Angela trong tiếng anh có nghĩa là gì

Thủ tướng Angela Merkel đã mang lại sự ổn định cho nước Đức trong 16 năm qua; tuy nhiên, sự trì trệ của bộ máy nhà nước quan liêu là điều chính phủ kế nhiệm cần phải cải thiện, đó là nhận xét của người Đức gốc Việt sinh sống tại Berlin nói với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm.

Tại hội luận Bàn tròn Thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 30/09/2021 nhân dịp bầu cử nước Đức, doanh nhân Hạnh Nguyễn Schwanke cho biết cá nhân bà và nhiều người Đức gốc Việt "rất háo hức và quan tâm tới cuộc bầu cử này".

Một trong những nguyên nhân quan trọng, theo các khách mời, là vì người gốc Việt ở đây nhận thức được sự ảnh hưởng của kết quả bầu cử đến cuộc sống và tương lai của chính mình.

Trong suốt 16 năm làm thủ tướng nước CHLB Đức, bà Angela Merkel đã để lại những dấu ấn tích cực "đáng tự hào, đáng khen ngợi", nhưng vẫn có những hạn chế còn tồn tại, theo nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng tham gia hội luận từ Berlin:

"Bà ấy đã lãnh đạo nước Đức vượt qua muôn vàn khó khăn chồng chất tưởng chừng như không qua nổi. Và đến bây giờ bà ấy cũng kết thúc sự nghiệp 16 năm rất ngoạn mục.

"Có nghĩa bà không bị người ta bỏ phiếu để gạt bà ấy ra mà bà ấy tự nguyện rời chức vụ của mình. Cũng như bà ấy cũng không bị các đồng đội của bà ấy gạt ra như trường hợp quá khứ ông Helmut Kohl đã từng bị."

Tuy vậy, nước Đức dưới thời bà Merkel còn "rất nhiều điều vướng mắc cần giải quyết nhanh chóng", đặc biệt là ở lĩnh vực số hóa, nhà báo Lê Mạnh Hùng bày tỏ sự thất vọng:

"Tôi không tưởng tượng nổi nước Đức bây giờ đứng đội sổ trong số bẩy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới về lĩnh vực số hóa."

Ông Hùng cũng nhắc đến những lời hứa mà chính quyền bà Merkel chưa làm được như từ bỏ điện hạt nhân, từ bỏ than nâu, vấn đề môi trường.

Trong quan hệ đối ngoại, nhà báo Lê Mạnh Hùng đánh giá nước Đức chưa tìm được chỗ đứng thực sự của mình:

"Trong vấn đề EU, thế giới, nước Đức đứng ở đâu trong các liên minh và đặc biệt là phải tỏ rõ vị trí của mình trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, trước sự đe dọa của phía Nga.

"Đặc biệt, mối quan hệ với Mỹ bây giờ cũng đặt dấu hỏi rất lớn, liên minh phương Tây để chống lại các thể chế độc tài hay là những thế chế cạnh tranh đến bây giờ vẫn chưa rõ ràng."

"Tôi nghĩ, với một quốc gia dẫn đầu châu Âu và có một vai trò không nhỏ trên thế giới thì nước Đức cần phải làm được nhiều hơn nữa hơn là chỉ giữ được ổn định trong nước."

Từ góc nhìn khác, nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ biên trang báo mạng Thoibao.de tại Berlin phân tích những thành công của Thủ tướng Angela Merkel trong quan hệ đối ngoại của nước Đức:

"Bà đã có công đóng góp giúp cho liên minh châu Âu thêm ổn định, thêm vững chắc và thêm phát triển và vượt qua những khủng hoảng tài chính.

"Bà cũng có những bước rất mềm dẻo nhưng cũng có tác dụng giữ quan hệ tốt với Nga, với những nước xung quanh và đặc biệt gần đây nhất là việc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền thì đó là thời kỳ rất sóng gió cho châu Âu nói chung và cho Đức nói riêng, nhưng bà Angela Merkel đã góp phần giữ được sự ổn định của châu Âu, giữ được sự phát triển của nước Đức.

