Những dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin

Chảy máu cam, rụng tóc, mệt mỏi, ăn không miệng, ... đôi khi là một số dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất mà bạn cần quan tâm và để ý. Đối với cơ thể người, vitamin và khoáng chất là những chất dinh dưỡng thiết yếu, cần được bổ sung mỗi ngày qua chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe. Vậy làm sao để biết cơ thể thiếu chất gì?

1. Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất canxi

Tê ngứa đầu ngón tay, nhịp tim thay đổi bất thường có thể là dấu hiệu cho thấy lượng canxi trong cơ thể bạn đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Nhu cầu canxi của người trưởng thành là 1.000mg/ngày, đặc biệt, nhu cầu canxi ở phụ nữ từ 50 tuổi và nam giới từ 70 tuổi là lên đến 1.200mg/ngày. Để bổ sung canxi đáp ứng nhu cầu của cơ thể, cần tăng cường các loại ngũ cốc (cho bữa sáng), các loại rau có màu xanh đậm như bông cải xanh, cải lá xoăn và nước cam.

2. Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất kali

Yếu cơ, hay bị chuột rút, táo bón, hay hồi hộp có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu kali. Ngoài ra, còn có biểu hiện tê ngứa, co giật.

Nguyên nhân bị thiếu kali có thể là do bạn bị tiêu chảy hoặc ói mửa trong một khoảng thời gian; thói quen uống rượu; sử dụng thuốc kháng sinh điều trị hoặc mắc bệnh mãn tính (bệnh thận mãn tính).

Những dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin

Giải đáp làm sao để biết cơ thể thiếu chất gì?

3. Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất sắt

Tay chân hay bị lạnh, móng tay giòn dễ gãy, khó thở, mệt mỏi có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu sắt. Thiếu sắt thường gặp ở nhóm đối tượng như bé gái đến tuổi dậy thì, phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai, người ăn chay.

Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu có thể khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược với các biểu hiện như da xanh, tay chân lạnh, móng tay giòn gãy, đau đầu, khó thở, nhịp tim tăng, sưng đau ở lưỡi, ...

Các dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất sắt đôi khi rất khó phát hiện, vì chúng xảy ra ở mức độ nhẹ, cho đến khi thiếu hụt nghiêm trọng sẽ có biểu hiện rõ rệt hơn.

4. Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất folate

Tiêu chảy, chậm phát triển, mệt mỏi, lưỡi mềm và trơn có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu folate.

Thiếu folate thường gặp ở phụ nữ đang mang thai. Nhu cầu folate ở phụ nữ đang mang thai là 400mcg/ngày. Ngoài việc tăng cường các loại thực phẩm giàu folate như các loại hạt và ngũ cốc, bác sĩ sản khoa có thể chỉ định người mẹ đang mang thai dùng thuốc bổ sung để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi cũng như đảm bảo sức khỏe của sản phụ.

5. Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất magie

Ăn không ngon miệng, hay buồn nôn, mệt mỏi có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu magie. Ở mức độ nghiêm trọng, thiếu magie có thể có biểu hiện tê ngứa, co cơ, chuột rút, co thắt động mạch vành và thay đổi nhịp tim.

Để không bị thiếu magie, cần bổ sung các loại hạt như hạt điều, hạt hạnh nhân, đậu phộng, ...

Những dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin

Ăn không ngon miệng là dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất magie

6. Dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất vitamin

Ngoài một số khoáng chất thiết yếu nêu trên, các loại vitamin cũng đóng vai trò quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong cấu trúc tế bào, tham gia vào quá trình điều hòa hoạt động của hệ tuần hoàn và hệ thần kinh, chuyển hóa thức ăn được đưa vào cơ thể thành năng lượng để hoạt động, ...

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất dinh dưỡng là những vitamin mà bạn cần quan tâm, bởi chế độ ăn thường ngày khó có thể cung cấp đủ và vitamin rất dễ bị phân hủy:

  • Thiếu vitamin A: Lở loét trong miệng, nổi mụn trứng cá (ở má, đùi hoặc cánh tay), tóc khô, thường hay mệt mỏi, khó ngủ, mất ngủ, thị lực về đêm giảm, khứu giác giảm, ... là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu vitamin A. Các loại thực phẩm giàu vitamin A là lòng đỏ trứng, gan, sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, bơ sữa), các loại rau xanh lá hoặc vàng (rau muống, rau dền, cải, ...) và các loại củ quả có màu vàng đỏ (bí đỏ, cà rốt, gấc, cam, bưởi, xoài, ....)
  • Thiếu vitamin nhóm B: Tiêu hóa kém, hay bị tiêu chảy có thể là dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất dinh dưỡng là vitamin B1. Tê ngứa ở bàn tay, bàn chân, thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, hay bị mất thăng bằng, viêm sưng ở lưỡi, khó tập trung, suy giảm trí nhớ lại là biểu hiện thiếu vitamin B12 hoặc B6, B9. Hay bị đau ở bàn chân, cẳng chân, chuột rút là triệu chứng thiếu vitamin nhóm B nói chung. Nhìn chung, các dấu hiệu này sẽ rất khó nhận biết và thường bị phớt lờ do chúng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và thoáng qua. Để đảm bảo cơ thể không bị thiếu vitamin nhóm B, hãy tăng cường các loại rau củ quả trong chế độ ăn hàng ngày như rau bina, bông cải xanh, bí đỏ, măng tây, khoai tây, táo, bưởi, chuối, ... Ngoài ra, các loại ngũ cốc, thịt gia súc, hải sản, trứng và sữa cũng cho nhiều vitamin nhóm B.
  • Thiếu Vitamin D: Đau xương, thường xuyên mệt mỏi, tâm trạng hay thay đổi có thể là dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất dinh dưỡng là vitamin D. Ở trẻ nhỏ, thiếu vitamin D làm quá trình hấp thu canxi và phốt pho bị rối loạn, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như chậm mọc răng, chậm liền thóp, còi xương, ... Biểu hiện thiếu vitamin D ở trẻ có thể là ra nhiều mồ hôi trộm, ngủ hay quấy khóc, trẻ bị rụng tóc (hình vành khăn), ... Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vitamin D cho trẻ, có thể cho trẻ tắm nắng 2 - 3 lần/tuần vào buổi sáng sớm hoặc nhờ bác sĩ tư vấn cho trẻ dùng bổ sung vitamin D. Đối với người lớn, nên tăng cường ăn các loại cá giàu chất béo như cá ngừ, cá hồi và thêm sữa hoặc sữa chua mỗi ngày.
  • Thiếu vitamin K: Hay bị chảy máu mũi, vết thương lâu lành có thể là dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu chất dinh dưỡng là vitamin K do khả năng đông máu đang giảm. Để bổ sung vitamin K cho cơ thể, cần tăng cường các loại ngũ cốc, rau củ quả, trứng và thịt.

Trên đây là cách nhận biết cơ thể thiếu chất gì để bạn lưu tâm đến sức khỏe của mình và người thân xung quanh. Tuy nhiên, để biết chính xác cơ thể đang thiếu chất gì cần thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu. Kết hợp với triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn bổ sung phù hợp. Song song với đó, cần đảm bảo chế độ ăn hợp lý đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết bao gồm đạm, béo, vitamin và khoáng chất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để được giảm ngay 20% phí khám bệnh lần đầu trên toàn hệ thống Vinmec (áp dụng từ 1/8 - 30/9/2022). Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn tư vấn từ xa qua video với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM:

Một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng mang đến rất nhiều lợi ích. Ngược lại, một chế độ ăn thiếu dưỡng chất có thể gây ra một loạt các triệu chứng phiền toái.

Những triệu chứng này là cách cơ thể báo hiệu cho bạn về sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất có thể có. Nhận biết các triệu chứng như thế có thể giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống một cách phù hợp.

