Tiền duyên phòng ngự là gì

QPTD -Thứ Tư, 27/07/2011, 18:09 [GMT+7]

Bàn về chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc

Chiến dịch phòng ngự [CDPN] là loại hình chiến dịch cơ bản trong hệ thống nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, có vị trí hết sức quan trọng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc [BVTQ], đặc biệt là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh. Từ nghiên cứu thực tiễn CDPN trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược và thực tiễn chỉ đạo, huấn luyện, diễn tập CDPN trong những năm vừa qua, xin nêu một số vấn đề về CDPN trong chiến tranh BVTQ [nếu xảy ra] để cùng bàn luận.

Trước hết, nhận thức về CDPN, đến nay, cơ bản là thống nhất, nhưng cũng còn một số ít người nhận thức chưa đầy đủ. Sẽ là sai lầm, phiến diện nếu cho rằng, phòng ngự là tư tưởng thụ động, sợ địch, không dám tiến công. Vấn đề mấu chốt là tổ chức tác chiến phòng ngự ở thời điểm nào, quy mô nào, cách đánh trong phòng ngự ra sao để đạt được mục đích từng giai đoạn của cuộc chiến tranh; đồng thời, khẳng định rằng, chỉ tác chiến phòng ngự đơn thuần thì không bao giờ giành thắng lợi trong chiến tranh. Tác chiến phòng thủ quân khu, phòng thủ chiến lược là những vấn đề phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhưng không thể thay thế cho tác chiến phòng ngự. Có tổ chức phòng ngự ở những trọng điểm mới ngăn chặn, tiêu hao, làm chậm tốc độ tiến công của địch, tạo điều kiện, thời cơ cho phản công, tiến công.

Trong chiến tranh nhân dân BVTQ, đối tượng tác chiến của CDPN thường là lực lượng chủ yếu trên hướng tiến công chủ yếu của địch, có thể là chiến dịch đổ bộ đường biển, tiến công trên bộ bằng sức mạnh tổng lực của các quân chủng, binh chủng. Trong đó, địch lấy lực lượng các sư đoàn hải quân đánh bộ, sư đoàn bộ binh, sư đoàn đổ bộ đường không [ĐBĐK] làm nòng cốt; có thể diễn ra sau chiến dịch tiến công hỏa lực và trong quá trình tiến hành chiến tranh. Tiến công vào địa bàn phòng ngự của ta, địch sẽ vận dụng phương thức tiến công liên hợp, phát huy sức mạnh tổng lực của mọi lực lượng, kết hợp chặt chẽ giữa đổ bộ đường biển, tiến công đường bộ, ĐBĐK với bạo loạn, lật đổ; trong đó rất chú trọng tiến công vượt điểm để thực hiện đánh nhanh, giải quyết nhanh.

Sau giai đoạn tiến công hỏa lực làm “mềm” chiến trường, địch có thể đánh chiếm các đảo, các huyện [thành phố] ven biển để đưa lực lượng bộ binh vào tiến công. Địch có thể tổ chức đổ bộ ở một hoặc một số bãi, với lực lượng từ lữ đoàn đến sư đoàn hải quân đánh bộ, kết hợp với lực lượng ĐBĐK chiến thuật [tùy theo tính chất, phạm vi của các bãi đổ bộ]. Chúng sẽ phát huy khả năng đột kích mạnh và cơ động cao của cơ giới và lực lượng ĐBĐK để thực hành tiến công đường bộ đồng thời vào nhiều mục tiêu trong chiều sâu phòng ngự của ta. Chúng sẽ vận dụng tổng hợp các biện pháp tiến công vượt điểm bằng bao vây các khu vực tác chiến vòng ngoài, dùng sức mạnh đột phá vào trung tâm địa bàn phòng ngự nhằm chiếm mục tiêu chủ yếu hoặc lợi dụng khoảng cách giữa các khu vực phòng ngự [KVPN] của ta để vượt điểm vào bên trong đánh chiếm mục tiêu chủ yếu. Khi tiến công, địch thường tổ chức lực lượng [lấy đơn vị cơ bản là lữ, sư đoàn bộ binh] thành các cụm lực lượng trên từng trục, hướng tiến công.

Như vậy, đối tượng tác chiến của CDPN so với chiến tranh giải phóng đã có sự phát triển về: mục đích, mục tiêu, quy mô lực lượng, phương tiện và đặc biệt là phương thức tiến hành tiến công vào địa bàn CDPN của ta.

