Nguyên nhân dẫn đến rừng hiện nay 207

Trăn trở miền núi

Người đăng: Administrator Account Ngày đăng: 9:16 | 15/07 Lượt xem: 9011

Sáu tháng đầu năm 2016, bên cạnh những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đời sống người dân được cải thiện, khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS của tỉnh còn một số bất cập, hạn chế.

         Rừng bị xâm hại

Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề nổi cộm, bức xúc ở hầu hết các địa phương miền núi. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm đã xảy ra 29 vụ vi phạm (tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm trước) làm thiệt hại gần 55ha rừng (tăng 31% so với cùng kỳ). Ông Nguyễn Giới - Trưởng Công an huyện Phước Sơn cho biết, do lợi nhuận cao từ gỗ nên kích thích nhiều đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển, tiêu thụ và tiếp tay cho lâm tặc, trong đó có cả người dân bản địa. Các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp tuần tra, truy quét nhưng kết quả ngăn chặn chưa cao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng một phần do công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, phối hợp chưa đồng bộ, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các Hạt kiểm lâm, Ban quan lý rừng và chính quyền địa phương. Mặt khác, công tác giao khoán, bảo vệ rừng  còn nhiều bất cập, chính sách chi trả cho các hộ được giao khoán bảo vệ rừng còn thấp, với mức chi trả bình quân 200.000đồng/ha/năm chưa đáp ứng điều kiện sống tối thiểu của người dân.

Chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đại diện Phòng TN&MT huyện Đông Giang cho biết, số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ít, "chỉ đếm trên đầu ngón tay". Đông Giang cấp GCN cho 1.220 hộ/4.469 hộ; Phước Sơn cấp cho 1.228 hộ/5.411 hộ; Bắc Trà My cấp cho 3.405 hộ/6.474 hộ. Nguyên nhân do số liệu đo đạc và dữ liệu địa chính quá cũ; chi phí thực hiện đo đạc, giải thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhiều tốn kém; trên thực địa phần diện tích đất lâm nghiệp giữa các hộ dân còn chồng lấn, khó xác định ranh giới. Những lý do như vậy đã dẫn đến việc tranh chấp đất lâm nghiệp giữa các hộ dân địa phương, ảnh hưởng an ninh, trật tự, xâm lấn đất rừng trái phép để làm nương rẫy ngày càng phổ biến.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tình trạng này đang gia tăng tại các trường THCS và THPT. Qua kết quả khảo sát của cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2010 - 2015 có đến 1.534 trường hợp tảo hôn, 101 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, xảy ra chủ yếu tại một số địa phương như Tây Giang: 219 trường hợp tảo hôn, 30 trường hợp cận huyết thống; Đông Giang: 296 tảo hôn, 19 trường hợp cận huyết thống; Nam Trà My: 277 tảo hôn, 35 trường hợp cận huyết thống; Phước Sơn: 288 trường hợp tảo hôn... Theo ông Lê Văn Hà - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Phước Sơn cho biết: Do điều kiện xa nhà nên hầu hết các em học sinh đều ở nội trú tại trường, ngoài ra nhận thức về giới còn hạn chế nên dễ phát sinh tình cảm.

Điều kiện học nội trú còn thiếu thốn

         Chất lượng giáo dục còn thấp, tỉ lệ học sinh học lực yếu, kém còn cao, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra (năm học 2015-2016, khối THPT có 1.161 HS học lực yếu, chiếm gần 18% tổng số học sinh; khối trường PTDTNT huyện có 42 trường hợp bỏ học, chuyển trường). Việc huy động học sinh DTTS vùng cao, vùng sâu, vùng xa ra lớp còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật trường học chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học, một số phòng học, khu vệ sinh, hệ thống nước sinh hoạt còn tạm bợ (riêng các trường PTDTBT huyện có 199 phòng ở tạm, còn thiếu 420 phòng; có 390 giường nằm tạm, còn thiếu 3.438 giường; có 53 nhà ăn tạm, còn thiếu 77 nhà; có 58 nhà vệ sinh tạm, còn thiếu 220 nhà; có 21 công trình nước chưa đạt yêu cầu, còn thiếu 157 công trình). Tại hầu hết các trường PTDTBT huyện có rất nhiều học sinh do nhà ở cách xa nên phải ở nội trú tại trường, nhưng hầu hết các trường này chưa được bố trí nhân viên cấp dưỡng và nhân viên bảo vệ để chăm lo sinh hoạt cho các em cũng như bảo vệ tài sản của nhà trường.

Nguyên nhân dẫn đến rừng hiện nay 207
 
 Cần quan tâm để học sinh miền núi có điều kiện học nội trú tốt hơn

Khó bố trí công tác cho sinh viên cử tuyển

Đối với công tác cử tuyển theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm 2015, tỉnh đã có chủ trương tạm dừng để sắp xếp, bố trí việc làm cho sinh viên đã tốt nghiệp. Tuy nhiên đến nay số sinh viên chưa được bố trí công việc vẫn còn nhiều, chưa kể những sinh viên còn đang theo học tại các trường (huyện Bắc Trà My còn 20 trường hợp, Phước Sơn 20 trường hợp, Nam Trà My 21 trường hợp...), thực trạng này không những gây lãng phí ngân sách nhà nước, công sức người học còn tạo tâm lý và dư luận không tốt. Nhiều sinh viên cử tuyển sau khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng nhà nước vẫn phải trả lương. Trong khi đó, cũng là con em đồng bào DTTS, gia đình tự nuôi ăn học, tốt nghiệp đại học thuộc loại khá nhưng chưa có chính sách hỗ trợ tìm kiếm việc làm, khi trở về địa phương xin việc đều bị từ chối do còn nhiều sinh viên cử tuyển ra trường chưa bố trí được việc làm.

Để khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện hơn, trong thời gian đến, Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo tháo gỡ những bất cập, hạn chế, tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ về mọi mặt trên cơ sở xây dựng các chương trình, chính sách tập trung, nguồn lực mạnh, đa mục tiêu và dài hạn.

Tác giả: Thanh Bình

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác: