Vì sao gọi thùy mà không phải trâm

Đã 45 năm trôi qua nhưng trong ký ức tôi vẫn còn lưu giữ mãi những kỷ niệm tình bạn bè đồng môn với Thùy Trâm. Bởi vì, ở chị nghị lực sống và làm việc, tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khổ nơi đạn bom khốc liệt, lòng yêu đời, tình cảm chân thành và tha thiết với bạn bè... đã chinh phục chúng tôi. Nhân 36 năm ngày chị hy sinh (22/6/1970-22/6/2006), tôi ghi lại đôi điều về chị...

“Cây thuỳ dương” giữa bạn bè

Sau khi học lớp 7, Trường phổ thông cấp 2 Lam Sơn, thị xã Thanh Hóa, Thùy Trâm theo gia đình ra sống ở Hà Nội và học Trường cấp 3 Chu Văn An. Thế là chúng tôi tạm thời xa nhau nhưng vẫn viết thư thăm nhau.

Vào một ngày hè năm 1961, sau kỳ thi tốt nghiệp lớp 10, Thùy Trâm từ Hà  Nội vào Thanh Hóa thăm chúng tôi. Chúng tôi tụ tập ở nhà một người bạn, cùng hàn huyên chuyện trò cho bõ những ngày xa cách. Chúng tôi trao đổi với nhau về học tập, về ý thích ngành nghề, những ai đăng ký và chuẩn bị thi vào trường nào... Mọi người đều biết rằng Thùy Trâm hát rất hay, trong sổ tay chị luôn mang theo bên mình nhiều bài hát cả “nội” lẫn “ngoại” nên tất cả đều yêu cầu Thùy Trâm hát để được nghe lại giọng họa mi du dương và ấm áp sau mấy năm xa nhau. Thế là “chim sơn ca” (như mọi người thường gọi chị) đáp ứng ngay yêu cầu của các bạn.

Bài ca hy vọng, Con kênh xanh xanh, Quê em, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Câu hò bên bờ Hiền Lương... được Thùy Trâm hát lên rất tự nhiên và nhiệt tình, còn chúng tôi thì vỗ nhịp và khẽ hát theo. Đặc biệt, mấy bài hát của Italia và Nga đã thật sự thôi miên chúng tôi. Và cũng từ đó, chúng tôi thường gọi Thùy là “Cây thùy dương”. “Chất xúc tác” cho buổi hội ngộ này là một nồi khoai luộc bự và mấy bánh “chè lam” đặc sản xứ Thanh.

Sau khi kết thúc cuộc “gặp gỡ liên hoan tinh thần” đó, chúng tôi tiễn chị ra tàu để về Hà thành. Hồi đó, tuyến đường tàu hỏa vào phía trong chỉ mới tới được đầu cầu Hàm Rồng phía Bắc. Thế là, 10 người trên 5 con “ngựa sắt” đi  mượn thành một đoàn “dung dăng dung dẻ” tiễn bạn từ thị xã ra tới ga tàu – một chặng đường gần 5km. Trước khi chia tay, tôi bắt tay Thùy Trâm: “Nhớ viết thư cho bọn mình, “Thùy Dương” nhé!”. Và tất cả chúng tôi đều vỗ tay, tiễn Thùy cho tới lúc tàu rời ga...

Nhỏ mà không yếu

Cho tới nay tôi vẫn còn nhớ như in một câu chuyện khá ngộ nghĩnh và đã nhiều lần kể lại với mấy người bạn, cũng như với các em gái của Thùy Trâm. Chuyện xảy ra trên đường đê Gia Thượng – đoạn dọc bờ Bắc sông Hồng tới chân cầu Long Biên.