CDPN có thể được tổ chức ngay từ đầu và trong quá trình tiến hành chiến tranh, trên hướng phòng thủ chủ yếu của quân khu hoặc hướng trọng điểm chiến lược. Địa bàn mở CDPN là nơi ta có điều kiện chặn địch, đánh địch, bảo vệ được mục tiêu chủ yếu. CDPN là hạt nhân để đánh địch trong tác chiến phòng thủ quân khu và phòng thủ chiến lược. Thắng lợi của CDPN sẽ tạo điều kiện cho việc mở các loại hình chiến dịch khác. Do đó, địa bàn mở CDPN ta không thể xác định chỉ có trong tung thâm, mà phải là những địa bàn nào đánh được địch, bảo toàn được lực lượng để đánh lâu dài, kéo dài cự ly cơ động tiến công của địch. Địa bàn đó buộc địch phải triển khai tiến công trong thế khó khăn. Trong thực tế đổ bộ đường biển, chỗ yếu nhất của địch là tuyến mép nước [từ khu vực xuống xuồng đổ bộ, đổ lên bờ biển nhưng chưa liên kết được với nhau ở bãi đổ bộ]. Bờ biển nước ta có nhiều khu vực núi, đồi, các đảo, bán đảo sát ra biển, có các thành phố ở tuyến mép nước, rất thuận lợi cho việc xây dựng đường hầm, địa đạo, trận địa pháo bờ biển. Trên biên giới có các sông, thung lũng hoặc cánh đồng, buộc địch phải khắc phục địa hình để triển khai tiến công; ta có điều kiện xây dựng hệ thống vật cản ở tiền duyên, kéo dài thời gian chuẩn bị tiến công của địch.

Do vậy, CDPN của ta không nên xác định chỉ mở ra ở tung thâm đất nước mà còn phải là những nơi thuận tiện cho đánh địch, bảo vệ mình để đánh lâu dài. Cũng từ đó mà ta cần phải nghiên cứu CDPN đánh địch đổ bộ đường biển.

Về quy mô chiến dịch, trước đây ta xác định gồm có: nhỏ, vừa, lớn [cả lực lượng, không gian và thời gian]. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, CDPN thường do cấp Bộ mở hoặc Bộ trực tiếp chỉ đạo. Ngày nay, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp đã rõ, năng lực tổ chức chỉ huy của các cấp đã phát triển, đủ khả năng để mở chiến dịch. Do vậy, chúng ta nên phân theo quy mô:

CDPN do quân khu mở trên hướng phòng thủ chủ yếu, liên quan đến bảo vệ KVPN chủ yếu và mục tiêu chủ yếu của quân khu. Lực lượng thường là 1 sư đoàn chủ lực quân khu, được tăng cường các đơn vị binh chủng chiến đấu, bảo đảm của quân khu và một số trung đoàn, tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh, huyện. Địa bàn của chiến dịch có thể từ 4 đến 6 huyện trong phạm vi 1-2 tỉnh.

CDPN do Bộ mở. Khi các mục tiêu chiến lược bị uy hiếp, khu vực phòng thủ [KVPT] chủ yếu của quân khu đã bị phá vỡ hoặc địch tiến công vượt điểm uy hiếp đến mục tiêu chiến lược, Bộ có thể tổ chức mở CDPN. Lực lượng chiến dịch có thể huy động cỡ từ 1 đến 3 sư đoàn bộ binh [hoặc quân đoàn] cùng với lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn chiến dịch; có thể được phối thuộc hoặc chi viện một số đơn vị thuộc quân chủng, binh chủng chiến đấu, bảo đảm đang hoạt động trên hướng đó. Không gian chiến dịch có thể diễn ra trong phạm vi một vài tỉnh, liên quan đến 1 hoặc 2 quân khu, trên một hướng chiến lược của quốc gia.

Cách đánh của CDPN chủ yếu dựa vào thế trận của KVPT địa phương để lập thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn, có chiều sâu trên từng hướng, từng khu vực, bảo đảm đánh địch tiến công từ nhiều hướng tới. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, tập trung vào hướng, KVPN chủ yếu, trận then chốt. Kết hợp phòng ngự vững chắc ở các khu vực với tiến công kiên quyết, liên tục, linh hoạt, từ xa, rộng khắp; thực hiện tiêu hao, sát thương rộng rãi, tiêu diệt bộ phận địch, lấy đánh nhỏ, diệt nhỏ là chủ yếu, đánh vừa, diệt vừa khi có điều kiện; tích cực đánh địch vượt điểm, đột nhập, ĐBĐK bằng các quy mô, hình thức phù hợp; kết hợp tác chiến với các mặt đấu tranh khác, đập tan bạo loạn lật đổ để hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Cách đánh thể hiện các nội dung sau:

1. KVPN thường được tổ chức từ 1 đến 3 khu vực trên từng hướng [trục] tiến công của địch. Có thể đó là KVPT then chốt của huyện, tỉnh [thành phố], chốt chiến dịch, chốt chiến lược, KVPN cấp trung đoàn. ở những địa bàn quan trọng, có thể lấy KVPN của sư đoàn làm hạt nhân, liên kết với các cụm làng xã chiến đấu và lực lượng cơ động chiến dịch để đánh địch trên hướng [trục] đó. Vấn đề mấu chốt là chiến dịch phải xác định chính xác KVPN chủ yếu, khu vực đánh địch ĐBĐK chiến thuật, chiến dịch; các khu vực đánh địch đột nhập, vượt điểm đường bộ; khu vực bạo loạn có vũ trang.

