Thực trạng công tác đảm bảo chất lượng thuốc tại nhà thuốc đạt GPP

10:05, 22/07/2014

Năm 2007, Bộ Y tế đề ra tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” [GPP - Good Pharmacy Practice] để các nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện nhằm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả thông qua việc cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng. Phải khẳng định rằng, sự ra đời của chuỗi nhà thuốc GPP đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, làm thế nào để duy trì chuẩn GPP tại các nhà thuốc đã đạt chuẩn đang là một thách thức lớn với những người trong cuộc...

Kỳ 1: “Phổ cập” chuẩn GPP

Chuẩn GPP được xây dựng với những nguyên tắc, tiêu chí rất cụ thể, đòi hỏi các nhà thuốc, quầy thuốc phải có sự đầu tư kỹ lưỡng, bài bản về mọi mặt, hướng đến việc hoàn thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, một khâu quan trọng trong công tác điều trị bệnh. Tuy nhiên, thực tế ở tỉnh ta cho thấy, không ít nhà thuốc, quầy thuốc cố gắng đạt GPP chỉ để không bị đóng cửa vì không đạt chuẩn theo như quy định...

Ưu việt của GPP

Mô hình “Nhà thuốc thực hành tốt” - GPP được Bộ Y tế đề ra để các địa phương thực hiện nhằm đẩy mạnh vai trò của nhà thuốc trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đưa lại quyền lợi thiết thực cho người bệnh. Nhà thuốc tiêu chuẩn GPP có những nguyên tắc cơ bản cả về chuyên môn lẫn đạo đức hành nghề, đó là: đặt lợi ích của người bệnh và sức khỏe của cộng đồng lên trên hết; cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn thích hợp cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc của họ; tham gia vào hoạt động tự điều trị, bao gồm cung cấp thuốc và tư vấn dùng thuốc, tự điều trị triệu chứng của các bệnh đơn giản; góp phần đẩy mạnh việc kê đơn phù hợp, kinh tế và việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, có hiệu quả. Với những nguyên tắc này, hoạt động của nhà thuốc GPP không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh mua và bán thông thường mà phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu cơ bản mà chuẩn GPP quy định tại Quyết định số 11/2007/QĐ-BYT ngày 24-1-2007. Bắt đầu từ nguồn mua thuốc, nhà thuốc phải chọn mua từ những cơ sở kinh doanh thuốc hợp pháp và chỉ mua những thuốc do Bộ Y tế cho phép lưu hành, có hóa đơn chứng từ cụ thể.

Về nhân sự, người phụ trách nhà thuốc phải có bằng dược sĩ đại học, đối với quầy thuốc phải là dược sĩ trung học và đại lý bán lẻ phải là dược tá; người phụ trách chuyên môn hoặc chủ cơ sở bán lẻ phải có Chứng chỉ hành nghề dược theo quy định hiện hành; nhân viên trực tiếp tham gia bán thuốc, giao nhận, bảo quản thuốc, quản lý chất lượng thuốc phải có bằng cấp chuyên môn dược và có thời gian thực hành nghề nghiệp phù hợp với công việc được giao. Về cơ sở vật chất, kỹ thuật, diện tích kinh doanh phải đạt tối thiểu 10m2, bố trí ở nơi cao ráo, thoáng mát, an toàn, cách xa nguồn ô nhiễm; có khu vực để trưng bày, bảo quản thuốc, khu vực để người mua thuốc tiếp xúc và trao đổi thông tin về việc sử dụng thuốc với người bán lẻ, nơi rửa tay cho người bán lẻ và người mua thuốc, khu vực tư vấn riêng cho bệnh nhân và ghế cho người mua thuốc trong thời gian chờ đợi; có đủ thiết bị để bảo quản thuốc; điều kiện bảo quản duy trì ở nhiệt độ dưới 30OC, độ ẩm không vượt quá 75%; có các dụng cụ ra thuốc lẻ và bao bì ra thuốc lẻ phải phù hợp với điều kiện bảo quản thuốc…

Tại cửa hàng thuốc của Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Dak Lak, thuốc được sắp xếp theo nhóm tác dụng dược lý, tuân thủ đúng quy định nhà thuốc GPP.

Với quy định về chuẩn GPP, ngành y tế đã đặt ra quyết tâm đưa hệ thống nhà thuốc vào quản lý bài bản nhất từ trước đến nay...

