Vì sao thủ tướng nguyễn tấn dũng không tái cử

  • Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
    2021-10-01

Sự kiện nguyên Thủ tướng Chính phủ hai nhiệm kỳ, từ năm 1996 đến 2016, “thoát” án kỷ luật của Đảng cộng sản Việt Nam năm 2012 được coi là khởi đầu và liên quan trực tiếp đến các biện pháp quyết liệt cải tổ chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Dưới chế độ tập quyền nói chung và chế độ đảng toàn trị nói riêng, sự thách thức quyền lực tuyệt đối người đứng đầu đảng dưới mọi hình thức, bất tuân hoặc bè phái, đều là trọng tội. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam gần đây ghi nhận hai nhân vật “tiêu biểu” có dấu hiệu như vậy đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống. Lý do chính thống được đưa ra không cụ thể, và thường được diễn tả là “suy thoái về tư tưởng” hay “tự chuyển hoá” của quan chức, nhưng đằng sau đó là sự thể hiện quyền lực đảng.

Ông Trần Xuân Bách [1924 – 2006] từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, là người lộ rõ chủ trương đa đảng ở Việt Nam. Ông đã có nhiều bài viết và phát biểu theo hướng đổi mới mạnh mẽ theo xu hướng đa nguyên, đa đảng khi trào lưu cải tổ do M. Gorbachov, Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô, đưa ra và đã lan sang Việt Nam. Do đó, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 năm 1990, ông Bách đã bị cách chức uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng. Đây là trường hợp “suy thoái về tư tưởng” có nguy cơ dẫn đến phe phái trong đảng.

Ông Nguyễn Hà Phan [1933- 2019] từng giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy Đảng và Nhà nước, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam... Ông ta bị xử lý kỉ luật khai trừ khỏi Đảng và cách mọi chức vụ trước thềm Đại hội 8 Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1996. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức, ông Phan đã được cựu Cố vấn Nguyễn Văn Linh ủng hộ lên làm Thủ tướng thay thế ông Võ Văn Kiệt, nhưng không đúng theo “quy hoạch” của Đảng. Đây là tình huống bất tuân nguyên tắc lãnh đạo tập thể có nguy cơ dẫn tới tranh giành quyền lực.

Khác với hai trường hợp trên, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng [1949 -] thoát án kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự kiện hy hữu. Ông là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thuộc thế hệ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và từng giữ chức Thủ tướng chính phủ Việt Nam hai nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời là Đại biểu Quốc hội 4 khóa từ 10 đến 13.

Hoạt động của ông Dũng trên cương vị Thủ tướng Chính phủ đã là chủ đề “gây tranh cãi”. Ông đã ký quyết định 1568/QĐ – TT năm 2006 cho phép tu sửa nghĩa trang và mộ phần của các lính tử trận Việt Nam Cộng Hòa, ký công văn 650/TTg – KTN năm 2009 triển khai dự án bauxite tại Tây Nguyên. Một số bình luận, chủ yếu từ các nhà quan sát nước ngoài, cho rằng ông thuộc “phe đổi mới”. Năm 2007, tạp chí World Business bình chọn ông là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, ông ký gói kích cầu trị giá tổng cộng 8 tỷ đô la [tương đương 143.000 tỷ đồng] nhưng dòng tiền chảy không đến các mục đích như được thông báo, đã gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát năm 2012 lên cao đến 25%, mức thâm hụt ngân sách lên đến 8%, sự sụp đổ của hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...

Bộ Chính trị khoá 11 năm 2012 đã đề xuất quy trách nhiệm ông với tư cách cá nhân người đứng đầu về việc hiện trạng tồi tệ của nền kinh tế, nhưng ông đã “thoát hiểm” khi Ban Chấp hành TƯ không đồng thuận. Trước Quốc hội khoá 13 năm 2012, ông Dũng xin lỗi vì những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Tại Đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016 ông không tái cử vào Ban chấp hành Trung ương và nghỉ hưu theo chế độ.

Rõ ràng sự kiện đặc biệt này nói lên nhiều điều về sự vận hành của chế độ đảng toàn trị, bởi vậy việc giải mã thấu đáo là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với cải cách thể chế.

Thứ nhất, các nguyên tắc lãnh đạo chủ yếu của Đảng như Tập trung dân chủ bị, Tập thể lãnh đạo cá nhân chịu trách nhiệm… bị lung lay khi Ban Chấp hành TƯ không đồng thuận với đề xuất của Bộ Chính trị về kỷ luật nguyên Thủ tướng Dũng. Nhiều quy định của Đảng, đặc biệt về công tác cán bộ như kỷ luật, lựa chọn, bố trí, ứng cử, luân chuyển… đã được sửa đổi theo hướng tập trung quyền lực cho Tổng bí thư và Bộ Chính trị;

