Các nghiên cứu về phương pháp học tập

Ngày 26/08/2017     25,386 lượt xem

     PHƯƠNG PHÁP HỌC VÀ NGHIÊN CỨU
                           KHOA HỌC ĐỐI VỚI SINH VIÊN ĐẠI HỌC

                                                       GS. TS. Nguyễn Văn Tiến

Chủ Nhiệm Khoa Kinh Doanh Quốc Tế

1. PHƯƠNG PHÁP HỌC VÀ NCKH       

Phương pháp và kinh nghiệm không tự nhiên mà có, nó được hình thành từ quá trình tích lũy chủ động và tích cực của con người. Phương pháp và kinh nghiệm học tập cũng vậy, nó được kết tinh từ công việc học tập nghiêm túc hàng ngày của mỗi người. Đã từng là sinh viên đạt nhiều thành tích trong học tập và NCKH, nay là giảng viên đại học, người viết muốn được chia sẻ kinh nghiệm học tập và NCKH với các bạn sinh viên. Hy vọng bài viết sẻ giải tỏa được phần nào băn khoăn, trăn trở của bạn. 

1.1. ĐÔI NÉT VỀ KẾT QUẢ HỌC TẬP VÀ NCKH CỦA BẢN THÂN

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (4 năm), năm 1983 thi đại học đạt kết quả cao và được cử đi học tại Tiệp Khắc. Tại đây, tôi đã ra sức học tập và NCKH, kết quả đạt được rất cao, cụ thể: tất cả các môn học đều đạt điểm xuất sắc là điểm 1 (tương đương 9 và 10 của ta); tham gia NCKH 02 lần: lần 1 đạt giải nhì cấp trường, lần 2 đạt giải nhất cấp trường và nhất cấp quốc gia (Tiệp Khắc cũ).  

Do có kết quả học tập và NCKH xuất sắc, nên tôi được chuyển tiếp làm NCS. Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại Tiệp Khắc, năm 1994 về nước và công tác tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tại đây tôi được đề bạt làm trưởng phòng Ngân hàng Ngoại thương Trung ương; năm 1998 chuyển về Học viện Ngân hàng làm công tác giảng dạy và NCKH cho đến nay. Như gặp được mảnh đất tốt, các sản phẩm khoa học lần lượt được ra mắt bạn đọc, đó là: 9 đầu sách (như liệt kê ở trang bìa cuối); trên 40 bài báo khoa học; chủ nhiệm 01 đề tài khoa học ngành Ngân hàng; hướng dẫn bảo vệ thành công 05 tiến sĩ; hướng dẫn sinh viên NCKH đạt 01 giải nhất và 04 giải nhì cấp quốc gia... Do có những thành tích trong giảng dạy và NCKH, năm 2004 được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư.  

Một điều thú vị là, hiện nay tôi làm việc (đọc) bằng tiếng Anh không khó khăn gì (như tiếng Việt), trong khi đó tôi không đi học tiếng Anh một lớp nào, mà tất cả đều là tự học; tương tự như vậy, tất cả các sách đã xuất bản đều do tôi tự đánh máy, tự chế bản, mà không tham dự một lớp học tin học nào. Nói ra điều này là muốn chuyển đến các bạn một thông điệp rõ ràng là "tự học, tự làm" là con đường ngắn nhất để đi đến đích.       

Những kết quả đạt được trên đây đã khích lệ tôi viết ra những điều dưới đây để chia sẻ và giúp các bạn sinh viên học tập và NCKH được tốt hơn.

1.2. SINH VIÊN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ HỌC TẬP ĐẠT KẾT QUẢ TỐT

1.2.1. Xác định động cơ học tập đúng đắn:

Để học tốt, các bạn cần trả lời rõ ràng các câu hỏi sau đây:

Câu hỏi 1: Học cho ai?

- Trước hết, là học cho chính mình, học vì ngày mai lập nghiệp, do đó, luôn luôn suy nghĩ là mình đang học cho chính mình.

- Sau đó, là học cho gia đình mình. Đây là điều mong mỏi của bố mẹ và những người thân của bạn.

- Sau cùng, mới là học cho xã hội, học cho lý tưởng.

Từ đó thấy rằng, những người học đối phó, học qua loa, gian lận trong thi cử là những người tự đánh mất bản thân mình, là người chưa hề nghĩ về tương lai chính mình, phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, người thân, nhà trường và XH.

Câu hỏi 2: Tại sao phải học giỏi?

Theo bạn, thì việc học tập của bạn có phải là đang đầu tư? Có phải là đang kiếm tiền? Có phải là đang làm giàu? Và tại sao phải học giỏi?

- Học giỏi, ra trường có việc làm ngay, dễ dàng (không tốn kém) và công việc tốt.

- Các đơn vị tuyển dụng coi loại bằng (trung bình, khá, giỏi, xuất sắc) là một tiêu chí cơ bản khi tuyển dụng. Hầu hết sinh viên đạt bằng giỏi đều được tuyển dụng.    