Ồ ạt xây dựng GPP để... đối phó

Dù có nhiều ưu việt như thế, song thời gian đầu, chuẩn GPP được rất ít nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn quan tâm thực hiện. Nguyên nhân là bởi việc thay đổi, sửa chữa cơ sở đúng với chuẩn đề ra đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất mà không phải cơ sở nào cũng có đủ khả năng, trong khi đó ngành chức năng lại không có những chính sách khuyến khích cụ thể. Thực hiện xây dựng nhà thuốc GPP với các doanh nghiệp lớn đã khó thì với những nhà thuốc nhỏ lẻ càng khó hơn. Không những thế, nhiều nhà thuốc, quầy thuốc còn tự đặt ra câu hỏi: “Đầu tư cho nhà thuốc đạt chuẩn rồi thì liệu việc kinh doanh có ổn định và thuận lợi hơn khi mà GPP có những quy định rất chặt chẽ về mua-bán thuốc![?]”. Vì lẽ ấy, việc xây dựng nhà thuốc GPP ở tỉnh ta trong thời gian đầu diễn ra khá ì ạch, số nhà thuốc đạt chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tính từ năm 2007 [khi Quyết định 11 của Bộ Y tế ban hành nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt nhà thuốc" ra đời] đến đầu năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 3 nhà thuốc được công nhận đạt chuẩn GPP, đó là 2 cửa hàng thuốc của Công ty cổ phần Dược-Vật tư y tế Dak Lak và nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa [BVĐK] Thiện Hạnh.

Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh là một trong 3 cơ sở tiên phong của tỉnh thực hiện chuẩn GPP. Trong ảnh: Người dân mua thuốc tại Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh.

Phong trào xây dựng nhà thuốc đạt chuẩn GPP ở tỉnh ta chỉ phát triển mạnh khi thời hạn bắt buộc thực hiện GPP cận kề. Theo Quyết định số 11/2007/QĐ-BYT ngày 24-1-2007 của Bộ Y tế, kể từ ngày 1-1-2011, tất cả các nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP và từ ngày 1-1-2013, tất cả các quầy thuốc phải đạt chuẩn GPP; sau những thời điểm này, nhà thuốc, quầy thuốc nào không đạt chuẩn sẽ bị đóng cửa. Khi “nước đã đến chân”, nhiều nhà thuốc sẵn sàng đầu tư hàng chục triệu đồng cải thiện cơ sở vật chất theo chuẩn để được chứng nhận là nhà thuốc GPP nhằm đối phó với quy định của cơ quan chủ quản và cũng đồng nghĩa là được tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh mua – bán dược phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng nhà thuốc GPP ở tỉnh ta tăng lên nhanh chóng. Từ 3 nhà thuốc đạt chuẩn GPP vào năm 2010 thì đến 30-6-2014, toàn tỉnh đã có 64/65 nhà thuốc và 569/573 quầy thuốc đạt GPP [chiếm tỷ lệ tương ứng là 98,5% và 99,3%].

Việc Bộ Y tế có chủ trương bắt buộc các nhà thuốc phải đạt chuẩn GPP vì đây là công đoạn cuối cùng trong quy trình đảm bảo chất lượng thuốc. Nói cách khác, để đạt mục tiêu đảm bảo thuốc chất lượng, hiệu quả, an toàn đến tay người bệnh, tránh tình trạng thuốc được bán một cách tự do, không chỉ dẫn, ai mua cũng được, loại gì cũng bán…. Có thể thấy, dù việc xây dựng nhà thuốc GPP được thực hiện theo cách tự nguyện hay “cưỡng chế” thì động thái các nhà thuốc, quầy thuốc thi nhau xây dựng chuẩn GPP là dấu hiệu tốt trong quản lý thuốc. Tuy nhiên, đạt được chuẩn đã khó, làm thế nào để duy trì được chuẩn lại càng khó hơn.

[Còn nữa]

Kim Oanh – Hồng Thủy

Nâng cao chất lượng các nhà thuốc đạt chuẩn GPP

[ĐCSVN] - Công tác đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả là một trong hai mục tiêu cơ bản của chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam. Theo tinh thần đó, sự ra đời của nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP [Good Pharmacy Practices, nghĩa là “Thực hành tốt nhà thuốc”] trong những năm gần đây đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Thực tế cho thấy, việc tiếp tục duy trì chuẩn GPP tại các nhà thuốc hiện đang đặt ra một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Người mua sẽ được tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin về thuốc
tại các nhà thuốc đạt chuẩn GPP. Nguồn: vietnambranding.com

Quá ít nhà thuốc đạt chuẩn GPP

Tính đến ngày 31/12/2010, tổng số cơ sở bán lẻ thuốc trong cả nước đã đạt tiêu chuẩn GPP là 3.455 nhà thuốc [theo báo cáo của 57/63 Sở Y tế], chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Những nhà thuốc này được phân bố không đều giữa các địa phương trong cả nước và tập trung nhiều tại thành phố Hồ Chí Minh [TP.HCM] và thành phố Hà Nội [2 thành phố chiếm khoảng 50% số nhà thuốc trên cả nước]. Tại Hà Nội, có 980 nhà thuốc đạt chuẩn GPP, chiếm tỷ lệ khoảng 60%, trong khi đó, tại TP. HCM, số lượng nhà thuốc đạt GPP là 1.535 nhà thuốc, chiếm khoảng 47%. Trên thực tế, sự hạn chế về mặt số lượng đã dẫn đến tình trạng, tại nhiều nơi, người dân vẫn phải mua thuốc trong những điều kiện cơ sở hạ tầng nhiều bất cập, diện tích mặt bằng quá chật hẹp, thêm vào đó, một số loại thuốc không được bảo quản đúng cách và được bán cho bất kỳ ai có nhu cầu.

