Đánh giá win 10

Windows 11 và Windows 10: Taskbar và thiết kế mới

Thay đổi rõ ràng nhất đối với Windows 11 là thanh tác vụ [Taskbar] mới, rất giống với bố cục trên macOS. Nhưng được thiết kế gọn gàng hơn nhiều so với trên Windows 10 và được bố trí ở chính giữa, thay vì góc dưới cùng bên trái như trước đây. Trên Windows 11, chức năng Cortana tích hợp vào thanh tác vụ cũng đã được lược bỏ và thay bằng một biểu tượng tìm kiếm [kính lúp] đơn giản.

Kích vào menu Start trên Windows 10, bạn sẽ thấy danh sách tất cả các chương trình được cài đặt trên máy tính của mình. Tại đây bạn cũng có thể xem các Live Tiles [là những ô vuông hay chữ nhật có từ thời Windows 8 và nó không phải là một biểu tượng tĩnh], xem thời tiết, album ảnh và các ứng dụng Microsoft khác.

Trên Windows 11, menu Start sẽ hiển thị các ứng dụng đã ghim [Pinned], với thanh tìm kiếm lớn ở trên cùng cho phép bạn tìm nhanh các chương trình, ứng dụng. Ngoài ra còn có danh sách các hoạt động gần đây [Recommended] ở phía dưới để bạn có thể quay lại ngay với các công việc đó chỉ với một cú kích chuột.

Mặc định menu Start được bố trí ở chính giữa màn hình mép dưới cùng trên hệ điều hành Windows 11, nhưng nếu muốn bạn cũng có thể di chuyển về góc dưới cùng bên trái như trên Windows 10 nếu muốn.

Trên Windows 10, người dùng có thể di chuyển thanh taskbar sang bên trái hoặc bên phải màn hình. Tuy nhiên trên Windows 11 tính năng này đã bị loại bỏ, có nghĩa thanh taskbar giờ đây sẽ bị khóa và chỉ ở mép dưới cùng mà thôi.

Một thay đổi quan trọng khác liên quan đến giao diện người dùng trên Windows 11 so với Windows 10 đó chính là thiết kế bo tròn ở các góc của các cửa sổ, bảng menu và hộp thông báo, giúp mọi thứ trông mềm mại hơn.

Windows 11 và Windows 10: Snap Layouts và đa nhiệm

Chức năng Snap trên Windows 10 cũng đã nhận được bản cập nhật đáng giá được gọi là Snap Layouts trên Windows 11. Theo đó Snap Layouts sẽ cung cấp một số tùy chọn bố cục có sẵn để bạn có thể thiết lập các ứng dụng đang mở theo cách mình muốn.

Không chỉ đơn giản là kiểu sắp xếp các cửa sổ cạnh nhau như trước, giờ đây người dùng Windows 11 có thể sắp xếp theo dạng hình vuông, chia đôi, chia ba, chia bốn, xếp chồng lên nhau tùy theo mục đích sử dụng.

Các bố cục khác nhau có sẵn sẽ tự động điều chỉnh kích thước để phù hợp với kích thước màn hình, phù hợp với tỷ lệ khung hình và độ phân giải của bất kỳ màn hình nào đang sử dụng. Việc quản lý đa màn hình cũng không cần phải thay đổi cấu trúc lại các cửa sổ khi gắn và tháo laptop với các màn hình ngoài.

Trong khi đó Snap Groups [tính năng mở rộng của Snap Layouts] giúp bạn nhóm các ứng dụng yêu thích và lưu xuống taskbar sau đó có thể kích hoạt nhanh đồng thời các ứng dụng này chỉ với một cú kích chuột.

Và để có nhiều thay đổi về không gian làm việc, Microsoft đã cải tiến desktop ảo để người dùng có thể tạo bao nhiêu desktop ảo tùy thích. Mỗi desktop ảo có thể cá nhân hóa với hình nền riêng, nhóm các dự án và chương trình để chuyển đổi nhanh chóng.

Điều này cho phép người dùng tạo nhiều môi trường làm việc khác nhau trên một máy tính cho các nhu cầu sử dụng khác nhau như làm việc, trường hợp, buôn bán, chơi game mà không làm ảnh hưởng tới các công việc khác.

Windows 11 và Windows 10: Từ Skype đến Teams

Ứng dụng nhắn tin Teams của Microsoft ra mắt vào năm 2017, hai năm sau khi phát hành Windows 10. Do đó, nó đã trở thành một ứng dụng tùy chọn thay thế cho những ứng dụng tương tự.

Đối với Windows 11, ứng dụng Teams sẽ đóng một vai trò lớn hơn nhiều. Chức năng Chat sẽ được tích hợp vào thanh tác vụ chính, giúp bạn gửi tin nhắn cho đồng nghiệp hoặc bạn bè dễ dàng và nhanh chóng từ taskbar.

