Cuối năm 1257, được tin quân mông cổ chuẩn bị xâm lược, quân đội nhà trần đã

I. CUỘC KHÁNG CHIẾN LẦN THỨ NHẤT CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC MÔNG CỔ [1258]

1. Âm mưu xâm lược Đại Việt của Mông Cổ.

- Đầu thế kỉ XIII, nhà nước phong kiến Mông Cổ được thành lập. Với một lực lượng quân đội mạnh và hiếu chiến, vua Mông Cổ liên tiếp xâm lược và thống trị nhiều nước ở châu Á, châu Âu. Quân Mông Cổ đi đến đâu cũng làm nhà cửa đổ nát, thành trì tan hoang, nhân dân bị giết hoặc bị bắt làm nô lệ.

- Năm 1257, vua Mông Cổ quyết định mở cuộc tiến công lớn vào nước Nam Tống [ở phía nam Trung Quốc] nhằm xâm chiếm toàn bộ Trung Quốc. Để đạt được tham vọng đó, vua Mông Cổ sai tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy hơn 3 vạn quân xâm lược Đại Việt, rồi từ Đại Việt đánh thẳng lên phía nam Trung Quốc để phối hợp với các cánh quân từ phía bắc xuống. Đó là việc thực hiện kế hoạch “gọng kìm” để tiêu diệt Nam Tống và xâm lược Đại Việt.

+ Trước khi kéo quân vào xâm lược, tướng Mông Cổ cho sứ giả đưa thư đe dọa và dụ hàng vua Trần.

+ Ba lần sứ giả Mông Cổ đến Thăng Long đều bị vua Trần ra lệnh bắt giam vào ngục.

2. Nhà Trần chuẩn bị và tiến hành kháng chiến chống quân Mông Cổ.

- Cuối năm 1257, khi được tin quân Mông Cổ chuẩn bị xâm lược, nhà Trần đã ban lệnh cho cả nước sắm sửa vũ khí, các đội dân binh được thành lập, ngày đêm luyện tập võ  nghệ sẵn sàng đánh giặc.

- Tháng 1/1258, 3 vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến vào xâm lược nước ta. Quân giặc theo đường sông Thao tiến xuống Bạch Hạc [Việt Trì, Phú Thọ] rồi tiến đến vùng Bình Lệ Nguyên [Vĩnh Phúc] thì bị chặn lại ở phòng tuyến do vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy. Tại đây, một trận đánh quyết liệt đã diễn ra.

- Do thế giặc mạnh, vua Trần cho lui quân để bảo toàn lực lượng. Triều đình tạm rời kinh thành Thăng Long, xuôi về vùng Thiên Mạc [Duy Tiên, Hà Nam].

- Nhân dân Thăng Long theo lệnh triều đình nhanh chóng thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống” để đánh giặc, tạm rút khỏi kinh thành. Ngột Lương Hợp Thai kéo quân vào Thăng Long trống vắng không một bóng người và lương thực.

- Quân Mông Cổ điên cuồng tàn phá kinh thành, lùng bắt, giết hại những người còn sót lại.

- Đóng giữ kinh thành Thăng Long chưa đầy một tháng, quân Mông Cổ lâm vào tình thế khó khăn vì thiếu lương thực trầm trọng, phải cho quân lính đi cướp thóc gạo, hoa màu của dân nhưng nhân dân các làng xã đã chống trả quyết liệt nên lực lượng của chúng bị tiêu hao dần.

- Nắm được thời cơ, quân đội nhà Trần mở cuộc phản công lớn ở Đông Bộ Đầu [bến sông Hồng, ở phố Hàng Than, Hà Nội ngày nay].

- Ngày 29/1/1258, quân Mông Cổ thua trận phải rời khỏi Thăng Long. Trên đường rút chạy, chúng bị quân đội nhà Trần truy kích. Đến vùng Quy Hóa [Yên Bái, Lào Cai] lại bị quân của Hà Bổng chặn đánh, quân giặc hốt hoảng tháo chạy về nước. Cuộc kháng chiến chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng đã kết thúc thắng lợi.

