Chị google ơi làm sao để học giỏi

Từ khi bắt đầu sang Mỹ học cao học đến giờ, tôi vẫn duy trì điểm trung bình [GPA] tuyệt đối 4.0/4.0 [Update 2021: Tốt nghiệp Tiến sĩ với 4.0 GPA 🎉]. Biết được điều này, trong 3 năm trở lại đây, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi và gợi ý viết bài về bí quyết học tập tốt và đạt điểm cao. Mặc dù có khá nhiều điều muốn chia sẻ, tôi luôn chần chừ trước đề tài này.

Là một người học Giáo dục, tôi hiểu rằng mỗi cá nhân có cách học riêng. Ví dụ, có người thích đọc chữ, có người chỉ đọc được hình ảnh, có người chuyên tự học, có người phải học nhóm… Do vậy, tôi không muốn viết ra một phương pháp nào nhất định, khiến mọi người nghĩ phải làm theo mới có thể “thành công”.

Tuy nhiên, mùa hè vừa rồi, tôi có tham gia dạy phương pháp học cho học sinh cấp 3 và sinh viên năm đầu [những người còn đang loay hoay tìm cách học riêng của mình] và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Một số bạn sinh viên quốc tế làm việc cùng tôi cũng nói rằng ước gì họ biết những phương pháp này trước khi vào học tại Mỹ.

Vì vậy, tôi quyết định hệ thống lại những bí quyết tôi xây dựng được trong quá trình học và dạy học trong bài viết này. Bạn đọc có thể tham khảo, chọn lựa, và lọc ra những điểm phù hợp nhất để áp dụng cho cách học riêng của mình. Như tôi đã nói, mỗi người đều có một phương pháp riêng và chỉ qua tìm tòi, trải nghiệm thực tế mới có thể đúc rút ra điều hợp lý nhất cho mình. 

Bài viết được sắp xếp theo 3 phần: Trước kỳ học, Trong kỳ học, và Cuối kỳ học.

1.Trước kỳ học

“Nghệ thuật” chọn lớp

Hầu hết các trường ở nước ngoài và đa số các trường ở trong nước hiện nay đều cho phép bạn chọn lớp vào thời điểm trước thềm kỳ học mới. Có thể có một số chương trình khắt khe hơn, yêu nhiều môn bắt buộc [required courses] hơn là những môn tự chọn [elective courses], tuy nhiên, đa số trường hợp bạn vẫn có thể chọn thời điểm học, giáo viên, và môn học.

Ngay khi bắt đầu chọn lớp, hãy tập tư duy của “người mua” bởi vì mỗi lần bước chân vào lớp học là một lần bạn đầu tư [thời gian, học phí, công sức]. Do vậy, bạn phải chắc chắn đây là lớp học thú vị nhất, giúp bạn mở mang tri thức của mình nhất, và được dạy bởi những giáo sư có kiến thức và đạo đức tốt nhất. Đừng nên chọn bất kỳ lớp học nào bạn không thích chỉ vì có nhiều bạn học cùng đăng ký lớp đó hay môn đó dễ được điểm cao.

Mỗi năm, ngay khi lịch dự kiến các môn học được tải lên trang của nhà trường, tôi bắt đầu nói chuyện với tất cả mọi người. Tôi thường hỏi cán bộ hành chính [administrative staff] xem môn học có khả năng quay lại vào kỳ học/năm học sau không, có yêu cầu nền tảng môn gì [prerequisites] để lấy môn đó không, giảng viên đó có tốt không… Tôi cũng liên lạc với giảng viên để xin trước giáo trình để tham khảo, đây cũng là một cơ hội để giới thiệu bản thân và quen biết thêm các giáo sư mới. Tôi nói chuyện với các bạn học đã từng lấy lớp tôi đang cân nhắc hoặc đã từng làm việc với giảng viên dạy môn đó để có thêm thông tin.

