Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2022-2025 là nhằm hỗ trợ phụ nữ làm gì?

.

Cập nhật lúc: 22:34, 08/12/2021 (GMT+7)

Nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và bình đẳng giới, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 (gọi tắt là Đề án 939) và giao cho Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện.

Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2022-2025 là nhằm hỗ trợ phụ nữ làm gì?
Thí sinh giới thiệu về sản phẩm khởi nghiệp tại cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp với Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái (trái). Ảnh: N.Sơn

Thực hiện Đề án 939, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động từng bước nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp…

* Nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho phụ nữ

Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Bùi Thị Hạnh cho biết, phụ nữ khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cải thiện vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Vì vậy, Hội LHPN các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ.

Từ năm 2018, Hội LHPN tỉnh bắt đầu tổ chức Ngày hội phụ nữ Đồng Nai sáng tạo - khởi nghiệp, hiện đang tiếp tục được duy trì. Đây là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của hội viên, phụ nữ đã, đang và sắp khởi nghiệp; là nơi để chị em giới thiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của mình tại các gian hàng và đặc biệt, đây còn là nơi hội viên phụ nữ được nghe các chuyên gia, các hội viên phụ nữ khởi nghiệp thành công “truyền lửa” khởi nghiệp...

Bên cạnh đó, năm 2021 cũng là năm thứ 3 Hội LHPN tỉnh tổ chức cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua 3 lần tổ chức, Ban tổ chức đã nhận được 122 ý tưởng/dự án khởi nghiệp của cán bộ, hội viên phụ nữ.

Theo chia sẻ của bà Bùi Thị Hạnh, trước mỗi cuộc thi, Hội LHPN tỉnh đều ban hành văn bản để các cấp Hội triển khai trong hội viên phụ nữ về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên phụ nữ về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 939. Từ đó, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh.

Mới đây nhất, trong khuôn khổ chương trình Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai - TechFest Dong Nai 2021 do Sở KH-CN tổ chức, Hội đã chủ trì tổ chức tọa đàm Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát động Chương trình phụ nữ khởi nghiệp năm 2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, vận động 15 ý tưởng, mô hình, sản phẩm/dịch vụ phụ nữ khởi nghiệp tham gia triển lãm gian hàng trực tiếp tại ngày hội và hình thức thực tế ảo 2D, 3D. Giới thiệu 7 dự án/ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đăng ký tham gia hoạt động kết nối, giới thiệu ý tưởng/dự án khởi nghiệp, sản phẩm OCOP với nhà đầu tư, cố vấn khởi nghiệp trong ngày hội.

Ở cơ sở, các hoạt động nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp cũng diễn ra sôi nổi. Chủ tịch Hội LHPN H.Cẩm Mỹ Trần Thị Vân Hà chia sẻ, Hội LHPN huyện đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền về Đề án 939, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế… với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm phụ nữ.

Những năm gần đây, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện còn sử dụng Facebook của Hội để tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, các chương trình liên quan đến phụ nữ khởi nghiệp, các tấm gương phụ nữ khởi nghiệp thành công…, nhằm khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ. Từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN H.Cẩm Mỹ đã tuyên truyền, vận động và có 23 ý tưởng/dự án của hội viên phụ nữ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

* Đa dạng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Bên cạnh mục tiêu nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, Đề án 939 còn hướng đến mục tiêu thúc đẩy, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ. Do đó, song song với các hoạt động nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức khác nhau.

Chủ tịch Hội LHPN H.Cẩm Mỹ Trần Thị Vân Hà cho hay, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã tiến hành khảo sát nắm bắt nhu cầu và khả năng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ; tổ chức các lớp tập huấn cho phụ nữ có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh nhằm hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, tăng cường kỹ năng kinh doanh, kỹ năng bán hàng, quảng bá, xây dựng thương hiệu, quản lý tài chính... cho cán bộ Hội từ huyện đến cơ sở và hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể, phụ nữ yếu thế, giúp chị em từng bước hiện thực hóa các các ý tưởng/dự án khởi nghiệp. Đồng thời, Hội cũng thực hiện vai trò kết nối để hội viên phụ nữ có ý định khởi nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN-PTNT; các chương trình, dự án…

Trong năm 2021, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội thành lập mới và duy trì hoạt động của các HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ; tổ chức tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác với các ngân hàng nhằm hỗ trợ vốn cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong năm 2021, các cấp Hội đã kết nối hỗ trợ 440 hội viên, phụ nữ khởi nghiệp (vượt trên 800% so với chỉ tiêu đề ra) với tổng số tiền hỗ trợ trên 13 tỷ đồng.

Mới đây, Hội LHPN tỉnh cũng đã chủ trì tổ chức tọa đàm Phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại buổi tọa đàm, hội viên phụ nữ đã thảo luận các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vai trò của sở hữu trí tuệ; những thuận lợi và khó khăn trong việc tiếp cận, thực thi chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; nghe đại diện các chủ doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp chia sẻ về kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp. Đáng chú ý là hội viên phụ nữ trong tỉnh đã được nghe chuyên gia chia sẻ về các yếu tố khởi nghiệp thành công với sản phẩm OCOP, cách gia tăng giá trị bền vững cho các sản phẩm OCOP...

