Nguyên nhân của các hiện tượng nghèo ở việt nam

Trên thế giới:

Có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc xác định nguyên nhân của đói nghèo. Trên thực tế không có một nguyên nhân biệt lập, riêng rẽ dẫn tới đói nghèo nhất là đói nghèo trên diện rộng, có tính chất xã hội. Nó cũng không phải là nguyên nhân thuần tuý về mặt kinh tế hoặc do thiên tai địch hoạ. Ở đây nguyên nhân của tình trạng đói nghèo là có sự đan xen, thâm nhập vào nhau của cái tất yếu lẫn cái ngẫu nhiên, cái cơ bản và cái tức thời, cả nguyên nhân sâu xa lẫn nguyên nhân trực tiếp, tự nhiên lẫn kinh tế -xã hội .

Tóm lại nguyên nhân đói nghèo trên thế giới bao gồm những nguyên nhân chủ yếu sau:

- Sự khác nhau về của cải (những chênh lệch lớn nhất trong thu nhập là do những sự khác nhau về sở hữu tài sản).

- Sự khác nhau về khả năng cá nhân

- Sự khác nhau về giáo dục đào tạo.

Và 1 số nguyên nhân khác như: Chiến tranh, thiên tai địch hoạ, rủi ro...

Nguyên nhân của đói nghèo ở Việt Nam .

Ở Việt nam nguyên nhân chính gây ra đói nghèo có thể phân theo 3 nhóm:

-Nhóm nguyên nhân điều kiện tự nhiên: khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, bão lụt, hạn hán, sâu bệnh, đất đai cằn cỗi, địa hình phức tạp, giao thông khó khăn đã và đang kìm hãm sản xuất, gây ra tình trạng đói nghèo cho cả một vùng, khu vực.

- Nhóm nguyên nhân chủ quan của người nghèo: thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn, đông con, thiếu lao động, không có việc làm, mắc các tệ nạn xã hội, lười lao động, ốm đau, rủi ro...

- Nhóm các nguyên nhân thuộc về cơ chế chính sách: Thiếu hoặc không đồng bộ về chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu vực khó khăn, chính sách khuyến khích sản xuất, vốn tín dụng, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông,lâm, ngư,chính sách trong giáo dục đào tạo, ytế, giải quyết đất đai, định canh định cư, kinh tế mới và nguồn lực đầu tư còn hạn chế.

Kết quả điều tra về xã hội học cho thấy:

- Thiếu vốn: 70-90% tổng số hộ được điều tra.

- Đông con: 50-60% tổng số hộ được điều tra.

- Rủi ro, ốm đau: 10-15% tổng số hộ được điều tra.

- Thiếu kinh nghiệm làm ăn: 40-50% tổng số hộ được điều tra.

- Neo đơn, thiếu lao động: 6-15% tổng số hộ được điều tra.

- Lười lao động, ăn chơi hoang phí: 5-6% tổng số hộ được điều tra.

- Mắc tệ nạn xã hội: 2-3% tổng số hộ được điều tra.

Một số tác động của đói nghèo ảnh hưởng đến vấn đề xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay

 Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thể chế chính trị - xã hội và điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia mà tính chất, mức độ đói nghèo của từng quốc gia có khác nhau. Ở Việt Nam sự tác động của đói nghèo làm ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội như:

Một là, đối với an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Đói nghèo ngày nay trở thành vấn đề về kinh tế - xã hội, nó vừa là lực cản vừa là sự thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Đói nghèo tác động vào các quan hệ xã hội, nhất là các tầng lớp khó khăn đang trong tình trạng nghèo khổ. Đói nghèo cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh các tệ nạn xã hộinhư: cờ bạc, trộm cắp,... gây hậu quả và tác động tiêu cực đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đói nghèo thường đi đôi với thất học, mù chữ, thiếu hiểu biết, không có điều kiên để tiếp thu văn minh, sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, từ đó dễ bị kẻ xấu, bọn phản động lôi kéo, mua chuộc, dụ dỗ gây mất an ninh và ổn định chính trị.

 Trong thực tiễn những năm qua, ở nhiều địa phương trong cả nước xuất phát từ hậu quả đói nghèo, thiếu hiểu biết, bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo đã dẫn đến một số đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao có những phản ứng tiêu cực với các chính quyền địa phương và trở thành vấn đề chính trị phức tạp. Do đó, giải quyết vấn đề đói nghèo không chỉ xuất phát từ yêu cầu về kinh tế - xã hội mà còn là từ yêu cầu chính trị.

