Đánh giá đại học văn hóa tp hcm tuyển sinh 2022

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 20-07-2022

      Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học công lập có chức năng đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn chất lượng quốc gia về các lĩnh vực: Văn hóa, Du lịch, Thông tin và Truyền thông. Trải qua hơn 45 năm hình thành và phát triển, Nhà trường cung ứng hơn 40.000 cán bộ công tác trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với hai cơ sở đào tạo khang trang hiện đại, ký túc xá đáp ứng 100% chỗ ở nội trú cho người học, nguồn học liệu đa dạng và phong phú, đội ngũ giảng viên cơ hữu trên 90% có trình độ chuyên môn sau đại học được đào tạo tại nước ngoài như: Bỉ, Đức, Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đài Loan và những cơ sở đào tạo sau đại học uy tín ở trong nước, có thể khẳng định rằng Nhà trường đã sẵn sàng với công cuộc tự chủ đại học và hội nhập giáo dục đại học quốc tế.

Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 1. Số 51 Quốc Hương, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

      Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đề ra chủ trương và chương trình hành động đổi mới giáo dục đào tạo: “Người học là trung tâm - người thầy là nòng cốt - công nghệ là then chốt - chất lượng là thước đo sự nghiệp trồng người”, Nhà trường đã tiến hành đổi mới hoạt động giáo dục đào tạo trên các phương diện:

      Lấy người học làm trung tâm

     Thực hiện “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Xây dựng cơ quan văn hóa”, “Nâng cao chất lượng giáo dục”, “Quy chế dân chủ trong hoạt động của Nhà trường”, trong đó quan điểm “người học là trung tâm” là cốt lõi. Để tăng cường vai trò phản biện xã hội, theo kế hoạch công tác định kỳ, Nhà trường tổ chức họp giao ban với đại diện sinh viên; khảo sát ý kiến người học về hoạt động tuyển sinh, đào tạo và tình hình việc làm của người học sau tốt nghiệp nhằm tiếp nhận thông tin và có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong quá trình đổi mới hoạt động giáo dục đào tạo; Thực hiện nhiều chương trình liên kết quốc tế trong giáo dục đào tạo mà người học được thụ hưởng lợi ích: đào tạo sinh viên Lào trình độ đại học; đào tạo tiếng Việt nâng cao cho sinh viên Trung Quốc; Tiếp nhận sinh viên Đức đến trường thực tập; mời giảng viên đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Australia giảng dạy chuyên đề. Ngoài ra, còn có nhiều đoàn sinh viên từ các quốc gia Nam Phi, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Thái Lan đến Trường giao lưu văn hóa nghệ thuật và học thuật; Nhà trường cử sinh viên tham gia hội trại sinh viên các nước châu Á do Trường Đại học Silpakorn,Thái Lan tổ chức hàng năm; Thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng như: “Hướng dẫn viên du lịch giỏi”; “Sách và tôi”, “Hành trang khởi nghiệp”, “Hành trình Di sản”, “Tôi người dẫn chương trình”, “Chúng tôi là sinh viên Thư viện”, “Duyên dáng áo dài”, “Liên hoan tiếng hát dưới mái trường”, “Chủ nhật xanh”, “Xuân tình nguyện”, “Mùa hè xanh”, “Hiến máu nhân đạo”,…; Xây dựng và hoàn thiện trang thiết bị hai khu ký túc xá sinh viên tại 2 cơ sở đào tạo theo hướng “Ký túc xá văn hóa, đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Đánh giá đại học văn hóa tp hcm tuyển sinh 2022

Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

       Phát triển đội ngũ giảng viên đảm bảo về chất lượng

     Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ nhà giáo được Nhà trường thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo phấn đấu đạt được học hàm, học vị đáp ứng chuẩn chức danh nghề nghiệp. Với mục tiêu hướng đến, Nhà trường cử giảng viên học tập ở nước ngoài: Đại học Văn hóa nghệ thuật quốc gia Moskva (Liên bang Nga), Đại học tổng hợp Zielona Gora (Ba Lan) theo chương trình học bổng Eramus plus, Đại học Hannam theo học bổng của chính phủ Hàn Quốc, Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc), tại Đài Loan theo học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo Đài Loan. Ngoài ra, Nhà trường còn cử giảng viên giảng dạy chuyên đề tại Trường Đại học Zielona (Ba Lan), cử giảng viên tham gia hội trại các nước châu Á (tại Thái Lan) để chia sẻ về chuyên môn và tích lũy những kinh nghiệm nghề nghiệp.

      Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo

     Nhà trường mạnh dạn và quyết tâm xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học tất cả các ngành, chuyên ngành theo định hướng ứng dụng. Theo đó, giảm tỷ trọng khối lượng kiến thức lý thuyết, tăng tỷ trọng khối lượng kiến thức và kỹ năng ứng dụng - thực hành; giảng dạy lý luận gắn với thực tiễn. Nhà trường ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp để phối hợp, tận dụng nguồn lực lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm giúp quá trình đào tạo gắn với thị trường lao động và nhu cầu của xã hội. Các nhà tuyển dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo: xây dựng chương trình đào tạo; phản biện chương trình đào tạo; giảng dạy; đánh giá kết quả làm việc của sinh viên và cựu sinh viên của Nhà trường. Đề cao yếu tố chất lượng ứng dụng và thực hành nghề nghiệp trong đào tạo Nhà trường và nhà tuyển dụng phối hợp xây dựng môi trường tham quan thực tế, kiến tập và thực tập tích cực cho người học. Mô hình “Nhà trường đào tạo - xã hội đánh giá” được định hình và phát triển, với nhiều học phần được tổ chức đánh giá kết quả thi bên ngoài Nhà trường như: Tổ chức sự kiện; Phương pháp điền dã Dân tộc học; Văn hóa ẩm thực; các học phần về quản trị, tổ chức điều hành, hướng dẫn tour thực tế ở miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên, xuyên Việt...

Trung tâm thông tin, thư viện – Điểm đến quen thuộc, nơi cung cấp nguồn học liệu tham khảo quan trọng cho sinh viên, học viên học tập và nghiên cứu khoa học.

      Đổi mới cơ sở vật chất và công nghệ

     Nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Hiện nay, Trường có tổng diện tích đất 37.261m2; Tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học là 43.557m2; 2 ký túc xá sinh viên với sức chứa 2.500 chỗ ở. Hai cơ sở đào tạo hiện có: hội trường biễu diễn nghệ thuật, khu nhà học thực hành Văn hóa nghệ thuật, phòng thực hành Bảo tàng, phòng thực hành Thư viện, phòng thực hành máy tính, phòng hội thảo; phòng học lớn trên 200 chỗ (2 phòng), phòng học từ 100- 200 chỗ (10 phòng), phòng học từ 50- 100 chỗ (56 phòng), phòng học dưới 50 chỗ (8 phòng), phòng học đa phương tiện (4 phòng). Tất cả các phòng học đều được trang bị máy lạnh và trang thiết bị chuyên dụng, góp phần tạo nên môi trường giảng dạy và học tập thoải mái và thân thiện. Sau quá trình nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn trọng, Nhà trường đã quyết định đầu tư và vận hành phần mềm tin học ASC nhằm ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng quản trị đại học toàn diện và tiên tiến. Đặc biệt là, Nhà trường triển khai thực hiện ISO 9001:2015 và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn mới gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Đánh giá đại học văn hóa tp hcm tuyển sinh 2022

Khu ký túc xá tại cơ sở 2 của nhà trường có sức chứa hơn 1.600 người.

      Xây dựng văn hóa chất lượng trong giáo dục và đào tạo

     Đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vừa là chủ trương của Nhà nước, vừa là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả các cơ sở đào tạo trước xu thế hội nhập giáo dục đại học quốc tế. Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thức đầy đủ và có kế hoạch hành động cụ thể, tích cực về xây dựng và phát triển chất lượng giáo dục để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Sau quá trình huy động các nguồn lực chuẩn bị lâu dài, công phu, kỹ lưỡng, Nhà trường mời đoàn đánh giá ngoài do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thành lập, tiến hành đánh giá chất lượng Nhà trường vào tháng 9 năm 2019, theo nội dung Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết quả: Trường đạt chuẩn chất lượng, đây cũng là động lực để tập thể thầy và trò Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cùng phấn đấu tiếp tục xây đắp văn hóa chất lượng, bởi ai cũng hiểu chất lượng là một quá trình - không phải là một điểm đến. 

Sinh viên khóa 2017-2021 tốt nghiệp ra trường.

      Năm 2022, Trường Đại học Văn hóa  TP. Hồ Chí Minh tuyển sinh các trình độ: Tiến sĩ, thạc sĩ, đại học chính quy, liên thông đại học, đại học văn bằng hai. Trong đó, ở bậc đào tạo trình độ tiến sĩ tuyển sinh 15 chỉ tiêu ngành Quản lý văn hóa; Trình độ thạc sĩ tuyển sinh 70 chỉ tiêu các chuyên ngành: Quản lý Văn hóa, Văn hóa học và Khoa học Thư viện; 200 chỉ tiêu trình độ đại học vừa làm vừa học; Đại học chính quy tuyển sinh 800 chỉ tiêu cho các ngành: Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (các chuyên ngành: Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch), Quản lý văn hóa (các chuyên ngành: Quản lý hoạt động Văn hóa xã hội, Quản lý di sản văn hóa, Tổ chức hoạt động Văn hóa Nghệ thuật), Văn hóa học (các chuyên ngành: Truyền thông Văn hóa, Công nghiệp Văn hóa, Văn hóa Việt Nam), Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Kinh doanh xuất bản phẩm, Thông tin - Thư viện, Bảo tàng học./.

Hoàng Hải

BBT website Trường Đại học Văn hóa TP. HCM

Nguồn tài liệu tham khảo: Phòng Đàoo tạo, QLKH và HTQT