- Hàng năm sinh viên tốt nghiệp đại học quá nhiều, dẫn đến tìm việc làm khó, do đó, chỉ những sinh viên thực sự có kiến thức mới tìm được việc làm đúng nghĩa.

- Học giỏi mới có kiến thức chắc chắn, mà kiến thức lại là nền tảng cho sự nghiệp sau này của bạn.

- Học giỏi ngay tại nhà trường như là khoản vốn tích lũy ban đầu cực kỳ quan trọng giúp bạn lập nghiệp sau này.

- Quan niệm học để cố lấy cái bằng cho dù là loại gì đã quá lạc hậu. 

Câu hỏi 3: Những năm ngồi trên nghế nhà trường đại học có ý nghĩa như thế nào?

- Đây là thời gian tiếp thu kiến thức chuyên môn hiệu quả nhất của cả cuộc đời. Tại sao lại như vậy? Bởi vì mọi kiến thức cơ bản, có tính bản lề đều được hình thành ở đây và chỉ có tuổi trẻ mới tiếp thu tốt nhất các kiến thức này.

- Đây là nơi tạo cho ta phương pháp luận khoa học và tư duy logic, mà phương pháp luận và tư duy khoa học lại là nhân tố quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế tri thức mà ta đang hướng tới.

- Gia đình, nhà trường và xã hội tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho con em mình được học tập và NCKH ở nhà trường đại học.  

- Mỗi trường đại học là một môi trường rộng lớn để học tập, rèn luyện và NCKH.

- Nếu bỏ lỡ cơ hội học tập tốt khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường đại học, thì khó mà lấy lại được.

Cũng có một số sinh viên cho rằng: ở trường học toàn lý thuyết suông! Thực tế thì đơn giản, mà toàn học đâu đâu? Ăn thua nhau là sau này ra trường thể hiện thế nào, chứ còn kiến thức ở nhà trường chẳng quyết định được gì? Các bạn ạ! Không phải như thế! Đây là cách ngụy biện của những sinh viên lười học, muốn mọi người cùng lười nhác như mình. Thử hỏi, không học thì ai mướn làm việc? Không học làm sao biết dễ? Yêu cầu thực tiễn là vô cùng khắt khe, đó là: để làm được 1 thì hôm nay ta phải học 10, chứ có ai nói học 1 làm 10 đâu? Đúng là sinh viên bằng giỏi ra trường không nhất thiết phải xuất sắc hơn sinh viên bằng khá, nhưng nếu chọn 100 sinh viên giỏi để so với 100 sinh viên khá, thì rõ ràng tỷ lệ sinh viên giỏi thành đạt trong cuộc sống sẽ cao hơn rất nhiều.

Nhớ lại khi mới đi làm ở Ngân hàng Ngoại thương, sau 10 năm liên tục học tập tại Tiệp Khắc và học bằng tiếng Tiệp, nên tôi làm gì có chút thực tế nào ở Việt Nam. Ba tháng đầu tập sự ngồi đọc quy chế, quy trình nghiệp vụ, cứ nhìn vào là buồn ngủ. Mọi người trong phòng hay nói bóng nói gió: bỗng dưng lại tuyển một ông "Phun Thuốc Sâu" (Phó Tiến Sĩ - PTS) về để ngủ, thật là vô tích sự! Thời gian tập sự cùng với cơn ngủ gật rồi cũng hết và tôi phải làm các công việc được giao. Thật bất ngờ! mọi việc tôi đều làm được và làm rất tốt. Tôi luôn vận dụng những kiến thức đã được học để cải tiến và nâng cao chất lượng công việc, nên tôi được giao nhiều công việc khó và quan trọng. Nhờ vào kiến thức có được từ nhà trường, tôi đã làm chủ hoàn toàn chuyên môn một cách nhanh chóng. Sau 12 tháng được nhận vào Ngân hàng, tôi đã được đề bạt phó phòng trung ưng và sau đó là trưởng phòng. Rất nhiều người không hiểu và đã đặt câu hỏi nghi ngờ: Đằng sau sự đề bạt là cái gì? Câu trả lời thuộc về bạn đấy! Đến đây thấy rằng, học là để phục vụ thực tế, nhưng học còn cao hơn thế, đó là học để cải tạo và hướng dẫn thực tế.  

1.2.2. Kinh nghiệm học tốt ở đại học:

Trước hết phải nhận thức được sự khác biệt giữa học phổ thông và học đại học là:

- Học phổ thông: Bố mẹ, gia đình kèm cặp giám sát; mỗi học kỳ, mỗi năm có họp phụ huynh; học hoàn toàn theo sách giáo khoa và chủ yếu là học thuộc lòng; ở trường được thầy cô uốn nắn từng dấu chấm, dấu phẩy.