Công cuộc đổi mới ở nước ta hơn 30 năm qua do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã tiến hành xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, mệnh lệnh, hành chính. Xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tạo ra động lực phát triển chung cho xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế một cách nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Bên cạnh những thành tựu đạt được thì sự phát triển của nền kinh tế thị trường cũng góp một phần thúc đẩy nhanh sự phân tầng trong xã hội dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo diễn ra nhanh chóng và rõ rệt. Trong xã hội đã có sự phân hóa giàu nghèo, nếu chúng ta không có những biện pháp khắc phục, hạn chế thì sự phân hóa giàu nghèo sẽ vượt qua giới hạn an toàn cho phép và biến thành sự phân hóa giai cấp, xung đột xã hội, có nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, làm suy giảm niềm tin của quần chúngNhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thực tiễn và kinh nghiệm hơn 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới của Đảng ta đã minh chứng, muốn giải quyết bất kì một nhiệm vụ kinh tế - xã hội nào đều phải giữ được sự ổn định về chính trị. Đây là bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng trong qua trình lãnh đạo đổi mới đất nước mà Đảng ta đã rút ra được. Trong đó xóa đói, giảm nghèo là một việc làm rất cần thiết, quan trọng và cấp bách, là điều kiện thiết yếu, là nhân tố quan trọng để đảm bảo giữ vững sự ổn định chính trị, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế một cách bền vững sớm đưa nước ta thoát khỏi nước nghèo, kém phát triển.

 Hai là, đối với chất lượng cuộc sống và môi trường sống

Nghèo đói sẽ làm cho chất lượng cuộc sống của con người không đảm bảo. Những người nghèo trong các bữa ăn thường không đảm bảo năng lượng, dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng và suy dinh dưỡng. Trong hoàn cảnh nghèo đói thì người nghèo, hộ nghèo, luôn phải vật lộn với cuộc sống để mưu sinh, biểu hiện rất rõ là trong bữa ăn. Thông thường 3/4 hoặc 4/5 thu nhập của họ có được chi cho lương thực, thực phẩm, những bữa ăn của họ rất đơn điệu, chủ yếu là ngũ cốc, sắn khoai, rau mắm. Nếu như trong bữa ăn của họ có được một ít thịt, cá thì được xem là thực phẩm cao cấp nhưng rất ít khi họ có được. Với điều kiện ăn uống như vậy, đa số người nghèo đều bị thiếu dinh dưỡng, năng lượng, sức lực bị suy kiệt, kết quả lao động giảm sút, khả năng chống bệnh tật kém, sự phát triển về thể lực, trí lực, nhất là trẻ em bị suy giảm, thiếu những điều kiện cơ bản trong học tập.

 Ngoài việc lo ăn, người nghèo ít có điều kiện vươn lên để đạt được những yêu cầu khác, đặc biệt là nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần, hoặc những nhu cầu này bị cắt giảm tới mức tối đa hoặc hầu như không có.

Người nghèo, hộ nghèo thường tận dụng tất cả những gì mà họ có thể khai thác được để phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống, hậu quả là vì những nhu cầu trước mắt, họ thường phá hủy, hủy hoại luôn nguồn sống của họ trong tương lai. Họ có thể giết các động vật quý hiếm, vét cạn tôm cá ở sông suối, ao hồ, phá, đốt, nương rẫy, làm cho đất cạn màu, khô kiệt, hủy hoại trực tiếp môi trường sống. Khi các nguồn thu này hết đi, thì họ mới bắt đầu chú ý đến các biện pháp sản xuất, tăng vụ, di cư vào các vùng đô thị để kiếm sống, làm tăng thêm đội quân thất nghiệp, gây sức ép môi trường cho các đô thị và thường làm gia tăng các tệ nạn xã hội.

Ba là, đối với bình đẳng xã hội

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay, sự phát triển về kinh tế tất yếu dẫn đến phân hóa về thu nhập, mức sống, phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo. Phân hóa giàu nghèo là biểu hiện rất rõ của bất bình đẳng xã hội.Chính phân hóa giàu nghèo đã chia thế giới thành các nước giàu, nước nghèo và ngay trong mỗi quốc gia, mỗi vùng,... cũng chia thành ngườigiàu, người nghèo.