Cùng nhìn nhận thành công của bà Merkel trong vai trò thủ tướng nước Đức, doanh nhân Hạnh Nguyễn Schwanke bày tỏ sự khâm phục của mình:

"Nước Đức đến ngày hôm nay nếu tính về chỉ số thật nghiệp thì cũng tương đối là ít so với châu Âu, cũng là một trong những nước hàng đầu về phúc lợi xã hội.

"Về y tế, xét trong 2 năm vừa rồi có dịch Covid và so sánh với các nước khác thì nước Đức cũng tương đồi vững vàng vượt qua."

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Nước Đức sẽ đi về đâu sau Merkel?

Nước Đức trì trệ

Cùng chung quan điểm, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng và doanh nhân Hạnh Nguyễn Schwanke chỉ ra sự trì trệ của nước Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel:

"Nước Đức đã đang ở trong một giai đoạn tương đối trì trệ, hay trong cải cách hoạt động bộ máy nhà nước Đức có nhiều dự án rất hay nhưng trong quá trình triển khai rất trì trệ," bà Hạnh Nguyễn nói.

Theo ông Hùng: "Sự trì trệ của bộ máy ít nhiều còn nặng nề, còn mang tính quan liêu, nó cũng làm giảm đi nhiều tốc độ phát triển của nước Đức."

Ông Hùng lấy dẫn chứng ngành công nghiệp chế tạo xe hơi của Đức:

"Không có lý gì ngành công nghiệp xe hơi với những hãng xe nổi tiếng thế giới mà những năm gần đây đã bị lấn át bởi Tesla, ô tô điện. Ô tô điện Đức bây giờ rõ ràng là quá chậm.

"Rất nhiều phát minh đều bị trì trệ không thể triển khai bởi vì vướng cái quan liêu của Đức."

Do đó, thách thức đặt ra với chính quyền Đức nhiệm kỳ tới là cần phải vượt qua được sự trì trệ này để đưa đất nước đi lên.

"Tôi nghĩ rằng thời hoàng kim vẫn ở phía trước nếu như ban lãnh đạo tới đây biết rút kinh nghiệm những điều mà chính quyền của bà Merkel 16 năm qua chưa làm được và họ mạnh dạn thay đổi, mạnh dạn áp dụng," ông Hùng kết luận.

Còn theo bà Hạnh, "đấy là sự cải cách nước Đức rất cần trong thời gian tới."

Cuộc sống của người Việt trên đất nước Đức

Hơn 16 năm sống trên nước Đức, nhà báo Lê Mạnh Hùng chia sẻ cảm nhận về những năm tháng dưới thời Thủ tướng Angela Merkel:

"Chúng tôi ở đây đã có một cuộc sống ổn định, có nghĩa là không có những sóng gió lớn, mặc dù trải qua khủng hoảng về tiền tệ, về tài chính năm 2008, khủng hoảng về vấn đề tị nạn năm 2015 và gần đây là khủng hoảng corona.

"Chúng tôi cũng rất cám ơn, bởi vì những năm tháng vừa qua đã giúp cho chúng tôi, những người mới đến hay đến lâu nhanh chóng bắt nhịp được với cuộc sống ở đây, có cuộc sống ổn định làm ăn và đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp thấp, có công ăn việc làm tương đối tốt, an sinh xã hội mọi thứ tốt, chúng tôi cũng không chịu sức ép về vấn đề kỳ thị ngoại bang lớn như những năm 90."

"16 năm vừa rồi đối với chúng tôi là một thời kỳ yên bình."