- Học đại học: Khối lượng kiến thức cực lớn và rất khó, trong khi thời gian lại có hạn; học trên tinh thần tự giác và tự lực của bản thân là chủ yếu; một chủ đề phải đọc tham khảo nhiều tài liệu; phương pháp dạy và học đại học khác xa ở phổ thông, như: lớp đông, thời gian học ở lớp rất ít, cách thức kiểm tra, thi cử, đánh giá cũng khác... 

Một số sinh viên vào năm thứ nhất ngộ nhận cho rằng: học đại học sướng thật, mỗi tuần học có 3 buổi, thời gian còn lại tha hồ mà chơi, mà ngủ; thậm chí nghỉ học cả tuần mà cũng chẳng bị ai nhắc nhở gì. Cuộc đời được 4 năm như thế này kể cũng sướng! chỉ thiệt cho ai không thi đỗ đại học!

Từ kinh nghiệm bản thân, các quy tắc học đại học được rút ra là:

Quy tắc 1: Không có một phương pháp mầu nhiệm nào "không học mà biết"! không có bất kỳ ai có thể học thay cho mình! học nhiều biết nhiều, học ít biết ít, không học không biết! Việc học và NCKH như con thuyền ngược nước, không tiến ắt phải lùi!

Tôi rất tâm đắc các câu nói được các thầy cô dạy khi đang còn là học sinh cấp 2  và cấp 3 như: "Nhân tài do tích lũy, thông minh do học tập mà nên!" và "Cố gắng thành tài, miệt mài thành giỏi!". Như vậy, chỉ có học tập miệt mài, say mê nghiên cứu và cầu tiến bộ thì mới đạt kết quả cao được.

Quy tắc 2: Không có tiền bạc nào mua nổi kiến thức, hay nói cách khác, kiến thức không thể mua bán được. Quả thật, trên thế giới này có biết bao nhiêu người giàu có, nếu có tiền là mua được kiến thức, thì những người nghèo sẽ không có cơ hội học được một chữ nào. Thật là công bằng và may mắn! Cơ hội để có kiến thức cho mọi người là như nhau, kể cả người giàu và người nghèo, đó là thông qua quá trình học tập mới có được. Quy tắc này là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ con em nghèo hiếu học.

Quy tắc 3: Không học một cách thụ động, chung chung, mơ hồ, mà phải hiểu thấu đáo vấn đề mình đang học. Dù học được ít nhưng hiểu bản chất, còn hơn đọc nhiều, nhưng cái gì cũng hiểu lơ mơ, thi xong là hết. Bởi vì thời gian chỉ giữ lại những gì mình hiểu bản chất và chính xác; còn những kiến thức mơ hồ sẽ mau phai, nhanh chóng bị loại ra khỏi bộ nhớ.

Ta có thể lấy một ví dụ minh họa cho cách học này như sau: Hai sinh viên X và Y được giao nhiệm vụ như nhau là làm một cái mương để dẫn nước từ A đến B định kỳ 3 tháng một lần. Sinh viên X thực hiện: chỉ vét và khơi mương sơ sài để nước có thể chảy được, làm như vậy thì nhanh và đỡ công sức, thời gian còn lại được giải trí. Sinh viên Y thực hiện khác: vì phải dẫn nước định kỳ 3 tháng một lần, nên phải đào mương và kè bờ chắc chắn, làm như vậy, sẽ không phải làm đi làm lại nhiều lần, và nước càng chảy, mương càng sạch và thông suốt. Sau khi đưa vào sử dụng, do vét mương sơ sài, nên sau mỗi lần dẫn nước, bùn hoa và cỏ dại lại lấp đầy mương, sinh viên X phải vét lại mương (4 lần/năm); trong khi đó, sinh viên Y nỗ lực bỏ công ra một lần làm triệt để, nên không phải vét lại mương lần nào, mà nước vẫn chảy xiết.

Việc học của sinh viên cũng vậy, nếu học bản chất (sinh viên Y) thì sẽ tạo ra được nếp nhăm rõ ràng trong óc, ta sẽ nhớ lâu, kiến thức là của mình mãi mãi; còn nếu học hời hợt, sơ sài (sinh viên X), thì chỉ tạo ra nếp nhăn lờ mờ trong óc, ta sẽ mau quên, kiến thức nhanh chóng bị loại ra khỏi bộ nhớ.     

Quy tắc 4: Chỉ lao động trí óc mới nâng cao được năng suất lao động.

Chúng ta hãy hình dung, một người đẩy xe thồ đất từ A đến B mỗi giờ đi được một chuyến. Nếu ông ta làm 8 tiếng thì sẽ thồ được 8 chuyến, nếu làm 10 tiếng thì sẽ thồ được 10 chuyến (bỏ qua sự mệt mỏi về sau), nghĩa là năng suất lao động không hề tăng.

