Lực kế là gì lớp 6

BÀI 10. LỰC KẾ – PHÉP ĐO LỰC – TRỌNG LƯỢNG VÀ KHỐI LƯỢNG

I. LÝ THUYẾT TRỌNG TÂM

1. Lực kế là gì?

+ Lực kế là một dụng cụ dùng để đo lực.

  • Có nhiều loại lực kế: Lực kế đo lực kéo, lực kế đo lực đẩy và lực kế đo cả lực kéo và lực đẩy.

  • Lực kế thường dùng trong phòng thí nghiệm là lực kế lò xo.

2. Cấu tạo của lực kế lò xo

Lực kế lò xo có cấu tạo đơn giản, sau đây là hai loại lực kế thường gặp:

  • Lực kế gồm một chiếc lò xo một đầu gắn vào vỏ lực kế, đầu kia có gắn một cái móc và một cái kim chỉ thị. Kim chỉ thị chạy trên mặt một bảng chia độ.
  • Lực kế gồm một chiếc lò xo được đặt trong một ống hình trụ [vỏ của lực kế]. Trong lò xo có một ống hình trụ nhỏ dễ di chuyển, trên mặt hình trụ nhỏ có chia độ, phía dưới có một cái móc

Trên mỗi lực kế đều có ghi giới hạn đo và chữ N

3. Cách đo lực bằng lực kế

Muốn đo lực bằng lực kế được chính xác ta cần lưu ý các điều sau:

  • Ước lượng độ lớn của lực cần đo để chọn lực kế có giới hạn đo và độ chia nhỏ nhất thích hợp.
  • Hiệu chỉnh lực kế đúng cách trước khi đo [điều chỉnh lực kế sao cho khi chưa đo lực thì kim chỉ thị nằm đúng vạch 0].
  • Cho lực cần đo tác dụng vào lực kế, cầm vào vỏ lực kế và hướng sao cho lò xo của lực kế nằm dọc theo hướng của lực cần đo.
  • Đọc và ghi kết quả đúng quy định [đọc giá trị của vạch chia gần nhất với kim chỉ thị].

4. Công thức liên hệ giữa trọng lượng và khối lượng

  • Công thức: P = 10.m
  • Trong đó: m [kg] là khối lượng của vật.

P [N] là trọng lượng của vật hay độ lớn của trọng lực tác dụng lên vật.

II. PHƯƠNG PHÁP GIẢI BÀI TẬP

Dạng 1. Tính trọng lượng, khối lượng của vật

  • Dựa vào mối liên hệ giữa khối lượng và trọng lượng theo công thức: P = 10m.
  • Trước khi tính, chúng ta phải đổi đơn vị của khối lượng ra kg và đơn vị của trọng lượng là N.
  • Sau khi thay vào để tính thì phải viết đúng đơn vị tương ứng của P và m.

Dạng 2. Đo trọng lượng của vật bằng lực kế

Cách đo như sau:

  • Cố định lực kế bằng cách treo trên giá; nếu không có giá thì dùng tay giữ vỏ lực kế. Lực kế phải có phương thẳng đứng.
  • Điều chỉnh số 0, nghĩa là phải điều chỉnh sao cho khi chưa treo vật, kim [hoặc vạch] chỉ thị nằm dúng vạch 0.
  • Treo vật vào móc của lực kế.
  • Đợi cho kim chỉ thị đứng yên mới đọc giá trị đo.
  • Tiến hành đo nhiều lần rồi mới lấy kết quả là giá trị trung bình của các lần đo.

III. GIẢI BÀI TẬP SÁCH GIÁO KHOA

Câu hỏi C1 [trang 34 SGK Vật Lí 6]:

Dùng từ thích hợp trong khung để điền vào chỗ trống của các câu sau:

Lực kế có một chiếc [1] … một đầu gắn vào vỏ lực kế, đầu kia có gắn một cái móc và một cái [2]…

Kim chỉ thị chạy trên mặt một [3]…

kim chỉ thị

lò xo

bảng chia độ

Trả lời:

Lực kế có một chiếc [1] lò xo một đầu gắn vào vỏ lực kế, đầu kia có gắn một cái móc và một cái [2] kim chỉ thị. Kim chỉ thị chạy trên mặt một [3] bảng chia độ.

