyển sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa nên cứ ghi ngành, trường mình yêu thích nhất lên nguyện vọng 1. 

Các nguyện vọng kế tiếp nên ghi cùng ngành đó ở trường có điểm chuẩn các năm trước thấp hơn, hoặc đặt ngành gần cùng trường.

Chọn thời điểm đăng ký thích hợp

Các chuyên gia còn khuyên thí sinh không nên vội đăng ký xét tuyển sớm trong những ngày đầu hay đợi đến ngày cuối cùng trong khoảng thời gian quy định mới đăng ký.

Nếu đăng ký sớm khi chưa suy nghĩ cẩn trọng sẽ chọn sai ngành hoặc mất cơ hội trúng tuyển, còn để ngày cuối mới đăng ký khi có quá nhiều thí sinh đăng ký cùng lúc khả năng bị sập mạng hoặc lỗi không đăng ký được.

Do đó, thí sinh cần tìm hiểu thông tin, cân nhắc thật kỹ rồi quyết định việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng và chọn thời điểm đăng ký thích hợp để hạn chế sai sót và rủi ro.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý sau khi hoàn tất đăng ký nguyện vọng trên máy tính phải chụp ảnh màn hình để làm minh chứng, đề phòng trường hợp phần mềm xét tuyển bị lỗi ghi nhận sai thông tin từ ngành này sang ngành khác, trường khác, khi đó thí sinh mới có thể khiếu nại được.

Cẩn trọng đăng ký trực tuyến

Năm nay việc đăng ký xét tuyển được thực hiện theo hình thức trực tuyến nên đòi hỏi thí sinh khai báo thông tin chính xác [địa chỉ email, số điện thoại, CMND/CCCD... của chính mình] để lỡ quên mật khẩu đăng nhập tài khoản cá nhân sẽ được cấp lại.

Mỗi thí sinh sẽ có mã định danh riêng. Đó có thể là số CMND hoặc CCCD, nếu thí sinh đang có CCCD phải sử dụng số CCCD.

"Thực tế xét tuyển học bạ trực tuyến ở trường chúng tôi mấy năm nay, rất nhiều em quên mật khẩu đăng nhập tài khoản. Do vậy, khi đăng ký xét tuyển trực tuyến thí sinh cần ghi lại thông tin, mật khẩu và phải bảo mật. Nếu sử dụng máy tính công cộng, sau khi đăng nhập tài khoản thì nhớ thoát ra" - ông Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.

TRẦN HUỲNH

Video liên quan

Chủ Đề