Lao động trí óc thì sao? Tại sao tôi đọc được tiếng Anh chuyên môn mà không tham dự khóa học nào? Vì tôi đã phát hiện ra quy luật này. Sau khi tự học xong tiếng Anh A, B, C, tôi bắt tay ngay vào đọc sách chuyên môn nguyên bản bằng tiếng Anh. Các bạn biết không? Tôi cứ nghĩ thế là hết! Vì chẳng bao giờ vượt qua được tiếng Anh cả! Nhưng một điều kỳ diệu đã đến. Tôi kiên trì tra từ điển, cố gắng hiểu tường tận trang đầu tiên và dịch ra tiếng Việt xem mình hiểu có logic không. Sau khi thấy ổn, có nghĩa là mình có thể đi tiếp, tức đọc sang trang thứ 2. Mặc dù rất chậm, nhưng tôi vẫn rất vui sướng, vì dù sao còn đi tiếp được. Thật bất ngờ! sang trang thứ 2 đọc thấy dễ hơn và nhanh hơn, ví dụ như trang thứ nhất đọc hết 1000 giây thì sang trang thứ hai giảm được 1 giây còn 999 giây. Thế là tôi ăn mừng! Mỗi ngày 8 tiếng, nên chẳng bao lâu đã đọc xong toàn bộ cuốn sách gần 1000 trang nguyên bản bằng tiếng Anh. Bạn biết không? đến trang thứ 1000, thì việc đọc bằng tiếng Anh coi như đọc bằng tiếng Việt.     

Quy tắc 5: Có thể biến lao động phức tạp thành lao động giản đơn thông qua quá trình tích lũy tri thức và kinh nghiệm.

Lao động trí óc không những nâng cao được năng suất lao động mà còn có thể biến lao động phức tạp thành lao động giản đơn. Trong ví dụ trên, việc đọc sách và nghiên cứu trực tiếp bằng tiếng Anh là một công việc vô cùng phức tạp, nhưng thông qua quá trình tích lũy tri thức thì việc đọc và nghiên cứu bằng tiếng Anh ngày càng giản đơn. Có một câu truyện về bác sĩ khám bệnh như sau: Một bà mẹ đưa cô con gái tuổi 18 đôi mươi đến khám bệnh tại một bác sĩ nam. Từ trước tới giờ, chưa anh chàng nào được cầm  nắm tay cô con gái, thế mà bác sĩ tự nhiên cầm nắm và kiểm tra mọi nơi, khiến bà mẹ sốt ruột và thương cho con gái. Khám song bác sĩ kê đơn thuốc và lấy công khám là 200.000 đồng. Bà mẹ vô cùng sửng sốt và thốt lên rằng, ông đã được cầm tay con gái tôi và khám có một lát, sao bác sĩ lại lấy nhiều tiền thế? Bác sĩ điềm nhiên trả lời: Thưa bác, chuẩn đoán bệnh nhân có mấy phút, nhưng tôi đã phải đầu tư tới 7 năm học cơ đấy.

Điều này nói lên rằng, có thể biến lao động phức tạp thành lao động giản đơn, nhưng không phải là ngẫu nhiên dễ dàng, mà là một quá trình trau dồi, tích lũy gian nan, phải đầu tư sức lực, thời gian và cả tiền bạc.

Quy tắc 6: Lao động trí óc có tính thừa kế theo hình trôn ốc đi lên.

Khi quan sát một thợ xây thấy rằng, ngày này qua ngày khác công việc được lặp đi, lặp lại với từng viên gạch. Công việc học tập hay công việc trí óc thì khác, mỗi kiến thức ta chỉ phải tích lũy một lần và nó trở thành cơ sở, nền tảng để ta tiếp thu kiến thức mới. Ví dụ, một bài thơ, khi đã thuộc thì nó trở thành của ta mãi mãi, không cần học lại nữa; các hằng đẳng thức đáng nhớ, ta chỉ cần học thuộc và biết cách chứng minh một lần; các môn học của năm trước, nếu học tốt thì đến các năm sau khi được nhắc lại là ta nhớ ngay không cần phải học lại. Điều này hàm ý, nếu biết cách học bản chất, biết cách tích lũy tri thức, thì tri thức của ta không những không mai một, mà còn ngày càng giàu thêm, khi tích lũy đủ một lượng tri thức nhất định, thì việc tiếp thu tri thức mới lại càng dễ dàng hơn, và ta lại càng giàu hơn. Chính vì vậy, người ta nói rằng, nếu anh đã biết ngoại ngữ thứ nhất, thì việc học ngoại ngữ thứ hai sẽ dễ dàng hơn nhiều, còn nếu anh đã biết được năm ngoại ngữ thì ngoại thứ sáu anh không cần học mà vẫn có thể biết.    

Quy tắc 7: Thua thiệt luôn thuộc về những sinh viên lừng khừng.

Câu truyện như sau: Hai sinh viên A và B đều học năm thứ nhất. Sinh viên A đặt mục tiêu lấy bằng khá (7,0), còn sinh viên B đặt mục tiêu bằng giỏi (8,0). Để đạt 7,0 sinh viên A học mỗi ngày 7 tiếng; để đạt 8,0 sinh viên B phải học ngày 9 tiếng (chú ý: điểm càng cao càng khó đạt, ví dụ, từ 5,0 lên 6,0 dễ đạt hơn từ 6,0 lên 7,0; và từ 6,0 lên 7,0 dễ đạt hơn từ 7,0 lên 8,0...). Sinh viên A tự hào cho rằng mình có năng suất học cao hơn vì để đạt được 1 điểm anh ta chỉ phải ra bình quân 1 giờ học, còn sinh viên B có năng suất học thấp hơn, vì để đạt được 1 điểm thì anh phải bỏ ra bình quân 1,125 tiếng. Thực ra không phải như vậy! Các quy luật ở trên đã chỉ ra rằng, lao động trí óc có năng suất ngày càng cao, có thể biến lao động phức tạp thành lao động giản đơn và có tính thừa kế hình trôn ốc, do đó, kết quả của sinh viên A và sinh viên B có thể mô tả bằng bảng sau:

Học kỳ

Sinh viên A
Mục tiêu phấn đấu khá (7,0)

Sinh viên B
Mục tiêu phấn đấu giỏi (8,0)

Kỳ 1

7 giờ học/ngày

9 giờ học/ngày

Kỳ 2

7 giờ học/ngày

8 giờ học/ngày

Kỳ 3

7 giờ học/ngày

7 giờ học/ngày

Kỳ 4

7 giờ học/ngày

6 giờ học/ngày

Kỳ 5

7 giờ học/ngày

5 giờ học/ngày

Kỳ 6

7 giờ học/ngày

4 giờ học/ngày

Kỳ 7

7 giờ học/ngày

4 giờ học/ngày

Kỳ 8

7 giờ học/ngày

4 giờ học/ngày

Tổng

56 giờ học

47 giờ học

Ở đây cần chú ý:

Thứ nhất, sinh viên A do tích lũy kiến thức chỉ mức 7,0 nên chưa hội đủ điều kiện để nâng cao năng suất lao động và tính thừa kế mờ nhạt.

Thứ hai, sinh viên B do tích lũy đủ kiến thức để ngày càng tăng được năng suất lao động, là tiền đề để biến lao động phức tạp thành lao động giản đơn và kế thừa được triệt để những gì đã tích lũy được trước đó.

Thứ ba, do quỹ thời gian ngày càng nhiều, nên sinh viên B có thể tham gia được nhiều hoạt động tích cực như NCKH, học tiếng Anh nâng cao,...

Thứ tư, điểm lợi ai cũng nhìn thấy, đó là với tấm bằng loại giỏi, sinh viên B dễ dàng có việc làm tốt và con đường sự nghiệp rộng mở.

Đến đây, cần trả lời câu hỏi: Là SV năm thứ 1 bạn chọn cách học nào?   

Tóm lại, năng xuất lao động trí óc phụ thuộc vào mức độ tích lũy kiến thức và kinh nghiệm của bản thân. Do đó, có thể khẳng định những sinh viên năm thứ nhất học giỏi thì các năm về sau sẽ có đà học giỏi hơn; còn đối với những sinh viên cầm chừng, lừng khừng thì năm nào cũng vất vả, học đi học lại mà kết quả lại không cao, nên thua thiệt luôn thuộc về họ.

Quy tắc 8: Vai trò của tài liệu học tập và nghiên cứu.

Ông cha ta thường nói "không thầy đố mày làm nên". Trước đây, tôi hiểu chữ "Thầy" chỉ bao gồm người thầy giáo và cô giáo, ngày nay tôi đã hiểu rộng hơn, chữ "Thầy" còn bao gồm cả sách vở, tài liệu dùng để học tập và nghiên cứu. Những nhà khoa học chân chính (không chạy theo thành tích), khi công bố một tác phẩm thì họ đã gửi gắm toàn bộ tinh hoa, trí tuệ vào trong tác phẩm, đứa con tinh thần của mình. Do đó, đọc sách là con đường ngắn nhất để tích lũy tri thức của nhân loại. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nhiều người thầy nổi tiếng trên thế giới đều là thầy của tôi vì tôi đã sưu tầm, đọc và học sách của họ. Ngay từ thời sinh viên, mặc dù học bổng rất hạn chế, nhưng tôi đã có thói quen dành một khoản tiền nhất định để đặt riêng cho mình một số tạp chí "Tài chính và Tín dụng" (tương tự như tạp chí Ngân hàng của ta). Tôi đã đọc rất say xưa từng bài của các nhà khoa học, nhà quản lý, chính vì vậy làm cho tôi có động cơ học tốt hơn, là cơ sở để tham gia NCKH đạt kết quả cao. Ngày nay, việc học tín chỉ và yêu cầu sinh viên tự học thì sách vở học tập lại càng trở nên thiết yếu. Sách vở tài liệu có nhiều loại, trước hết sinh viên phải được trang bị giáo trình, bài giảng... sau đó là các sách chuyên khảo, tham khảo, các đề tài NCKH các cấp và các tạp chí chuyên ngành.