Hãy cùng tìm hiểu 8 dấu hiệu phổ biến nhất của sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất và hướng giải quyết nhé!

1. Tóc và móng giòn, dễ gãy

Một loạt yếu tố có thể khiến tóc và móng giòn, dễ gãy. Một trong số đó là thiếu biotin.

Biotin – còn gọi là vitamin B7 – giúp cơ thể chuyển thức ăn thành năng lượng. Tình trạng thiếu hụt biotin là rất hiếm, nhưng khi nó xảy ra, tóc và móng tay giòn, mỏng hoặc tóc bị chẻ ngọn, móng tay bị xước là một số triệu chứng đáng chú ý nhất.

Các triệu chứng khác của sự thiếu hụt biotin bao gồm mệt mỏi kéo dài, đau cơ, chuột rút và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.

Phụ nữ mang thai, người hút thuốc lá hoặc uống rượu nhiều và những người bị rối loạn tiêu hóa như bệnh Crohn là những đối tượng có nguy cơ bị thiếu hụt biotin cao nhất.

Ngoài ra, việc sử dụng kéo dài thuốc kháng sinh và một số loại thuốc chống co giật cũng là một yếu tố nguy cơ.

Ăn lòng trắng trứng sống cũng có thể gây thiếu hụt biotin. Đó là bởi vì lòng trắng trứng sống có chứa avidin, một loại protein liên kết với biotin và có thể làm giảm sự hấp thu vitamin này.

Thực phẩm giàu biotin bao gồm lòng đỏ trứng, thịt nội tạng, cá, thịt, sản phẩm từ sữa, các loại hạt, rau bina, bông cải xanh, bông cải trắng, khoai lang, nấm men, ngũ cốc nguyên hạt và chuối.

Người trưởng thành có tóc hoặc móng tay giòn, dễ gãy có thể cân nhắc sử dụng sản phẩm bổ sung cung cấp khoảng 30 mcg biotin mỗi ngày.

Tuy nhiên, chỉ có một số nghiên cứu nhỏ và báo cáo quan sát thấy những lợi ích của việc bổ sung biotin, chính vì thế mà một chế độ ăn giàu biotin có thể là lựa chọn tốt nhất.

2. Loét miệng hoặc tình trạng nứt khóe miệng

Tổn thương trong và xung quanh miệng một phần có thể liên quan đến việc hấp thu không đủ một số loại vitamin hoặc khoáng chất nhất định.

Chẳng hạn, tình trạng loét miệng – còn được gọi là nhiệt miệng – thường là kết quả của việc thiếu sắt hoặc vitamin nhóm B.

Một nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng những bệnh nhân bị loét miệng dường như có gấp đôi khả năng có lượng sắt thấp.

Trong một nghiên cứu nhỏ khác, khoảng 28% bệnh nhân bị loét miệng có tình trạng thiếu hụt thiamine (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2) và pyridoxine (vitamin B6).

Viêm môi vùng mép (angular cheilitis) – tình trạng khiến khóe miệng nứt hoặc chảy máu – có thể do tiết quá nhiều nước bọt hoặc tình trạng mất nước. Tuy nhiên, nó cũng có thể do không cung cấp đủ cho cơ thể lượng sắt và vitamin B, đặc biệt là riboflavin.

Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt gia cầm, thịt, cá, các loại đậu, rau lá xanh đậm, các loại hạt, quả hạch, và ngũ cốc nguyên hạt.

Các nguồn thực phẩm cung cấp nhiều thiamine, riboflavin và pyridoxine bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, thịt, cá, trứng, sản phẩm từ sữa, thịt nội tạng, các loại đậu, rau xanh, rau củ giàu tinh bột, các loại quả hạch và hạt.

Nếu bạn gặp các triệu chứng như đã đề cập, hãy thử bổ sung các loại thực phẩm đề cập ở trên vào chế độ ăn để xem liệu các triệu chứng của mình có được cải thiện hay không nhé.

