Vi dụ về thị trường địa lý liên quan

Vi dụ về thị trường địa lý liên quan
TÁC GIẢ (Chưa xác định)

Dưới góc độ kinh tế, thị trường là nơi người mua và người bán thực hiện các  giao dịch trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Trong pháp luật cạnh tranh Việt Nam, thuật ngữ “thị trường liên quan” là một trong những khái niệm cơ bản làm nền tảng cho hầu hết các vấn đề về chính sách cạnh tranh, từ kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền cho đến tập  trung kinh tế.

Tại Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2018 (sau đây gọi tắt là Luật Cạnh tranh năm 2018) do Quốc hội khóa XIV của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành, khoản 7 Điều 3 quy định như sau:“Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận”.

Điều 9 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định: “Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện  cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận”.

Phương pháp và cách tiếp cận xác định thị trường liên quan được quy định chi tiết tại Mục 1 Chương II (từ Điều 3 đến Điều 8) Nghị định số 35/2020/NĐ- CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh (Nghị định số 35/2020/NĐ-CP).

Trong phần lớn vụ việc cạnh tranh, xác định thị trường liên quan là bước đầu tiên cơ quan cạnh tranh cần thực hiện trước khi triển khai các bước tiếp theo   như xác định sức mạnh thị trường đáng kể; thị phần, thị phần kết hợp của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan; tác động và mức độ tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi phản cạnh tranh đến thị trường liên quan; mức phạt tiền đối với các doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Theo nghiên cứu về xác định thị trường liên quan của Tổ chức Phát triển và  Hợp tác kinh tế (OECD), trên cơ sở tổng hợp từ quan điểm pháp lý và kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, quan điểm và cách tiếp cận xác định thị trường liên quan trong thời gian gần đây có một số thay đổi, cụ thể như sau:

Xác định thị trường liên quan là một trong những công cụ phân tích quan trọng nhất để xem xét và đánh giá những hạn chế cạnh tranh mà một doanh nghiệp phải đối mặt và tác động của hành vi phản cạnh tranh mà doanh nghiệp đó thực hiện đối với cạnh tranh.

Xác định thị trường liên quan là công cụ phân tích được áp dụng rộng rãi  để xem xét và đánh giá các quan ngại về cạnh tranh. Thị trường liên quan phải được xác định theo cách sao cho các quan ngại hạn chế cạnh tranh mà một  doanh nghiệp đối mặt, nghĩa là sự thay thế về phía cầu và cung phải được nắm bắt một cách chính xác nhất có thể. Thị trường liên quan thường được xác định bằng cách áp dụng phép thử nhà độc quyền giả định (còn được gọi là phép thử SSNIP), theo đó thị trường bao gồm tất cả các sản phẩm và khu vực địa lý mà một nhà độc quyền giả định tối đa hóa lợi nhuận khi áp đặt mức tăng giá nhỏ nhưng đáng kể liên tục trong một khoảng thời gian nhất định.

Xác định thị trường còn nhằm mục đích xác định phạm vi cạnh tranh trên thị trường. Mục tiêu chính của việc xác định thị trường là đánh giá sự tồn tại, tạo  ra hoặc củng cố sức mạnh thị trường, được định nghĩa là khả năng của doanh nghiệp trong việc định giá trên mức giá cạnh tranh trong dài hạn. Thị phần của các doanh nghiệp tương ứng có thể cung cấp chỉ báo về sức mạnh thị trường. Việc xác định thị trường liên quan cũng tạo điều kiện thuận lợi để xác định các đối thủ cạnh tranh và hữu ích trong việc đánh giá rủi ro gây ra tác động kết hợp tiềm ẩn của việc tập trung kinh tế. Ngoài ra, việc xác định lĩnh vực cạnh tranh cũng cho phép đánh giá các vấn đề cạnh tranh liên quan khác, chẳng hạn như các rào cản gia nhập hoặc mở rộng thị trường. Ngay cả khi không có sẵn dữ liệu cần thiết để thực hiện phép thử nhà độc quyền giả định, thì phép thử này cũng đưa ra một khuôn khổ khái niệm nhất quán để xác định thị trường liên quan. Vai trò của việc xác định thị trường liên quan còn vượt ra ngoài phạm vi đánh giá, quan ngại về cạnh tranh. Kết quả xác định thị trường liên quan còn được sử dụng làm cơ sở để tính toán mức phạt, ước tính tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam

Tuy nhiên, xác định thị trường liên quan là một nhiệm vụ phức tạp và tính phù hợp của nó cũng có thể được đặt ra trong một số trường hợp nhất định.

Các quan ngại này liên quan chủ yếu đến ngưỡng giá trị của thị phần và mức độ  tập trung (tích tụ) trên một số loại thị trường cụ thể.

Ở một số thị trường, thị phần và mức độ tập trung có thể đánh giá quá cao hoặc quá thấp sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp và tác động cạnh tranh tiềm ẩn. Chẳng hạn:

(i) Ở các thị trường sản phẩm khác biệt, cường độ cạnh tranh và sự thay thế giữa các sản phẩm là một chỉ số quan trọng hơn về sức mạnh thị trường so với thị phần trong việc đánh giá tác động của việc sáp nhập.

(ii) Tương tự như vậy, trong lĩnh vực đấu thầu hoặc đấu giá, sự gần gũi về cạnh tranh giữa các nhà thầu có xu hướng trở thành một khái niệm mang tính thông tin nhiều hơn trong các trường hợp sáp nhập.

(iii) Việc xác định thị trường liên quan rất khó áp dụng đối với các thị trường hai mặt, liên quan đến các nền tảng phục vụ các nhóm người dùng khác nhau với sự hiện diện của các hiệu ứng mạng gián tiếp.

(iv) Đối với các ngành thể hiện sự đổi mới nhanh chóng, ranh giới của  bất kỳ thị trường nào đã được xác định cũng có thể không ổn định và thị phần do  đó có thể thay đổi nhanh chóng theo thời gian.

Trong trường hợp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền, thị phần ở thời điểm hiện tại có thể không phải là một chỉ số đáng tin cậy về sức mạnh thị trường nếu doanh nghiệp đã tăng giá đáng kể trên mức giá cạnh tranh. Trong các vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh đã xảy ra trong quá khứ như vậy, xác định thị trường liên quan là có vấn đề vì một mức giá giả định không quan sát được đã được sử dụng trong xác định thị trường liên quan. Nếu sử dụng các mức giá hiện thì thị trường được xác định trong một khoảng thời gian quá rộng; do đó, không xác định được các tình huống mà doanh nghiệp đã lạm dụng sức mạnh thị trường. Trường hợp này được gọi là hội chứng “Cellophane fallacy”.

Để khắc phục những hạn chế nhất định của việc xác định thị trường liên quan, các công cụ mới đã được phát triển. Các chỉ số áp lực định giá và các công cụ khác đã được đề xuất áp dụng để đánh giá sơ bộ về việc tập trung kinh tế. Đối với các trường hợp lạm dụng vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền, bằng chứng liên quan đến tác động trực tiếp của hành vi phản cạnh tranh hoặc bằng chứng kết luận khác về sự lạm dụng sức mạnh thị trường cũng được đề xuất áp dụng.

Các chỉ số áp lực định giá (Pricing pressure indices) gần đây đã được phát triển như một công cụ sàng lọc ban đầu trong phân tích sáp nhập, đặc biệt đối với các trường hợp liên quan đến thị trường sản phẩm khác biệt, tuy nhiên, chúng không dự đoán được mức độ của các tác động cạnh tranh. Những hạn chế khác của các chỉ số áp lực định giá bao gồm: thiếu xem xét các động lực tiềm ẩn của nguồn cung và các vấn đề liên quan đến việc đo lường tỷ lệ chuyển hướng và tỷ suất lợi nhuận.

Ngoài chỉ số áp lực định giá, các công cụ khác có thể được sử dụng trong các tình huống cạnh tranh cụ thể. Các phiên bản đơn giản hóa của mô hình mô phỏng sáp nhập có thể được sử dụng làm công cụ sàng lọc bước đầu, trong khi đó, các mô hình đầy đủ không thường xuyên được sử dụng do yêu cầu lượng dữ liệu lớn và độ phức tạp. Một cách tiếp cận khác được phát triển gần đây bao gồm tách biệt cầu chung và các yếu tố chi phí cấu thành giữa giá của hai sản phẩm có khả năng thay thế cho nhau và sau đó kiểm tra phần còn lại. Trong các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, thay vì xác định vị trí thống lĩnh bằng cách xem xét các ngưỡng thị phần, người ta đề xuất bỏ qua việc xác định thị trường liên quan và vị trí thống lĩnh bằng cách xem xét các tác động trực tiếp của hành vi vi phạm. Trong khi các công cụ mới được thiết kế nhằm giải quyết những hạn chế trong việc xác định thị trường liên quan đối với những trường hợp và tình huống đặc biệt, thì có có nhiều thị trường, chẳng hạn như thị trường có sự cạnh tranh về số lượng thì thị phần vẫn là chỉ số phản ánh tốt nhất hiện có. Nếu các công cụ mới được áp dụng đối với các trường hợp không phù hợp với thiết kế của công cụ này thì có thể dẫn đến kết quả không đáng tin cậy và thậm chí có thể sai.

