Tâm trạng của tác giả trong bài Hồi hương ngẫu thư là gì

1. Tìm hiểu chung

- Hạ Tri Chương [659 – 744], tự Quý Chân, người quê Vĩnh Hưng thuộc Việt Châu [nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc]. Ông từng đỗ tiến sĩ, làm quan, được vua đường Huyền Tông rất vị nể. Sau 50 năm sinh sống, học tập, làm quan tại kinh đô Tràng An, ông xin về quê làm đạo sĩ.

Hạ Tri Chương giỏi về văn từ, có tài hùng biện, kiến thức uyên bác, có trí nhớ đặc biệt, thích uống rượu, tính tình hào phóng. Ông là bạn vọng niên với Lý Bạch. Ông hơn Lý Bạch trên bốn chục tuổi nhưng hai người như hai người bạn rất thân. Hạ Tri Chương cùng với Trương Húc , Trương Nhược Hư , Bão Dung được người đương thời là Ngô trung tứ sĩ [bốn danh sĩ đất ngô].

Hạ Tri Chương còn để lại 20 bài thơ, trong đó bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê là nổi tiếng nhất.

- Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê gồm hai bài, được ông sáng tác khi từ quan về thăm nhà sau hơn hai mươi năm xa cách. Bài thơ được chọn để học là bài thứ nhất. Để hiểu sâu sắc bài thơ, có thể tham khảo bài thứ hai dưới đây.


Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa Cận lai nhân sự thiếu tiêu ma Duy hữu môn tiền Kính hồ thuỷ Xuân phong bất cải cựu thời ba [Quê nhà xa cách đã bao thu Nhân sự gần đây đã xác xơ Riêng có kính hồ bầy trước cửa Gió xuân không đổi sóng thời xưa]

- Trần Trọng Kim dịch]

2. Những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật
a. Nội dung

Cùng có chung chủ đề là tình cảm quê hương như bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh của Lý Bạch nhưng bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê của Hạ Tri Chương lại có nét đặc sắc riêng.

