Trật tự thế giới hai cực là sự sắp xếp

Một trong những vấn để nổi bật, thu hút sự quan tâm của thế giới hiện nay là vấn đề Trật tự thế giới mới. Sự sụp đổ của chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu 20 năm trước đây đã phá vỡ trật tự hai cực, kéo theo sự đảo lộn lớn trên mọi phương diện của thế giới.

Trong quá trình tìm kiếm và sắp xếp lại trật tự, thế giới đã và đang trải qua những biến động rất phức tạp. Có nhiều câu hỏi lớn đang đặt ra: Thế giới này sẽ đi đâu? Trật tự thế giới sẽ hình thành theo hướng nào? Và trong trật tự mới đó, liệu ý chí và nguyện vọng của các dân tộc có được tôn trọng hay không?

1. "Trật tự" và "mất trật tự"

Trật tự thế giới được người ta quan niệm như tiêu chí cơ bản định đoạt quan hệ quốc tế, là sự sắp đặt đảm bảo cho đời sống thế giới có thể bình ổn, có tổ chức. Đó là sự chấp nhận hoặc buộc phải chấp nhận thực trạng đã có và sẽ có của thế giới. Trật tự này được xác lập bằng các hiệp định, quy ước, luật lệ chung nhất cho các hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao trên trường quốc tế.

Sự xác lập đó có thể thông qua con đường bạo lực hoặc không bạo lực, sử dụng sức mạnh quân sự hoặc thỏa hiệp về kinh tế, chính trị. Vì vậy, trật tự thế giới thường phản ánh tương quan lực lượng giữa các quốc gia và hệ thống nhà nước; giữa các giai cấp cơ bản và các lực lượng chính trị, kinh tế chủ yếu; giữa các tổ chức, các phong trào chính yếu có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng quốc tế.

Hành trình của nhân loại qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử đã có những trật tự khác nhau. Nhưng trật tự chỉ mang đúng ý nghĩa toàn thế giới khi các nước đã có sự hiểu biết và có quan hệ với nhau. Con người xa xưa sống mông muội chỉ có những "trật tự" của cộng đồng người ở từng địa giới nhất định. Xã hội phong kiến có "trật tự" của sự cát cứ từng vùng, từng lãnh địa hoặc sau này là từng quốc gia. Chủ nghĩa Tư bản củng cố các quốc gia - dân tộc phát triển mạnh mẽ, có nhu cầu vươn xa, mở rộng thị trường và ảnh hưởng của nó.

Khi tư bản châu Âu khai thông sang châu Mỹ, xâm nhập châu Á, châu Phi, thì cũng là lúc trật tự thế giới thực sự hình thành với sự thống trị của Chủ nghĩa Tư bản. Đã có một thời "Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh"; có thời kỳ phần châu Phi của Pháp rộng mênh mông được chia ra 17 đơn vị hành chính và nay là 17 nước; còn phần châu Phi của Bỉ là nước Zaia ngày nay, với diện tích bằng tất cả các nước Tây Âu cộng lại. Cũng vào thời điểm đó, cả châu Á, các nước Mỹ Latin đều không thoát khỏi vành đai thuộc địa của các thế lực thực dân phương Tây.

Vậy là, trong thời kỳ lịch sử từ khoảng cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, trật tự thế giới do Chủ nghĩa Đế quốc, Thực dân áp đặt. Phải đến gần giữa thế kỷ XX, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, với việc Liên Xô ra đời, không ngừng lớn mạnh, chiến thắng phát xít, giải phóng một phần châu Âu, thì thế giới mới được xếp đặt lại trật tự hai cực.

Quan niệm về trật tự thế giới, như đã nói ở trên, cũng chỉ mang tính tương đối. Nó là tương đối vì có nghĩa rộng, nghĩa hẹp. Nói theo nghĩa rộng là "trật tự" thế giới, xét từ xa xưa như trên vừa đề cập đến, nhưng thực ra thuật ngữ này mới chỉ được sử dụng nhiều vào những năm gần đây. Trật tự thế giới còn được sử dụng theo nghĩa hẹp như trật tự kinh tế, quân sự, chính trị, văn hoá, truyền thông... của thế giới. Trật tự thế giới là cái vừa định hình vừa khó định hình, vừa cụ thể vừa trừu tượng và tương đối, vì lịch sử đã bao lần thay đổi trật tự, nghĩa là thế giới không chỉ có trật tự mà có cả "mất trật tự".