Nếu không thể đưa ra quyết định trước năm học, tôi thường ngồi thử ở một số lớp trong buổi đầu tiên để xem nội dung học, phong cách giảng viên, và không khí lớp học, sau đó mới chốt lại 3-4 môn hợp lý nhất để theo. Điều quan trọng là phải theo sát thời gian bỏ/thêm lớp học mới bởi vì ở rất nhiều trường, sau khi quá thời hạn [thường là 1 tuần trước khi kỳ học mới bắt đầu] bạn không được đăng ký thêm hoặc nếu bỏ lớp phải trả tiền phạt. 

Không nên lấy nhiều hơn một môn được dạy bởi một giảng viên trong cùng một kỳ

Rất nhiều sinh viên mới, đặc biệt là sinh viên quốc tế, quan tâm và muốn được làm việc nhiều hơn với một giáo sư nhất định [thường là người hướng dẫn [advisor] của mình], dẫn đến việc lấy 2-3 lớp cùng được dạy bởi giảng viên đó một lúc. Không có gì sai ở đây cả. Tuy nhiên, do giáo sư thường sử dụng kiến thức mới đọc được hoặc trải nghiệm hàng ngày của mình để áp dụng vào bài giảng cho sinh động, nếu bạn lấy 2-3 môn cùng một người trong cùng một thời điểm, sự đa dạng về kiến thức và trải nghiệm khó có thể xảy ra.

Điều này dẫn đến việc bạn có thể nghe đi nghe lại cũng một câu chuyện, cùng một ví dụ từ lớp này đến lớp khác. Ngoài ra, giáo sư thường sắp xếp lịch học các lớp mình dạy tương đối trùng khớp nhau về thời gian thi hoặc nộp bài cuối kỳ. Nếu lấy 2-3 môn cùng một giáo sư, bạn dễ phải đối mặt với 2-3 hạn nộp bài cùng một thời điểm và nhiều áp lực dồn lên trong thời gian ngắn. 

Nhưng nếu không có quyền lựa chọn?

Nếu không có quyền lựa chọn, nếu bạn phải học môn mình không thích, với giáo sư mình không muốn làm việc cùng, tôi khuyên bạn nên giữ thái độ tích cực. Chắc chắn bạn sẽ học được điều gì đó từ lớp học, dù ít hay nhiều. Dù cho bạn có ghét môn học đến đâu, coi như đó là cơ hội để tìm hiểu thêm một mảng kiến thức mới mà mình có thể không bao giờ biết tới. Nếu cách truyền đạt của giáo sư làm cho bạn cảm thấy khó hiểu, ghi chép lại những quan sát và suy nghĩ của mình để rút ra bài học khi bạn đứng lớp dạy hoặc đứng trên bục thuyết trình sau này. Luôn luôn giữ thái độ tích cực – đây là chìa khoá để làm tốt hơn ở mọi lĩnh vực. 

2. Trong kỳ học

Bắt đầu với tư duy: Học là cho mình

Cũng như mọi người, tôi từng stress với điểm số, phát biểu trên lớp, đối đáp với giáo sư…làm sao để mình “ghi điểm” trước người khác? Chỉ cho đến khi tôi quyết định: “học là cho mình” – không phải cho ai hết và không vì một điểm số nào hết, tôi mới bắt đầu tự tin, học tốt lên, và có niềm vui khi tới lớp. Đôi khi vì chúng ta đã quá quen với hệ thống giáo dục thiên về điểm số, ganh đua, thành tích .. mà quên đi mất ý nghĩa cốt lõi của việc học tập. Học là để trang bị kiến thức cho mình, để khai sáng đầu óc, để hướng tư duy đến những điều sâu sắc hơn, cao cả hơn. Điểm số không phải là thước đo duy nhất về trình độ học vấn của con người. Học lại càng không phải cách chứng minh bản thân mình với người khác. Tập trung vào tư duy: học là cho mình; điểm số và đánh giá của người khác về mình sẽ tự khắc tăng lên. 

Lập kế hoạch sớm

Khi biết được yêu cầu cơ bản của môn học cũng như các hạn nộp bài, lập kế hoạch sớm nhất có thể. Tôi đưa tất cả hạn nộp bài quan trọng [ví dụ, thi cuối kỳ] vào 2 hệ thống: [1] lịch làm việc trên giấy/excel và [2] Google Calendar trên máy tính/điện thoại.

Đối với Google Calendar, ngoài việc ghi chú hạn nộp bài, tôi để thêm nhắc việc [reminder] 1 tuần và 3 ngày trước hạn nộp để chắc chắn tôi có thời gian để hoàn thành công việc. Đối với những đầu việc thường xuyên như bài tập về nhà, sách/báo nghiên cứu cần đọc trước giờ học, tôi tự tạo ra thời hạn [deadlines] nhỏ trong Google Calendar để nhắc việc thường xuyên.

Trước khi bắt đầu tuần mới, tôi lượt qua lịch làm việc và các deadlines quan trọng trong tuần. Sau đó, tôi viết lại vào số tay để chia nhỏ đầu việc theo ngày và sử dụng phương pháp pomodoro [25 phút làm việc, 5 phút nghỉ] để làm việc hiệu quả. Hệ thống chắc chắn, logic này đảm bảo tôi không bao giờ bỏ lỡ deadlines và kiểm soát được thời gian của mình. [Xem video để thấy rõ hơn hệ thống này trong thực tế] 

Ghi chép bài giảng theo hệ thống

Đối với tôi, việc ghi chép bài giảng là vô cùng, vô cùng quan trọng! Chúng ta đã qua cái thời cô đọc – trò chép, phần lớn giảng viên hiện đại chia sẻ kiến thức với sinh viên như trò chuyện bình thường. Họ có thể có powerpoint dàn ý, nhưng những kiến thức quan trọng và thú vị nhất thường ở ngoài dàn ý đó. Ngoài ra, bạn học cùng lớp cũng có thể chia sẻ kiến thức của họ qua phát biểu trên lớp và làm việc nhóm. Tất cả những thông tin quý giá này cần được ghi lại.

Bạn có thể chọn cách ghi chép và sắp xếp ghi chép của mình trên máy tính hoặc trên giấy. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ghi chép bằng tay [bút, giấy] khiến người học nhập tâm vào bài vở, hiểu, và nhớ lâu hơn ghi chép trên máy tính. Trong các năm học Đại học và Cao học, tôi đã thử không biết bao nhiêu cách ghi chép và sắp xếp ghi chú bài vở của mình, theo từng môn học có, theo từng nhóm môn có, viết vào từng cuốn vở có, mà viết từng tờ giấy rời cũng có.

Cuối cùng, học kỳ này, làm theo Chủ nghĩa tối giản, tôi ghi chép toàn bộ 5 môn học, cùng thông tin với học nhóm, họp hành.. vào một cuốn sổ duy nhất. Đi đâu tôi cũng mang theo cuốn sổ này và khi cần tôi có thể lật ra tìm lại thông tin mình cần dễ dàng. Đây có lẽ là phương pháp giản đơn nhất mà lại tối ưu nhất tôi từng thử nghiệm. [Xem video để thấy minh họa rõ hơn về phương pháp này]

Đọc tài liệu một cách hiệu quả

Một trong những thử thách lớn nhất của việc đi học là đọc tài liệu. Mỗi môn học có rất nhiều tài liệu để đọc, tuỳ vào chương trình bạn học. Đối với ngành xã hội, tôi có thể được yêu cầu đọc từ 300-1000 trang một tuần. Với số lượng tài liệu nhiều như vậy [chưa kể không dễ đọc và bằng tiếng nước ngoài], bạn cần có một phương pháp đọc hiệu quả.

Quy tắc số 1 là: Không bao giờ đọc từng chữ một! Tôi từng biết rất, rất nhiều sinh viên quốc tế dò từng chữ một trên tài liệu và tra từ điển song song. Nếu làm theo cách này, bạn sẽ không bao giờ đọc hết được tài liệu. Thay vào đó, luyện cách đọc nhanh, đọc lấy ý chính, vừa đọc vừa ghi chép để ghi nhớ.