Bài thơ bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của tác giả sau bao năm xa cách, nay được trở về thăm nhà, qua đó người đọc thấy được tình cảm quê hương thiết tha, sâu nặng của nhà thơ. Tình cảm quê hương thể hiện trước hết ở ngay nhan đề: “ngẫu thư” là ngẫu nhiên sáng tác, không có ý định trước, không có sự chuẩn bị trước, cảm xúc bất chợt đến và ghi lại. Điều đó chứng tỏ tình cảm quê hương luôn thường trực, luôn canh cánh, đau đáu trong lòng nhà thơ, nên ngay phút giây đầu trở lại quê nhà cảm xúc đã trào dâng, tự nhiên buột ra thành lời, thành ý. - Hai câu thơ đầu nêu hoàn cảnh về quê qua lời kể kết hợp với tả nhưng lại bộc lộ cảm xúc, tâm trạng. Ở hai câu thơ này, phương thức thể hiện là biểu cảm qua tự sự, biểu cảm qua miêu tả, mục đích không phải để kể, không phải để tả mà là bộc lộ nỗi niềm tâm trạng. Một tâm trạng có phần ngậm ngùi. Ngậm ngùi vì thời gian xa quê quá dài, xa quê từ khi còn trẻ, về quê khi tuổi đã già, khoảng cách giữa trẻ - già, giữa “li gia”- “hồi hương” là hơn nửa thế kỉ li biệt. Càng ngậm ngùi hơn khi cuối đời mới về quê thì sống với quê hương, ở tại quê nhà, thời gian còn được là bao! Tình cảm quê hương đặc biệt sâu sắc ở câu thơ thứ hai. Để nhận ra điều này, cần thấy được mối quan hệ giữa cái đổi thay và điều không thay đổi. Cái đổi thay là “tóc mai đã rụng”. Thời gian làm thay đổi con người về tuổi tác, sức lực. Điều không thay đổi là “giọng quê” vẫn như xưa. Thời gian không thể làm thay đổi giọng nói mang đặc điểm ngữ âm quê cha đất tổ của con người. “Giọng quê không đổi cũng có nghĩa là tình cảm quê hương bền vững trước thời gian, trước mọi biến thiên của xã hội, cuộc đời. “Giọng quê không đổi” cũng có nghĩa là quê hương đã trở thành máu thịt của con người. Hai câu thơ đầu là lời tự hoạ về chính mình, tự hoạ bên ngoài về tuổi tác, giọng nói, tự hoạ bên trong là tình cảm quê hương gắn bó tha thiết bền chặt. - Hai câu thơ cuối nêu lên một hoàn cảnh đầy kịch tính, qua đó càng thấy hơn tình cảm quê hương sâu nặng của nhà thơ. Sự xuất hiện của các em nhỏ trong ngày tác giả về lại quê nhà là cảnh ngộ chân thực nhưng đồng thời tạo ra hoàn cảnh đầy kịch tính. Chân thực ở chỗ, nơi làng quê, khi có người lạ tới, các em nhỏ thường hồn nhiên vui cười chào hỏi, hoặc chỉ đường, hoặc kéo đến nhà để biết người đó là ai...Lại cũng rất chân thực ở chỗ, Hạ Tri Chương về quê lúc đã 86 tuổi, sau hơn nửa thế kỉ xa quê, bạn bè, người thân xưa kia dễ còn mấy ai và nếu còn thì đâu đã dễ nhận ra, nói gì đến các em nhỏ mới lớn. Tuy nhiên, hoàn cảnh lại chứa đầy kịch tính khi các em nhi đồng “tương kiến” [cùng gặp mặt] nhưng “bất tương thức” [cùng không quen biết] và càng kịch tính hơn khi mình là người làng mà nay hoá thành “khách”. Chính kịch tính này làm nổi bật lên tình cảm quê hương của tác giả. Trước nụ cười ngây thơ, trong sáng và câu hỏi hồn nhiên của các em nhỏ: “Khách ở chốn nao lại chơi?”, nhà thơ bỗng thấy ngậm ngùi, thậm chí có phần xót xa. Nhìn hình thức bên ngoài thì hai câu cuối là lời kể mang sắc thái đùa vui hóm hỉnh, nhưng ẩn trong cái “hài” là cái “bi”. Không ngậm ngùi, xót xa sao được khi giờ đây mình trở thành kẻ xa lạ với chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Không ngậm ngùi xót xa sao được khi chủ nhà lại thành khách xa, khách lạ? Chữ “khách” đã trở thành nhãn tự của bài thơ. Một chữ “khách” mà diễn đạt được những sắc thái tình cảm của tác giả trong ngày mới về lại quê nhà. Tính chất bi hài của câu cuối thể hiện tâm trạng ngậm ngùi, xót xa “cười ra nước mắt”, càng khắc hoạ rõ hơn tình cảm quê hương thiết tha, sâu nặng của Hạ Tri Chương.

b. Nghệ thuật

Bài thơ có cấu tứ [cách tổ chức ý thơ] độc đáo: giữa hai câu thơ đầu và hai câu thơ cuối có sự chuyển biến ý thơ bất ngờ mà vẫn hợp lí, tự nhiên. Hai câu thơ đầu nêu hoàn cảnh về quê qua lời kể kết hợp với tả, giọng điệu tự thuật. Hai câu thơ cuối nêu lên một hoàn cảnh đầy kịch tính, cũng qua lời kể kết hợp với tả, lời thơ mang sắc thái đùa vui, hóm hỉnh nhưng bộc lộ nỗi lòng đầy ngậm ngùi, xót xa. Sự ngậm ngùi, xót xa là nền tâm trạng của cả bài. Ý thơ của hai câu thơ đầu đều xây dựng trên nền tâm trạng ấy. Tác giả không trực tiếp bộc lộ tình cảm mà giọng điệu câu thơ mang nỗi niềm tâm trạng. Chính vì vậy mà ý thơ càng kín đáo sâu sắc thì lại càng có sức gợi mạnh mẽ. - Nghệ thuật đối được sử dụng linh hoạt có hiệu quả lớn: Ở hai câu thơ đầu đều có phép đối trong một câu thơ [còn gọi là tiểu đối hoặc tự đối]: “Thiếu tiểu li gia”/ “lão đại hồi”; “Hương âm vô cải”/ “mấn mao tồi”. Nhà thơ không câu nệ việc đối lời [số chữ trong hai vế đối của câu thơ không bằng nhau: 4/3] mà coi trọng sự đối ý. Về phương diện này thì phép đối rất chỉnh: thiếu tiểu đối với lão, li gia đối với đại hồi; hương âm đối với mân mao; vô cải đối với tồi. Bao trùm lên tất cả sự tương phản giữa cái đổi thay [mái tóc] và điều không thay đổi [giọng nói quê hương]. Tác giả đã lấy hồn quê. Nghệ thuật đối làm nổi bật lên tình cảm quê hương thiết tha, sâu nặng: con người sau hơn nửa thế kỉ xa quê mà giọng quê không đổi thì chứng tỏ chất quê nhà, hồn quê nhà đã thấm vào máu thịt, tình quê hương không lúc nào phai. - Thủ pháp nghệ thuật “ngụ bi ư hài” [gửi cái bi vào trong cái hài]: ở hai câu thơ cuối, hình thứ bên ngoài là lời kể kết hợp với tả, mang giọng điệu đùa vui hóm hỉnh nhưng tận đáy lòng là nỗi ngậm ngùi, xót xa.

3. Ý nghĩa

- Tình quê hương thiết tha, sâu nặng của người xa quê khi trở lại quê nhà

- Tình quê hương là một trong những tình cảm bền vững, thiêng liêng nhất của con người

Quê hương- nơi chôn nhau cắt rốn, nơi lưu giữ bao hồi ức tuổi thơ tươi đẹp vẫn luôn có một vị trí quan tọng trong lòng bất cứ người con nào. Đặc biệt là ở những người con xa quê, quê hương chính là điểm tựa, là nguồn sức mạnh để con người ta có thể vượt qua khó khăn, gian khổ. Ước mong duy nhất của họ là có được một lần về quê, về thăm lại cội nguồn của mình. Nhưng còn gì đau đớn hơn khi trở về mà như một khách lạ, khi thấy mình không thuộc về nơi ấy nữa. Đó chính là cảm xúc của Hạ Tri Chương khi ông viết bài thơ “Hồi hương ngẫu thư”. Trong chương trình Ngữ Văn 7, các bạn sẽ được tiếp cận và cảm nhận tác phẩm này. Tuy là thơ Đường nhưng bài thơ rất dễ cảm nhận, bám vào từ ngữ và câu thơ để phân tích tâm trạng của người trở về. Bốn câu thơ sẽ thể hiện rất rõ con người và tâm hồn tác giả cũng như những tài hoa của câu chữ thơ Đường. Sau đây sẽ là bài viết tham khảo của các bạn trước khi viết, Chúc các bạn học tập tốt!

Cùng với Đỗ Phủ, Lí Bạch, Bạch Cư Dị, … Hạ Tri Chương là một trong nhà thơ đã góp phần làm nên thành công của thơ Đường. Thơ ông viết không nhiều nhưng những câu thơ ông để lại đều là những hạt ngọc sáng dành cho hậu thể đời sau. Một trong số những bài thơ ấy, có thể kể đến “Hồi hương ngầu thư” viết về tâm trạng thi nhân trở vê quê sau bao năm xa cách:

  • “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
  • Hương âm vô cải, mấn mao tồi
  • Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
  • Tiếu vấn:” khách tòng hà xứ lai”.”

Là người thích uống rượu, tính tình phóng khoảng, Hạ Tri Chương còn giỏi về văn từ với tài hùng biện, kiến thức uyên bác và trí nhớ đặc biệt. Thơ ông không cần đài các cao sang, Hạ Tri Chương chủ trương đưa những hình ảnh, ngôn từ bình dị, mộc mạc của cuộc sống nóng hổi vào trong thơ. Bài thơ “hồi hương ngẫu thư” được viết từ tận đáy lòng nhà thơ, là những cảm xúc chân thật khi thi nhân về thăm lại quê nhà sau bao nhiêu năm xa cách và nhung nhớ.

Hai câu thơ đầu đã nói lên tâm trạng của tác giả khi vừa đặt chân đến mảnh đất quê hương:

  • “Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
  • Hương âm vô cải, mấn mao tồi”.

Ngay câu thơ đầu là lời tự bạch của tác giả về cuộc đời mình: xa quê từ khi còn rất trẻ mà khi trở về thì đã già. Khoảng thời gian ấy đã tạo nên bao sự đổi thay: tuổi tác, con người, địa vị, … Chỉ có nơi quê nhà là vẫn thế! Thủ pháp đối lập: “đi- về”, “trẻ- già” cho thấy sự chảy trôi thời gian đã tạo nên bao thay đổi về con người. “Hương âm” vẫn “vô cải”, giọng quê, tiếng nói quê hương vẫn như ngày nào, vẫn mang cái hồn xa xưa của con người nhưng “mấn mao tồi”- mái đầu kia đã nhuốm màu sương pha. Đằng sau đó là bao nhiều bao tố phong ba, bao nhiêu lo toan cuộc sống của một kẻ làm tôi, là trách nhiệm của người làm quan với dân, với nước và với cuộc đời. Hai câu thơ là sự xoay chuyển của thời gian và sự nguyên vẹn trong tấm lòng của người con xa quê với mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.

Đến hai câu thơ sau lại là tâm trạng của con người bị gọi là “khách” trên chính mảnh đất quê hương của mình:

  • “Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
  • Tiếu vấn:” khách tòng hà xứ lai?””

Lẽ thường, đứa con quê hương khi trở về thường có cảm xúc vui mừng, sung sướng. Còn với Hạ Tri Chương lại là cảm giác ngỡ ngàng, hụt hẫng và cả cái chua chát, xót xa khi một ngày, mình trở thành người xa lạ trên chính mảnh đất mình thân thương và mong nhớ nhiều nhất: “khách tòng hà xứ lai?” Tiếng cười và câu hỏi vô tư của đứa trẻ là sự lễ phép và hiếu khách đúng mực. Nhưng tiếng cười ấy càng vô tư bao nhiêu thì lòng người “khách lạ” kia lại càng đau đớn bấy nhiêu. Thời gian và sự xa cách đã đánh mất tuổi thơ ông, đánh mất mối liên hệ của ông với cội rễ quê hương. Câu thơ trầm lắng mà tình thơ thì xôn xao, những đợt sóng lòng cứ dâng lên không dứt. Đó không chỉ là sự ngậm ngùi, xót xa trước sự hồn nhiên của trẻ nhỏ mà còn là tiếng thở dài, hối hận. Ở vị trí của một kẻ bề tôi, một con dân của đất nước, ông đã làm tròn trách nhiệm của mình:

  • “Làm trai đứng ở trong trời đất
  • Phải có danh gì với núi sông”
  • [Nguyễn Công Trứ]

Năm mươi năm cống hiến không mệt mỏi giang sơn xã tắc và thời Thịnh Đường đã chứng minh cho tài năng và tấm lòng của Hạ Tri Chương. Nhưng ở góc độ một đứa con của quê hương, ông lại chưa làm tròn bổn phận của mình. Câu hỏi cuối bài vẫn xoáy sâu vào lòng tác giả, vào lòng người đọc về lẽ sống, gắn bó với quê hương, với tuổi thơ và cội nguồn của mình.

Bài thơ sử dụng yếu tố kể, tả và biểu cảm một cách nhuần nhuyễn, nghệ thuật đối hiệu quả cùng với cách xây dựng tình huống độc đáo, éo le để thể hiện tâm tư của thi nhân. Qua đó, tác giả đã thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc và nồng nàn của người con sau bao ngày xa cách.

Đọc bài thơ, ta hiểu thêm về tình yêu quê hương. Tình yêu ấy, không phân biệt lứa tuổi, lãnh địa, và có ở khắp mọi người, mọi nơi.

Nguồn wikisecret.com

Video liên quan

Chủ Đề