Câu hỏi C2 [trang 34 SGK Vật Lí 6]:

Hãy tìm hiểu GHĐ và ĐCNN của lực kế ở nhóm em.

Trả lời:

  • Cách xác định ĐCNN của lực kế: lấy khoảng đo giữa 2 vạch chia liên tiếp trên lực kế.
  • Cách xác định GHĐ của lực kế: lấy giá trị lực lớn nhất ghi trên lực kế.

Câu hỏi C3 [trang 34 SGK Vật Lí 6]:

Dùng từ thích hợp trong khung để điền vào chỗ trống trong các câu sau:

Thoạt tiên, phải điều chỉnh số 0, nghĩa là phải điều chỉnh sao cho khi chưa đo lực, kim chỉ thị nằm đúng [1] … Cho [2] … tác dụng vào lò xo của lực kế. Phải cầm vào vỏ lực kế và hướng sao cho lò xo của lực kế nằm dọc theo [3] … .của lực cần đo [xem hai ảnh chụp ở đầu bài SGK].

phương

vạch 0

lực cần đo

Trả lời:

Thoạt tiên, phải điều chỉnh số 0, nghĩa là phải điều chỉnh sao cho khi chưa đo lực, kim chỉ thị nằm đúng [1] vạch 0. Cho [2] lực cần đo tác dụng vào lò xo của lực kế. Phải cầm vào vỏ lực kế và hướng sao cho lò xo của lực kế nằm dọc theo [3] phương của lực cần đo.

Câu hỏi C4 [trang 34 SGK Vật Lí 6]:

Hãy tìm cách đo trọng lượng của một cuốn sách giáo khoa Vật lí 6. So sánh kết quả với các bạn trong nhóm.

Trả lời:

Học sinh tự thực hành và so sánh kết quả đo giữa các bạn trong nhóm.

Dùng lực kết đo trọng lượng quyển sách giáo khoa Vật lí 6 khoảng 14,5 N.

Câu hỏi C5 [trang 34 SGK Vật Lí 6]:

Khi đo phải cầm lực kế ở tư thế như thế nào? Tại sao phải cầm như thế?

Trả lời:

Khi đo, cần phải cầm vào vỏ lực kế và hướng sao cho lò xo của lực kế nằm ở tư thế thẳng đứng, vì lực cần đo là trọng lượng, có phương thẳng đứng.

Câu hỏi C6 [trang 34 SGK Vật Lí 6]:

Hãy tìm những con số thích hợp để điền vào chỗ trống trong các câu sau:

a] Một quả cân có khối lượng 100 g thì có trọng lượng [1]… N

b] Một quả cân có khối lượng [2]… g thì có trọng lượng 2 N.

c] Một túi đường có khối lượng 1 kg thì có trọng lượng [3]…

Trả lời:

a] Một quả cân có khối lượng 100 g thì có trọng lượng [1] 1 N.

b] Một quả cân có khối lượng [2] 200 g thì có trọng lượng 2 N.

c] Một túi đường có khối lượng 1 kg thì có trọng lượng [3] 10 N.

Câu hỏi C7 [trang 35 SGK Vật Lí 6]:

Hãy giải thích tại sao trên các “cân bỏ túi” bán ở ngoài phố người ta không chia độ theo đơn vị Niutơn mà lại chia độ theo đơn vị kg? Thực chất các cân bỏ túi là dụng cụ gì?

Trả lời:

  • “Cân bỏ túi” bán ở ngoài phố người ta không chia độ theo đơn vị Niutơn mà lại chia độ theo đơn vị kg vì trong cuộc sống người ta cần biết khối lượng của vật, nếu cần biết trọng lượng vật người ta dùng hệ thức P = 10m để xác định trọng lượng vật.
  • Thực chất “cân bỏ túi” là lực kế nhỏ.

Câu hỏi C9 [trang 35 SGK Vật Lí 6]:

Một xe tải có khối lượng 3,2 tấn sẽ có trọng lượng bao nhiêu Niutơn?

Trả lời:

Khối lượng của xe tải là 3,2 tấn = 3200 kg sẽ có trọng lượng là:

P = 10m = 10.3200 = 32000 N.

Trên đây là gợi ý giải bài tập bài Trọng lượng và Khối lượng vật lý 6 do giáo viên Ican trực tiếp biên soạn theo chương trình mới nhất. Chúc các bạn học tập vui vẻ

Chủ Đề