Đồng quan điểm, nhà báo Lê Trung Khoa cho rằng những gì người Việt ở Đức đạt được trong 16 năm qua chính là tiền đề cho những phát triển trong tương lai:

"16 năm qua là tiền đề khá quan trọng cho người VN, doanh nghiệp VN có cơ hội để hội nhập rất tốt, rất sâu rộng vào trong mọi nền kinh tế, khoa học, chính trị - xã hội của Đức và đặc biệt, qua đó họ tạo tiền đề để phát triển trong thời gian tới bằng những hình thức như đầu tư, kinh doanh, tạo cuộc sống và môi trường sống của mình tốt hơn, ổn định hơn và lâu dài hơn ngay trên quê hương thứ hai của họ tại Đức."

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống và cả phương thức kinh doanh của người dân trên khắp thế giới, bà Hạnh Nguyễn Schwanke đánh giá đó cũng sẽ là những thách thức cho cộng đồng người Việt ở Đức:

"Tôi nghĩ xu hướng sắp tới của cộng đồng người Việt sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Tại vì cuộc sống đang rất là phát triển về kỹ thuật số, tất cả các mô hình kinh doanh, doanh nghiệp mọi người đã thấy thời Covid 2 năm vừa qua đã cho thấy rất nhiều cách thức kinh doanh bây giờ phải thay đổi để thích ứng với môi trường và thời đại bây giờ."

Để thích ứng với những biến đổi trong tương lại, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật số, nhà báo Lê Trung Khoa đưa ra lời khuyên với cộng đồng người Việt ở Đức:

"Người VN chúng ta những thế hệ trước đã khó khăn khi tiếp cận kỹ thuật số và bây giờ thế hệ tới đây, thời gian tới đây người VN càng phải làm sâu hơn nữa, càng phải có mở rộng hơn nữa về tầm hiểu biết của mình cũng như áp dụng công việc kinh doanh, cuộc sống của mình vào kỹ thuật số hơn nữa để có thể tồn tại và phát triển được trên đất nước Đức.

"Với đảng phái mới khi họ cầm quyền thì họ cũng hướng theo những hướng như vậy để phục vụ nhân dân. Vì vậy chúng ta cần phải tích hợp việc này trong thời gian tới."

Nguồn hình ảnh, Hanh Nguyen Schwanke

Chụp lại hình ảnh,

Bà Hạnh Nguyễn Schwanke, Giám đốc Học viện Horami Academy nói nhiều người Việt ở Đức thiếu thông tin về cuộc sống ở chính nơi mà họ đang sống và tìm hiểu thông tin đó qua báo ở VN

Cái nhìn của người gốc Việt với người nhập cư ở Đức

Từ quan sát cá nhân, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho biết người Việt ở Đức chia làm hai luồng quan điểm đối với người nhập cư mới vào Đức.

"Có một lớp người đến từ trước, họ hội nhập tương đối sâu, họ có cái nhìn về vấn đề người nhập cư tương đối giống người Đức và họ cũng lăn xả vào giúp đỡ những người tị nạn đến từ Syria hay những người đến sau, đến muộn gặp khó khăn.

"Bản thân trong cộng đồng người Việt cũng thế, họ sẵn sàng giúp những người đến sau, đến muộn, lập ra các tổ chức, các lớp hội nhập, lớp học tiếng, đi dịch giúp..."

"Nhưng ngược lại cũng có những người mà tôi thấy thậm chí rất cực đoan. Họ cảm giác họ thuộc về lớp người thượng đẳng, họ rất khó chịu khi nhìn thấy những lớp người gặp khó khăn các nước tới về sau này và họ chống ra mặt.

"Cứ nói động đến vấn đề người ngoại quốc.... là họ nổi đóa, họ có những câu miệt thị rất tệ hại với người da màu, với người đến từ Trung Đông."

Tư tưởng cực đoan như vậy, theo ông Hùng đánh giá là "có hại cho cộng đồng người Việt của mình" và "nguy hiểm cho cuộc sống chung ở Đức về lâu về dài". Ông phân tích:

"Nếu mà người nhập cư còn có thái độ như thế thì làm sao mà những kẻ cực hữu ở Đức họ không có sự lập luận rằng đấy thấy chưa bản thân người nhập cư còn khó chịu nữa là chúng tôi, những người Đức."