Tính khả thi và thời gian để áp dụng các công cụ mới trong xác định thị trường liên quan có sự khác nhau giữa các khu vực tài phán; phụ thuộc cả vào vị trí của một đạo luật cụ thể trong hệ thống phân cấp nguồn luật và loại hệ thống thực thi. Xác định thị trường liên quan là một khái niệm được xác định rõ tạo sự chắc chắn về pháp lý; ngược lại, các công cụ mới có thể cải thiện mức độ chính xác để đổi lại cho sự chắc chắn về pháp lý.

Việc áp dụng các công cụ bổ sung hoặc thay thế có thể khó thực hiện hơn ở  các khu vực tài phán nơi khái niệm thị trường liên quan đã được quy định cụ thể trong pháp luật cạnh tranh, vì việc bỏ qua việc xác định thị trường liên quan đòi hỏi phải sửa đổi hoặc loại bỏ các quy định của pháp luật hiện hành, ngược lại, dễ dàng thực hiện hơn ở các khu vực tài phán chú trọng nhiều hơn đến yếu tố sức mạnh thị trường. Trong các trường hợp trước đây, khái niệm “thị trường liên quan” có thể được trình bày rõ ràng trong các văn bản luật thành văn, bao gồm luật cũng như các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của luật cạnh tranh, theo đó, có thể đưa ra định nghĩa, quy định phương pháp, thủ tục áp dụng hoặc dẫn chiếu đến khái niệm này. Ví dụ, ở Đức và Mexico, xác định thị trường liên quan là điều kiện tiên quyết về mặt pháp lý, trong khi ở Chile, luật không đưa ra yêu cầu đối với việc xác định thị trường liên quan cũng như không chỉ định phương pháp luận cho việc xác định thị trường liên quan.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có yêu cầu pháp lý, cơ quan cạnh tranh vẫn có thể thiết lập nghĩa vụ xác định thị trường liên quan trong án lệ luật. Ví dụ, khi án lệ yêu cầu bằng chứng về vị trí thống lĩnh thị trường trước khi phân tích, đánh giá các hành vi phản cạnh tranh, thì bằng chứng trực tiếp về tác hại của hành vi có thể không phải là sự thay thế đầy đủ cho xác định thị trường liên quan. Việc đi trệch khỏi án lệ có thể khó khăn và cũng phụ thuộc vào loại hệ thống thực thi. Ở các quốc gia áp dụng hệ thống thông lệ luật, khả năng thiết lập các tiền lệ mới có thể lớn hơn so với các quốc gia có hệ thống luật hành văn, vốn dựa vào việc giải thích luật.

Hậu quả pháp lý của việc bỏ qua bước xác định thị trường liên quan có thể là sự thiếu chắc chắn liên quan đến các tiêu chuẩn sẽ chi phối việc đánh giá các quan ngại cạnh tranh và tác động của nó.

Xác định thị trường liên quan là một cách tiếp cận được chấp nhận và sử dụng rộng rãi ở hầu hết các khu vực tài phán và đã được áp dụng phổ biến trong một khoảng thời gian đáng kể. Thực tế, xác định thị trường liên quan không phụ thuộc vào án lệ, miễn là thị trường không thay đổi đáng kể, cho phép các bên tham gia thị trường tự đánh giá chính xác hơn vì xác định thị trường liên quan có giá trị ưu tiên. Ngược lại, các công cụ được phát triển gần đây hơn chỉ được thiết kế để áp dụng cho các trường hợp cụ thể và có thể chưa đủ chín và đủ mạnh về mặt kinh nghiệm để tạo ra cơ sở lý luận và pháp lý vững chắc. Sự tồn tại của nhiều phương pháp cho phép các cơ quan cạnh tranh lựa chọn công cụ thích hợp nhất để áp dụng cho một trường hợp cụ thể, nhưng sự tùy tiện này cũng có thể là nguồn gốc của sự không chắc chắn về pháp lý, đặc biệt khi các phương pháp khác nhau có thể dẫn đến kết quả trái ngược nhau.