II. CUỘC KHÁNG CHIẾN LẦN THỨ HAI CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC NGUYÊN [1258]

1. Âm mưu xâm lược Cham-pa và Đại Việt của nhà Nguyên.

- Năm 1279, nước Nam Tống bị tiêu diệt, Trung Quốc hoàn toàn bị Mông Cổ thống trị. Vua Nguyên là Hốt Tất Liệt ráo riết thực hiện âm mưu xâm lược Cham-pa và Đại Việt để làm cầu nối xâm lược và thôn tính các nước ở phía nam Trung Quốc.

- Hốt Tất Liệt cho quân đánh Cham-pa [Chiêm Thành] trước để làm bàn đạp tấn công vào phía nam Đại Việt, phối hợp với cánh quân của Thoát Hoan từ Trung Quốc đánh vào phía bắc.

- Năm 1283, hơn một vạn quân Nguyên cùng hơn 300 chiến thuyền do tướng Toa Đô chỉ huy xâm lược Cham-pa và chiếm được kinh thành. Quân dân Cham-pa đã chiến đấu hết sức anh dũng; cuối cùng quân Nguyên phải rút một bộ phận về cố thủ ở phía bắc để chờ phối hợp đánh Đại Việt.

- Kế hoạch của nhà Nguyên định dùng Cham-pa làm bàn đạp tấn công nước ta bước đầu bị tan vỡ.

2. Nhà Trần chuẩn bị kháng chiến.

- Sau khi biết tin quân Nguyên mượn đường đánh Cham-pa nhưng chỉ là tìm cớ xâm lược Đại Việt, vua Trần triệu tập hội nghị các vương hầu, quan lại ở Bình Than [Chí Linh, Hải Dương] để bàn kế đánh giặc.

+ Đến Bình Than có Trần Quốc Toản vì còn nhỏ tuổi nên không được dự hội nghị.

+ Trần Quốc Toản tức giận quân Nguyên đến nỗi bóp nát quả cam. Khi về nhà đã huy động hơn 1000 gia nô và thân thuộc làm binh khí, đóng chiến thuyền và may cờ đề 6 chữ “phá cường địch, báo hoàng ân”.

- Trần Quốc Tuấn được vua Trần giao trọng trách Quốc công tiết chế - chỉ huy cuộc kháng chiến. Ông soạn Hịch tướng sĩ để động viên tinh thần chiến đấu của quân đội.

- Đầu năm 1258, vua Trần mở hội nghị Diên Hồng, mời các bậc phụ lão có uy tín trong cả nước về Thăng Long họp để bàn cách đánh giặc.

- Nhà Trần tổ chức cuộc tập trận lớn và duyệt binh ở Đông Bộ Đầu rồi chia quân đóng giữ những nơi hiểm yếu.

- Cá nước được lệnh chuẩn bị sẵn sàng đánh giặc, quân sĩ đều thích vào cánh tay hai chữ “Sát Thát”.

3. Diễn biến và kết quả của cuộc kháng chiến.

- Cuối tháng 1/1285, 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt. Sau một số trận chiến đấu chặn giặc ở vùng biên giới, Trần Quốc Tuấn cho lui quân về Vạn Kiếp [Chí Linh, Hải Dương].

- Quân Thoát Hoan tập trung một lực lượng lớn tấn công vào Vạn Kiếp. Trước thế giặc mạnh, quân Trần lui về Thăng Long, sau đó rút về Thiên Trường [Nam Định]. Nhân dân ở Thăng Long thực hiện lệnh “vườn không nhà trống” của triều đình.

- Quân Thoát Hoan kéo vào chiếm Thăng Long trống vắng. Không dám đóng quân trong thành, chúng phải dựng doanh trại ở phía bắc sông Nhị [sông Hồng].

- Toa Đô được lệnh từ Cham-pa đánh ra Nghệ An, Thanh Hóa. Thấy thế giặc mạnh, một số quý tộc nhà Trần đầu hàng giặc. Cuộc kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn.

- Cùng lúc đó, Thoát Hoan tự mình chỉ huy một lực lượng mạnh, mở cuộc tấn công lớn xuống phía nam nhằm tạo thành thế “gọng kìm” hòng tiêu diệt quân chủ lực của ta và bắt sống toàn bộ đầu não của cuộc kháng chiến. Trước tình thế nguy cấp, Trần Quốc Tuấn phải ra lệnh rút lui để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc phản công tiêu diệt quân địch,

- Bị thất bại trong âm mưu bắt sống vua Trần và tiêu diệt quân chủ lực của ta, Thoát Hoan rút quân về Thăng Long chờ tiếp viện. Quân Nguyên lâm vào tình thế bị động lại thiếu lương thực trầm trọng.

- Tháng 5/1285, lợi dụng thời cơ, quân Trần tổ chức phản công, đánh bại quân giặc ở nhiều nơi như Tây Kết, cửa Hàm Tử [Khoái Châu, Hưng Yên], bến Chương Dương [Thường Tín, Hà Nội] và tiến vào giải phóng Thăng Long.

- Quân giặc hốt hoảng tháo chạy, bị quân Trần phục kích chặn đánh, nhiều tên bị giết. Thoát Hoan vất vả lắm mới chạy thoát về nước [tướng giặc là Lý Hằng phải giấu Thoát Hoan vào ống đồng bắt quân lính khiêng chạy].

- Vua Trần còn đem quân chặn đánh đạo quân của Toa Đô ở Tây Kết, hàng vạn quân giặc bị tiêu diệt, Tướng Toa Đô bị chém đầu.

- Sau gần hai tháng phản công [tháng 5 và tháng 6], quân dân nhà Trần đã đánh tan tành 50 vạn quân Nguyên, một đạo quân hùng mạnh bậc nhất thế giới hồi đó. Đất nước sạch bóng quân xâm lược, cả dân tộc ca khúc khải hoàn.

III. CUỘC KHÁNG CHIẾN LẦN THỨ BA CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC NGUYÊN [1287 - 1288]

1. Nhà Nguyên xâm lược Đại Việt.

- Hai lần xâm lược Đại Việt đều bị thất bại, vua Nguyên càng tức giận nên quyết tâm đánh Đại Việt lần thứ ba để trả thù. Hốt Tất Liệt đình chỉ cuộc xâm lược Nhật Bản, tập trung lực lượng tiến công Đại Việt.

+ Lần này, nhà Nguyên huy động hơn 30 vạn quân và nhiều danh tướng do Thoát Hoan làm tổng chỉ huy.

+ Ngoài ra còn có hàng trăm chiến thuyền, một đoàn thuyền lương chở hàng chục vạn thạch lương do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy.

- Đứng trước nguy cơ bị xâm lược, vua Trần khẩn trương chuẩn bị đánh giặc.

- Cuối tháng 12/1287, quân Nguyên ồ ạt tiến vào nước ta. Cánh quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy vượt biên giới Lạng Sơn, Bắc Giang. Sau nhiều trận đánh chặn giặc ở các cửa ải và vùng hiểm yếu, Trần Quốc Tuấn chủ trương rút quân khỏi Vạn Kiếp và một số nơi về vùng sông Đuống, chặn giặc kéo vào Thăng Long.

- Ngày đầu năm, cánh quân do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy kéo đến chiếm đóng Vạn Kiếp và ra sức xây dựng nơi đầy thành căn cứ vững chắc để định đánh lâu dài với quân ta.

- Cùng lúc đó, đoàn thuyền chiến do tướng Ô Mã Nhi chỉ huy theo đường biển tiến vào nước ta, rồi ngược lên sông Bạch Đằng kéo đến Vạn Kiếp hội quân với quân Thoát Hoan.

2. Trận Vân Đồn tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.

- Ô Mã Nhi được giao nhiệm vụ bảo vệ đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ nhưng cho rằng quân ta không thể ngăn cản được đoàn thuyền lương này nên đã tiến về hội quân ở Vạn Kiếp.