"Mất trật tự" của thế giới ở mức nhỏ, cường độ thấp là những vụ đụng độ khu vực hoặc trong một nước, một vùng. Điều đó đã và đang diễn ra thường xuyên, tới mức, nếu có sự thống kê lại thì thấy rằng thế giới chưa thật sự bình ổn vì chưa bao giờ im tiếng súng. Những biểu hiện của dạng "mất trật tự" này muôn hình muôn vẻ. Có thể đó là xung đột bộ tộc, sắc tộc, tôn giáo; là xung đột về lãnh thổ, về lợi ích kinh tế giữa các quốc gia... "Mất trật tự" cường độ cao, phạm vi rộng lớn là những xáo trộn có tác động tới việc phải điều chỉnh hoặc thay đổi trật tự thế giới. Hai cuộc chiến tranh thế giới là ví dụ điển hình của loại "Mất trật tự" này.

Nhưng đã là những hiện tượng "mất trật tự", thì dù cường độ thấp hay cao, phạm vi hẹp hay rộng, cũng thường biến thiên theo hướng: tích cực và tiêu cực. Tính tích cực của các hiện tượng này thể hiện ở chỗ, chúng ảnh hưởng có lợi cho hòa bình, hạnh phúc chung của nhân loại, góp phần làm cho thế giới công bằng, ổn định hơn. Những cuộc cách mạng tư sản diễn ra ở Anh năm 1688, ở Pháp vào các năm 1830, 1848, 1871 và đặc biệt là cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 thực sự là những hiện tượng "mất trật tự" có ý nghĩa tích cực, to lớn cho sự phát triển của xã hội loài người.

Còn chiều hướng tiêu cực của những hiện tượng "mất trật tự" là ở chỗ, chúng gây không khí căng thẳng, dung dưỡng những hành động bạo ngược, vô trách nhiệm của các thế lực hiếu chiến, cực đoan, của những cái đầu nóng bỏng ham muốn dùng bạo lực trên thế giới. Việc hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2 rõ ràng là không cần thiết, vì không có cuộc thảm sát tột đỉnh này, chiến tranh sau đó cũng sẽ được giải quyết, hành động đó chỉ gây hậu quả tàn khốc đối với nhân dân Nhật Bản và làm day dứt mãi lương tri nhân loại mà thôi.

2. Có lửa và có khói

Sự vận động và phát triển không ngừng của thế giới là vòng luân chuyển giữa trật tự - mất trật tự mới. Khi trật tự cũ bị đổ vỡ, không phải bao giờ nó cuốn theo tất cả những gì đã có trong nó vì yếu tố của trật tự cũ có khi còn tồn tại dai dẳng.

Nhìn nhận về việc đổ vỡ trật tự hai cực vừa qua, ngoài những hậu quả của nó, dễ thấy, còn có nhiều vấn đề khó thấy hơn mà người ta còn tiếp tục tranh luận. Nhiều người cho rằng hai cực sụp đổ thì chiến tranh lạnh cũng hết. Về logic hình thức là vậy, nhưng cũng nên có cách nhìn thận trọng hơn. Chiến tranh lạnh vừa qua thực chất là cuộc đối đầu Xô - Mỹ, là cuộc chạy đua vũ trang đến kiệt sức của cả hai phía và không khí căng thẳng bao trùm. Đối tượng đáng sợ nhất của Mỹ là Liên Xô không còn, nhưng không phải vì thế mà đã hết những lời đe dọa của các thế lực cường quyền đối với nơi này, nơi khác; đâu đã hết những xung đột cục bộ; đâu đã ngừng việc chạy đua mua sắm vũ khí. Bọn lái súng xưa nay vẫn mong cho súng không ngừng nổ.

Chưa hết, việc nghiêm trọng nhất của quan hệ quốc tế hiện nay là một số thế lực đế quốc phản động đang thực hiện chiến lược "Diễn biến hoà bình", mưu toan xoá sổ các nước Xã hội Chủ nghĩa còn lại. Điều đó chứng tỏ rằng, chiến tranh lạnh như kiểu trước là không còn nữa, nhưng bóng dáng của nó vẫn lấp ló với một sắc thái mới có vẻ đỡ "lạnh" hơn và có vẻ "mềm" đi, nhưng không kém phần quyết liệt.

Một điều nữa cũng cần thấy: Trật tự hai cực của thế giới đã đổ vỡ, nhưng cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tồn tại, thể hiện trên nhiều mặt của đời sống thế giới. Như vậy, loài người, nhất là ở các nước theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, không nên lơ là cảnh giác.

Một bài hát tiếng Nga có câu rất hay: "Thế giới này đẹp biết nhường nào, bạn hãy nhìn xem!". Thế giới của chúng ta quả thật đẹp vô cùng, nhưng vẫn còn nhiều lửa và khói. Có lửa, mới có khói. Trong vô vàn hiện tượng phức tạp của thế giới vào lúc "mất trật tự" hay cả khi có "trật tự", có thể khái quát một số ngọn "lửa" gây khói như sau:

* Quyền lực: Đây là thứ "lửa" đầu bảng. Ông Paul Kennedy, nhà Xã hội học người Mỹ cho rằng, các nước trên thế giới thường phát triển không đều. Đó là quy luật. Và do phát triển không đều, nên một số nước vượt trội thành cường quốc thường hay sản sinh nguyện vọng muốn lấy cường quyền để áp đặt người khác theo ý mình. Thế là thế giới lại phải đương đầu với thói ham quyền lực đó. Kết cục cũng thường thấy là các nước đế quốc lần lượt bị nhân loại cho các bài học nhớ đời, còn một số đế quốc thì đã vĩnh viễn bị lịch sử chôn vùi.

* Đấu tranh giai cấp. Lịch sử phát triển của xã hội loài người (trừ xã hội Cộng sản nguyên thuỷ) là lịch sử đấu tranh giai cấp - một động lực phát triển của xã hội. Và cũng chính các cuộc đấu tranh giai cấp đã góp phần mạnh mẽ vào việc sắp đặt lại trật tự thế giới. Những cuộc Cách mạng Tư sản đã từng tác động mạnh mẽ vào việc sắp đặt lại trật tự thế giới. Những cuộc Cách mạng Tư sản kiểu cũ hay những cuộc Cách mạng Dân chủ Tư sản kiểu mới do các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân lãnh đạo, thực sự là những yếu tố quan trọng làm cho thế giới tiến dần tới trật tự tiến bộ hơn.

* Công bằng. Công bằng là mực thước ứng xử quốc tế. Do thế giới còn nhiều điều thiếu công bằng, nên để đảm bảo công bằng, nhiều khi các dân tộc phải tiến hành đấu tranh gay go quyết liệt và gian khổ chống lại bọn cường quyền áp bức. Cuộc đấu tranh đó thường là của các dân tộc thuộc địa chống ách nô dịch của Chủ nghĩa Đế quốc, và mục tiêu của nó cùng chiều với nhiệm vụ bảo vệ lợi ích dân tộc và đấu tranh giải phóng. Quan niệm về công bằng và cuộc đấu tranh cho công bằng như thế, đồng nghĩa với lẽ phải chân lý. Tuy nhiên, những cuộc chiến tranh do Chủ nghĩa Đế quốc gây ra để tranh nhau lợi ích, tranh nhau thuộc địa, cũng được rêu rao là để đảm bảo công bằng. Công bằng kiểu ấy chỉ là lối tư duy của kẻ cướp và gây mất trật tự tiêu cực cho thế giới mà thôi.

3. Trật tự và đấu tranh

Không phải tới bây giờ mà ngay từ năm 1919, Wilson, Tổng thống thứ 28 của Mỹ, tại Hội nghị hoà bình ở Versailles, đã áp đặt các tiêu chuẩn nội bộ của Mỹ bao trùm thế giới mà các đồng minh của Mỹ khi ấy có bất bình, nhưng không dám phản ứng lại.

Các Tổng thống Mỹ sau này ở những mức độ khác nhau, cách thể hiện khác nhau nhưng đều có chung một mục tiêu là muốn cho nước Mỹ bá chủ thế giới. Hoà đồng với ý tưởng của các Tổng thống Mỹ, các học giả chống cộng nổi tiếng một thời cũng cho ra đời các cuốn sách của mình. Richard Nixon với cuốn Chớp thời cơ: Thách thức đối với Hoa Kỳ trong thế giới một siêu cường; Bredinski với cuốn sách Ngoài vòng kiểm soát - sự rối loạn toàn cầu bên thềm thế kỷ XXI. Trong các cuốn sách này, các tác giả đều hướng vào việc bàn luận xem làm thế nào để Mỹ nắm được thế giới vào tay mình.

Như vậy, trong thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ đã bao phen muốn nhảy ra làm bá chủ thế giới. Nhưng chương trình khống chế toàn cầu của Mỹ không thể thành công vì có nhiều lực cản:

Một là, Mỹ vẫn là siêu cường số một, nhưng quyền lực bị phân tán rất nhiều, phân tán hơn cả thời còn trật tự hai cực. Sự phân tán bắt nguồn từ: Trong lòng nước Mỹ thì do chủ nghĩa biệt lập mới và xuống sức chưa gượng dậy được của nền kinh tế; bên ngoài là do sự ly tán của các nước đồng minh trước đây.

Hai là, Mỹ vẫn là nước có nền kinh tế mạnh nhất thế giới, nhưng sức mạnh về kinh tế của Mỹ không còn như xưa, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã làm cho nước Mỹ xuống sức trông thấy; về một số mặt, nhiều nước đã vươn lên ngang Mỹ hoặc vượt Mỹ.

Ba là, quá trình liên kết khu vực ở nhiều nơi trên thế giới đã làm tăng sức mạnh của các cộng đồng khu vực, làm mờ vai trò của Mỹ. Trước đây, các trung tâm tư ở châu Âu và châu Á cần đến Mỹ, nay không còn Liên Xô, họ tự hoạch định hướng đi riêng, nên tình thế đang đảo ngược lại. Mỹ phải cần đến các trung tâm này hơn nếu không muốn biến mình thành một ốc đảo cô lập.

Bốn là, sự tan rã của Liên Xô cũng như những biến động sau đó ở các nước thuộc Liên Xô trước đây, những biến động đó chủ yếu là tự nó, Mỹ và các nước phương Tây chỉ có thể tác động phần nào chứ không thể xoay chuyển được. Trong khi đó, chế độ "hậu Cộng sản" được áp dụng ở các nước Đông Âu và ở nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây đã ít có hiệu quả, thậm chí có nơi còn bị đổ vỡ. Ở một số nơi, nhân dân đã bất bình và trả lời bằng những lá phiếu ủng hộ cánh tả hoặc các Đảng Cộng sản.

Năm là, hiện nay số nước trên thế giới đã tăng lên, ảnh hưởng, phụ thuộc lẫn nhau tăng lên và ý chí độc lập tự chủ của các nước cũng tăng lên. Đây là yếu tố rất mạnh cản trở cường quyền và cực quyền của bất kể ai.

Rõ ràng, ý muốn của Mỹ là một chuyện, còn sự xếp đặt trật tự thế giới lại thuộc về cả cộng đồng, chứ không chỉ có Mỹ. Trật tự thế giới sẽ được xác lập, nhưng sẽ là trật tự nhiều cực. Các điều kiện đảm bảo cho việc hình thành trật tự mới đã nổi rõ: 1- Những xu thế vận động của thế giới như xu thế toàn cầu hoá, quốc tế hoá, xu thế liên minh liên kết khu vực, xu thế phục hồi của phong trào Cộng sản; 2- Có nhiều nước, nhiều trung tâm đang tự khẳng định và nổi lên không thua kém nhau và càng không thua kém Mỹ như Trung Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và có thể còn nữa; 3- Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc ngày càng có vai trò to lớn trong việc giải quyết các vụ việc của thế giới; 4- Ý chí và nguyện vọng chung của đại bộ phận các dân tộc là muốn có một trật tự thế giới trong đó tiêu chí cơ bản là bình đẳng, lẽ phải, công bằng, mọi dân tộc đều được tôn trọng.

Đó là các điều kiện cho một trật tự mới sinh thành. Tuy nhiên, để tiến tới và xác lập được một trật tự như vậy, cần có thời gian. Đó là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều bước và phụ thuộc vào sự hợp tác, đấu tranh của tất cả các dân tộc./.

GS.TS Vũ Văn Hiền