Học tín chỉ "trên lớp ít ở nhà nhiều". Một ngày có 3 buổi chính là buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, trong khi đó, sinh viên chỉ lên lớp 3 buổi, nên mỗi tuần sinh viên có tới 18 buổi (21 -3) là tự nghiên cứu ở nhà. Chính vì vậy, việc sinh viên tự nghiên cứu ở nhà mới là nhân tố quyết định đến kết quả học tập của sinh viên. Có ba vấn đề chính quyết định đến hiệu quả tự nghiên cứ ở nhà của sinh viên là:

Thứ nhất, sinh viên phải có đầy đủ tài liệu để nghiên cứu: Sinh viên phải dành dụm tiền bạc để đầu tư vào tài liệu. Theo tôi, hầu hết các bạn đều có thể làm được việc này, vì sách chuyên môn, nghiệp vụ ở Việt Nam tương đối rẻ so với ở nước ngoài. Giả sử, trong 4 năm học, bạn đầu tư mua 50 cuốn giáo trình, giá mỗi cuốn là 40.000-đ, tổng số tiền bạn đầu tư vào sách học tập là 2 triệu đồng. Nếu sau này có việc làm đúng chuyên môn (trên cơ sở kết quả học tập tốt), bạn nhận lương 8 triệu đồng tháng, ta tính được tổng chi phí đầu tư vào tài liệu học tập cho cả 4 năm học chỉ tương đương với 1 tuần lương. Hãy ưu tiên số một dành ngân sách (tiền) cá nhân để đầu tư vào tài liệu học tập!           

Thứ hai, sinh viên như tờ giấy trắng trước mỗi môn học. Vậy, làm thế nào để sinh viên biết được loại sách nào hay để đọc? Do trên thị trường có rất nhiều sách của rất nhiều tác giả khác nhau về cùng một môn học, nên mỗi giảng viên không những giảng hay trên lớp mà còn phải biết giới thiệu được những cuốn sách hay cho sinh viên nghiên cứu. Muốn vậy, người thầy phải đọc rất nhiều và phải biết lựa chọn sách hay để giới thiệu cho sinh viên. Do mỗi cuốn sách có nét đặc thù của nó, nên mỗi môn học sinh viên cần đọc ít nhất là hai cuốn sách để so sánh và bổ khuyết cho nhau.

Thứ ba, sinh viên phải đặt việc học tập nghiên cứu lên trên tất cả các hình thức tiêu khiển như lướt web, face, mobil,… Do các kênh tiêu khiển này có thể gây nghiện, nên chúng sẽ ăn cắp thời gian của bạn mà bạn không hay. Có sinh viên không nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của nó, nên dần dần đã phụ thuộc vào nó, dẫn đến ăn, ngủ, chơi… cùng với nó, thiếu nó là không thể sống được. Hậu quả là việc học bỏ bê, giảm sút. 

Quy tắc 9: Tiếp cận thực tế đối với sinh viên.

Rất nhiều sinh viên cho rằng học mà chẳng được đi với hành, toàn lý thuyết xuông! Thực ra không phải như vây. Lĩnh vực kinh tế nói chung, tài chính - ngân hàng nói riêng có đặc thù không giống như các ngành kỹ thuật, sinh học... Thực tế của ta chính là các bản tin, các bài báo chuyên môn, các con số thống kê, các quy chế, quy trình nghiệp vụ, các công trình nghiên cứu, các báo cáo thường niên của các ngân hàng, doanh nghiệp, và các giáo trình và tài liệu học tập. Tôi từng giảng dạy cho nhiều NHTM, công ty XNK, viết nhiều bài báo chuyên môn, và là trọng tài viên trọng tài quốc tế, thử hỏi tôi lấy kiến thức thực tế ở đâu về lĩnh vực thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ... để dạy, để viết và để xét xử? Câu trả lời là từ các tài liệu và sách vở. Vậy, các tài liệu đó có khó thu thập không? Câu trả lời là không, rất dễ. Ví dụ, số liệu thì lấy ở niên giám thống kê, các báo cáo thường niên của các NHTM..., muốn có các bài báo chuyên môn thì ta đặt mua tạp chí; muốn có quy chế, quy trình nghiệp vụ thì ta vào mạng... Tuy nhiên, một số tài liệu thuộc dạng không phổ biến hoặc đơn vị không có nghĩa vụ công bố thì phải đi xin trên cơ sở mối quan hệ, nên cũng khó khăn.

Để tiếp cận thực tiễn một cách tích cực hơn, sinh viên cần tham gia các hoạt động như làm bài tập nhóm, các bài thảo luận lớn gắn với thực tiễn, góp ý kiến cho các văn bản dự thảo luật, tham gia NCKH, viết bài cho các hội thảo khoa học và viết các bài báo phản ánh tình hình thực tiễn, đề xuất giải pháp..., làm như vậy, tức đã gắn việc học với hành, kiểm chứng được mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn.