Bạn cũng sẽ có thể thực hiện các cuộc gọi thoại hoặc cuộc gọi điện video từ Teams, thậm chí có thể liên hệ với những người bạn khác cùng sử dụng ứng dụng trên các nền tảng như Android và iOS. Trong trường hợp bạn bè của bạn chưa cài đặt Teams thì vẫn có thể liên lạc qua tin nhắn dạng SMS hai chiều.

Windows 11 và Windows 10: Ứng dụng Android

Người dùng Windows 10 nếu muốn chạy các ứng dụng Android buộc phải sử dụng phần mềm giả lập. Nhưng trên Windows 11 điều đó đã thay đổi, giờ đây các ứng dụng Android có thể chạy trực tiếp trên máy tính chạy Windows 11, trong một cửa sổ riêng biệt có thể sử dụng với Snap Layouts, cảm ứng, bàn phím hoặc chuột tương tự như cách bạn tương tác với Windows.

Người dùng có thể thêm các ứng dụng yêu thích vào thanh taskbar và menu Start giống như các chương trình khác, để biến chúng thành một phần trong quy trình làm việc hàng ngày.

Nhưng cần lưu ý rằng hiện tại Microsoft Store trên Windows 11 mới chỉ hỗ trợ các ứng dụng Android thông qua Appstore của Amazon. Điều này khiến người dùng phân vân không biết những ứng dụng nào sẽ có sẵn và liệu có cách nào để chạy ứng dụng từ các nguồn khác [như Google Play] hay không.

Tuy nhiên nhờ công nghệ Intel Bridge, các ứng dụng Android tải xuống đều sẽ hoạt động tốt với máy tính xách tay, máy tính để bàn hoặc máy tính bảng Windows của bạn.

Windows 11 và Windows 10: Widget

So với Windows 10, Widget trên Windows 11 là một bước cải tiến vượt bậc, là nơi tập hợp các nguồn cấp dữ liệu trực tiếp, cập nhật và đề xuất về mọi thứ, từ lịch, thông tin thời tiết đến các đề xuất tin tức và bài viết được cá nhân hóa tự động.

Được hỗ trợ bởi AI - Artifical Intelligence, Widget sẽ cung cấp một bộ sưu tập được tuyển chọn gồm mọi thứ từ danh sách việc cần làm và thông tin giao thông đến việc đọc các đề xuất dựa trên vị trí và sở thích của bạn.

Các tiện ích Widget sẽ được lưu trữ trong một bảng điều khiển trượt ra ở mép trái của màn hình và có thể được kéo ra một phần để xem nhanh các mục mới hoặc trên toàn màn hình để có được trải nghiệm toàn màn hình. Toàn bộ giao diện widget nằm trên một khung trong suốt cho phép bạn dễ dàng đặt sang một bên để quay lại công việc đang làm mà không cần mở toàn bộ cửa sổ mới.

Windows 11 và Windows 10: Nâng cao trải nghiệm cho game thủ

Không có gì phải bàn cãi về điều đó, Windows 11 sẽ là một hệ điều hành tốt hơn Windows 10 khi nói đến chơi game. Windows 11 sẽ được trang bị một số tính năng của Xbox Series X để cải thiện chất lượng hình ảnh của trò chơi, chẳng hạn như Auto HDR, tự động bổ sung các cải tiến HDR cho các trò chơi được xây dựng trên DirectX 11 trở lên.

DirectStorage mới cho phép các máy tính sử dụng ổ cứng SSD rút ngắn thời gian khởi động cũng như tạo cảnh trong game. Vì các trò chơi có thể tải nội dung trực tiếp thông qua card đồ họa mà không làm CPU quá tải.

DirectX 12 Ultimate cũng sẽ được hỗ trợ, đảm bảo bạn có thể có được hiệu suất chơi game tốt nhất có thể khi kết hợp với các phần cứng cao cấp khác. Tóm lại, bạn nên nâng cấp máy tính lên Windows 11 nếu là một game thủ, muốn có được trải nghiệm chơi game tốt hơn hẳn người tiền nhiệm.

Windows 11 và Windows 10: Chạm, bút và giọng nói

Rất nhiều thay đổi trên Windows 11 so với Windows 10 dường như hướng tới người dùng thiết bị di động và điều này được thể hiện qua việc mở rộng hỗ trợ đầu vào. Bàn phím và chuột vẫn được hỗ trợ đầy đủ, nhưng Microsoft đã thiết kế lại giao diện để hoạt động tốt hơn với những cải tiến quan trọng cho cảm ứng, bút và nhập liệu bằng giọng nói.

Người dùng màn hình cảm ứng với Windows 11 sẽ có các mục tiêu cảm ứng lớn hơn và các dấu hiệu trực quan để dễ dàng thay đổi kích thước và di chuyển các cửa sổ. Các cử chỉ trên màn hình cảm ứng cũng sẽ phù hợp hơn với các cử chỉ như trên bàn di chuột. Một bàn phím ảo mới đi kèm với các tùy chọn để nhập liệu dễ dàng hơn bằng các ngón tay và bổ sung thêm các biểu tượng cảm xúc.

Sử dụng bút hoặc bút cảm ứng cũng sẽ thoải mái hơn với phản hồi xúc giác tốt hơn và nhập liệu bằng giọng nói không cần phần mềm bổ sung, không chỉ cung cấp tính năng nhập liệu bằng giọng nói mà còn cải thiện khả năng nhận dạng giọng nói và chấm câu tự động.

Windows 11 và Windows 10: Microsoft đã loại bỏ những gì trên Windows 10

Vì là một bản nâng cấp lớn nên Microsoft cho biết Khi nâng cấp lên Windows 11 từ Windows 10 hoặc khi cài đặt bản cập nhật lên Windows 11, một số tính năng có thể không được dùng nữa hoặc bị loại bỏ". Danh sách các tính năng sẽ không được dùng nữa hoặc bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Windows 11 bao gồm:

  • Cortana sẽ bị loại bỏ và không còn trên thanh taskbar.
  • Hình nền máy tính sẽ không còn đồng bộ từ thiết bị này sang thiết bị khác khi đăng nhập cùng một tài khoản Microsoft.
  • Internet Explorer sẽ bị loại bỏ và Microsoft Edge là sự thay thế được khuyến nghị.
  • Math Input sẽbị xóa. Math Recognizer sẽ cài đặt theo yêu cầu và bao gồm bộ nhận dạng, kiểm soát đầu vào toán học. Thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến phép toán trong các ứng dụng như OneNote.
  • News & Interests đã được thay thế bằng Widgets trên thanh taskbar.
  • Quick Status trên màn hình khóa và cài đặt liên quan sẽ bị xóa
  • S Mode chỉ hoạt động trên Windows 11 Home.
  • Snipping vẫn hỗ trợ nhưng thiết kế và chức năng cũ trên Windows 10 đã được thay thế bằng những tính năng của ứng dụng trước đây được gọi là Snip & Sketch.

Windows 11 và Windows 10: Hiệu năng

Bên cạnh những tinh chỉnh về giao diện và các tính năng mới, Microsoft còn tự hào về những cải tiến hiệu năng đi kèm với hệ điều hành mới. Công ty tuyên bố đăng nhập nhanh hơn với Windows Hello, đánh thức nhanh hơn từ chế độ ngủ và duyệt web nhanh hơn.

Microsoft tuyên bố rằng bản cập nhật Windows sẽ nhỏ hơn 40% và sẽ được thực hiện trong nền. Windows 11 cũng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn để có thời lượng pin lâu hơn trên các thiết bị như máy tính xách tay và máy tính bảng.

Windows 11 và Windows 10: Yêu cầu phần cứng

Với rất nhiều thay đổi quan trọng nên không có gì ngạc nhiên khi Windows 11 yêu cầu phần cứng cao hơn so với Windows 10. Bạn có thể thấy sự khác biệt về yêu cầu thông số kỹ thuật giữa hai nền tảng trong bảng so sánh dưới đây:

Windows 11 và Windows 10:Hỗ trợ và cập nhật

Theo Microsoft công bố, Windows 11 sẽ được cập nhật mỗi năm một lần giống như hệ điều hành iOS trên các thiết bị di động hoặc MacOS của Apple và đây là điều mà người dùng rất mong chờ. Bởi ngoài các bản vá, cập nhật bảo mật thì việc cập nhật hàng năm hứa hẹn sẽ có nhiều tính năng, nâng cấp quan trọng và đặc biệt là tối ưu hóa tốt hơn cả phần cứng lẫn phần mềm.

Trong khi đó Windows 10 hiện tại chỉ được Microsoft hỗ trợ đến năm 2025 nhưng không có thông tin về việc phiên bản này sẽ nhận được những bản cập nhật lớn.

Trên đây là so sánh chi tiết những sự khác biệt giữa bản cập nhật Windows 11 so với người tiền nhiệm Windows 10. Các bạn nếu quá trình sử dụng biết thêm được những khác biệt nào khác, hãy chia sẻ cùng chúng tôi thông qua comments ở bên dưới nhé.

Xem thêm:Những nâng cấp đáng chú ý nhất trên Windows 11

Video liên quan

Chủ Đề