Hồi ấy, chúng tôi được tập trung học ngoại ngữ (tiếng Nga, Đức, Trung Quốc) ở Trường bổ túc ngoại ngữ đóng tại Gia Quất, thuộc xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm để chuẩn bị đi học nước ngoài. Ngày chủ nhật được nghỉ thì sau tiết cuối buổi chiều thứ bảy, những ai có bà con ruột thịt, hay bạn thân ở Hà Nội đều về thăm, tối chủ nhật quay lại trường cho kịp sáng thứ hai lên lớp.

Vào một chiều tối thứ bảy ngày gần cuối năm 1961, tôi đang hăm hở rảo bước “péscôm” (đi bộ – từ mà chúng tôi thường nói vui với nhau) về Hà Nội. Riêng đoạn đường này từ trường “trèo” lên đê Gia Thượng để tới chân cầu Long Biên đã gần 5km. Bỗng nghe phía sau lưng có tiếng xe đạp có vẻ chậm chạp và nặng nề, tôi quay lại thì thật không ngờ: Thùy đang gò lưng chở một người con trai cao to, ngồi trên đèo hàng.

Thấy tôi quay lại nhìn, chị dừng xe lại chào. Tôi nói vui: “Thùy giỏi quá,  khỏe quá!... À, mà sao anh Trước lại để “người ta” đèo thế kia? Trai nam nhi...”. Nghe đến đó, Thùy Trâm đỏ mặt và cười có vẻ xấu hổ. Để “trả đũa”, Thùy Trâm liền hỏi tôi: “Sao anh Dy không có ai tới đón à? “nghèo” thế?”. Tôi liền đáp ngay, cũng hơi mất tự nhiên: “Không phải là không có mà là chưa có... Thôi, hai vị đi trước đi cho kịp...”.

Câu chuyện “thăm hỏi nhau” tình cờ ấy chỉ gần một phút. Tôi vừa rảo bước vừa nhìn xe và người từ từ khuất dần phía trước. Đúng là lúc đó tôi thật ngạc nhiên, không hiểu anh Trước có bị ốm không mà Thùy Trâm phải chở xe đạp... Nhỏ nhẹ ở phía trước, to nặng ở phía sau thì làm sao mà con “ngựa sắt” không “chạy” chậm và ngung ngoăng lảo đảo như người say rượu được?--PageBreak--

Về sau, khi kể lại cho bà mẹ và hai người em gái của Thùy Trâm, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, hồi đó học sinh và sinh viên như chúng tôi có mấy ai biết đi xe đạp. Chỉ đơn giản là làm gì có tiền để mua xe. Nếu ai có xe đạp pơgirô hay phavơrít là đã quá “oách”, và quá sang rồi. Ai có bà con ruột thịt có xe đạp thì may ra mới “mượn” được để tập. Có điều, từ cuộc gặp gỡ đó, tôi càng cảm phục Thùy Trâm về “sức mạnh” của chị, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Người em trai út trong lòng bạn bè

Chị Thùy Trâm có 3 em gái và 1 em trai út là Hồng Quang. Hồng Quang là “cục vàng mười” không chỉ của gia đình mà còn của cả dãy nhà tập thể Trường Cán bộ Y tế ở Giảng Võ ngày ấy. Nhưng không vì được coi là “vàng” mà cậu út này phụ lòng chăm chút của bố mẹ và các chị. Trái lại Hồng Quang là một đứa con ngoan của gia đình, người học trò xuất sắc và mẫu mực của nhà trường.

“...Thành tích học tập của Quang thật xuất sắc, bạn thường xuyên tham gia các kỳ thi học sinh giỏi của thành phố cả môn văn lẫn toán và được chọn đi dự Trại hè thiếu nhi quốc tế Artek bên bờ Biển Đen. Quang còn là một hạt nhân văn nghệ của trường, là tay đàn accordéon cự phách, thường xuyên đệm cho hầu hết các tiết mục trong các buổi liên hoan văn nghệ của trường, đồng thời bạn lại có giọng hát thật hay...” - (Nguyễn Mạnh Hà, Công ty Nhất Nam, Hà Nội).