Lý giải cho những suy nghĩ tiêu cực như vậy, từ góc nhìn giáo dục, bà Hạnh Nguyễn Schwanke, Giám đốc Học viện Horami Academy ở Đức cho rằng nhiều người Việt ở Đức thiếu thông tin về cuộc sống ở chính nơi mà họ đang sống.

"Một ví dụ nhỏ là trong thời Covid có rất nhiều thay đổi về những quy định, về những doanh nghiệp, đặc biệt là cho doanh nghiệp nhỏ và lẻ thì rất nhiều thông tin về tiếng Đức, nhưng hoàn toàn không có thông tin chính thống và đầy đủ bằng tiếng Việt.

"Đôi khi có những lúc nói chuyện chúng tôi rất ngạc nhiên ở thế hệ chúng tôi là nhiều người VN lại đọc báo ở VN để tham khảo những thông tin tại Đức."

Để khắc phục điều này, nữ doanh nhân đưa ra giải pháp:

"Chúng tôi tin rằng một trong những việc để giảm bớt sự kỳ thị và sự lo sợ, làm thế nào để có những truyền thông bằng tiếng Việt để giải thích cho họ hiểu hơn những tình huống như thế nào thì điều đấy sẽ giúp trong tương lai họ sẽ có cái nhìn có thể thiện chí và hiểu biết hơn.

Nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng tâm lý tiêu cực của một số người Việt đối với người nhập cư vào Đức còn bắt nguồn từ chính sách dưới thời bà Angela Merkel.

"Đây cũng thuộc về di sản mà các thế hệ trước , thế hệ bà Merkel để lại đó là vấn đề đến bao giờ nước Đức mới tự công nhận là một nước di dân.

Chụp lại hình ảnh,

Thế hệ trẻ Đức: Alisa Gukasov [phải] và bạn của cô không hề biết đến lãnh đạo nào khác ngoài bà Merkel

"Nếu nước Đức mà tiến tới chỗ công khai là một nước di dân và có chính sách công khai giống như Mỹ hay Canada và một số nước khác là có chọn lọc những người có ích cho đất nước vào đây để có thể hòa nhập được thì theo tôi nó sẽ giải quyết được khá nhiều tiêu cực.

"Nhưng đến bây giờ, theo tôi biết là nước Đức vì một vài lý‎ do đằng sau vẫn chưa làm được điều này."

Người Việt ở Đức kỳ vọng gì cho quan hệ Việt - Đức?

Là những người từng lớn lên trên mảnh đất Việt Nam trước khi đến Đức định cư, các khách mời đều bày tỏ hy vọng về mối quan hệ Việt - Đức tốt đẹp hơn trong nhiệm kỳ thủ tướng Đức mới.

"Cá nhân tôi cũng kỳ vọng là mối quan hệ này tương lai sẽ tốt hơn để tạo thuận lợi cho cả hai bên, đặc biệt cho những người VN đang sinh sống và làm ăn tại Đức. Và tôi tin nó sẽ đi theo hướng tích cực", nhà báo Lê Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm.

Nhìn về triển vọng hợp tác lao động giữa hai nước, doanh nhân Hạnh Nguyễn Schwanke đánh giá: "VN là đất nước có rất nhiều công dân trẻ, tôi tin đấy cũng là một cái Đức sẽ luôn chú trọng và mở rộng và tạo điều kiện hơn để các lao động VN được sang Đức."

"Nước Đức là nước chuyên về xuất khẩu với lượng xuất khẩu hàng năm rất lớn, họ sống bằng xuất khẩu nên họ cần thị trường, cần quan hệ đối tác các nước cho tốt đẹp. Quan hệ với VN hiện nay tôi đánh giá rằng nó là quan hệ đang được xây dựng lại", nhà báo Lê Trung Khoa nhận định.

Chủ Đề