3. Chảy máu nướu răng

Đôi khi kỹ thuật đánh răng mạnh bạo có thể dẫn đến chảy máu nướu răng, nhưng chế độ ăn uống thiếu vitamin C cũng có thể là nguyên nhân của tình trạng này.

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch và việc chữa lành vết thương, thậm chí nó còn hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào.

Cơ thể bạn không tự tạo ra vitamin C, vì vậy cách duy nhất để duy trì lượng đầy đủ vitamin này là thông qua chế độ ăn uống.

Sự thiếu hụt vitamin C rất hiếm xảy ra ở những người tiêu thụ đủ trái cây và rau củ tươi. Tuy nhiên, nhiều người lại không ăn đủ trái cây và rau củ mỗi ngày.

Điều này có thể giải thích tại sao các nghiên cứu thực hiện sàng lọc định kỳ những quần thể khỏe mạnh đã ước tính rằng 13 – 30% dân số có lượng vitamin C thấp, với tỷ lệ 5 – 17% bị thiếu vitamin này.

Tiêu thụ rất ít vitamin C thông qua chế độ ăn uống trong thời gian dài có thể gây ra các triệu chứng thiếu hụt, bao gồm chảy máu nướu răng và thậm chí là rụng răng.

Tiêu thụ rất ít vitamin C từ chế độ ăn uống trong thời gian dài có thể gây ra các triệu chứng của tình trạng thiếu hụt, bao gồm chảy máu nướu răng và thậm chí là rụng răng.

Một hậu quả nghiêm trọng khác của việc thiếu vitamin C trầm trọng là bệnh scurvy – tình trạng ức chế hệ miễn dịch, làm suy yếu cơ và xương, đồng thời khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và mất hết năng lượng.

Các dấu hiệu phổ biến khác của tình trạng thiếu vitamin C bao gồm dễ bị bầm tím, vết thương chậm lành, da khô và bong vảy, chảy máu cam thường xuyên.

Hãy đảm bảo tiêu thụ đủ vitamin C bằng cách ăn ít nhất 2 miếng trái cây và 3 – 4 khẩu phần rau mỗi ngày.

4. Thị lực ban đêm kém và có đốm trắng trên mắt

Một chế độ ăn thiếu dưỡng chất đôi khi có thể gây ra các vấn đề về thị lực.

Chẳng hạn, tiêu thụ ít vitamin A thường có liên quan đến một tình trạng gọi là bệnh quáng gà – tình trạng làm giảm khả năng nhìn của một người trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc trong bóng tối.

Đó là bởi vì vitamin A cần thiết để sản xuất rhodopsin – một sắc tố được tìm thấy trong võng mạc của mắt giúp bạn nhìn vào ban đêm.

Khi không được điều trị, bệnh quáng gà có thể tiến triển thành bệnh khô mắt do thiếu vitamin A (xerophthalmia), tình trạng này có thể làm tổn thương giác mạc và cuối cùng dẫn đến mù lòa.

Một triệu chứng sớm khác của bệnh khô mắt là đốm Bitot, đây là những đốm trắng hơi cao, có bọt nhỏ, xuất hiện trên kết mạc hoặc phần tròng trắng của mắt.

Các đốm này có thể được loại bỏ ở một mức độ nhất định nhưng chỉ biến mất hoàn toàn sau khi tình trạng thiếu hụt vitamin A được điều trị.

Những người nghi ngờ lượng vitamin A của cơ thể không đủ có thể tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu vitamin A hơn, chẳng hạn như thịt nội tạng, sản phẩm từ sữa, trứng, cá, rau lá xanh đậm và rau củ màu vàng cam.

Trừ khi tình trạng thiếu hụt được chẩn đoán, hầu hết mọi người nên tránh hoặc cẩn trọng khi sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin A. Đó là bởi vì vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu (chất béo), khi tiêu thụ quá mức, vitamin này có thể tích tụ trong các kho dự trữ chất béo của cơ thể và gây độc.

Các triệu chứng của tình trạng ngộ độc vitamin A có thể nghiêm trọng và bao gồm buồn nôn, đau đầu, kích ứng da, đau khớp và xương, và thậm chí có thể gây hôn mê hoặc tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.