Quy tắc 10: Việc tranh thủ làm thêm của sinh viên.

Các ngành khác thì tôi không nói, nhưng sinh viên kinh tế thì không nên tranh thủ đi làm thêm. Nhiều sinh viên cho rằng "đi làm thêm để cọ sát thực tế", do đó, tìm mọi cách để làm thêm cho dù đó là việc gì. Có sinh viên đi gia sư dạy trẻ em cấp 1, chạy bàn cafe, bán hàng, đi làm việc văn phòng, làm trợ lý (giúp việc) chuyên môn tại các công ty, thu ngân... Các em này đã ngộ nhận cho rằng mình đã tự tin và có được thực tế! Hơn nữa, do kiếm được tiền ngay khi còn là sinh viên, nên không phải lo lắng gì nữa khi ra trường. Một số phụ huynh không hiểu biết cũng rất tự hào và cổ súy cho việc làm thêm của con em mình. Việc sinh viên có tự tin trở thành ứng viên vào các vị trí công việc quan trọng, cần kiến thức chuyên môn cao, phụ thuộc chủ yếu vào kết quả học tập tích cực trong những năm ngồi trên nghế nhà trường đại học, chứ không phụ thuộc vào trãi nghiệm nhất thời từ các công việc làm thêm.

Thông thường, SV đi làm thêm có kết quả học tập không cao, kiến thức thiếu hệ thống, và hơn hết nó khiến cho người ta xem nhẹ giá trị của việc học. Những gì họ bỏ thời gian đi làm thêm không hỗ trợ cho việc học, trong khi thời gian mỗi ngày lại có hạn. Với học lực trung bình hoặc khá, rõ ràng việc đi làm thêm đã biến những SV này trở thành người lừng khừng, rất khó để trở thành chuyên gia giỏi (họ có thể đạt được một cách thuận lợi nếu dồn sức lực, toàn tâm, toàn ý vào việc học tập khi còn là SV). Đi làm là công việc của cả cuộc đời còn lại, có ai làm tranh mất đâu mà vội, mà ra trường không đi làm cũng không được! Các bạn hãy quan sát cuộc sống và ngẫm nghĩ hai câu thành ngữ, từ đó tập trung học tập tốt hơn: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" và "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề".

Ta hãy hình dung, sinh viên đi làm thêm kiếm được tiền, lại không phải đi vay, sau này không lo trả nợ, nhưng do việc đi làm thêm nên bạn chỉ có thể đạt bằng khá, sau này đi làm chỉ có được thu nhập 4 triệu đồng. Sinh viên không đi làm thêm, sử dụng tín dụng sinh viên để tăng cường học tập, học giỏi được nhận học bổng, tìm việc làm dễ dàng và có thu nhập cao, ví dụ 10 triệu đồng, chỉ cần tích lũy một thời gian ngắn là trả song nợ (ví dụ 20 triệu). Trong các giáo trình kinh tế, vấn đề này được nói đến như sau: Tuổi trẻ thiếu tiền thì hãy đi vay một chút của tương lai để đầu tư học tập ngày hôm nay; sau này có được thu nhập cao thì trả nợ. Đó là cách phân bổ thu nhập khôn ngoan và hiệu quả của một cuộc đời".     

Để hạn chế việc sinh viên đi làm thêm, ảnh hưởng đến kết quả học tập và nghiên cứu, các nước cũng như Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo thông qua tín dụng sinh viên, học bổng các loại..., chính vì vậy, sinh viên nên mạnh dạn tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi này để tăng cường việc học và NCKH tại trường đại học.

Mặc dù, mỗi người đều có thể làm được nhiều công việc khác nhau, nhưng do tài lực, trí lực, sức lực, thời lực là có giới hạn, nên điều quan trọng đối với mỗi người là phải biết được mình làm công việc nào là tốt nhất, qua đó định hướng cho "nhất nghệ tinh" và "một nghề cho chín" thì kết quả đạt được sẽ là cao nhất trong cuộc đời.

*****

Nhiều sinh viên sau khi đọc bài viết về "Phương pháp học và NCKH" đã có nhiều chia sẻ với tác giả, trong đó có nhiều lời cảm ơn là bài viết đã đánh thức và tạo động cơ học tập tốt cho nhiều sinh viên. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên còn băn khoăn về điểm này điểm nọ. Sau đây là một ví dụ băn khăn của một sinh viên.

"Vấn đề mà em muốn được thầy chia sẻ trong lá thư này đó là quan điểm của thầy về việc làm thêm của sinh viên, e rất đồng tình rằng việc đi làm thêm sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập, và hơn hết nó khiến cho người ta xem nhẹ giá trị của việc học, học "cầm chừng, lừng khừng" nhưng lại có nghịch lý đó là ngày nay khi ra trường rất nhiều công ty không đòi hỏi nhiều về loại bằng tốt nghiệp của sinh viên, mà thay vào đó là "kỹ năng mềm" của sinh viên. Để có kỹ năng mềm, đôi khi tụi em phải tìm cho mình một công việc làm thêm nào đó mà có cơ hội thể hiện khả năng giao tiếp, khả năng xử lý tình huống, và cả hiểu hơn về cuộc sống, về xã hội... Thầy có cho rằng ở đây có gì đó mâu thuẫn không? và làm sao để sinh viên như tụi em có thể học tốt mà kh«ng không khỏi cảm giác bỡ ngỡ khi ra trường, vì có nhiều anh chị tốt nghiệp ra trường rồi, mà không biết mình sẽ làm gì".