Ngày càng nhiều các khu vực tài phán đang xem xét lại vai trò của việc xác định thị trường liên quan và áp dụng các cách tiếp cận mới để khắc phục những hạn chế của nó trong các trường hợp cụ thể. Một số quốc gia đã nhấn mạnh rằng định nghĩa thị trường tự nó không phải là tất cả, không cần phải là bước đầu tiên trong bất kỳ phân tích cạnh tranh nào cũng như không cần phải được sử dụng trong mọi trường hợp. Thay vì xóa bỏ việc xác định thị trường liên quan, hầu hết các khu vực pháp lý bổ sung thêm các cách tiếp cận mới.

Có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan cạnh tranh về vai trò của việc xác định thị trường liên quan trong những trường hợp khái niệm này bị công kích. Mặc dù xác định thị trường liên quan thường được coi là một cách tiếp cận hữu ích ở tất cả các khu vực pháp lý, nhưng có nhiều cơ quan cạnh tranh ngày càng xem nhẹ vai trò của việc xác định thị trường liên quan và xem xét áp dụng các cách tiếp cận mới trong những trường hợp mà việc xác định thị trường liên quan theo phương thức truyền thống bị phát hiện có vấn đề.

Ở một số khu vực pháp lý, cơ quan cạnh tranh đã áp dụng các công cụ mới để bổ sung hoặc thay thế cho xác định thị trường liên quan. Hướng dẫn Kiểm soát sáp nhập theo chiều ngang của Hoa Kỳ năm 2010 nêu rõ rằng xác định thị trường liên quan chỉ là một trong nhiều công cụ hiện có để đánh giá tác động cạnh tranh, áp dụng các công cụ kinh tế phức tạp hơn mà không dựa trên xác định thị trường liên quan đối với các trường hợp động lực cạnh tranh nhất định và chỉ ra rằng việc phân tích các tác động cạnh tranh không nhất thiết phải bắt đầu từ xác định thị trường liên quan.

Bên cạnh đó, các hướng dẫn sửa đổi này cho phép sử dụng bằng chứng trực tiếp về các hành vi phản cạnh tranh và nêu chi tiết các loại bằng chứng được chấp nhận. Tại Vương quốc Anh, Hướng dẫn đánh giá sáp nhập sửa đổi cũng phản ánh sự chuyển dịch từ việc xác định thị trường liên quan sang phân tích cường độ cạnh tranh. Việc áp dụng các kỹ thuật mới ở cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã dẫn đến một bức tranh hỗn hợp với một số trường hợp làm dấy lên lo ngại liệu các công cụ mới có thực sự không có vấn đề không và ngược lại. Một số cơ quan cạnh tranh khác cũng đang tăng cường xem xét các cách tiếp cận mới, chẳng hạn như ở Ireland hiện cũng đang rà soát, xem xét các hướng dẫn kiểm soát sáp nhập.

Trong tất cả các khu vực pháp lý, bất kể áp dụng công cụ phân tích cụ thể nào, một số khía cạnh liên quan khác như phạm vi thời gian hoặc các rào cản gia nhập và mở rộng thị trường vẫn được xem xét trong phân tích tác động cạnh tranh.

Nhìn chung, các cơ quan cạnh tranh thường có xu hướng áp dụng các công cụ mới để bổ sung hơn là thay thế cho việc xác định thị trường liên quan. Việc bổ sung các công cụ mới này có thể được củng cố về phương pháp luận và dữ liệu tương tự như phương pháp luận và dữ liệu trong xác định thị trường liên quan, như trường hợp các chỉ số áp lực định giá. Tuy nhiên, cơ quan cạnh tranh cũng gặp thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu về tính rõ ràng trong trình tự thủ tục và lựa chọn kỹ thuật giữa các công cụ mới và xác định thị trường liên quan. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu thêm để tinh chỉnh các công cụ mới nhằm cải thiện độ tin cậy và độ bền của chúng cũng như đánh giá hiệu suất của chúng so với xác định thị trường liên quan. Để áp dụng các công cụ mới một cách hiệu quả cũng có thể đòi hỏi các kỹ năng và nguồn lực mà các cơ quan cạnh tranh và cán bộ thực thi chưa có sẵn. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan cạnh tranh ở Na Uy chẳng hạn đã hợp tác với một trường đại học để đào tạo chuyên môn trong việc áp dụng các công cụ mới một cách thích hợp và lập ra một nhóm nội bộ để chia sẻ kiến thức về những phương pháp mới này.

