Phong cách giao tiếp chịu ảnh hưởng

[c] Iuliia Zavalishina

Giao tiếp là một hoạt động mang tính sống còn của con người. Hình thành và duy trì các mối quan hệ, thành công sự nghiệp, phòng tránh xung đột và mâu thuẫn, giải quyết và khắc phục những vấn đề khó khăn, tất cả những điều này đều đòi hỏi ở chúng ta kỹ năng giao tiếp khéo léo để hoàn thành với kết quả như mong đợi. Việc thấu hiểu các phong cách giao tiếp khác nhau là chìa khóa để mỗi người rèn luyện và trau dồi kỹ năng giao tiếp của mình hiệu quả hơn.

Theo các nhà tâm lý học, các hoạt động giao tiếp của con người được phân loại thành bốn phong cách: quyết đoán, độc đoán, thụ động, và gây hấn thụ động. Thông thường, chúng ta có xu hướng hoán đổi linh hoạt giữa các phong cách giao tiếp khác nhau sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, với đối tượng giao tiếp, hoặc nhiều nhân tố chủ quan lẫn khách quan như tâm trạng của bản thân và các tác nhân gây xao nhãng đến từ bên ngoài. Tuy vậy, mỗi người chúng ta kỳ thực thường có một phong cách giao tiếp đặc trưng hoặc thân thuộc nhất với bản thân, được chúng ta ưu tiên sử dụng mỗi khi cảm thấy không thoải mái hoặc rơi vào những tình huống không được chuẩn bị trước.

1. Phong cách quyết đoán [Assertive]:

Đây thường được xem là phong cách giao tiếp hiệu quả nhất trong phần lớn các trường hợp, bởi nó tập trung vào nhu cầu của cả người nói lẫn người nghe. Những người giao tiếp quyết đoán thường là người tự tin; họ xem trọng thời gian, quyền lợi, và những nhu cầu của bản thân lẫn của người khác. Họ giao tiếp để thể hiện những yêu cầu và mong muốn của mình trên tinh thần tôn trọng những yêu cầu và mong muốn của người đối diện.

Người giao tiếp quyết đoán thể hiện quan điểm của bản thân một cách thẳng thắn, bảo vệ quyền lợi của mình sao cho không ảnh hưởng đến quyền lợi của bất kỳ ai khác. Điểm đặc trưng của người giao tiếp quyết đoán là họ tuyên bố thông tin xác thực và khách quan [không bị chi phối bởi những thành kiến, nhận định hoặc phán xét mang tính cá nhân], thể hiện bản thân một cách trực tiếp và chân thật, quan tâm đến cảm nhận và sự tiếp thu của những người mình đang giao tiếp. Trong các hoạt động giao tiếp hàng ngày, những người này thường biểu đạt phong thái tự tin, điềm tĩnh, chắc chắn, công bằng, nhất quán và thận trọng. Người giao tiếp quyết đoán cũng đồng thời cởi mở với những sự phê bình, phản biện, đàm phán và thương lượng.

Người nghe hoặc người tiếp nhận thông điệp thường có cảm giác yên tâm và tin tưởng vào những điều mà người giao tiếp quyết đoán truyền đạt. Họ nắm bắt được vị thế của mình trong cuộc giao tiếp, họ biết họ được lắng nghe, được quan tâm và tôn trọng.

2. Phong cách độc đoán [Aggressive]:

Người giao tiếp độc đoán thường chỉ tập trung vào nhu cầu của bản thân mình, không quan tâm đến nhu cầu và cảm nhận của những người họ đang giao tiếp. Họ bị chi phối bởi những niềm tin và quan điểm có tính chất vị kỷ, chẳng hạn như Tôi đúng, anh sai, Tôi sẽ đạt được điều mình muốn bằng mọi giá, và Nhu cầu của tôi quan trọng hơn nhu cầu của anh.

Phong cách giao tiếp này thường được đánh giá là có tính chất áp chế, hống hách hoặc đe dọa. Người giao tiếp độc đoán có thể được nhận diện thông qua tính cách bảo thủ, không thật tâm lắng nghe người khác, hành vi cắt ngang lời người khác hoặc lấn át họ, khiến người khác mất hứng hoặc làm bẽ mặt họ, dọa nạt hoặc công kích người khác để đạt được điều mình muốn.

Người nghe hoặc người tiếp nhận thông điệp từ người giao tiếp độc đoán thường rơi vào tình trạng bị tổn thương và không được tôn trọng, canh cánh nhiều nỗi lo sợ và buộc phải phòng thủ trước nguy cơ bị làm xấu hổ hoặc bẽ mặt vào bất kỳ lúc nào. Một số người khác luôn trong tâm thế chống đối, phản kháng, lảng tránh hoặc cô lập người giao tiếp độc đoán, hoặc tỏ ra đồng thuận nhưng phẫn uất trong lòng.

3. Phong cách thụ động [Passive]:

Trái với phong cách độc đoán, người giao tiếp thụ động tập trung vào nhu cầu và mối quan tâm của đối phương hơn nhu cầu của bản thân. Họ bị chi phối bởi những niềm tin và quan niệm như Người khác quan trọng hơn mình, Mình không được phép bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc thật của bản thân, hoặc Mình phải giữ hòa khí bằng mọi giá. Điểm đặc trưng của phong cách giao tiếp này là người giao tiếp mong muốn làm hài lòng đối phương hoặc những người xung quanh, níu giữ bầu không khí ôn hòa và phòng tránh mâu thuẫn bằng mọi giá.

