Cách học Hóa 11 cho người mất gốc

Nếu bạn gặp khó khăn với môn Hóa, không biết bắt đầu từ đâu để chinh phục nó trong khi những kiến thức cơ bản vẫn còn đáng sợ đối với bạn. Như vậy bài viết này sẽ rất hữu ích cho bạn, bất cứ trường hợp bạn đang học lớp gì và thời gian trước kì thi quan trọng còn bao nhiêu,… Gia Sư Việt xin giới thiệu giải pháp khắc phục tình trạng mất gốc Hóa, nội dung được đúc kết từ kinh nghiệm của những giáo viên dạy Hóa giàu kinh nghiệm. Chúng tôi hi vọng sẽ giúp các bạn trở lại với môn học này một cách tự tin và đạt được kết quả tốt nhất.

Mục lục

  • 1. Chuẩn bị kiến thức môn học liên quan
  • 2. Học thuộc Bài ca hóa Trị
  • 3. Biết sử dụng Bảng tuần hoàn Hóa học
  • 4. Bắt đầu từ những khái niệm cơ bản
  • 5. Tìm hiểu các nguồn tài liệu khác nhau
  • 6. Lên kế hoạch và kiên trì thực hiện
  • 7. Liên tưởng môn Hóa đến đời sống

1. Chuẩn bị kiến thức môn học liên quan

Để bắt đầu học môn Hóa, bạn cần phải có những kiến thức cơ bản của những môn học có liên quan, đặc biệt là môn Toán. Khi học Hóa, chúng ta phải giải một số công thức và phương trình để tìm kết quả, lúc này, việc nắm vững những công thức và phương trình Toán học là vô cùng cần thiết. Nếu vẫn còn hoang mang về cách giải các phương trình bậc 2, 3 và hệ phương trình bậc nhất, hãy xem lại chúng trước khi bắt tay vào học môn Hóa.

2. Học thuộc Bài ca hóa Trị

Khi mới bắt đầu môn Hóa từ lớp 8, các em đã được thầy cô giới thiệu phương thức ghi nhớ Hóa trị của các chất cơ bản, thường gặp đó là Bài ca Hóa trị. Những bạn mất gốc Hóa thường không nắm rõ Hóa trị của từng chất nên không thể cân bằng phương trình Hóa học. Chúng tôi xin trích dẫn một đoạn như sau: Kali [K], Iot [I], Hidro [H], Clo [Cl] với Bạc [Ag], Natri [Na] một loài, là Hóa trị I em ơi, nhớ ghi cho kĩ khi cần có ngay. Rõ ràng, nội dung rất dễ thuộc nên các em cố gắng nhé.

3. Biết sử dụng Bảng tuần hoàn Hóa học

Bạn cần tìm hiểu thật kĩ bảng hệ thống tuần hoàn Hóa học, đây là một yếu tố tiên quyết nếu bạn muốn thành công trong việc học Hóa. Nếu như toán học có bảng cửu chương hay 7 Hằng đẳng thức đáng nhớ thì Hóa học có bảng tuần hoàn các nguyên tố. Bởi trên đó các em xác định được các nguyên tố cùng một nhóm sẽ cùng tính chất, đặc điểm cấu hình electron, đó là kim loại hay phi kim, khí hiếm…

4. Bắt đầu từ những khái niệm cơ bản

Hãy chọn những kiến thức cơ bản và đơn giản nhất để bắt đầu nghiên cứu. Điều đó sẽ tạo động lực cho bạn tiếp tục học những phần khó hơn. Bạn nên học từ hệ thống đo lường, danh pháp Hóa học và cấu trúc nguyên tử. Lý do nhiều bạn cảm thấy gặp khó khăn khi tiếp cận bất cứ môn nào do quá vội vàng, chưa tìm hiểu và nghiên cứu những khái niệm cơ bản đã đi giải những bài đòi hỏi kiến thức khó và tổng hợp. Bạn có thể giúp mình nhớ kiến thức bằng cách viết ra sổ tay hoặc giấy ghi nhớ và để chúng ở bất kỳ đâu bạn dễ dàng thấy được.

5. Tìm hiểu các nguồn tài liệu khác nhau

Ngoài sách giáo khoa, rất nhiều những khái niệm cơ bản về hóa học được chia sẻ trên các trang web học tập hoặc bạn có thể dễ dàng tìm chúng bằng công cụ tìm kiếm google. Những tài liệu dạng này thường hoàn toàn miễn phí, do đó bạn cũng nên tham khảo. Nhiều khi những hướng dẫn online này lại dễ hiểu hơn những bài giảng trong sách vì đa phần trong số đó được viết dưới dạng chia sẻ kinh nghiệm nên rất gần gũi và dễ hiểu. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm mua thêm những cuốn sách tham khảo hoặc mượn chúng trên thư viện.

6. Lên kế hoạch và kiên trì thực hiện

Bạn cần có một kế hoạch học tập cụ thể theo từng phần kiến thức và từng chương. Như thế, khi hoàn thành một giai đoạn nào đó, bạn sẽ cảm thấy có động lực để tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ tiếp theo. Bất cứ làm một việc gì cũng cần có lòng kiên trì. Bạn hãy bắt đầu bằng những bài tập dễ nhất, hãy tự giải bằng tất cả những kiến thức có trong đầu, sau đó nếu gặp khó khăn thì tham khảo lời giải và tìm ra những điểm mấu chốt cũng như đánh dấu những phần kiến thức còn chưa hiểu. Những bài nào khó khăn bạn nên ghi ra một tờ giấy hay một quyển vở riêng để có điều kiện hỏi thầy cô và bạn bè.

7. Liên tưởng môn Hóa đến đời sống

Khi bạn học những nguyên tố hay phản ứng Hóa học, hãy thử liên tưởng đến những điều gần gũi nhất. Khi nắm được sự liên kết giữa những kiến thức Hóa học khô khan và thực tế sinh động bên ngoài, bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ một cách tự nhiên hơn. Môn Hóa là một môn học không khó, tuy nhiên nó đòi hỏi sự chăm chỉ và khả năng tổng hợp, tư duy cao ở người học. Nếu bạn bị mất gốc môn Hóa, đừng vội nản lòng, những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có định hướng tốt nhất về việc tìm lại những điểm Hóa cao cho mình.

Tham khảo thêm:

♦ Gia Sư Hóa Tại Quận Hoàn Kiếm Dạy Kèm Con Bạn Lớp 8 – 12, LTĐH

♦ Kinh Nghiệm Thuê Gia Sư Hóa Tại Quận Hoàng Mai Dạy Kèm Cho Con

Chủ Đề