Có rất nhiều kỹ thuật đọc nhanh, nhưng về cơ bản, tập trung vào tóm tắt [abstract/summary], mở bài, kết bài, câu đầu tiên của mỗi đoạn văn… Nếu có tài liệu nào quan trọng, bạn luôn có thể quay lại đọc kỹ hơn. Nhiều năm nay, tôi sử dụng phương pháp chia đôi vở [một bên ghi ý chính bài đọc, một bên ghi suy nghĩ của mình] và thấy rất hiệu quả. Bạn có thể đọc thêm về phương pháp này tại đây hoặc xem video minh họa.

Đối với những bạn làm nghiên cứu và cần sắp xếp nhiều tài liệu đọc, tôi khuyên nên sử dụng một phần mềm/tiện ích sắp xếp tài liệu ngay từ đầu. Cá nhân tôi dùng Mendeley từ những năm đầu tiên học Cao học và thấy rất hiệu quả. 

Tập trung 100% vào bài giảng

Cuối cùng, như tôi vẫn thường viết — “be present“. Mọi thông tin trên powerpoint và trên bảng đều có thể lấy lại sau, nhưng bài giảng của giáo sư chỉ có một lần. Cố gắng tập trung, nghe, và suy nghĩ. Tôi từng thấy nhiều sinh viên sử dụng điện thoại và máy tính trong giờ giảng để lên mạng xã hội, nhắn tin, hoặc làm bài tập môn khác. Đây thực sự là sự phí phạm thời gian, của cải, công sức của cả người dạy lẫn người học. Quay trở lại tư duy: học là cho mình, tập trung 100% vào bài giảng để lấy được nhiều nhất lượng kiến thức được truyền đạt.  

3. Cuối kỳ học

Chuẩn bị tốt cho thi cuối kỳ

Vào thời điểm này, tôi thường cố gắng đặt mục tiêu hoàn thành bài cuối kỳ hoặc ôn thi cuối kỳ trước thời hạn một tuần để có thể chỉnh sửa hoặc ôn luyện thêm khi cần. Đối với những bạn thường phải viết bài cho cuối kỳ, tôi khuyên nên nhân đôi thời gian viết [ví dụ, nếu ước lượng bài viết xong trong khoảng 5 tiếng thì nên chuẩn bị thành 10 tiếng] vì viết thường tốn nhiều thời gian hơn dự định.

Với những ai đang học Tiến sĩ hoặc có dự định nộp học Tiến sĩ, tôi rất khuyên coi mỗi bài cuối kỳ là cơ hội hoàn thành bài thuyết trình hội thảo hoặc xuất bản – bài cuối kỳ được viết tốt là bước đệm lớn cho nghiên cứu sau này. 

Không nên xin gia hạn

Nhiều giáo sư đồng ý cho gia hạn nếu bạn không thể hoàn thành bài cuối kỳ đúng hạn. Nhưng tôi không khuyến khích điều này. Tôi đã từng xin gia hạn một lần và thời gian viết bài sau đó thực sự khổ ải. Gia hạn khiến mức độ trì hoãn, ì trệ tăng cao, chưa kể mình phải viết bài trong khi mọi người đã nghỉ ngơi, thư giãn, và tiệc tùng kết thúc kỳ học. Luôn cố gắng hết sức làm đúng hạn để không phải xin gia hạn!

Luôn cám ơn và xin phản hồi tư giáo sư

Thông thường, khi giáo sư trả bài kết thúc môn, tôi thường viết email cám ơn [chân thành, không nịnh hót, sáo rỗng]. Nếu giáo sư không viết nhận xét chi tiết vào bài cuối kỳ, tôi thường email xin phản hồi về chất lượng bài viết. Đối với hầu hết giáo sư, việc làm này thể hiện bạn nghiêm túc với việc học và luôn cầu tiến. 

Tôi hy vọng những bí quyết này sẽ giúp bạn học tập tốt hơn. Như tôi đã viết, bạn hãy thử nghiệm tất cả các phương pháp, lời khuyên được đưa ra và áp dụng phù hợp nhất cho việc học tập của mình. Chúc mọi người một kỳ học mới thành công và hiệu quả!

Đừng quên xem video để thấy những ví dụ sinh động hơn trong thực hành nhé!

Be Present,

Chi Nguyễn

*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận

** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog 

Video liên quan

Chủ Đề