Thực hiện bán thuốc theo đơn là một trong những tiêu chuẩn hoạt động của nhà thuốc GPP. Tuy nhiên, thói quen mua bán không hoá đơn hiện đang trở thành một vấn nạn trong khâu phân phối thuốc ở nước ta, khiến cho các loại thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng dễ dàng len lỏi vào khâu vận chuyển và đến tay người tiêu dùng. Theo đó, kháng sinh là một trong những nhóm thuốc được quy định chỉ được bán khi có đơn, tuy nhiên lại được bán khá phổ biến tại hầu hết các nhà thuốc, mặc dù không có đơn của bác sĩ. Cuộc điều tra mới đây tại TP. Hà Nội [một trong những địa phương có số nhà thuốc tập trung nhiều nhất nước ta] cho thấy, có đến gần 90% các loại thuốc kháng sinh được bán ra không theo đơn. Kết quả cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng, lợi nhuận từ việc tiêu thụ các loại kháng sinh đóng góp một phần đáng kể trong tổng lợi nhuận của nhà thuốc, vì vậy, nếu tuân thủ quy chế bán thuốc theo đơn sẽ dẫn đến việc giảm doanh thu của nhà thuốc.

Tình trạng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ tư vấn viên có trình độ tại các nhà thuốc đang diễn ra khá phổ biến và có sự chênh lệch lớn giữa khu vực thành thị và các vùng sâu, vùng xa. Theo quy định của nhà thuốc GPP, khi bán thuốc, phải có dược sĩ tư vấn cho người bệnh sử dụng thuốc [theo đơn của bác sĩ] một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thực tế ở rất nhiều nhà thuốc không có dược sĩ hướng dẫn, thậm chí dược sĩ ủy quyền bán hàng cho người không có chuyên môn, dẫn đến việc người bán hàng hướng dẫn không đúng cho người bệnh.

Bên cạnh những thiếu hụt về mặt nhân lực, còn tồn tại một số bất cập trong việc đào tạo, cập nhật tài liệu chuyên môn tại các nhà thuốc và tiếp cận thông tin về thuốc; việc nâng cao năng lực cho các cơ sở bán lẻ còn nhiều hạn chế; các nhà thuốc thực hiện ghi chép hồ sơ, sổ sách còn mang tính hình thức, chỉ quan tâm đến doanh thu và thuế...

Để nâng cao chất lượng nhà thuốc GPP

Một nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP trước hết cần đảm bảo những nguyên tắc: phải đặt lợi ích của người bệnh và sức khoẻ của cộng đồng lên trên hết; cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn thích hợp cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc của họ; tham gia vào hoạt động tự điều trị, bao gồm cung cấp thuốc và tư vấn dùng thuốc, tự điều trị triệu chứng của các bệnh đơn giản và góp phần đẩy mạnh việc kê đơn phù hợp, kinh tế và việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, có hiệu quả.

Ngoài việc đảm bảo tốt những nguyên tắc này, các địa phương cần đặc biệt tăng cường công tác thanh, kiểm tra và hậu kiểm; xử lý nghiêm khắc các vi phạm tại các nhà thuốc chưa đạt GPP hoặc vi phạm qui định về quản lý dược; tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận, đồng thời, cần chú trọng nâng cao vai trò của y tế quận, huyện trong công tác thanh kiểm tra các nhà thuốc trên địa bàn, hướng tới việc hoàn thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm vốn là khâu quan trọng quyết định trong công tác điều trị bệnh và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Số mắc COVID-19 giảm còn 1.548, 1 bệnh nhân tử vong tại Hà Nội
  • TP Hồ Chí Minh: Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em và người lớn xuyên lễ Quốc khánh 2/9
  • Thêm 2.680 ca COVID-19, 107 ca nặng đang điều trị
  • Thêm 2.727 ca COVID-19, gần 8.500 bệnh nhân khỏi bệnh
  • Khám và tư vấn miễn phí bệnh lý ung thư dạ dày
  • Ưu tiên phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại nơi đông công nhân
  • Phạt Công ty cổ phần Pymepharco 100 triệu do vi phạm nhiều lần

Video liên quan

Chủ Đề