 Nếu căn cứ vào 05 mức giàu nghèo khác nhau, nghĩa là theo thu nhập và phân chia thế giới ra 05 nhóm bằng nhau, mỗi nhóm chiếm 20% dân số thế giới. Mỗi nhóm dân số tương ứng với một mức độ chiếm hữu của cải vật chất và trình độ phát triển nhất định. Nếu coi toàn bộ thế giới theo từng chỉ tiêu là 100% thì 20% dân số giàu nhất thế giới chiếm dụng 87,5% GNP (tổng sản phẩm quốc dân); 84,2% thương mại thế giới; 85% tích lũy; 85% đầu tư; trong khi đó, 20% dân số thế giới chỉ chiếm các chỉ tiêu tương ứng:1,4%; 0,9%; 0,7% và 0,9%. Và tương tự, nếu năm 1960 của cải bình quân dầu người của các nước giàu cao gấp 20 lần ở nhóm các nước nghèo, thì năm 1980 con số đó đã lên đến 46 lần, năm 1990 là 60 lần, đến thế kỷ XX là 70 lần. Trong khi dân số thế giới đã vượt quá 6 tỷ người, thì bước qua thiên niên kỷ mới, bên cạnh những tiến bộ vượt bậc về khoa học, vẫn còn 2/3 dân số thế giới phải sống trong cảnh nghèo nàn và lạc hậu [1].

Như vậy, xét trên phạm vi toàn thế giới, các nước nghèo bao giờ cũng gánh chịu những bất công: trình độ khoa học, công nghệ thường lạc hậu, người dân phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, phải sống thiếu thốn trong môi trường kém chất lượng; mặt khác, phần lớn các quốc gia nghèo thường là con nợ lớn của các nước giàu, thường không có vị thế cao trên trường quốc tế, đa số các nước nghèo chịu sự chi phối về nhiều mặt bởi các quốc gia giàu có. Ở Việt Nam hiện nay sự phân hóa giàu nghèo có xu hướng ngày càng dãn ra giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị, giữa các tầng lớp dân cư, dẫn tới sự cách biệt ngày càng xa trong đời sống giữa người giàu và người nghèo. Đáng lưu ý hơn là: “Đời sống của các bộ phận nhân dân nhất là vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ, vùng đồng bào dân tộc còn quá khó khăn. Chất lượng đào tạo y tế nhiều nơi còn rất thấp; người nghèo không đủ tiền để chữa bệnh và cho con em đi học” [2].

 Bốn là,đối với sự phát triển của xã hội, quốc gia, dân tộc

Người nghèo, hộ nghèo ít có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh để làm giàu do thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu thông tin. Con em của người nghèo, hộ nghèo, thường ít có điều kiện học tập ở trình độ cao, do đó ít có cơ hội để kiếm được việc làm có thu nhập cao, ít có cơ hội thăng tiến trong xã hội.

Đối với các quốc gia, dân tộc - nghèo đói thường đi với nợ nần chồng chất. Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thường gặp nhiều trở ngại do: thiếu vốn đầu tư, trình độ lao động thấp, khoa học công nghệ lạc hậu... mặt khác, do kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo, an ninh chính trị thiếu ổn định, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, nên việc thu hút đầu tư nước ngoài đối với các nước nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, các nước nghèo có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, chất lượng hàng hóa kém, khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế không cao. Các nước nghèo trở thành thị trường lao động, nguyên vật liệu với giá rẻ mạt, là thị trường tiêu thụ hàng hóa, thậm chí nếu không có tầm nhìn chiến lược, các nước nghèo rất dễ trở thành bãi rác công nghiệp đối với các nước giàu. Vì thế các nước nghèo lại càng nghèo và tụt hậu xa hơn so với các nước giàu và phát triển.

 Như vậy, đói nghèo là hiện tượng kinh tế tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mỗi người dân; đói nghèo tác động đến môi trường sống, làm gia tăng bất bình đẳng xã hội; đồng thời là nhân tố gây trở ngại sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững đang trở thành vấn đề ưu tiên của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức thế giới trong đó có Việt Nam./.

                                                ThS Nguyễn Tiến Phước – Phó trưởng  khoa Xây dựng Đảng

--------------------

[1]. TS. Lê Xuân Bá - TS. Chu Tiến Quang - TS. Nguyễn Hữu Tiến (2001), Nghèo đói và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội

[2].Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.