Thứ hai, sự thay đổi tương quan quyền lực của “tứ trụ” đã bộc lộ. Chuyển đổi kinh tế sang thị trường khiến thực quyền của Thủ tướng ngày lớn hơn. Điều này đã được thể chế hoá nhằm đảm bảo cho việc “toàn trị” nền kinh tế. Ngoài ra, lượng của cải được tạo ra nhiều hơn nhờ cơ chế thị trường đảm bảo chỗ dựa kinh tế cho quyền lực thủ tướng. Đây là cơ sở cho bình luận về quyền lực Tổng bí thư bị “thách thức”, nhưng có sự ngộ nhận về mâu thuẫn cá nhân hai vị trí tứ trụ, về phe phái cấp tiến hay bảo thủ. Vì vậy, việc giám sát của Đảng đối với hoạt động của Chính phủ và Thủ tướng được coi là nội dung lãnh đạo trọng tâm;

Thứ ba, sự tha hoá quyền lực quan chức mang tính hệ thống và nghiêm trọng. Mặc dù ông Dũng xin lỗi về trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ, nhưng sau đó ông vẫn nhận được sự ủng hộ với số phiếu “mức tín nhiệm cao” từ Ban Chấp hành TƯ và Quốc hội trong các lần thăm dò ý kiến các thành viên. Quan chức trong bộ máy hành chính đặc quyền, đặc lợi mang ân huệ từ quyền lực thủ tướng. Hình thức thăm dò này đã bị bãi bỏ ngay sau đó;

Thứ tư, chuyển đổi kinh tế sang thị trường làm bộc lộ thực chất quan chức. Con người họ trở nên “thực tế” và hành vi của họ trở nên “duy lý” hơn. Họ ủng hộ ông Dũng là vì lợi ích bản thân hơn là lý tưởng cao siêu. Sự trung thành và phục tùng đã giảm sút. Họ không lựa chọn khác bởi lợi ích kinh tế. Họ sử dụng quyền lực như là một nguồn lực đặc biệt, để tìm kiếm sự hài lòng hay “lợi ích” cao nhất có thể. Lỗi hệ thống đã “giúp” họ vượt qua sự cân nhắc giữa lợi ích kỳ vọng và xác suất bị phát giác hay bị kỷ luật để có thể vi phạm quy định của đảng hay pháp luật;

Thứ năm, thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp với chuyển đổi sang thị trường. Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch mang tính pháp lệnh như một công cụ đánh giá công chức trong cơ chế tập quyền đã bị bãi bỏ, nhưng chưa có công cụ khác thay thế cần thiết. Việc thiết kế “lồng thể chế để nhốt quyền lực” đang bế tắc về kiểm soát tài sản và quyền riêng tư;

Thứ sáu, việc thi hành các giải pháp trừng phạt, thanh lọc và  kiểm soát các quan chức phản ánh thực trạng “suy thoái” nghiêm trọng, tuy nhiên bộ máy cai trị hiện hành, vốn là có đặc quyền đặc lợi, là chỗ dựa của chế độ nay bị “công kích” khốc liệt, kéo dài không tránh khỏi tạo ra hiệu ứng tiêu cực khó lường, thậm chí tiềm ẩn rủi ro.

Là người trong cuộc, ông Tổng bí thư Đảng CS Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo củng cố Đảng. Giờ đây, trong chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm”, Đảng có thể kỷ luật bất kỳ quan chức nào suy thoái, đặc biệt những “quan chức” dưới quyền của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng đối với trường hợp của ông không thể “hồi tố” để xử lại.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Thông báo Hội nghị 14 cho biết kết quả bầu chọn nhân sự Đại hội đảng XII đã hoàn tất và nhất là Trung ương đảng đã bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương khóa XII; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021.

Phát biểu bế mạc Hội nghị 14, ông Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết thêm là Ban chấp hành trung ương đã biểu quyết thông qua nhân sự là ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư Khóa XI thuộc trường hợp đặc biệt tái cử Khóa XII và danh sách đề cử các vị ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của đảng và nhà nước cho Khóa XII “với số phiếu rất tập trung”.

Mấu chốt của những điều nói trên cho thấy có 2 điểm quan trọng:

– Khi ông Trọng nói Hội nghị 14 đã thông qua nhân sự là ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư khóa XI thuộc dạng đặc biệt để tái cử khóa XII, cho thấy là chỉ có ông Trọng mới là người được vị trí này vì chỉ có ông Trọng vừa ở trong Bộ chính trị và vừa đứng đầu trong Ban bí thư. Ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng chỉ là Ủy viên Bộ chính trị, không nằm trong Ban bí thư.

– Sau nhiều căng thẳng từ Hội nghị 12, 13 cuối cùng việc chuẩn bị nhân sự tứ trụ coi như hoàn tất.

Những thông tin nói trên được minh họa với ba dữ kiện được tán phát khá rộng rãi trên mạng Internet.

Dữ kiện thứ nhất là Bộ chính trị đã bỏ phiếu đề cử chức danh Tổng Bí Thư thì ông Trọng được 6 phiếu, ông Sang được 5 phiếu còn ông Dũng chỉ được 1 phiếu. Vì lý do đó mà ông Trọng đã được Bộ chính trị giới thiệu ra ứng cử chức danh Tổng Bí Thư cho nhiệm kỳ XII.

Dữ kiện thứ hai là nhiệm kỳ Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng là một năm và sau đó, Trung ương đảng khóa XII sẽ chọn người khác thay thế dựa trên thành phần tân Ủy viên Bộ chính trị được bầu ra trong đại hội XII.

Dữ kiện thứ ba là Hội nghị trung ương 14 đã bỏ phiếu kín đề cử nhân sự tứ trụ cho Khóa XII với kết quả ông Nguyễn Phú Trọng được đề cử vào chức Tổng Bí Thư với 135/175 phiếu; ông Trần Đại Quang được đề cử vào chức vụ Chủ Tịch Nước với 151/175 phiếu; ông Nguyễn Xuân Phúc được đề cử chức vụ Thủ Tướng với 155/175 phiếu; bà Nguyễn Thị Kim Ngân được đề cử chức vụ Chủ tịch Quốc hội với 163/175 phiếu. Trong khi đó ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạt con số 70/175 phiếu.

Rất khó có thể kiểm chứng những dữ kiện nói trên là thật hay giả khi nó thuộc loại “bí mật quốc gia” như trường hợp thư của ông Nguyễn Tấn Dũng viết gửi cho Nguyễn Phú Trọng và Trung ương đảng về việc không xin tái cử Khóa XII, khi mà các phe đang tìm cách tung những tin hỏa mù để tấn công lẫn nhau.

Tuy nhiên, theo dõi cuộc đấu đá giữa phe đảng [Nguyễn Phú Trọng] và phe chính phủ [Nguyễn Tấn Dũng] trong suốt 5 năm qua, nhất là từ Hội nghị Trung ương 6 [2012] về vụ kỷ luật đồng chí X cho đến Hội nghị 13, tràn ngập những đơn tố cáo gia đình và cá nhân ông Dũng cho thấy là phe đảng đã tìm mọi cách triệt hạ Nguyễn Tấn Dũng.

Chính trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Tấn Dũng đã chơi bài “lật ngửa” khi viết thư không xin ra tái cử với hy vọng là dùng diễn đàn Trung ương đảng để cho đàn em đề cử mình ra tranh với Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng qua kết quả Hội nghị 14, ông Trọng đã dùng sự lưu nhiệm ghế Tổng bí thư 1 năm và Quyết định 244 để buộc Trung ương phải bầu chọn theo đề cử của Bộ chính trị; vì thế mà ông Dũng đã không thể xoay trở như dự tính là dùng đàn em đề cử ngay tại Hội nghị Trung ương, kể cả trong đại hội đảng.

Điều này cho thấy là ván bài của ông Dũng đã bị ông Trọng tháu cáy, vì hai lý do sau đây:

Thứ nhất là Nguyễn Phú Trọng với tư cách Chủ tịch Tiểu ban nhân sự đã dàn dựng ra trận đồ để chính ông Dũng đã bị phế bỏ võ công khi tự mình viết đơn không xin tái cử.

Thứ hai là chuyến đi thăm Trung Quốc một cách đột xuất của Nguyễn Sinh Hùng ngay sau Hội nghị 13 đầy căng thẳng về vấn đề nhân sự, cho thấy là Tập Cận Bình đã hậu thuẫn Trọng hơn là Dũng để Việt Nam không đi ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh.

Mặc dù phe đảng của Nguyễn Phú Trọng đã thắng thế trong cuộc đua quyền lực, nhưng ông Trọng sẽ chỉ ngồi thêm 1 năm ở ghế Tổng bí thư, không chỉ vì tuổi tác [hiện tại đã 72 tuổi] mà vì những cam kết từ đầu.

Nguyễn Tấn Dũng sẽ không rút về ở ẩn tại Phú Quốc như các ông Nguyễn Minh Triết, Phan Văn Khải đã làm mà sẽ tập hợp đàn em để tung ra những lời phán theo kiểu “thái thượng hoàng” như thời Đỗ Mười, Lê Đức Anh đối với Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh. Lý do dễ hiểu là Bộ chính trị khóa XII, ngoài Nguyễn Phú Trọng, đa số đều là đàn em và nhận những ân sủng của ông Dũng trong nhiều năm qua.

Trong bối cảnh đó, có thể khi Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu vào năm 2017, Trung ương đảng khóa XII sẽ bầu Trần Đại Quang làm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.

Nói cách khác là Nguyễn Tấn Dũng không thực hiện được phương án Putin cho chính mình thì sẽ giúp cho đàn em cùng băng công an là Trần Đại Quang trở thành nhân vật quyền lực: Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư từ Hội nghị 3 của Trung ương đảng khóa XII.

Nếu điều này xảy ra thì dù Nguyễn Phú Trọng có thắng, phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng sẽ khuynh loát bên trong và đảng CSVN sẽ rơi vào tình trạng phân hóa cùng cực trong vài năm trước mặt.

Đây là cơ hội của phong trào dân chủ và điều này có xảy ra cũng chỉ là định mệnh kết cục của đảng CSVN.

Trung Điền

Video liên quan

Chủ Đề