5. Các mảng vảy và gàu

Viêm da tiết bã hay viêm da dầu (Seborrheic dermatitis – SB) và gàu là triệu chứng của cùng một nhóm rối loạn da ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất dầu trên cơ thể.

Cả hai đều liên quan đến tình trạng da ngứa và bong tróc. Gàu thường khu trú ở vùng da đầu, trong khi tình trạng viêm da tiết bã cũng có thể xuất hiện trên mặt, vùng ngực phía trên, nách và bẹn.

Khả năng mắc các rối loạn da này cao nhất trong vòng 3 tháng đầu đời, ở tuổi dậy thì và tuổi trung niên.

Các nghiên cứu cho thấy rằng cả hai tình trạng này đều rất phổ biến. Có đến 42% trẻ sơ sinh và 50% người lớn có thể bị gàu hoặc viêm da tiết bã ở một thời điểm nào đó.

Tình trạng gàu và viêm da tiết bã có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất là một trong số đó. Chẳng hạn, nồng độ kẽm, niacin (vitamin B3), riboflavin (vitamin B2) và pyridoxine (vitamin B6) trong máu thấp, mỗi trường hợp có thể đóng vai trò nào đó trong số các nguyên nhân.

Mặc dù mối liên hệ giữa chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất và các tình trạng da này chưa được hiểu rõ, những người bị gàu hoặc viêm da tiết bã có thể cần tiêu thụ nhiều hơn các chất dinh dưỡng này.

Thực phẩm giàu niacin, riboflavin và pyridoxine bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, thịt, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa, thịt nội tạng, các loại đậu, rau xanh, rau củ giàu tinh bột, các loại quả hạch và hạt.

Hải sản, thịt, các loại đậu, sản phẩm từ sữa, các loại quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt đều là những nguồn cung cấp kẽm dồi dào.

6. Rụng tóc

Rụng tóc là một triệu chứng rất phổ biến của tình trạng thiếu hụt vitamin. Trên thực tế, có đến 50% người trưởng thành cho biết họ bị rụng tóc khi bước vào tuổi 50.

Một chế độ ăn giàu các chất dinh dưỡng sau đây có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình rụng tóc.

  • Sắt. Khoáng chất này tham gia vào quá trình tổng hợp DNA, bao gồm cả DNA có trong nang tóc. Quá ít sắt có thể khiến tóc ngừng phát triển hoặc rụng.
  • Kẽm. Khoáng chất này cần thiết cho quá trình tổng hợp protein và sự phân chia tế bào, đây đều là những quá trình cần thiết cho tóc mọc và phát triển. Chính vì thế, thiếu kẽm có thể gây ra rụng tóc.
  • Axit linoleic (LA) và axit alpha-linolenic (ALA). Những axit béo thiết yếu này cần thiết cho tóc mọc và duy trì độ chắc khỏe.
  • Niacin (vitamin B3). Vitamin này cần thiết để giữ cho tóc khỏe mạnh. Tình trạng tóc rụng thành từng mảng nhỏ (alopecia) là một trong những triệu chứng có thể xảy ra khi thiếu niacin.
  • Biotin (vitamin B7). Biotin là một loại vitamin B khác mà khi thiếu hụt, có thể dẫn đến rụng tóc.

Thịt, cá, trứng, các loại đậu, rau lá xanh đậm, các loại quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt là những nguồn cung cấp sắt và kẽm dồi dào.

Thực phẩm giàu niacin bao gồm thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, hạt và rau xanh. Những thực phẩm này cũng giàu biotin và vitamin này cũng được tìm thấy trong lòng đỏ trứng và thịt nội tạng.

Các loại rau lá, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt và dầu thực vật rất giàu LA, trong khi quả óc chó, hạt lanh, hạt chia và đậu nành giàu ALA.

Nhiều sản phẩm bổ sung tuyên bố có khả năng ngăn rụng tóc. Thành phần của nhiều loại trong số những sản phẩm này là sự kết hợp của dưỡng chất kể trên, cùng với những thành phần khác.

Những chế phẩm bổ sung này dường như giúp thúc đẩy mọc tóc và giảm rụng tóc ở những người được ghi nhận tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng đã đề cập. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về lợi ích của các sản phẩm đó trong trường hợp không có tình trạng thiếu hụt dưỡng chất.

Cũng cần lưu ý rằng việc bổ sung vitamin và khoáng chất trong trường hợp không bị thiếu hụt có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rụng tóc thay vì mang lại tác động tích cực.

Chẳng hạn, quá nhiều selen và vitamin A – hai chất dinh dưỡng thường được thêm vào các sản phẩm bổ sung giúp mọc tóc – đều có liên quan đến rụng tóc.

Trừ khi bác sĩ xác nhận sự thiếu hụt dưỡng chất, thay vì sử dụng các chế phẩm bổ sung, tốt nhất bạn nên chọn chế độ ăn giàu các chất dinh dưỡng này.

7. Nốt đỏ hoặc trắng trên da

Dày sừng nang lông (keratosis pilaris) là tình trạng nổi những nốt giống như da gà ở vùng má, cánh tay, đùi hoặc mông. Những nốt nhỏ này cũng có thể kèm theo lông xoắn lại hoặc lông mọc ngược.

Tình trạng này thường xuất hiện khi một người còn nhỏ và mất đi một cách tự nhiên khi trưởng thành.

Nguyên nhân của những nốt nhỏ này vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ, nhưng có thể chúng xuất hiện khi chất sừng (keratin) được sản xuất quá nhiều trong các nang lông. Điều này tạo ra các vết nốt đỏ hoặc trắng nhô lên trên da.

Dày sừng nang lông một phần có thể do di truyền, có nghĩa là một người có nhiều khả năng mắc dày sừng nang lông hơn nếu tình trạng này đã xuất hiện ở một thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, dày sừng nang lông cũng đã được quan sát thấy ở những người có chế độ ăn ít vitamin A và C.

Vì vậy, ngoài các phương pháp điều trị truyền thống bằng kem bôi, những người mắc tình trạng này có thể cân nhắc bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A và C vào chế độ ăn.

Các thực phẩm này bao gồm thịt nội tạng, sản phẩm từ sữa, trứng, cá, rau lá xanh đậm, rau củ màu vàng cam và trái cây.

TÓM LẠI

Chế độ ăn uống cung cấp không đủ vitamin và khoáng chất có thể gây ra một số triệu chứng, một vài trong số đó phổ biến hơn những triệu chứng khác.

Thông thường, tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất thích hợp có thể giúp giải quyết hoặc giảm đáng kể các triệu chứng mà bạn đang gặp phải.

Nguồn: Health Line

Giới thiệu về STELLAPHARM

STELLAPHARM là một trong những công ty dược phẩm hàng đầu và là nhà sản xuất thuốc kháng virus tại Việt Nam. Công ty được thành lập vào năm 2000 tại Việt Nam; và chúng tôi chú trọng vào các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đặc biệt trong điều trị các bệnh liên quan tim mạch, kháng virus, bệnh tiểu đường, v.v… và sản phẩm của công ty đang được sử dụng bởi hàng triệu bệnh nhân tại hơn 50 nước trên thế giới.

Công ty được chứng nhận toàn cầu về chất lượng thông qua việc các nhà máy sản xuất của công ty đã được thanh tra và phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan quản lý thuốc Châu Âu (EMA), cục Dược phẩm và thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA), cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Taiwan FDA), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và các tổ chức, cơ quan khác.

Để biết thêm thông tin về bài viết:Công ty TNHH Liên Doanh Stellapharm – Chi nhánh 1 | 40 Đại lộ Tự Do, VSIP, P. An Phú, Thành phố Thuận An, Bình Dương

T: +84 274 376 7470 | F: +84 274 376 7469 | E:  | W: www.stellapharm.com