Người giao tiếp thụ động thường dễ dàng thuận theo hoặc chịu khuất phục trước những ý kiến và mong muốn của người khác, không thể hiện suy nghĩ và cảm nhận thực sự của bản thân. Họ gặp khó khăn trong việc ra quyết định, hoặc không dám chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình. Họ thường chọn giải pháp đồng tình hoặc hành động theo mong muốn của người khác một cách không suy nghĩ, không thắc mắc. Người giao tiếp thụ động e ngại đối mặt trực tiếp với những vấn đề khó khăn hoặc mâu thuẫn phát sinh trong quá trình giao tiếp, hay xin lỗi dù không phạm lỗi. Họ thường nói chuyện bằng giọng nhỏ nhẹ, truyền đạt thông điệp một cách gián tiếp thay vì trực tiếp, và không là người đầu tiên chủ động lên tiếng về một vấn đề bất kỳ.

Người nghe hoặc người tiếp nhận thông điệp từ người giao tiếp thụ động thường dễ rơi vào trạng thái bối rối hoặc khó chịu vì họ không biết người nói muốn gì. Một số người nghe khác tranh thủ sự thụ động của người giao tiếp để đạt được quyền lợi hoặc mục đích cá nhân nhất định trong cuộc giao tiếp.

4. Phong cách gây hấn thụ động [Passive-Aggressive]:

Nhìn từ bên ngoài, người giao tiếp gây hấn thụ động trông có vẻ tương tự người giao tiếp thụ động; nhưng kỳ thực, họ âm thầm đáp ứng những nhu cầu và mục đích của bản thân thông qua những cách thức gián tiếp. Phong cách giao tiếp này chịu sự chi phối của những niềm tin chẳng hạn như Tôi không thể nói ra điều mình nghĩ, nhưng tôi sẽ chỉ cho anh biết, hoặc Tôi sẽ làm anh hài lòng, nhưng anh sẽ phải hồi đáp tôi vào một dịp khác.

Người giao tiếp gây hấn thụ động gặp khó khăn trong việc thừa nhận và biểu lộ những cảm xúc nóng giận hoặc tiêu cực của bản thân; điều này khiến họ thường xuyên sống trong cảm giác bế tắc hoặc bất mãn vì không thể bày tỏ nỗi lòng, không thể đối diện với xung đột và trực tiếp giải quyết nó. Vì thế, họ sử dụng những cách thức có tính chất giật dây đằng sau cánh gà để kiểm soát cảm giác bất lực của bản thân; do vậy, họ thường vô tình khiến người nghe bối rối hoặc làm giảm hiệu quả của cuộc giao tiếp bởi những dự định không rõ ràng của mình. Điểm đặc trưng của người giao tiếp gây hấn thụ động là sự thiếu nhất quán giữa biểu hiện bên ngoài và cảm xúc bên trong, chẳng hạn như họ cười trong khi đang giận dữ. Họ có thể là những kẻ độc đoán và hung hãn ngấm ngầm, với một số đặc điểm nhận dạng khác như giễu cợt, giả tạo, hai mặt và không đáng tin cậy. Mỗi khi không thể giao tiếp thẳng thắn với đối phương, người giao tiếp gây hấn thụ động sử dụng những biện pháp truyền thông điệp một cách gián tiếp như lan truyền tin đồn và thị phi, dùng sự im lặng để bày tỏ thái độ bất mãn, hoặc càm ràm với bản thân.

Cũng vì người giao tiếp gây hấn thụ động thường trong ngoài bất nhất, thiếu sự minh bạch trong những gì mình nói và làm, người nghe hoặc người tiếp nhận thông điệp thường rơi vào trạng thái bối rối, cảm thấy bị tổn thương, giận dữ hoặc ức chế.

Việc nắm vững bốn phong cách giao tiếp trên giúp chúng ta hiểu hơn về bản thân, đồng thời nhận thức được rõ ràng hơn phong cách giao tiếp của người khác. Một khi bạn thấu hiểu phong cách giao tiếp của chính mình, bạn sẽ dễ dàng nhận diện được mặt hạn chế, những khía cạnh cần được khắc phục hoặc điều chỉnh để tiến bộ hơn. Và một khi kỹ năng giao tiếp của chúng ta được cải thiện và nâng cao, điều này sẽ giúp chúng ta duy trì và củng cố các mối quan hệ của mình hiệu quả hơn, giảm thiểu những sự căng thẳng và lo âu gây ra do mâu thuẫn trong giao tiếp, đáp ứng được nhu cầu của bản thân và đạt được những mục tiêu mình mong muốn./.

* Nguồn bài viết: Involve Psychology

* Người dịch:

~ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế [Master of International Business]
Admin blog cá nhân Sức khỏe và Nghệ thuật sống:
//phannguyenkhanhdan.wordpress.com/

.

Share this:

Related

  • Trả lời câu hỏi độc giả: Địa chỉ đăng ký học KRAV MAGA và điều kiện theo học
  • February 27, 2017
  • In "KRAV MAGA Nghệ thuật tự vệ cận chiến"
  • MUSIC FOR STUDYING Âm nhạc có giúp chúng ta học tập hiệu quả hơn?
  • October 6, 2021
  • In "Quản lý cảm xúc"
  • KRAV MAGA Tinh hoa võ thuật Do Thái trong Kinh Doanh và trong Cuộc Sống
  • September 24, 2016
  • In "KRAV MAGA Nghệ thuật tự vệ cận chiến"

Video liên quan

Chủ Đề