- Trần Khánh Dư dự đoán khi đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi đi qua, có thể đánh được đoàn thuyền lương nên đã bố trí một trận mai phục. Đúng như dự đoán, mấy ngày sau, khi đoàn thuyền lương của Trường Văn Hổ nặng nề chậm chạp tiến qua Vân Đồn liền bị quân của Trần Khánh Dư từ nhiều phía đổ ra đánh dữ dội. Phần lớn thuyền lương của địch bị đắm, số còn lại bị quân Trần chiếm.

3. Chiến thắng Bạch Đằng.

- Cuối tháng 1/1288, Thoát Hoan chia quân làm ba đạo tiến vào chiếm đóng Thăng Long trống vắng vì nhân dân kinh thành đã thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống” của triều đình.

+ Chiếm được Thăng Long, Thoát Hoan cho quân tiến đánh các căn cứ của quân Trần và sai Ô Mã Nhi đem quân đuổi bắt hai vua Trần nhưng thất bại.

+ Thoát Hoan điên cuồng cho quân tàn sát dân chúng, đốt phá, cướp bóc và quật lăng mộ vua Trần Thái Tông ở phủ Long Hưng [Thái Bình].

- Quân Nguyên không tiêu diệt được lực lượng kháng chiến của nhà Trần, trong khi đó nhiều nơi xung yếu bị quân dân ta tấn công chiếm lại. Quân giặc ra sức càn quét, cướp lương thực nhưng đầu bị nhân dân ta đuổi đánh, đẩy chúng vào thế bị động, cạn kiệt lương thực. Thoát Hoan đóng quân ở Thăng Long có nguy cơ bị cô lập, tinh thần quân lính hoang mang, tuyệt vọng. Trước tình thế nguy khốn. Thoát Hoan quyết định rút quân lên Vạn Kiếp và từ đây rút quân về nước theo hai đường thủy, bộ.

- Nhận thấy thời cơ tiêu diệt quân Nguyên, giải phóng đất nước đã tới, vua Trần và Trần Quốc Tuấn quyết định mở cuộc phản công và tiến hành việc bố trí trận mai phục ở sông Bạch Đằng.

+ Bạch Đằng là sông lớn do sông Đá Bạc, sông Giá và nhiều sông khác đổ vào. Dòng sông rộng khoảng 1km khi thủy triều lên, chảy qua nhiều địa phận huyện Yên Hưng [Quảng Ninh] và Thủy Nguyên [Hải Phòng] rồi đổ ra biển.

+ Trần Quốc Tuấn cho tìm hiểu con nước triều lên xuống hằng ngày và cắm cọc trên sông, bố trí các đạo quân mai phục.

- Đầu tháng 4/1288, đoàn thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy có kị binh hộ tống rút về theo đường thủy trên sông Bạch Đằng. Khi thuyền chiến của Ô Mã Nhi tiến gần đến trận địa bãi cọc, một số thuyền nhẹ của quân Trần ra khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy, quân giặc ra sức đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục, đúng lúc nước triều xuống nhanh. Từ hai bờ, hàng nghìn chiến thuyền nhỏ của quân Trần đổ ra đánh, phá vỡ đội hình quân giặc. Bị đánh bất ngờ và quyết liệt, quân giặc hoảng hốt, tranh nhau tháo chạy ra biển, thuyền giặc xô vào bãi cọc đang nhô lên, bị ùn tắc, vỡ, đắm. Giữa lúc đó, hàng loạt bè lửa xuôi nhanh theo nước triều đang xuống lao vào thuyền giặc. Những tên sống sót nhảy lên bờ liền bị quân bộ nhà Trần chờ sẵn tiêu diệt. Toàn bộ cánh thủy binh giặc bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi bị bắt sống.

- Cánh quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy từ Vạn Kiếp theo hướng Lạng Sơn rút chạy về Quảng Tây [Trung Quốc]. Trên đường tháo lui, chúng bị quân dân ta tập kích liên tiếp. Cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân Nguyên đã kết thúc thắng lợi vẻ vang.

IV. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA BA LẦN KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN XÂM LƯỢC MÔNG – NGUYÊN

1. Nguyên nhân thắng lợi.

- Trong các cuộc kháng chiến, tất cả các tầng lớp nhân dân, các thành phần dân tộc đều tham gia đánh giặc, bảo vệ quê hương đất nước. Giặc đến đâu, nhân dân theo lệnh triều đình cất giấu lương thảo, của cải, thực hiện “vườn không nhà trống”, tự vũ trang đánh giặc, hăng hái tổ chức các đội dân binh phối hợp chiến đấu với quân triều đình, làm cho quân Nguyên lâm vào thế bị động, thiếu lương thực, phân tán lực lượng để đối phó và bị đánh bại.

- Trong cả ba lần chống quân xâm lược Mông – Nguyên, nhà Trần đã chuẩn bị rất chu đáo tiềm lực về mọi mặt cho mỗi cuộc kháng chiến. Nhà Trần rất quân tâm chăm lo sức dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân bằng nhiều biện pháp để tạo nên sự gắn bó đoàn kết giữa triều đình với nhân dân.

- Quý tộc, vương hầu nhà Trần chủ động giải quyết những bất hòa trong nội bộ vương triều, tạo nên hạt nhân của khối đoàn kết dân tộc mà Trần Quốc Tuấn là tiêu biểu. Ông là người yêu nước thiết tha, căm thù giặc cao độ, thương yêu nhân dân, quân lính hết lòng.

- Trần Quốc Tuấn còn là nhà lí luận quân sự tài ba. Ông là tác giả của các bộ binh thư nổi tiếng: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Ông còn là tác giả của Hịch tướng sĩ. Với chức Quốc công tiết chế - Tổng chỉ huy quân đội, ông là người đã có công lao to lớn trong ba cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến lần thứ hai và thứ ba.

- Thắng lợi của ba lần chống quân xâm lược Mông – Nguyên gắn liền với tinh thần hi sinh, quyết chiến quyết thắng của toàn dân ta, mà nòng cốt là quân đội nhà Trần.

- Thắng lợi đó cũng không thể tách rời chiến lược, chiến thuật đúng đắn, sáng tạo của vương triều Trần, đặc biệt là vua Trần Nhân Tông và các danh tướng: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư...

- Cách đánh giặc đúng đắn đó là thấy được chỗ mạnh, chỗ yếu của kẻ thù, tránh chỗ mạnh và đánh vào chỗ yếu của giặc; biết phát huy chỗ mạnh, lợi thế của đất nước, của quân đội và nhân dân ta, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta đã được chuẩn bị trước; buộc giặc từ thế mạnh chuyển dần sang yếu, từ chủ động thành bị động để tiêu diệt chúng.

2. Ý nghĩa lịch sử.

- Thắng lợi của ba lần kháng chiến chống quân Mông – Nguyên đã đập tan tham vọng và ý chí xâm lược Đại Việt của đế chế nguyên, bảo vệ được độc lập toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của dân tộc, đánh bại một kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất thế giới bấy giờ, trong bối cảnh nhiều nước đã bị đánh bại và nô dịch, so sánh lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệch. Điều đó càng khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa nâng cao lòng tự hào, tự cường chính đáng cho dân tộc ta, củng cố niềm tin cho nhân dân.

- Thắng lợi đó đã góp phần xây đắp nên truyền thống quân sự Việt Nam, truyền thống chiến đấu của một nước nhỏ nhưng luôn phải chống lại những kẻ thù mạnh hơn nhiều lần đến xâm lược.

- Thắng lợi đó đã để lại bài học vô cùng quý giá, đó là củng cố khối đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự quan tâm của nhà nước đến toàn dân, dựa vào dân để đánh giặc.

- Thắng lợi trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên không những bảo vệ được độc lập của Tổ quốc mà còn góp phần ngăn chặn những cuộc xâm lược của quân Nguyên đối với Nhật Bản và các nước phương Nam, làm thất bại mưu đồ thôn tính miền đất còn lại ở châu Á của Hốt Tất Liệt.

Page 2

SureLRN

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề