Tại sao ung thư phải cạo đầu

Để bắt đầu đợt hóa trị, những nữ bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu trong Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương phải cạo trọc đầu, bỏ đi mái tóc dài quý giá của người con gái.

  • Leo lét những số phận bé bỏng trong viện Huyết học

Trong hành lang tại Khoa điều trị hóa chất trên tầng 7 của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, vừa bước chân đến bàn đón tiếp chúng tôi đã nhìn thấy ngay tấm biển ghi: Công trình thanh niên - Điểm cắt tóc miễn phí phục vụ bệnh nhân. Phía trong có hai chiếc gương được gắn ở hai bên tường, đối diện nhau. Thời gian “phục vụ” vào khoảng thời gian từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30 thứ Năm hàng tuần và các thợ cắt tóc “không chuyên” không ai khác chính là các y bác sĩ trong bệnh viện.

Lúc 4 giờ chiều, các y tá trong khoa đến từng phòng bệnh hỏi xem có bệnh nhân nào cần cắt tóc hay không. Công việc này diễn ra hàng tuần ở tất cả 8 khoa điều trị bệnh nhân trong viện Huyết học, trước đó bệnh nhân sẽ đến đăng ký vào sổ cắt tóc miễn phí.

Các bác sĩ cho chúng tôi biết, việc cắt tóc sẽ giúp bệnh nhân giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tóc sẽ không rụng gây mất vệ sinh đồng thời ngăn tình trạng nhiễm trùng do không gội đầu cũng như vệ sinh cá nhân hàng ngày. Và quan trọng là nó sẽ giảm bớt gánh nặng tâm lý của bệnh nhân khi mỗi ngày chứng kiến từng túm tóc của mình bị rụng xuống, nhất là đối với bệnh nhân nữ. Ở Viện, tất cả bệnh nhân điều trị nội trú nếu có nhu cầu cắt tóc. Cắt tóc “ kiểu” hay ‘húi trọc” đều được các y bác sĩ đáp ứng và hoàn toàn không mất tiền.


Bệnh nhân sẵn sàng chờ cắt tóc.


Mẹ con chị Trương Thị Mai dìu nhau đến khu vực cắt tóc.


Dụng cụ cắt tóc đã được các bác sĩ chuẩn bị đầy đủ.

Khi ghế, khăn choảng, kéo, lược, tông đơ đã sẵn sàng, từ trong các phòng, những bệnh nhân cần cắt tóc lần lượt đi ra. Từ một phòng bệnh ở cuối hành lang,Trương Thị Mai [quê Bắc Giang] được mẹ dìu cất từng bước nặng nề đến khu vực cắt tóc. Mai nhập viện đã được hơn 1 tháng. Trước khi nhâp viện điều trị, bệnh tình cô khá nặng, đến nay sau khi truyền thuốc bệnh cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực.


Sau gần 1 tháng hóa trị, tóc của Mai đã rụng nhiều.

Gương mặt Mai còn rất mệt mỏi, xanh xao. Mái tóc dài của cô chỉ còn lơ thơ trước trán và sau gáy, phần đỉnh đầu thì đã rụng hết, còn trơ phần da. Người phụ nữ có vẻ ngoài còn rất trẻ này đã trải qua bao sóng gió, vất vả trong cuộc đời. Trước kia, cô là một công nhân may, thu nhập không cao nhưng khá ổn định. Cuộc sống của hai vợ chồng và cô con gái êm đềm trôi qua cho đến ngày tai ương ập đến. Hai vợ chồng Mai ly dị vì không hợp nhau, cô con gái năm nay 9 tuổi về sống với cha.

Đúng trong giai đoạn khó khăn ấy, sức khỏe cô đột nhiên suy sụp nặng. Một thời gian dài, thấy sức khỏe con gái vẫn không hồi phục, mẹ cô là bác Nguyễn Thị Thơm liền đưa chị lên bệnh viện tỉnh Bắc Giang để chữa mà không khỏi, chạy vạy lo chữa Đông y cho con nhưng vẫn không ăn thua. Cuối cùng, mẹ già phải dìu dắt con lên Hà Nội chữa bệnh. Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, các bác sĩ chẩn đoán cô bị hội chứng thực bào tế bào máu, là bệnh khó điều trị bệnh và hay tái phát, bệnh nhân phải truyền nhiều đợt hóa chất kéo dài.




Bác sĩ Lưu Thị Bạch Yến cẩn thận cắt từng lọn tóc....




... rồi dùng tông đơ cạo đầu cho Mai.

Mai vừa ngồi lên ghế thì nữ y tá Lê Thị Thủy Tiên cất tiếng gọi thêm một người nữa: “Phương Anh đâu rồi nhỉ?”. Từ trong những bệnh nhân xếp hàng chờ cắt tóc, một em gái đang độ tuổi đến trường chạy lại, nhanh chóng ngồi vào ghế. Dù đang bị bệnh tật hành hạ, trên gương mặt cô bé 17 tuổi vẫn đầy nét tươi tắn, linh hoạt.


Phương Anh chỉ mới 17 tuổi nhưng đã mắc căn bệnh hiểm nghèo.

Trước khi bắt đầu cắt, chị y tá quay ra hỏi:“Em lấy đuôi tóc không?”. Thấy Phương Anh khẽ gật đầu, y tá Yến cắt một lọn tóc dài ở sau gáy đưa cho Phương Anh rồi bắt đầu dùng tông đơ để cắt trọc đầu cho em. Chỉ 15 phút sau, mái tóc dài của em đã được gọt sạch. Phương Anh đưa tay lên xoa nhẹ phần đầu không còn một sợi tóc rồi nhìn xuống lọn tóc trên tay thoáng chút trầm ngâm. Rời khỏi ghế để dành chỗ cho người tiếp theo, em cầm lọn tóc bước về phía mẹ, rồi hai mẹ con cùng bước nhanh về phòng bệnh.




Dù phải cạo trọc đầu, Phương Anh vẫn tỏ ra mạnh mẽ và lạc quan.


Từng lọn tóc của thiếu nữ 17 tuổi rơi xuống sàn.






Bác sĩ đã cắt xong tóc cho Phương Anh.


Những lọn tóc quý giá được Phương Anh giữ lại.


Cô gái bé nhỏ tỏ ra rất lạc quan, kiên cường.


Ánh nhìn xa xăm, u buồn của mẹ Phương Anh.


Trong khi đó, y tá Lưu Thị Bạch Yến vẫn đang cắt cho Mai. Vì sức khỏe cô khá yếu nên các bác sĩ phải làm chậm hơn. Đôi mắt Mai nhìn vào khoảng không xa xăm khi chiếc tông đơ lướt trên đầu, từng ngọn tóc rơi xuống phía trước mặt. Đường cạo cuối cùng đã xong, cô nhìn vào mái đầu trọc lóc trong gương với vẻ bình thản. Nhưng cách đó chỉ vài bước chân, người mẹ già cố kìm nén mà không thể ngăn được dòng nước mắt lăn dài vì thương con.


Một bệnh nhân nam chờ được cắt tóc.




Còn mái tóc của Trương Thị Mai đã được cạo sạch.


Mẹ Mai không thể kìm được nước mắt vì thương con.


Bác Thơm dìu con về phòng bệnh sau khi cắt tóc xong.

Chúng tôi đến giường bệnh của Phương Anh để hỏi thăm bệnh tình của em. Thật không ngờ, một cô bé 17 tuổi nhanh nhẹn, xinh xắn lại mắc phải căn bệnh ung thư máu quái ác. Em sẽ phải trải qua từ 6 đến 8 lần truyền thuốc hóa chất để điều trị diệt tế bào ung thư. Trong quá trình điều trị có thể có nhiều biến chứng, đặc biệt là tình trạng bệnh có thể tái phát sau khi kết thúc điều trị bệnh. Tuy vậy, em vẫn rất yêu đời và chưa hề từ bỏ ước mơ. Phương Anh hồn nhiên chia sẻ: “Em đang học lớp 11, giờ phải tạm nghỉ học để điều trị. Bao giờ khỏi bệnh, em sẽ quay trở lại lớp học để chuẩn bị ôn thi Đại học. Em muốn được học ngành Tài chính ngân hàng, sau này tìm công việc kiếm được nhiều tiền cho bố mẹ đỡ khổ”.


Chị Trần Thị Thành, mẹ Phương Anh mắt rơm rớm nước khi nghe con nói. Cô chia sẻ: “Đã mấy tháng nay, cô phải nghỉ việc để đưa con đi chữa bệnh. Ở nhà chỉ còn chồng làm thợ xây, cáng đáng chi phí sinh hoạt của cả nhà và tiền thuốc men cho con gái. Cũng may là Phương Anh có thẻ bảo hiểm, nên chi phí thuốc thang, điều trị giảm được khá nhiều”.


Trong Viện huyết học có rất nhiều bệnh nhân nữ có số phận kém may mắn
giống như Mai và Phương Anh.


Y tá Lưu Thị Bạch Yến chia sẻ: “Đây là công việc trước kia chúng tôi chưa từng làm bao giờ, kể cả ở ngoài đời thường cũng như khi đi học trong trường y. Nhưng qua thực tế công việc chăm sóc bệnh nhân hàng ngày, chứng kiến cảnh bệnh nhân bị rụng tóc sau khi truyền thuốc mà lại không muốn đi ra ngoài quán cắt tóc. Một phần vì đường xa ngại đi, phần nữa là vì bệnh nhân mặc cảm với mái tóc đang bị rụng nham nhở. Và điều họ sợ nhất là người ta không cắt cho mình vì sợ lây bệnh tật".

Trầm ngâm giây lát, y tá Lưu Thị Bạch Yến nói tiếp: “Lúc chúng tôi mới bắt đầu học cắt tóc cho bệnh nhân cũng bỡ ngỡ nhiều vì chưa bao giờ cầm kéo hay tông đơ cắt tóc. Nhưng chúng tôi đã cố gắng hết mình với mong muốn giúp đỡ các bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân là nữ. Chúng tôi hiểu rất rõ nỗi buồn của một người phụ nữ khi phải cắt bỏ cả mái tóc dài mà bao nhiêu năm nuôi dưỡng tóc mới có được. Chúng tôi vẫn thường động viên bệnh nhân: “Rồi tóc mới sẽ mọc lại đẹp hơn tóc cũ bây giờ””.



Bác sĩ Vũ Quang Hưng là người tiên phong cầm kéo và tông đơ cắt tóc cho bệnh nhân tại Viện. Bác sĩ cho biết, công trình điểm cắt tóc miễn phí này là sáng kiến của Đoàn Thanh niên khối Lâm sàng. Sau khi đề xuất đưa ra đã được Ban lãnh đạo và Đoàn thanh niên Viện hết sức ủng hộ, đầu tư kinh phí mua sắm dụng cụ cắt tóc.

Trải qua hơn 1 năm qua làm công việc này, bác sĩ Hưng đã tự tay cắt tóc cho biết bao bệnh nhân. Anh tâm sự: “Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nữ khi cắt tóc đã không thể cầm được nước mắt, nhìn từng tụm tóc rơi xuống sàn mà òa khóc. Những lúc như vậy, chúng tôi đau đớn vô cùng. Có lần, một nữ bệnh nhân trẻ đến từ Sơn La rất muốn giữ lại mái tóc của mình. Sau khi cắt xong, cô gái nói với mẹ: “Mẹ hãy giữ tóc của con để đến khi con chết thì đội tóc này cho con nhé”. Và cứ thế cả mẹ con cùng ôm nhau khóc, tôi cũng không thể kìm được nước mắt”.

Video liên quan

Chủ Đề