“...Với chúng tôi, Quang mãi mãi là chàng trai 24 tuổi, thông minh, tài hoa, chân tình, một người dù đã ra đi hơn 20 năm nhưng vẫn còn để lại dấu ấn tình bạn ấm áp trong trí nhớ của nhiều người, trong đó có tôi...” - (Nguyễn Thu Thủy, Ohio, Mỹ).

Hồng Quang tài hoa là thế, chân thành, sống hết mình với bạn bè, với đời là thế nhưng thật tiếc thay, Quang đã ra đi đột ngột do một cơn bạo bệnh nơi đất khách quê người! Các bạn học của Quang ở Moskva và nhiều thành phố khác của Liên Xô đã về đây tiễn biệt người bạn thân yêu của mình trong nỗi tiếc thương vô hạn.

Quả thật, chị Thùy Trâm và người em trai út của mình có nhiều điểm cơ bản rất giống nhau: sống hết mình vì công việc, vì mọi người, chân thành tha thiết với tình bạn... và đặc biệt là thiết tha yêu đời trong mọi hoàn cảnh.

Hồng Quang là một trong số rất hiếm thanh niên được kết nạp Đảng thời sinh viên ở tuổi 22. Quang lại tốt nghiệp đại học “bằng đỏ” (năm 1984), được nhà trường bạn giữ lại làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Dự Trại hè thiếu nhi quốc tế Artek năm 1977, dự Liên hoan sinh viên quốc tế ở Ba Lan năm 1983, Hồng Quang là người chủ trò văn nghệ của đoàn Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Khi nói với chúng tôi về chị Thùy Trâm và em Hồng Quang, Kim Trâm – người em gái chót của chị Thùy Trâm bất giác thổn thức: “Trong 5 chị em chúng em thì chị cả và em trai út là tài hoa và tốt nhất, nhưng lại chịu bất hạnh nhất và ra đi quá sớm!...”.

Có lẽ vì quá thương tiếc người thân và cũng còn do khiêm tốn nên Kim Trâm đã “bỏ sót” mình và hai chị em gái còn lại. Thực ra, Phương Trâm, Hiền Trâm và Kim Trâm đều là những cán bộ tốt và thành đạt, luôn xứng đáng với lòng mong mỏi của cha mẹ, xứng đáng với người chị cả và em út của mình

Nguyễn Hữu Dy

(Cadn.com.vn) - Tôi gặp chị Hiền Trâm ở cố đô Huế. Đây chính là quê hương của bác sĩ, Anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị Hiền Trâm kể: “Chị Đặng Thùy Trâm là chị cả, tôi kém chị 10 tuổi. Mẹ tôi có 5 người con. Bà là giảng viên dạy Trường Y Dược, suốt ngày nghiên cứu, giảng dạy, nên chị Thùy Trâm gần như thay mẹ để dạy dỗ mấy đứa chúng tôi.

Có lẽ do cha mẹ tôi có ước muốn sinh con trai, nên khi tôi ra đời tính tình hơi giống cái thằng, đến lớp quậy phá, nghịch ngợm, không lo học hành. Cô giáo mách chị, tôi tưởng chị mắng mỏ như những người khác, nhưng không, chị dịu dàng, kiên trì khuyên bảo. Chị cả vào năm thứ nhất đại học thì tôi mới vào lớp 1. Vốn ương bướng, nếu chị không lấy xe đạp đèo đi học mỗi ngày thì tôi cũng bỏ bê việc học. Năm tôi lên lớp 6, tôi và 2 đứa em theo gia đình đi sơ tán chiến tranh ở Tuyên Quang. Chị thứ hai - Phương Trâm-đi học Đại học Nông nghiệp ở Lạng Sơn. Trước ngày đi B, chị Thùy Trâm lặn lội đi hàng trăm cây số, đến một xóm nhỏ dưới chân núi Là của Tuyên Quang để thăm 3 chị em tôi.

Chị dặn dò tôi phải trông 2 em nhỏ, rồi chị dẫn tôi ra TX Tuyên Quang chụp ảnh. Đây là bức ảnh cuối cùng chị chụp ở miền Bắc; ảnh này, chị mang theo vào Nam. Trong Nhật ký, chị hay nhớ lại những thời gian mấy chị em chúng tôi sống êm đềm bên nhau, cùng nhau trang trí nhà cửa, cắm những bông hoa đồng nội. Vẫn biết rằng chiến tranh là khốc liệt, nhưng tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng những năm tháng ấy, chị chịu quá nhiều gian truân, vất vả, và giữa cái chết- sự sống là ranh giới rất  mong manh.

Vì sao gọi thùy mà không phải trâm

2 chị em Thùy Trâm-Hiền Trâm trước lúc Thùy Trâm đi B.

 

Rất nhiều người đọc Nhật ký của chị có cảm giác như đọc nhật ký của mình, ở mỗi trang, họ đều như thấy có mình trong đó. Với người trí thức vốn có cuộc sống êm đẹp ở đô thị, khi ở chiến trường gặp quá nhiều gian khổ, ngoài việc thắng giặc, họ còn phải chiến thắng cả bản thân mình. Chị nhớ nhung cuộc sống êm đẹp và khao khát cháy bỏng là có hòa bình, không còn chết chóc đau thương. Chị xót xa cho những đứa trẻ trên đất Đức Phổ gần như chưa biết bình yên và no ấm.

Quảng Ngãi, mảnh đất kiên cường, con người nghĩa khí, đồng bào cách mạng, nhân hậu đùm bọc, chở che cho bộ đội như chị cả tôi hoạt động công tác, chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nơi ân tình mà gia đình tôi biết ơn. Tôi về Quảng Ngãi đã nhiều  lần, ngay từ những ngày mới giải phóng, gia đình tôi đã tìm vào chiến địa - nơi chị tôi ngã xuống-và đưa hài cốt chị tôi từ trên núi xuống Nghĩa trang liệt sĩ, sau đó đưa ra Hà Nội. Lần nào về Quảng Ngãi, tôi cũng được gặp những thương, bệnh binh, những bệnh nhân mà chị cả tôi - bác sĩ Đặng Thùy Trâm- cứu chữa như anh Kiên, anh San, chị Cho, chị Ninh... chắp nối những câu chuyện về chị, về chiến trường khốc liệt Đức Phổ. Tôi vô cùng cảm động vì hình ảnh chị còn đọng lại trong lòng dân Quảng Ngãi.

Sau này, Báo Tuổi Trẻ có cuộc vận động tuổi trẻ cả nước quyên góp ủng hộ xây dựng thành công công trình Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, tôi về dự lễ khánh thành, có cảm giác như có bóng dáng chị ở trong ấy. Cấu trúc Bệnh xá như bàn tay xòe ra nâng đỡ mọi người, tượng đá mỹ thuật khắc vào trời xanh hình ảnh chị đội nón lá, nghiêng nghiêng mái đầu, bước chân sải về phía trước là hình ảnh đẹp của người bác sĩ luôn tìm đến cứu chữa đồng đội, đồng bào, bất kể cái chết của bom đạn rình rập bên mình.

Chị cả Đặng Thùy Trâm của gia đình chúng tôi hy sinh cả tuổi trẻ trung trinh nhất, trong sáng nhất cho cuộc kháng chiến, phục vụ đồng chí, đồng đội, đồng bào. Tấm lòng của chị, ý chí của chị, khát vọng của chị thấu đến bao người, bao tấm lòng, kể cả những người khác chiến tuyến, ở bên kia nửa vòng trái đất. "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và gây tiếng vang ở nhiều nước (Anh, Italia, Rumani, Thái Lan, Hàn Quốc... ). Một cuốn sách nhỏ với hình ảnh người con gái hiền dịu giữa cánh đồng lúa xanh và với một tiêu đề Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình đã làm rung động bao trái tim của những người nhân hậu trên thế giới và nhiều người đã thốt lên: Ôi Việt Nam vì sao lại phải có chiến tranh?!