2. Tổ chức lực lượng theo cụm, như cụm lực lượng chiến đấu vòng ngoài, cụm lực lượng phòng ngự hướng chủ yếu, cụm lực lượng phòng ngự hướng thứ yếu, cụm lực lượng cơ động. Tổ chức theo phương pháp này sẽ tăng tính độc lập, chủ động và phát huy trách nhiệm cho chỉ huy cấp dưới, phù hợp với đặc điểm tác chiến theo từng khu vực, hạn chế cơ động của bộ đội.

3. Các biện pháp tiến hành chiến dịch theo thứ tự yêu cầu của tác chiến: nghi binh lừa địch; phòng chống vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử; tác chiến phòng ngự, phòng thủ, ngăn chặn; đánh vận động tiêu diệt địch ngoài công sự; tổ chức luồn sâu, vu hồi, chia cắt, bao vây, đón lõng; tác chiến nhỏ rộng khắp, cài xen, bám trụ; triệt phá chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, hiểm yếu; vận dụng các biện pháp đấu tranh…

4. Trận then chốt là nội dung chủ yếu của một đợt [bước] chiến dịch. Trong CDPN thường có các dạng trận then chốt như: trận đánh địch triển khai tiến công ở khu vực tác chiến vòng ngoài [nếu có điều kiện]; phòng ngự đánh địch, giữ vững KVPN chủ yếu của chiến dịch; trận tiến công địch đột nhập vào KVPN chủ yếu; trận đánh địch ĐBĐK chiến dịch, chiến lược; trận đánh địch tiến công vượt điểm đường bộ. Trong các trận then chốt đó, tùy tình hình cụ thể để xác định trận then chốt quyết định của chiến dịch.

Để đánh thắng các trận then chốt, then chốt quyết định trong CDPN, phải nghiên cứu, giải quyết nhiều vấn đề: thời cơ, cách đánh, tổ chức sử dụng lực lượng, tổ chức điều hành chiến dịch, công tác bảo đảm… Một vấn đề đặt ra là không ham đánh lớn mà phải đánh nhiều trận nhỏ vào một đối tượng trong một thời gian và không gian nhất định; đánh là phải chắc thắng, buộc địch phải thay đổi thủ đoạn, biện pháp tác chiến.

5. Tạo, nắm thời cơ và chuyển hóa thế chiến dịch. Thời cơ trong CDPN bao gồm: thời cơ chuẩn bị thế trận chiến dịch, thời cơ triển khai chiếm lĩnh trận địa phòng ngự, tạo và nắm thời cơ thực hiện các trận then chốt chiến dịch. Tuy nhiên, thời cơ không tự nhiên xuất hiện, nên tư lệnh và cơ quan chiến dịch phải nhạy bén, chủ động tạo ra thời cơ và nắm thời cơ đánh địch.

Chuyển hóa thế chiến dịch của CDPN là sự điều chỉnh bố trí các lực lượng phòng ngự, cơ động cho phù hợp với điều kiện tác chiến mới, nhằm phá được thế địch để giành thắng lợi. Do đặc điểm tính biến động lớn trong tác chiến phòng ngự, địch luôn thay đổi các biện pháp, thủ đoạn tác chiến, chuyển hướng tiến công, kết quả của từng trận đánh của ta khác nhau, làm cho tình hình diễn biến địch, ta luôn thay đổi, nhiều khi có sự đột biến. Do vậy, điều chỉnh chuyển hóa thế chiến dịch là hoạt động tất yếu, là một biện pháp quan trọng bảo đảm củng cố, duy trì sức chiến đấu liên tục trong phòng ngự.

Để thực hiện những vấn đề nêu trên, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển hệ thống lý luận về tư tưởng, quan điểm, các bước tiến hành và giải pháp cụ thể trong tổ chức chuẩn bị và thực hành CDPN phù hợp với nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, tác chiến chiến lược của chiến tranh nhân dân BVTQ, nhằm sẵn sàng đánh thắng mọi quy mô chiến tranh xâm lược [nếu xảy ra] của các thế lực thù địch.

Thượng tá Trần Việt Khoa

Đoàn trưởng Đoàn B.01- Quân khu Thủ đô

Video liên quan

Chủ Đề