Thị trường mắc ca hiện nay

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mắc ca vào thị trường Nhật

Trong tuần qua, thêm một tin vui đối với xuất khẩu nông sản của nước ta đó là lô hạt mắc ca đầu tiên của Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - đây nổi tiếng là thị trường tiêu dùng cao cấp và khắt khe, nhất là đối với các sản phẩm từ nông nghiệp. Vì vậy, việc đưa được mắc ca vào thị trường Nhật cũng đồng nghĩa với cơ hội đã rộng mở hơn cho xuất khẩu mắc ca ra thế giới.

Sau hơn 8 tháng đàm phán và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật của đối tác, lô sản phẩm 6 tấn hạt mắc ca sấy khô của Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, Đắk Lắk đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản.

"Đáp ứng được các thủ tục của hai bên về chất lượng các mẫu test gửi sang đúng với quy định của bên Nhật Bản họ yêu cầu. Sau đó chúng tôi gửi lô hàng mẫu", bà Nguyễn Thị Thu Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương, Đắk Lắk cho hay.

Ông Takuro Ohtsuka - Giám đốc Công ty TNHH Olty, Nhật Bản nhận xét: "Tôi thấy hạt mắc ca của Việt Nam không thua kém gì về chất lượng so với hạt mắc ca của Úc hay phía Nam châu Phi được bán tại Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản hiện nay tiêu thụ rất mạnh hạt mắc ca nên tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để chúng ta hợp tác trong lĩnh vực này".

Thị trường mắc ca hiện nay

Hạt mắc ca Việt Nam sẽ được phân phối tại 180 siêu thị bán lẻ tại Nhật Bản từ 1/12/2022. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

Với việc lô sản phẩm đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, sẽ là mở ra nhiều cơ hội cho hạt mắc ca vươn ra thế giới. Bởi Nhật Bản là đối tác quan trọng trong các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và cũng là thị trường tiêu thụ mắc ca lớn trên thế giới hiện nay.

"Khi mắc ca đã vào được thị trường khó tính như Nhật Bản thì cơ hội để chúng ta đến với các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Mỹ sẽ rất thuận lợi và như nằm trong tầm tay. Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu để sản phẩm mắc ca càng vươn xa hơn", ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk cho hay.

Sau khi đến Nhật Bản, từ ngày 1/12 tới đây, hạt mắc ca sấy khô sẽ được phía đối tác bày bán tại 180 siêu thị ở các thành phố lớn của Nhật Bản. Dự kiến, tháng 2/2023, Công ty Olty cũng sẽ đưa hạt mắc ca Nguyên Phương tham gia chương trình triển lãm về thực phẩm lớn nhất tại Nhật Bản; đồng thời giới thiệu và phân phối hạt mắc ca Việt Nam đến nhiều nhà bán lẻ trên khắp đất nước này.

Dư địa thị trường mắc ca còn lớn

Được biết Nhật Bản cũng là một trong những thị trường tiêu thụ hạt mắc ca lớn nhất thế giới và nhu cầu mắc ca thế giới hiện cao gấp 4 lần tổng sản lượng. Đây sẽ là cơ hội cho các nước trồng và xuất khẩu mắc ca trong đó có Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca trên thế giới ngày càng tăng, dự báo đến 2025 thị trường cần khoảng 220.000 tấn nhân, tương đương 850.000 tấn hạt tươi. Ở Việt Nam, dư địa mở rộng thị phần của mắc ca tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức còn lớn.

Ngoài ra, so với nhiều nước xuất khẩu hạt mắc ca lớn trên thế giới tại khu vực châu Phi và Nam Mỹ thì Việt Nam có lợi thế hơn khi đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường nhập khẩu.

Mục tiêu xuất khẩu trên 100 triệu USD từ mắc ca 

Thị trường mắc ca hiện nay

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trồng được 130.000 - 150.000 ha mắc ca, xuất khẩu trên 100 triệu USD các sản phẩm từ hạt mắc ca. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.

Với việc mắc ca Việt Nam chinh phục thêm được thị trường mới, là cơ hội cho sản phẩm có đầu ra tốt hơn, giá cả cao hơn và như vậy thu nhập của bà con trồng mắc ca cũng sẽ tăng lên.

Hiện cả nước đã có 29 tỉnh trồng được mắc ca với diện tích hơn 20.000 ha. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trồng được 130.000 - 150.000 ha mắc ca, xuất khẩu trên 100 triệu USD các sản phẩm từ hạt mắc ca.

Năm ngoái, sản lượng mắc ca đạt hơn 8.000 tấn hạt nguyên vỏ - một sản lượng rất nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao trong nước cũng như thế giới.

Cùng với việc phát triển diện tích, nâng cao sản lượng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị - đó sẽ là yếu tố quan trọng tăng tính cạnh tranh cho mắc ca Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!