Vì sao gọi thùy mà không phải trâm

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở Quảng Ngãi. Ảnh: L.H

Chị ra đi cho sự nghiệp giải phóng đất nước nhưng với gia đình chúng tôi, chị còn sống mãi và luôn dõi theo, động viên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn. Ngày chị hy sinh, bọn trẻ con nhà chúng tôi chưa ra đời, nhưng sinh nhật bác cả thì chúng biết, chúng đều nghĩ bác cả còn sống. Các cháu luôn nhớ công ơn của bác Thùy, bác vì đất nước hy sinh thì các cháu cũng vì nước, phải học giỏi.

Rất nhiều người nói, cuộc đời và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" làm sống lại một thời kỳ hào hùng của một thế hệ chống Mỹ cứu nước. Và tấm lòng của nhiều người trên cả nước đã liên lạc đến mẹ Doãn Ngọc Trâm để chia sẻ. Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 vừa qua, có nhiều người gọi điện thoại đến chúc mừng, có người còn kể rằng ngày nào trước khi đi ngủ cũng đọc vài trang "Nhật ký Đặng Thùy Trâm".  Có một bác bộ đội hưu, từ quê mang su hào, bắp cải lên Hà Nội bán và bác để dành một cân cam do chính tay bác trồng đem thắp hương tại mộ chị ở Nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm... Trên mộ của chị Thùy lúc nào cũng vương vấn khói nhang và những bông hoa trắng trinh nguyên của bạn bè mọi miền đất nước và cả bạn bè trên thế giới, của những người cựu chiến binh, những người khao khát hòa bình.

Người dân của xã Phổ Cường và những nơi chị Thùy chiến đấu, công tác, nhìn chung còn nghèo. Trên đường lên bệnh xá nơi chiến trường xưa - nơi chị Thùy từng đi cứu chữa cho đồng chí, đồng đội, đồng bào, tôi gặp nhiều người dân tộc H’re. Có một người đàn bà lớn tuổi chạy theo nói với tôi: “Mình hồi ấy 17-18 tuổi, mình biết bác sĩ Trâm. Nó tốt lắm, chữa bệnh cho cả làng mình. Thuốc của nó tốt, cái tay của nó cũng tốt lắm, cho thuốc uống hết bệnh liền”. Tôi thấy bà ấy còn "hoang sơ" lắm như cái vùng ấy vẫn còn nghèo nàn...  Mong ước làm sao cho những con người ấy -  những người đã che chở cho chị tôi, cho bộ đội trong thời chiến-giờ đây hòa bình có được một cuộc sống no đủ... 

Câu chuyện của chị Hiền Trâm cứ nhỏ nhẹ đều đều. Mưa xứ Huế cứ rơi rơi mãi. Và điều đặc biệt là nơi chúng tôi ngồi nói chuyện lại chính là ngôi nhà của họ Đặng, ảnh thờ chị Đặng Thùy Trâm là bức ảnh thời học sinh tóc chấm ngang vai sao mà dịu dàng, xinh đẹp đến thế. Chị Hiền Trâm buồn buồn nói: “Anh nhìn xem bức bình phong trước vườn nhà tôi có dòng chữ “Phương Viên Quán” với hàm ý của cha ông chúng tôi mong rằng cả nhà tụ họp với niềm vui, vậy mà giờ đây người còn người mất. Kẻ Bắc, người Nam... Nhưng cũng may, lần này tôi về Huế với một niềm vui là thành phố đã giúp đỡ chúng tôi để tôn tạo lại ngôi nhà thờ họ Đặng và tôi mong rằng đây sẽ là nơi tụ họp, gửi gắm của những ước mơ hòa bình và êm dịu của xứ Huế".

Đặng Hiền Trâm (kể)

Lê Anh Dũng (ghi)