Vì sao nói thực vật giúp điều hòa dòng chảy giảm lũ lụt

Kè sông ĐăkBLa - Kon Tum. Ảnh N.Đang
Vai trò quan trọng của những hàng cây xanh không chỉ dừng lại ở sự tô điểm, làm đẹp cho những con đường, những dãy phố mà chúng còn là cỗ máy điều hòa tự nhiên làm giảm đi sự oi nồng trong những ngày nắng nóng. Hơn thế nữa, cây xanh còn là những cỗ máy vệ sinh cần mẫn góp phần làm cho môi trường trong lành, bớt độc hại bởi chúng có khả năng hấp thụ, lọc, hút bớt lượng các chất khí độc hại, chống ô nhiễm, làm sạch không khí, giảm tiếng ồn giúp tránh được những nguy hại cho sức khỏe con người và tạo được quá trình sinh thái bình thường của sinh vật. Theo các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của các nhà khoa học trên thế giới và ở nước ta thì cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ; quét dọn hơi, bụi độc cùng những cặn bã công nghiệp. Chúng có khả năng hút một số chất độc hại như Cácbonic, Anhidric, Sunfua, Fuo, Clo, Amôniắc và trả lại cho khí quyển nhiều dưỡng khí. Cây xanh cũng có tác dụng làm giảm tiếng tiếng ồn. Hiệu quả đó biểu hiện rất rõ rệt ở các loại cây lá bản. Khi các đường phố trồng nhiều cây xanh thì có thể làm giảm trên 50% tiếng ồn so với đường phố không có trồng cây xanh. Những hàng cây trồng đan xen thành nhiều lớp còn có tác dụng chắn gió, hạn chế sự di chuyển của cát bụi giúp bảo vệ mùa màng , hoa màu, cây trái, bảo vệ nhà cửa, làng mạc thôn xóm chống lại gió bão, hạn chế năng lượng sóng. Sau trận sóng thần ngày 26/12/2004 người ta phát hiện ra rằng có những làng còn gần như nguyên vẹn nhờ nằm khuất sau những rặng dừa trồng ven bờ biển.
Khi cây đã mọc thành rừng thì tác dụng của chúng còn lớn hơn nhiều thông qua chức năng đều hòa khí hậu, điều tiết dòng chảy. Đối với độ ẩm, rừng cây là nguồn cung cấp lượng ẩm cho khí quyển thông quá trình thoát hơi từ mặt lá và thân cây. Ở rừng cây lá rộng, trung bình 100kg lá cây mỗi năm bốc hơi từ 78.900 đến 82.520kg nước. Quả là sự vận chuyển hơi nước của cây cối vào trong không khí rất mạnh. Thực vật làm tăng lượng hơi nước chứa trong không khí, làm cho độ ẩm không khí trên tán rừng, trong rừng và xung quanh rừng cao hơn hẳn so với các khu vực không có rừng cạnh đó. Do độ ẩm ở khu vực có rừng cao hơn ở khu vực đất lộ thiên và đồng thời do khu vực rừng cây là một chướng ngại vật mà ma sát khá lớn làm cho dòng không khí bị cưỡng bức đi lên. Do đó trong những điều kiện giống nhau, ở khu vực rừng cây và xung quanh nó rất dễ có mưa và lượng mưa nhiều hơn những nơi không có rừng gần đó. Kết quả quan trắc cho thấy nơi có rừng thì lượng mưa tăng lên từ 6 - 30% [tùy loại rừng]. Ngoài ra bản thân rừng cây cũng tạo thành mưa ngang, tức là những hạt nước do sương mốc, sương mù hình thành đọng lại. Lượng mưa ngang này là nguồn bổ sung lượng ẩm cho rừng và có tác dụng không kém phần quan trọng. Rừng có tác dụng làm giảm dòng chảy từ nước mưa và làm tăng lượng nước chứa trong đất đồng thời bảo vệ đất, chống sói mòn, sụt lở. Ở những vùng đất dốc, nếu canh tác các cây trồng nương dãy thì lượng đất bị bào mòn có thể lên đến trên 300 tấn/ha/năm, nhưng nếu có cây rừng che phủ tốt thì chỉ mất 5 tấn/ha/năm. Rừng cây với những hệ thống gốc rễ của chúng là kho chứa nước, có tác dụng giữ nước, điều hòa và duy trì lưu lượng dòng chảy, làm giảm bớt tốc độ dòng nước, hạn chế được tốc độ dồn nước tập trung gây lũ lụt nhanh. Những khu rừng nhiệt đới với nhiều tầng, cành lá xum xuê, tán dầy có thể che cản dưới 20% lượng nước mưa, chỉ có 35% lượng mưa rơi qua khe lá xuống mặt đất, 45% chảy dọc theo thân cây trong đó 17% ngấm vào vỏ cây, 28% chảy xuống đất. Như vậy chỉ có khoảng trên 60% lượng nước mưa rơi xuống đất. Đến đất, lượng nước này lại dễ dàng ngấm qua lớp thảm mục hoặc theo rễ cây ngấm từ từ xuống đất tạo thành nước ngầm, rồi tập trung vào các mạnh ngầm chảy từ từ ra các khe sâu, suối, chảy vào sông. Do vậy tốc độ dòng chảy của nước trong rừng nhỏ đi, đồng thời tính chất giữ nước và tính chất ngấm nước của đất dưới rừng sâu đều tăng lớn. Theo tính toán, dòng nước chảy trên đất lộ thiên lớn gấp 2 lần trên đất có rừng. Ở các vùng núi, khi có nước lũ chảy tràn, lưu lượng nước từ rừng cây bị chặt phá có thể lớn hơn khu vực có rừng từ 10 đến 20 lần.
Đến nay, Tây Nguyên vẫn được xem là nơi có diện tích và trữ lượng rừng vào hàng cao nhất so với các vùng khác trong cả nước. Sự đa dạng và phong phú với nhiều kiểu rừng có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến tài nguyên thiên nhiên, là tác nhân chính trong việc chống rửa trôi, sói mòn, duy trì nguồn sinh thủy, chắn gió,vv. Với đặc điểm hai mùa mưa lũ và khô cạn tách biệt, rừng đóng vai trò chủ đạo trong việc điều hòa những biến động của tài nguyên nước trong mỗi năm. Những năm qua do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế ở nhiều vùng còn mang tính tự phát nên rừng bị xâm hại nghiêm trọng. đó cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng mức độ biến động cực đoan của thời tiết thủy văn mà biểu hiện là tình trạng lũ lụt,lũ quét, sụt lở đất trong mùa mưa lũ, hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô đang có xu hướng gia tăng.
Theo đà phát triển kinh tế xã hội, thêm nhiều khu công nghiệp, đô thị được hình thành, mở rộng. Những con đường, ngõ phố đã rộng hơn, thoáng hơn nhưng còn thiếu những hàng cây xanh để vừa làm đẹp, vừa cho bóng mát. Thiết nghĩ, sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế với gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường thiên nhiên trong việc quy hoạch phát triển kinh tế là điều kiện cần cho quá trình phát triển bền vững của mỗi địa phương. Những vùng đất sẽ trở nên cằn cỗi, những công trình hồ đập sẽ bị bồi lấp, những dòng sông con suối sẽ gầm gào hung dữ khi có lũ nhưng lại mất đi tiếng tí tách reo vui trong mùa cạn nếu rừng và rừng phòng hộ đầu nguồn không được bảo vệ.
KS Nguyễn Văn Huy
Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum

Video liên quan

Chủ Đề