Xin chia sẻ với bạn ba ý:

1. Về việc làm:

Chúng ta thấy rằng, có người không đi học lớp nào mà họ vẫn có việc làm, có người đi học kết quả rất kém cũng có việc làm…Như vậy, sinh ra một cách bình thường ai cũng có quyền và nghĩa vụ làm việc. Vấn đề là ở chỗ: Làm việc gì? Có phù hợp không? Thu nhập bao nhiêu?

Nhìn chung, quan hệ giữa việc làm và thu nhập có thể nêu ra như sau:

- Không có kiến thức, không có trình độ thì làm công việc chân tay giản đơn có thu nhập rất thấp.

- Có bằng cấp ở trình độ thấp (sơ cấp, trung cấp) làm công việc nhân viên, trợ lý có thu nhập thấp.

- Có bằng đại học loại trung bình hay khá, cực khó xin việc, làm công việc chuyên môn phổ thông có mức lương trung bình.

- Có bằng đại học loại giỏi, tiếp Anh, tin học tốt làm công việc chuyên gia có mức lương cao.

- Nếu có bằng tiến sĩ, giáo sư làm công việc chuyên gia cao cấp thì lương rất cao….

Nhìn chung, những người học giỏi, tiếng Anh và tin học tốt đều được bố trí công việc tốt, ổn định, có cơ hội phát triển, còn những người lừng khừng được bố trí công việc lừng khừng. Đó là quy luật!    

2. Về kỹ năng mền và sự tự tin:

- Bạn thử làm trọng tài cuộc thi về kỹ năng mền và sự tự tín xem đội nào thắng: 100 sinh viên đạt bằng loại suất xắc thi đấu với 100 sinh viên đạt loại giỏi? 100 sinh viên đạt bằng loại giỏi thi đấu với 100 sinh viên đạt loại khá? 100 sinh viên đạt bằng loại khá với 100 sinh viên đạt bằng loại trung bình?  

- Khi có bằng cấp cao, có trình độ thực sự, có chuyên môn giỏi, tiếng Anh và tin học giỏi ắt sẽ tự tin và kỹ năng mền sẽ hoàn thiện.

- Kỹ năng mền được hình thành một cách vô hình mọi lúc mọi nơi, miễn là ta có ý thức học hỏi. Đối với sinh viên, môi trường rèn luyện kỹ năng mền tốt nhất là ngay tại môi trường nhà trường (chứ không nhất thiết phải  đi làm thêm) như: tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài, trả lời các câu hỏi của thầy cô, làm bài tập nhóm, chủ động xung phong thuyết trình, tham gia các hoạt động đoàn thể, các hoạt động tình nguyện, quan hệ với thầy cô và bè bạn,… tất cả những công việc đó sẽ giúp bạn có được kỹ năng mền hoàn hảo tốt nhất mà không một môi trường nào khác có được.   

3. Chọn ngành nghề phù hợp:

Về cơ bản, con người ta sinh ra bình thường sẽ làm được hầu hết mọi công việc, tuy nhiên về mặt năng khiếu Trời cho để làm một việc gì đó thì giữa người này người kia có khác nhau. Nếu ai đó chọn được hướng đi phù hợp với sở trường của mình thì con đường đi sẽ trơn chu và mau đến đích hơn; ngược lại, nếu chọn không đúng hướng đi sẽ phải đi trên con đường gập nghềnh, bỏ ra nhiều công sức mà chưa chắc đã đi đến đích như mong đợi.

Các bạn hãy tự khám phá bản thân mình, hãy nghe lời khuyên của những người lớn từng trãi trong gia đình, đặc biệt nếu bạn có điều kiện thì nên xin tư vấn của các chuyên gia, nhất là các chuyên gia thuộc chuyên môn về linh vực mà bạn đang nhắm tới.

Hãy để cho: "Cái khó ló cái khôn"

Chứ đừng để cho: "Cái khó bó cái khôn"

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG!

Mở đầu bằng sự giúp đỡ chân tình với một người không quen biết trong một chuyến đi, đã dẫn đến nhiều cơ hội nghề nghiệp lớn. Bài học tôi khuyên những sinh viên trẻ: Hãy chân thành giúp đỡ mọi người, và mở rộng các mối quan hệ, bởi bạn không thể biết trước được những mối quan hệ đó sẽ đem đến cho bạn cơ hội tuyệt vời như thế nào trong cuộc sống".