Tại cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm tổ chức hằng năm, ngoài ý nghĩa lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cán bộ, hội viên phụ nữ còn là hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Chị Lương Thị Thanh Huyền (ngụ xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất), một trong những thí sinh được lựa chọn vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng/dự án khởi nghiệp năm 2021, bộc bạch: “Khi tham gia cuộc thi, hội viên phụ nữ có ý tưởng/dự án khởi nghiệp sẽ có cơ hội trình bày ý tưởng/dự án khởi nghiệp, được các thành viên Ban giám khảo là chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp góp ý hoàn thiện ý tưởng/dự án khởi nghiệp. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với các dự án đang thực hiện”.

Với mục đích tập hợp hội viên phụ nữ đã và đang khởi nghiệp, tạo cơ hội để các chị giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh và Sở LĐ-TBXH đã phối hợp thành lập CLB Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp Đồng Nai vào năm 2019 và thành lập nhóm CLB Phụ nữ khởi nghiệp Đồng Nai trên Facebook với sự tham gia của gần 700 thành viên. Tại đây, các chị có thể giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp; chia sẻ thông tin về các lớp đào tạo, bồi dưỡng về khởi nghiệp…

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh đang xây dựng đề án và các văn bản pháp lý liên quan đến thành lập Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Đồng Nai với nguồn vốn từ nguồn viện trợ của các dự án phi chính phủ do Hội LHPN quản lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ được vay vốn để khởi nghiệp, phát triển kinh tế góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trên lĩnh vực kinh tế.                

Nguyễn Tuyết

Nhận được sự hưởng ứng rộng rãi

Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 nêu rõ, quan tâm hỗ trợ với phụ nữ có ý tưởng, có nhu cầu khởi nghiệp, các tổ hợp tác/ hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ.

Mục tiêu của đề án là, nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2025 đạt được các mục tiêu: 90% cán bộ hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 10.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác/ hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2022-2025 là nhằm hỗ trợ phụ nữ làm gì?
Nhiều hoạt động khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp được triển khai ở các địa phương

Hưởng ứng tinh thần của Đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, thu hút sự tham gia của nhiều chị em hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Đa số các tỉnh, thành trên cả nước cũng đã tổ chức các hoạt động tập huấn, kết nối đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn nhằm thực hiện ý tưởng, đề án khởi nghiệp cho phụ nữ.

Trong đó, các tỉnh, thành tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp có chất lượng với nhiều hoạt động phong phú phải kể đến: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bắc Giang, Hà Nội, Lào Cai… Thông qua Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, chị em có ý tưởng được kết nối, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp.

Đơn cử như tại tỉnh Bắc Giang, thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ, sau 3 năm triển khai, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Theo đó, từ 2017-2020, đã có 1.153 phụ nữ có ý tưởng được các cấp hội hỗ trợ khởi sự, khởi nghiệp thành công, trong đó 904 chị được hỗ trợ vay 40,044 tỷ đồng từ các ngân hàng; 588 chị được hỗ trợ đăng ký thủ tục đăng ký kinh danh; 976 chị được hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm và 23 chị được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tem truy xuất, nhãn hiệu hàng hóa…

“Sân chơi” cho phụ nữ học hỏi, vươn lên làm chủ cuộc sống

Phát biểu tại Lễ trao giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá, với cách làm đầy sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp tại Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Chính phủ đã lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, lĩnh vực, ngành nghề tham gia.

Trong đó đặc biệt, 51% đề án tham gia dự thi là của phụ nữ dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng… qua đó chứng tỏ, Đề án không chỉ tạo ra cơ chế, chính sách mà còn mở ra “sân chơi” cho phụ nữ, giúp họ có cơ hội trao đổi, học hỏi và vươn lên khẳng định bản thân, làm chủ cuộc sống.

Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2022-2025 là nhằm hỗ trợ phụ nữ làm gì?
Bên cạnh hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách, phụ nữ khởi nghiệp rất cần được hỗ trợ về năng lực phát triển nội tại, đặc biệt là kỹ năng quản lý doanh nghiệp

Đánh giá cao những chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thời gian qua, nhất là Quyết định 939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025". Tuy vậy, theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo – CEO King Coffee, để khởi nghiệp thành công, phụ nữ rất cần hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính, cơ chế, chính sách, mà cần được sự hỗ trợ về năng lực nội tại để phát triển, đặc biệt là kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Từ đó, giúp phụ nữ phá vỡ những rào cản về mặt tâm lý cũng như trở ngại từ bên ngoài để phát huy tiềm năng của bản thân.

“Phụ nữ là một nửa của thế giới, một nửa lực lượng lao động, chính vì vậy hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một hướng đi đúng đắn, vừa thúc đẩy kinh tế, vừa tạo ra sự tiến bộ, bình đẳng giới trong xã hội” – bà Lê Hoàng Diệp Thảo thông tin.

Nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho phong trào phụ nữ khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đối với sự phát triển của phụ nữ nói chung và phụ nữ khởi nghiệp nói riêng. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục sáng tạo, mở rộng kết nối, chủ động hợp tác với các bộ, ngành, doanh nghiệp để triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án, qua đó ngày càng có thêm nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ khởi nghiệp thành công.