Các cơ quan tư pháp cũng ngày càng nhận thức được những hạn chế của việc xác định thị trường liên quan. Ví dụ, trong các phán quyết của Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu, sự thay đổi theo hướng tiếp cận ít chính thức hơn đã được quan sát thấy từ đầu những năm 1990. Xác định thị trường liên quan được coi là có “ý nghĩa thiết yếu” trong các vụ việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, nhưng có thể được áp dụng trong các vụ việc liên quan đến hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Tại Hoa Kỳ, các tòa án đôi khi cũng sử dụng bằng chứng về tác hại trực tiếp để đánh giá sự hợp tác giữa các đối thủ cạnh tranh, trong khi chứng cứ này không được sử dụng rộng rãi để đánh giá hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh mang tính chất loại trừ và không có thương vụ tập trung kinh tế nào bị cấm thực hiện mà không xác định thị trường liên quan.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ, tạo ra những lợi ích và sự khác biệt trong phương thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng tạo ra thách thức đối với cơ quan cạnh tranh để tìm ra cách tiếp cận mới phù hợp để xác định thị trường liên quan trong các trường hợp có liên quan đến thương mại điện tử, đặc biệt là các nền tảng kỹ thuật số đa diện, bởi các phương pháp xác định thị trường liên quan truyền thống không phù hợp đối với những trường hợp này, thậm chí có thể dẫn đến kết quả sai.

Nhận thức về sức mạnh thị trường   

Tại Việt Nam, thuật ngữ “sức mạnh thị trường”, “sức mạnh thị trường đáng kể” lần đầu tiên mới được đưa vào giới thiệu trong Luật Cạnh tranh 2018. Trước đó, Luật Cạnh tranh năm 2004 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này chưa từng đề cập đến thuật ngữ “sức mạnh thị trường”.

Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh năm 2018 hiện chưa có quy định nào giải thích cho thuật ngữ “sức mạnh thị trường” hay “sức mạnh thị trường đáng kể”. “Sức mạnh thị trường đáng kể” được đề cập đến như một trong hai tiêu chí để xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 24 Luật Cạnh tranh năm 2018.

Sức mạnh thị trường là một thuật ngữ kinh tế. Theo Từ điển thuật ngữ kinh tế tổ chức công nghiệp và luật cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), “sức mạnh thị trường đề cập đến khả năng của một doanh nghiệp (hoặc một nhóm doanh nghiệp) trong việc tăng và duy trì giá trên mức giá phổ biến trong cạnh tranh”. Tuy không đưa ra định nghĩa sức mạnh thị trường, nhưng khoản 1 Điều 26 Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định các yếu tố để xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp như sau: “Sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:

a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;

b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;

c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;

d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;

đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;

e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;

g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;

h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;

i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.”

Phương pháp và các yếu tố xác định sức mạnh thị trường đáng kể được quy định chi tiết tại Điều 12 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP.

Theo cách tiếp cận hiện nay của pháp luật cạnh tranh Việt Nam, đánh giá sức mạnh thị trường đáng kể là một trong các cấu phần bắt buộc cần phải chứng minh trong các vụ việc liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, nhất là đối với những thị trường mà ngưỡng thị phần không phản ánh chính xác về vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sức mạnh thị trường còn là yếu tố cần thiết phải xem xét trong quá trình đánh giá, kiểm soát tập trung kinh tế hoặc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của hành vi thỏa thuận.

Pháp luật cho phép đánh giá sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp dựa trên một số yếu tố, có nghĩa là ít nhất hai trong số các yếu tố được liệt kê tại khoản 1 Điều 26 Luật Cạnh tranh năm 2018. Tuy nhiên, cơ quan cạnh tranh căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, đặc thù của thị trường hàng hóa, dịch vụ nhất định để phân tích, đánh giá các yếu tố phù hợp để chứng minh sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp. Việc đánh giá mỗi yếu tố trong số các yếu tố có thể được xem xét để xác định sức mạnh thị trường đáng kể cũng có thể phụ thuộc vào đặc thù thị trường và tình huống cụ thể.

Lĩnh vực thương mại điện tử với vai trò ngày càng quan trọng của dữ liệu người dùng, hiệu ứng mạng lưới và xu hướng hình thành hệ sinh thái có thể khiến cho cách tiếp cận xác định sức mạnh thị trường đáng kể trong các thị trường có liên quan đến thương mại điện tử, đặc biệt là thị trường của các nền tảng kỹ thuật số đa diện khác với xác định sức mạnh thị trường đáng kể trên các thị trường truyền thống.

SOURCE: Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương

Trích dẫn từ:

http://www.vcca.gov.vn/default.aspx?page=news&do=detail&category_id=4ef1c465-09a3-4747-8ce6-1825ac49aa7d&id=9bb4f729-4892-438d-a35a-027ccf61cefa